Quốc hoa Việt Nam hoàn toàn có thể là củ |
Ngay cả hoa dại Việt Nam cũng đẹp, có những bông hoa dại mà hình ảnh của nó đã gắn liền với quê hương xứ sở, đã đi vào thơ ca, đã in sâu trong lòng người dân Việt. Ai đã từng lớn lên cùng sông nước miền Tây khi đi xa chẳng rưng rưng nhớ bông điên điển, bông lục bình. Ai gắn bó với cao nguyên chẳng xốn xang nhớ những vạt dã quỳ vàng rực rỡ dưới trời thu xanh ngắt. Ai yêu vùng biên giới Đông Bắc chẳng lưu luyến nhớ những triền đồi hoa sim, hoa mua tím ngát mênh mang…
Quốc hoa là một từ chỉ khái niệm “hoa đại diện cho quốc gia”, còn thực tế quốc hoa không nhất thiết phải là hoa.
Quốc hoa hoàn toàn có thể là lá (như lá phong của Canada), là cây, là quả, là hạt… Miễn sao hình ảnh của nó truyền tải được cái tên quốc gia một cách sâu sắc nhất, chuẩn xác nhất.
Nhìn chiếc lá phong người ta hiểu “nước Canada”, nhìn bông mẫu đơn (loại mẫu đơn gắn trên mũ của “Hoàn Châu cách cách”) người ta hiểu “nước Trung Hoa”. Nhìn bông sen chắc chắn người ta hiểu “nước Ấn Độ”…
Để lựa chọn chính xác chúng ta phải hiểu được giá trị và ý nghĩa của quốc hoa :
- Là loại hoa (lá, cây, hạt, quả, hạt…) mang hình ảnh đất nước Việt Nam - nhất định là Việt Nam chứ không thể nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác. Nhìn thấy loại hoa đó là người ta nghĩ ngay đến Việt Nam. Đến Việt Nam là nhìn thấy loại hoa đó.
- Là loại hoa (lá, cây, hạt, quả, hạt…) gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển nước Việt Nam trong mọi lĩnh vực – trong đời sống nhân dân từ ngàn xưa đến nay, trong bản sắc văn hóa và truyền thống, trong kinh tế và du lịch, trong các lễ hội, trong nghệ thuật… trong lĩnh vực nào loại hoa đó cũng được ngợi ca, trân trọng, tôn vinh.
- Là loại hoa (lá, cây, hạt, quả, hạt…) mang đặc trưng hồn Việt Nam - có tạo hình, màu sắc, hương thơm đã in sâu vào tâm trí người Việt. Cho dù đi khắp năm châu chỉ cần nhìn thấy bông hoa đó, ngửi thấy mùi hương đó… là thấy hồn quê hương đất nước xúc động ùa về.
- Là loại hoa (lá, cây, hạt, quả, hạt…) mang phẩm chất con người Việt Nam, cho khát vọng và ước mơ của người Việt Nam. Mang lại hạnh phúc, tự hào, vinh quang cho người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
- Là loại hoa (lá, cây, hạt, quả, hạt…) có vẻ đẹp Việt Nam, hương thơm Việt Nam: đẹp khi tạo hình nghệ thuật (đen trắng, màu, khắc nổi, khắc chìm…) Đẹp khi đứng một mình, đẹp khi đứng một bó, đẹp khi cả một cánh đồng mênh mông… Đẹp khi còn non, khi trưởng thành, khi đơm bông, khi kết trái. Đẹp khi ở đồng bằng, đẹp khi ở miền núi, đẹp khi ở ven sông, đẹp khi ở ven biển… ở đâu cũng khiến người ta phải trầm trồ và rút máy ảnh ra chụp. Và đặc biệt là hương thơm của loại hoa đó cũng rất Việt Nam.
Và cây hoa đó ở Việt Nam chỉ có thể là CÂY LÚA NƯỚC - Bông hoa đó là BÔNG LÚA NƯỚC !
Lúa thơm từ lúc còn là ruộng mạ non xanh mướt, rồi khi lúa trổ đòng đòng, khi lúa ra hoa, khi những hạt non ngậm sữa, khi lúa chín vàng trĩu nặng cả bông, khi rơm rạ phơi nắng, khi mùi khói lam chiều, khi bát cơm thơm dẻo, khi gói cốm xanh mềm, khi đĩa xôi vừa chín, khi bánh chưng, bánh ú, bánh nếp, bánh bèo, khi bún, phở, bánh đa, bánh tráng… Bất kể khi nào lúa cũng ngát hương thơm riêng của mình, ngọt ngào và sâu lắng. Lúa kết tinh hương thơm của đất, của trời và cả những “giọt mồ hôi sa” của tình người cày cấy sớm hôm. Hương thơm của lúa gợi nhớ đến quê hương đất nước Việt Nam và làm rung động tâm hồn người Việt mọi thời đại.
Người nghệ sĩ viết nên các bài hát, bài thơ về cây lúa bao giờ cũng tràn trề cảm xúc trân trọng và yêu thương tha thiết:
Em hát câu ca ấy, lúa mùa này đơm bông
Hạnh phúc trên đôi tay, nơi anh đã gieo mầm… (Làng lúa, làng hoa)
Đồng xanh lúa rập rờn biển cả
Tiếng ai ru con ngủ ru hời
Đồng xanh lúa thẳng cánh bay cò bay… (Việt Nam quê hương tôi)
Lúa tháng 5 kén tằm vàng óng
Hạt khô giòn đem đóng thuế nông… (Lúa tháng 5)
Năm tấn thóc cả nước cùng đánh Mỹ… (Bài ca năm tấn)
Đôi ta yêu nhau cho lúa xanh màu
Cho thuyền vượt biển muôn trùng băng qua… (Tình ta biển bạc đồng xanh)
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần… (Bầm ơi)
Đồng quê hôm nay vui, vui với thóc lúa mới
Cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ !
