Tình yêu - giới tính 2013-01-24 05:24:50

Làm đĩ - Truyện Ngắn ( Nguồn đề cập trong truyện)


Làm đĩ


Tác giả: Thùy An


Trời đã bắt đầu tối. Con đê dẫn về làng trở nên heo hút trong cái màu đen sẫm cứ dần buông xuống. Hơn chục năm xa quê, tôi cứ ngỡ khi trở về thì mọi thứ sẽ đổi khác, chẳng gì nền kinh tế cũng đá khấm khá hơn xưa. Nhưng làng tôi vẫn thế. Vẫn cái bụi tre mà ngày nhỏ con trai bọn tôi thường hay vác dao đi chặt giữa trưa hè nắng gay nắng gắt về làm phốc, bọn con gái thì chặt những tay tre nhỏ về chơi đánh chuyền. Cái ao đầu làng vẫn chưa được lấp đi mặc dù quanh năm chẳng ai dùng đến cái thứ nước đen đen bởi không biết bao nhiêu loại nước thải vẫn thải ra đó. Duy chỉ có con đường gạch gồ ghề nay đã được đổ lại bằng bê tông.

Lần trở về này, cảm xúc của tôi lạ kỳ lắm, chẳng giống như những ngày mới lên thành phố rồi tháng nào cũng đạp xe cả trăm cây số về nhà cho đỡ tốn tiền xe. Cả gia đình tôi đã lên thành phố ở, thế nên người thân duy nhất của tôi ở cái làng quê hẻo lánh này có lẽ chỉ còn thằng Hải đen, thằng bạn đi tát vẹt cùng tôi ở hết vũng này đến vũng khác, hay sáng sáng chạy qua nhà gõ cộc cộc vào cái cổng tre gọi tôi đi học. … nguồn : Vnmon.Com …Hai thằng chúng tôi đi đâu làm gì cũng có nhau cho đến khi nó tuyên bố bỏ học ở nhà phụ mẹ làm ruộng kiếm tiền lo cho gia đình, còn tôi thì một mình đạp xe lên phố huyện học cấp ba, rồi ra thành phố học đại học, rồi du học và cuối cùng quay trở về sống cùng bố mẹ ở thủ đô, lập gia đình, sống một cuộc sống lặng lẽ bên những dự án lớn nhỏ.

Căn nhà mái bằng cuối cùng cũng hiện ra trước mắt tôi. Điện bật sáng đến tận cổng nên tôi có thể nhìn thấy cái dáng cao cao, hơi thô cứng của Hải đen cứ đi đi lại lại trước cửa, chốc chốc lại nhìn ra ngoài. Tôi đẩy cổng bước vào trong. Thằng bạn nhìn thấy tôi thì mừng rỡ chạy ào ra đỡ lấy va li và đưa cho con. Rồi nó lôi xềnh xệch tôi ra bể nước mưa và bảo.

- Rửa mặt mũi đi đã rồi muốn nói gì thì nói. Tao cứ tưởng mày không về.
- Tao đã báo trước rồi thì làm sao không về được chứ?
Cuối cùng thì tôi và Hải cũng ngồi bên mâm cơm. Nó xoa đầu thằng con trai khoảng sáu bảy tuổi và giới thiệu một cách tự hào.

- Con trai tao đấy. Cháu tên Tuấn Tú. Sở dĩ tao đặt tên này là vì hồi đẻ ra nhìn nó khôi ngô giống mày quá, nên mày đừng giận nếu như nó trùng tên mày nhé!
- Mày không phải thanh minh ba cái chuyện ấy làm gì. Tôi nói – Thế mới biết mày còn nhớ đến tao. Bà xã mày đâu?
- À, vợ tao làm giáo viên nhưng kiêm luôn chức hội trưởng hội phụ nữ thôn. Hôm nay họp hành gì đấy. Kệ đi. Tao với mày càng có nhiều cơ hội để nói chuyện riêng.

Sau bữa cơm tối, tôi với Hải lên trần nằm cho mát. Trăng sáng vằng vặc hệt như cái hồi tôi còn ở quê. Tự nhiên tôi thấy nhớ những ngày yên bình ấy quá. Đoạn, Hải hỏi tôi.

