Chả bù cho một số teen, cơ thể cứ thay đổi “rõ mồn một”, nhưng một số teen khác lại “ăn không ngon, ngủ không yên” vì "chị" dậy thì vẫn chưa chịu ghé thăm.
Hic, vừa tủi thân, vừa chán và vừa cảm thấy lo lắng làm sao ấy! Hoang mang tột đỉnh luôn. Không biết bản thân mình có bệnh gì không mà "chị' dậy thì ấy cứ đến “đủng đỉnh” với mình quá chừng? Đã 15 tuổi rồi, nhưng mình có khác gì một cô bé, cậu bé lên 10 đâu. “Chán như con rán” ấy. Đôi lúc thấy ngượng mặt và xấu hổ với chúng bạn thậm tệ.
Nói thực nhé, lúc đầu thấy cơ thể các bạn phát triển cứ ngày một “đâu vào đó” hết, mình cũng cười khẩy và vui vui. Nghĩ rằng đến muộn chút mình chỉ sướng hơn thui. Đỡ phải mấy cái vụ “lằng bà nhằng” phiền toái với việc phải mang theo băng vệ sinh trong cặp phòng trừ những ngày đèn đỏ tới. Hoặc khi tới ngày ấy thì thi thoảng lại phải ngó trên ngó dưới xem quần của mình có bị “chấm đỏ” không? Rõ là lắm phiền toái, ghét ghê cơ.
Nhưng giờ thì có vẻ chậm trễ quá rùi, rõ là mình đang bị “chậm nhớn”, giờ thì chỉ thấy lo lắng thui, chả thấy có chút cảm giác hay ho nào khi cô nàng dậy thì ấy “quên” ghé thăm mình gì cả.
Dậy thì muộn = càng đỡ phải phiền phức sớm?
Hic! Bạn lại đang giống trong tư tưởng “những ngày đầu” như trường hợp của mình rùi đấy. Bởi vì nguyên nhân của những dấu hiệu dậy thì không ghé thăm bạn cũng khá phức tạp phết. Đừng coi thường quá nha. Đây này, nguyên nhân khiến cơ thể bạn vẫn chỉ như một cô bé cậu bé 10 tuổi là do có thể bạn đang bị rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng. Cũng không loại trừ dị tật bẩm sinh ở buồng trứng, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, tình trạng sức khoẻ không tốt hoặc do gen di truyền dậy thì muộn của mẹ bạn đấy. “Chậm lớn” cũng sợ phết phải không và không thể “hí hửng” được nữa cơ?
Chưa hết đâu nhá, ngoài những bệnh tình kể trên thì chính các teen cũng phải tự “nghía” lại coi thân thể mình có quá “dây leo” không, có vận động quá nhiều hằng ngày không hoặc có bị bệnh đường ruột mãn tính hay có thiếu máu không…Thậm chí, bạn phải xem lại xem bạn có là những cô bé, cậu bé “khểnh ăn” không nữa. Ui, nói chung là đủ thứ bệnh có thể liên quan để gây nên chứng dậy thì muộn ở bạn đấy.
Nhân tiện đây, cũng xin thông báo một tin “chả lấy gì làm vui vẻ” cho các teen “chậm lớn”. Đó là trong nhiều trường hợp teen chậm nhớn dù đã sốt sắng đi khám thì với một số trường hợp bác sỹ còn không thể phát hiện được một nguyên nhân nào của hiện tượng này cơ. Rõ chán đúng không teen nhỉ?
“Chậm lớn” = phải làm thía nào?
Ngó qua thằng bạn ngồi bên phải, bạn cũng thấy nó đang bị vỡ tiếng ồm ồm đến là “bùn cười”. Ngó lên bàn trên thì mấy cô bạn cùng tổ mặt cứ trắng hồng, thân thể dạo này phổng phao xinh xắn hẳn lên. Thấy mà thèm “được lớn” quá, vậy mà mong mãi rùi, sao vẫn chả chịu lớn thía? Làm sao không lo lắng được chứ, tuổi dậy thì đến muộn kia ơi?
Lo lắng vì “chậm lớn” thì teen nào cũng có. Nhưng trong khi cố gắng đợi tuổi dậy thì đến, bạn đừng giữ kín nỗi lòng mình nhá để rùi lại cảm thấy nặng nề và bế tắc hơn nhé. Người đầu tiên bạn có thể chia sẻ nỗi lo lắng, ngờ vực này chính là mẹ của bạn, sau đó là cô giáo và những người bạn gái thân thiết. Từ những chia sẻ của mọi người, bạn sẽ hiểu hơn vì sao nó đến muộn và càng nhẫn nại đợi nó đếm. Ngoài ra, khi đến lượt bạn lớn như thổi thì bạn sẽ biết ứng phó với những biến đổi của tuổi này ngay mà không có chút ngô nghê nào cả. Lợi cả đôi đường đúng không teen?
Khi đã kiên nhẫn đợi chờ đến hết tuổi 14- 15 rùi mà mà các teen vẫn chả thấy có dấu hiệu gì khác trước, vấn thấy mình là một cô bé, cậu bé con trong khi các bạn đã phát triển khá “tươm tất” roài, thì đó là lúc bạn cần phải có cuộc viếng thăm với bác sỹ. Đến bác sỹ, bạn sẽ được khám và phát hiện nguyên nhân dậy thì muộn để điều trị những bệnh này.
Các teen cũng đừng lo lắng quá, nếu sau khi đi khám phát hiện ra bệnh là khi ấy bạn bắt đầu có được sự dậy thì tự nhiên. Khi ấy thì chỉ cần quãng thời gian ngắn từ 1-2 năm sau là bạn có thể đuổi kịp ngay các bạn dậy thì trước. Điển hình cho sự “tăng tốc” và lớn lên “vùn vụt” này chính là tuổi dậy thì của các teenboy nhà ta đấy.