Chuyện lạ 2013-06-09 18:01:52

Làm giàu từ con sâu


Kỳ quái chuyện nuôi sâu để làm giàu

Trong khi người nông dân đang đối mặt với tình trạng sâu gây hại mùa màng và tốn tiền mua thuốc phòng trừ, thì một số người lại lấy việc nuôi… sâu để mưu sinh.



Thâm nhập giới nuôi sâu

Có thể nói, thú chơi sinh vật cảnh ở Phú Yên đang thịnh hành hơn bao giờ hết. Không chỉ ở TP Tuy Hòa, thú chơi này còn lan đến những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở khu vực nông thôn. “Dịch vụ ăn theo” thú chơi chim, cá cảnh ra đời, nhằm thỏa mãn nhu cầu của dân chơi.

Theo dân chơi sinh vật cảnh, các loại chim, cá cảnh hạng “xoàng xoàng” giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng thường chỉ được ăn thức ăn công nghiệp, còn các loại chim, cá cảnh quý hiếm, có giá hàng triệu đồng thì phải ăn đồ tươi sống. Như cá rồng hay chim họa mi có giá hàng chục triệu đồng mỗi con, thì ngoài việc trang bị một chiếc bể, lồng có giá trị tương xứng, chuyện ăn uống của chúng là cả một vấn đề. “Chim cảnh phải ăn côn trùng tươi sống thì mới đẹp mã và hót hay; cá quý thì suốt ngày bơi lội tung tăng”, ông Huỳnh Ngọc Thanh ở phường 3 (TP Tuy Hòa), một người chơi chim, cá cảnh trên mười năm nay, cho biết như vậy.


Thế nhưng, không phải ngày nào cũng bắt được côn trùng để “phục vụ” nhu cầu ăn uống của chim, cá cảnh. Vậy là nghề nuôi sâu xuất hiện. Theo những người chơi cá cảnh, một con cá rồng trị giá vài chục triệu đồng, riêng tiền mua côn trùng mỗi tháng lên đến 500.000 - 700.000 đồng, trong đó món khoái khẩu nhất của loại cá được cho là có khả năng đem tài lộc đến cho gia chủ chính là sâu tươi.

Một người bạn chuyên chơi chim mách với tôi, muốn biết nơi nào nuôi sâu, hãy đến nơi bán sâu mà tìm hiểu. Thường, các cơ sở bán chim, cá cảnh kiêm luôn bán thức ăn và các dụng cụ khác. Ngay tại TP Tuy Hòa, dân chơi chim và cá cảnh có thể dễ dàng mua cho mình vài ba ký sâu nếu có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Trí, chủ một điểm kinh doanh chim cảnh kiêm bán sâu ở phường Phú Lâm, cho biết: “Để có sâu bán cho dân chơi chim cảnh, hàng ngày tôi mua sâu từ một cơ sở nuôi sâu của bà Y. ở đường Lê Lợi, TP Tuy Hòa. Hết hàng, cứ gọi điện, chưa đầy một giờ sau là có ngay. Một ký sâu gạo đến tuổi “xuất thịt” khoảng 1.500 con, giá 70.000 đồng. Một ngày tôi bán chừng 2-3 kg sâu tươi”.

- Sao anh không nhân giống sâu mà bán? - Tôi hỏi.

Ông Tri lắc đầu: - Nuôi sâu có lãi, nhưng phải có diện tích đất rộng, riêng biệt với khu dân cư, tránh khả năng sâu thoát ra ngoài và phải có phương pháp nuôi mới mang lại hiệu quả. Tôi chỉ bán lẻ sâu thành phẩm thôi.

Theo lời ông Tri, tôi tìm đến nhà bà Y. trên đường Lê Lợi. Không khó để tìm nhà, bởi bà được nhiều người biết bởi nghề nuôi sâu. Dân bán sâu nói cơ sở nuôi sâu của bà Y. vào loại lớn ở Phú Yên. Bà Y. tiết lộ: “Việc nuôi sâu không cần đăng ký với chính quyền địa phương hay cơ quan thú y gì cả và cũng không thấy ai đến kiểm tra”.

Do tôi vào vai một người muốn bán lẻ sâu phục vụ chơi chim, cá cảnh ở huyện Đông Hòa nên câu chuyện giữa tôi và bà Y. càng lúc càng rôm rả. Bà Y. bưng ra một chiếc thau nhựa đựng sâu, giới thiệu: Loại này có tên là sâu gạo, nhỏ bằng cây tăm xỉa răng, màu nâu, dùng để cho chim ăn. Ngoài ra, tôi còn bán sâu Indo to bằng đầu đũa dùng để cho cá cảnh ăn. Sâu gạo 70.000 đồng/kg, sâu Indo 170.000 đồng/kg, tiêu thụ trong cả tỉnh. Các mối ở khu vực TP Tuy Hòa thì giao hàng tận nơi, còn ở xa thì gửi xe hoặc khách hàng đến cơ sở nhận sâu. Nếu muốn làm điểm bán lẻ sâu phục vụ dân chơi chim, cá cảnh thì phải biết các thủ thuật nuôi để sâu mập và có độ bóng, như cho sâu ăn chuối chín, dưa chuột vào ban đêm.