- Ông bà già mày khỏe không? Con Thương em mày giờ làm gì? Lập gia đình chưa?
- Bố mẹ tao khỏe, giờ ở nhà trông cháu thôi. Con Thương lấy chồng mấy năm nay cũng có một đứa con trai. Nhà nó ở gần nhà tao nên nó gửi con bên nhà cho ông bà chăm sóc hộ. Vợ tao đi làm cho công ty nước ngoài nên cũng bận. Thành thử ra phải thuê thêm người giúp việc đỡ đần ông bà…

- Thế là được rồi. Thấy mày ổn định như vậy tao cũng mừng cho mày. 
Nói xong Hải im lặng, nó ngửa mặt lên trời, mắt lim dim. Chợt nhớ ra mục đích chính của chuyến hồi hương lần này, tôi ngồi bật dậy và hỏi.
- Xuyến giờ ra sao hả mày?
- Nó lên thành phố lâu rồi mày không biết sao? Im lặng một hồi, Hải thở dài - Cuộc đời Xuyến cũng lắm gian truân. Mà mày vẫn còn nhớ Xuyến?
- Ừ, tao chỉ muốn gặp và xem cô ấy sống ra sao thôi.

Hai thằng đang nói chuyện về Xuyến thì vợ Hải về, thế nên chúng tôi đành xuống dưới nhà. Hôm sau tôi đi sớm. 
Ngồi trên ô tô, tôi bỗng nhớ lại gương mặt trái xoan xinh xắn có má núm đồng tiền của Xuyến. … nguồn : Vnmon.Com …Ngày ấy, Xuyến là đứa con gái xinh nhất làng, rất chăm chỉ, chịu khó, chỉ có điều Xuyến không có bố và hay bị làng xóm dè bỉu là con hoang nên Xuyến không dám tiếp xúc với ai. Sau lần tôi bị ngã chảy máu chân được Xuyến băng bó thì ba đứa tôi, Xuyến và Hải đen trở nên thân thiết với nhau hơn. Từ ngày ra thành phố học đại học cho đến tận bây giờ thì tôi dường như không còn tin tức gì của Xuyến, có điều, trong lòng vẫn giữ lại tình cảm trong trẻo với người bạn gái năm nào. 

Đêm qua Hải kể cho tôi về Xuyến. Mẹ Xuyến bạo bệnh không có tiền chạy chữa. Đúng lúc ấy, trên huyện có người đàn bà dẫn theo thằng con trai về hỏi xin cưới Xuyến. Nếu Xuyến đồng ý họ sẽ chu cấp tiền chữa bệnh cho mẹ cô. Ban đầu Xuyến không chịu vì thấy thằng con trai mặt mũi bặm trợn nhưng rồi càng ngày sức khỏe mẹ càng yếu dần nên Xuyến buộc phải đồng ý. Đám cưới diễn ra chóng vánh và Xuyến có tiền chạy chữa cho mẹ. Nhưng chẳng được bao lâu thì mẹ cô cũng qua đời vì bệnh quá nặng.

Ở với nhà chồng, Xuyến bị bắt làm như người ở, quần quật từ sáng tới tối. Chồng Xuyến nay cờ mai bạc rồi gái gú và chỉ trở về nhà đến khi say mèm. Những lúc giận dữ, say xỉn gã lại lao vào hành hạ Xuyến và rồi một ngày, người nhà chồng Xuyến ra đường chửi đổng lên rằng Xuyến bỏ nhà theo trai lên Hà Nội…

Không mấy khó khăn để tôi tìm được đến nơi Xuyến ở theo như địa chỉ mà Hải đưa trong một lần nó chở hàng cho khách và nhìn thấy Xuyến. Khi tôi đến, rất đông người ồn ào túm tụm trước cửa một căn nhà hai tầng nằm trên một con phố ở khu Mỹ Đình. Bên ngoài, đám người lố nhố xì xào bàn tán, còn bên trong tiếng quát tháo, chửi bới, cãi qua cãi lại inh ỏi cả lên. Tôi cũng cố ngó vào trong và ngay lập tức nhận ra Xuyến, vẫn dáng người gầy gầy, trắng trẻo với má núm đồng tiền nhưng cách ăn mặc thì chẳng còn là Xuyến của trước đây nữa. 
Người đàn bà tay chống nạnh chỉ vào mặt Xuyến.

- Cái loại đĩ còn già mồm.
- Bà tưởng bà hơn con đĩ này sao? Giọng Xuyến chua ngoa - Tôi nói cho mà biết, thằng chồng bà nó đi cặp bồ cặp bịch cũng vì bà không biết làm cho nó sướng. Thế nên bà về mà xem lại mình đi đã, đừng có đến đây làm ầm lên.
- Mày lấy tiền của bà mà còn la làng thế à con kia? Người đàn bà hét lên.
- Ăn bánh thì phải trả tiền. Nếu không muốn thì bảo thằng chồng bà đừng có mò xác đến đây tìm tôi nữa.
Nói hết câu Xuyến đi vào nhà và đóng sập cửa lại, bỏ lại người đàn bà trong cơn giận dữ điên cuồng đang nằm vật ra khóc lóc. Một lát sau đám người cũng dần giải tán.
Tôi rẽ vào quán nước gần đó. Chưa kịp đưa chén nước lên miệng thì bà cụ bán quán chép miệng.
- Khổ thân con bé, nay bị đánh ghen, mai bị đánh ghen.
- Sao lại thế hở cụ? Tôi lân la hỏi.
- Anh ạ, ở đời có ai là được hạnh phúc trọn vẹn đâu. Con bé cũng khổ…