“Ở đây chỉ là điểm cung cấp sâu cho khách hàng, còn cơ sở nuôi thì ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Sâu giống để cho sinh sản được nhập về từ TP Hồ Chí Minh, còn xuất xứ từ đâu thì không biết. Sâu giống to bằng đầu ngón tay cái của người lớn, có thể đẻ liên tục cả tháng”, bà Y. cho biết thêm.

Tiếp tục tìm hiểu nghề nuôi sâu phục vụ thú chơi chim, cá cảnh của dân chơi, tôi tìm đến cơ sở nuôi sâu của ông N. ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Trong gian phòng rộng chừng 40m2 có tới chục chiếc thùng đựng sâu. Tôi lạnh gáy và sởn da gà khi tận mắt nhìn thấy nhung nhúc trong những chiếc thùng to toàn là sâu.

Loại sâu mà ông N. nuôi giống hệt loại sâu tôi mua tại điểm kinh doanh chim cảnh và sâu của ông Tri ở phường Phú Lâm. Sâu có thân hình tròn, màu nâu nhẵn bóng, hai hàm răng như hai gọng kìm. Chúng lổn ngổn, con chui lên, con bò xuống tìm kiếm thức ăn. Độ dày của chiếc thùng nuôi sâu phải đến ba, bốn phân, mỗi thùng chứa cả vài chục ngàn con. Sâu được chia ra từng lứa, đủ kích cỡ, từ bằng cây kim, cây tăm cho đến đầu đũa.

Ông N. cho biết, sâu được nuôi tại cơ sở của ông là sâu gạo và sâu Indo. Nghe hỏi về nguồn gốc hai loại sâu này, ông N. lưỡng lự: “Tôi mua con giống từ TP Hồ Chí Minh về, sau đó nuôi, cho đẻ và bán ra thị trường. Từ lúc sâu con nở đến khi bán mất khoảng 3 tuần”. Khi trưởng thành, chúng dài khoảng 2-4cm và rất phàm ăn, chúng xơi từ lá cây cho đến cám gạo, cám bắp, hoa quả các loại… Sâu được tiêu thụ khắp tỉnh.

Nguy cơ gieo mầm hiểm họa?

Ông Huỳnh Ngọc Thanh cho biết, dân chơi chim, cá cảnh khi mua sâu về thường để dành cho chim, cá ăn dần, chứ không phải ngày nào cũng đi mua, bởi chúng có thể sống được cả tháng. Sâu thường được nhốt tạm trong thùng, thau nhựa, nhiều khi không được đậy nắp.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, một người chơi cá cảnh ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nói: “Mua sâu về nhiều lúc sơ ý, trẻ con tinh nghịch để sâu sổng ra ngoài là chuyện bình thường”. Còn theo lời bà Y., những loại sâu mà bà đang nuôi và bán tuy phàm ăn nhưng không “thọ”. Bằng chứng là lâu nay, sâu sổng ra ngoài vài giờ sau là chết vì thiếu thức ăn.

Theo quy định của ngành Nông nghiệp, khi nhập khẩu hoặc vận chuyển bất cứ một sản phẩm, cây con nông, lâm nghiệp nào đều phải có giấy kiểm dịch. Điều này nhằm phòng tránh nguy cơ các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm có thể theo cây trồng, hoa quả xâm nhập và sinh sôi trong môi trường mới. Thế nhưng, theo lời chủ các cơ sở nuôi và bán sâu trên địa bàn tỉnh, việc làm này không cần đăng ký sản xuất, kinh doanh với cơ quan chức năng. “Không chỉ không thấy đi kiểm tra, cán bộ thú y còn đến… xin sâu về cho chim, cá cảnh của họ ăn nữa là”, bà Y. nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lại cho biết, chi cục đã từng kiểm tra các cơ sở nuôi, bán sâu trên địa bàn TP Tuy Hòa. Qua kiểm tra, những loại sâu mà các cơ sở đang nuôi và bán không gây hại gì đến môi trường nên không xử lý.

Loại sâu được nuôi để phục vụ dân chơi chim, cá cảnh ở Phú Yên không còn lạ lẫm với một số người, thế nhưng chắc chắn một điều chúng thuộc nhóm sâu phàm ăn. Mặt khác, chúng đã quen với việc sống ở mật độ dày đặc, hàng trăm, hàng ngàn con, liên tục vận động tìm kiếm thức ăn trong cái thùng nhỏ hẹp, với vòng đời một tháng. Nếu chúng lọt ra ngoài, với bản tính phàm ăn đó, e rằng nhiều loại thực vật khó mà thoát khỏi chúng. Vì thế, việc nuôi và bán các loại sâu này rất có thể sẽ gieo mầm hiểm họa đối với những vùng rau màu trong tỉnh.

Dư luận cho rằng, ngành chức năng cần phải xem xét tính gây hại của những loại sâu này. Nếu chúng không gây hại gì thì vẫn cho phát triển để phục vụ nhu cầu thị trường, còn nếu có hại thì cần chấm dứt ngay. Và câu chuyện về con ốc bươu vàng, rùa tai đỏ được nhập vào Việt Nam, đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành Nông nghiệp - là bài học đắt giá từ việc dễ dãi, mất cảnh giác với “những kẻ nhập cư”.
 
Nguồn từ : Thiên Đường Cá Cảnh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)