Tôi bán nước ở đây từ trước cái ngày cô ấy thuê lại nhà của người ta. Ban đầu cũng khổ lắm. Cô ấy ở chung với nhóm đi làm thuê trong cái khu nhà ổ chuột lụp xụp ven cái con sống thối, hết đi buôn đồng nát lại đến làm thuê làm mướn, nhưng đi đâu cũng bị bắt nạt, làm nhục. Mà ở đời khổ quá, nhục quá lại thành chai sạn và có khi khiến con người ta dần mất đi cái bản chất hiền lành vốn có…

Tôi đặt chén nước xuống bàn và chăm chú lắng nghe. Cụ bán nước nói tiếp.

- Chính cái hôm trời bất chợt đổ mưa lớn, trong khi đang dọn hàng quán, tôi thấy cô ấy xanh xao, nhợt nhạt và rồi ngất xỉu ngoài đường. Tôi đưa cô ấy về nhà tôi ở trong ngõ. Sau khi ăn hết bát cháo, cô ấy bỗng òa khóc nức nở. Gặng hỏi mãi mới biết cô ấy được người ta thuê dọn nhà theo ngày. Thấy được trả công cao mà công việc không vất vả lắm nên cô ấy đồng ý. Ai ngờ thằng chủ nhà dở thói đốn mạt…

Nói đến đây thì cụ không nói thêm nữa vì có khách mới vào. Tôi cũng trả tiền rồi đứng dậy. Tần ngần mãi rồi tôi cũng quyết định bấm chuông cửa. Xuyến mặc một bộ đồ ngủ màu trắng bằng lụa, khoác tạm thêm chiếc áo ngoài bước ra mở cửa. Có vẻ không nhận ra tôi nên sau khi đóng cửa lại, Xuyến bảo tôi ngồi ở ghế đợi để cô ấy đi tắm, trước khi đi vào trong Xuyến đẩy về phía tôi một tờ giấy được ép plastic có mép đã bong và quăn lại.
Đặt va li sang một bên, tôi đưa mắt ngắm nghía căn phòng một lượt. Nó thật chẳng khác gì một cái phòng ngủ đơn giản, có chăng là thêm cái tủ lạnh mini với cái bộ bàn ghế bằng gỗ ép tôi đang ngồi. Nhìn xuống bàn, ánh mắt tôi chạm tờ giấy Xuyến đưa ban nãy. Tôi đẩy gọng kính lên rồi mới đọc. Ôi, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đi bao nhiêu nước châu Âu, châu Á mà tôi cũng chưa một lần thấy cái gọi là “bảng giá” như thế này bao giờ. Đủ cả. Đang bàng hoàng trước tờ giấy như menu mà người ta vẫn để trong quán cà phê thì Xuyến bước ra. Mùi nước hoa sộc lên mũi làm tôi thấy hơi khó chịu. Xuyến ngồi lên giường, mái tóc buông xõa còn ướt ở ngọn, lạnh lùng hỏi tôi.

- Anh chọn xong chưa? 
- Xong rồi. Tôi đáp - Tâm sự thôi.
- Tâm sự à? Xuyến hỏi lại với giọng ngạc nhiên - Được rồi, năm mươi nghìn một tiếng theo đúng bảng giá nhé, không bớt.


- Vậy chờ tôi thay đồ.

Xuyến mặc một chiếc quần vải màu đen dài chấm gót với chiếc áo cộc tay ôm sát ngắn đến thắt lưng. Nhìn Xuyến mà tôi thấy trong lòng có chút hụt hẫng. Xuyến chẳng còn là cô gái trong sáng vẫn in hằn trong tâm trí tôi với mái tóc đen dài tết đuôi sam hai bên, lúc nào cũng dịu dàng e ấp như một đóa hoa trinh nữ. Đối diện với Xuyến sau đúng mười hai năm xa cách, tôi có cảm giác như trước mặt mình là một con người hoàn toàn khác. Nếu gặp ngoài đường, có lẽ tôi sẽ chạy trốn, bởi tôi không muốn tin rằng Xuyến của tôi đã đổi thay nhiều như thế. 
Xuyến lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

- Mười phút rồi đấy. Anh không định nói gì sao? Tôi tưởng anh cần tâm sự?
- Xuyến, Xuyến không nhận ra Tú sao?
Người đàn bà trước mặt tôi ngỡ ngàng, gương mặt hoàn toàn biến sắc. Cô nhìn tôi trân trân và bỗng nhiên nước mắt chảy dài. Phải lâu lắm cô mới cất giọng run run.
- Anh Tú… Lẽ nào là anh?
- Ừ, là tôi đây Xuyến.
- Sao anh đi lâu thế? Xuyến đứng dậy bỏ ra giường, ngồi quay lưng lại với tôi như thể đang giận dỗi.
- Tôi… tôi đi học xa Xuyến ạ!
Tôi không biết đã phải mất bao lâu để tôi và Xuyến có thể ngồi lại với nhau. Giọng Xuyến trùng xuống.
- Anh chắc khinh ghét em lắm đúng không? Số em nó thế, chẳng thể hơn được anh ạ!
- Nhưng sao Xuyến không tìm công việc khác mà làm?

- Ở đâu cũng bị người ta ôm ấp, vuốt ve, sờ soạng rồi cả làm nhục mà chẳng được gì, thế nên em mới nghĩ ra cách kiếm tiền kiểu này. Không có học thì ai người ta thuê chứ? Đi đâu em cũng thấy người ta bảo, có nhan sắc mà không có học thì làm đĩ cho xong, vừa nhàn hạ mà lại có tiền tiêu… Giọng Xuyến nghẹn đắng - Em đau khổ lắm nhưng thôi em cố, một vài năm nữa có tiền dành dụm em sẽ tìm cái gì đó để làm. Ở thành phố đến bán nước chè cũng phải quen biết, phải có bảo kê. Thế nên em sẽ tính dần dần anh Tú ạ!
- Xuyến… bao năm qua anh vẫn nhớ em. Anh thực sự rất…
- Anh Tú. Xuyến ngắt lời tôi - Nhìn anh là em biết cuộc sống của anh hiện tại như thế nào rồi, đừng nhắc lại chuyện cũ làm gì anh ạ! Em hiểu là được.
- Anh sẽ tìm cho em một công việc phù hợp. Anh không muốn em làm công việc này nữa.
Xuyến nhìn tôi một hồi rồi gật đầu.

Trở về nhà sớm hơn dự kiến khiến cả nhà hơi ngạc nhiên nhưng tôi vẫn tỏ ra vui vẻ nên không ai hỏi gì nhiều ngoài bố mẹ hỏi về gia đình Hải. Chẳng gì trước kia nhà nó với nhà tôi cũng là hàng xóm của nhau. 

Sau mấy ngày quay trở lại làm việc và hỏi một vài chỗ, cuối cùng em gái tôi cũng tìm được một chân bán hàng ở một siêu thị nhỏ cho Xuyến. Nghe tôi kể lại, con bé nhất định đòi tôi cho đi gặp Xuyến nên trưa hôm nhận được điện thoại thông báo của em gái, hai anh em liền hẹn nhau rồi đi ngay buổi trưa vì chiều tôi còn bận công việc.

Khi hai anh em đến nơi thì đập vào mắt chúng tôi là một tấm biển bằng bìa các tông với dòng chữ nguệch ngoạc “nhà cho thuê” . Tôi vội vàng chạy ra chỗ bà cụ bán nước hôm nọ và hỏi.
- Cụ ơi! Cụ cho cháu hỏi cô Xuyến…
- Anh là người hôm trước ngồi đây đúng không? Bà cụ ngắt lời tôi. Tên anh là Tú?
- Dạ vâng đúng rồi ạ!

- Cô ấy gửi anh cái này. Nói đoạn cụ lần túi áo được gài cẩn thận bằng kim băng và đưa ra cho tôi một tờ giấy gấp kỹ.
Những ngón tay tôi run run khi mở từng nếp gấp. Từng dòng chữ nắn nót của Xuyến hiện ra “Anh Tú! Em xin lỗi vì đột ngột đi mà không báo cho anh. Sở dĩ em lên Hà Nội kiếm sống một phần cũng là để tìm anh, nay gặp đựơc anh rồi thì em cũng chẳng còn mơ ước gì thêm nữa. Em hiểu tình cảm anh dành cho em và điều đó đã an ủi em rất nhiều. Đừng tìm em nữa nhé! Em không muốn xen vào cuộc sống vốn đang bình yên của anh. Và cũng không xứng với anh nữa. Anh giữ gìn sức khỏe và chăm sóc gia đình thật tốt, đó mới là điều anh nên làm lúc này.”

Tôi thẫn thờ nhìn căn nhà một lần nữa và mường tượng ra cảnh đánh ghen hôm trước, lòng thắt lại. Trời nổi gió. Hôm qua thời tiết báo bão. Tôi mở máy nhắn tin cho vợ “Chiều đi làm em nhớ mang theo áo mưa. Anh sợ hôm nay có mưa to đấy”


Hết 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)