Chàng trai xay xay xay, thôn nữ giã giã giã
Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng… (Bức họa đồng quê)
Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng.
Lúa không lo giặc về khi mùa vàng thôn quê.
Ngày mùa vui thôn xóm, đầy đồng giáo với gươm,
Súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang… (Ngày mùa)
Ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng ngập tràn những thảm lúa tươi đẹp nên thơ. Từ thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc đến cánh đồng thẳng cánh cò bay Nam Bộ. Từ đồng quê êm đềm bên lũy tre xanh miền Bắc đến dải lụa dọc suốt miền Trung biển xanh cát trắng… Đồng lúa nào cũng có sắc thái đặc trưng và đồng lúa nào cũng mang vẻ đẹp riêng của Việt Nam, rất rất Việt Nam. Đặc biệt là Tây Bắc với rừng núi uốn lượn trập trùng lớp lớp ruộng bậc thang đã trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế đến với Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái…
Cây lúa mỏng manh giản dị nhưng chứa đầy sức sống và nghị lực bất khuất kiên cường. Từ hạt thóc nhỏ xíu lúa vượt bùn đứng lên, rễ bám vào đất mẹ, gốc uống ngập phù sa, lá vút lên mạnh mẽ sắc nhọn, bông hút khí trời và tỏa hương thơm thảo dạt dào, luôn hết mình hiến dâng cho đời. Cây lúa là hiện thân của ước mơ no ấm, hạnh phúc, bình yên – đó chẳng phải là những khát vọng chân chính, trong sáng và cao đẹp của người Việt hay sao?
Đó chẳng phải là những giá trị cốt lõi và đích thực của thế gian hay sao? Bao đời nay cha ông ta đã đổ bao xương máu hy sinh để gìn giữ non sông, giành lại ruộng đất, bảo vệ cây lúa quê hương. Cây lúa đã được các thế hệ đi trước chọn in lên quốc huy cũng chính bởi ý nghĩa sâu sắc này.
Không phải quốc hoa nào trên thế giới cũng có thể đem cắm thành một bình hoa tươi để trang trí. Tiêu chuẩn này không cần thiết, vì hoa nào cũng có mùa và các loại hoa thân gỗ như anh đào (Nhật), chămpa (Lào), mẫu đơn (loại mẫu đơn trên mũ Hoàn Châu cách cách - Trung Quốc), dâm bụt (Malaisia), hoa muồng hoàng yến (còn gọi là lan nữ hoàng, bò cạp nước - Thái Lan)… cũng không đáp ứng được tiêu chí này. Thay vào đó người ta sử dụng những bức tranh, bức ảnh hay biểu tượng nghệ thuật khác để giới thiệu hình ảnh quốc hoa trong phòng khách. Và hình ảnh cây lúa không chỉ là khát vọng no ấm và bình yên mà còn gắn liền với nụ cười hân hoan được mùa của người nông dân Việt Nam - một nụ cười hạnh phúc thực sự, không cần gượng ép tạo dáng.
Hiện nay có nhiều ý kiến nghiêng về hoa sen hồng. Thực ra hoa sen là “Phật hoa” và các nước có đạo Phật đều yêu hoa sen, ca ngợi hoa sen, tôn vinh hoa sen vào top hoa cao quý nhưng cũng không chọn sen làm quốc hoa (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật, Malaisia… ). Ấn Độ đã chọn sen làm quốc hoa là rất chuẩn xác bởi nhìn hoa sen (bất kể màu gì, bất kể ở đâu) người ta sẽ liên tưởng đến đức Phật, đến Phật giáo, đến Ấn Độ - quê hương của đức Phật và cũng là nơi hình thành và phát triển đạo Phật.
Ở nước ta hoa sen còn là hình ảnh mùa hè, cũng như hoa cúc là đại diện mùa thu, hoa đào (hoa mai) là hình ảnh mùa xuân. Có thể nói hoa sen có nhiều ý nghĩa trong đời sống nhân dân ta ở khía cạnh nghệ thuật, hình ảnh ví von so sánh… cũng như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, cây trúc, cây tùng, cây lựu. Hoa sen có thêm ý nghĩa tâm linh nhưng là ý nghĩa chung của tất cả các quốc gia theo đạo Phật, không phải dấu ấn riêng của nước ta.
Ông cha tổ tiên chúng ta từ ngàn xưa đã tôn vinh cây lúa, coi cây lúa là vấn đề hàng đầu của cả dân tộc. Bằng chứng là các lễ hội cày cấy (lễ Hạ điền), lễ hội khi thu hoạch mùa (lễ Thượng điền), Tết cơm mới, lễ tạ ơn trời đất và cầu xin mưa gió thuận hòa cho mùa màng bội thu… đến nay vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Đất nước ta không thể thiếu cây lúa nước, chính cây lúa ấy đã nuôi nấng nhân dân ta, tạo ra tổ quốc ta. Cây lúa đã đi vào mọi mặt của đời sống, văn hóa, vật chất, tinh thần của người Việt bao đời nay – đời thường mà cao quý, mộc mạc mà thiêng liêng, khiêm tốn mà mạnh mẽ, bé nhỏ mà vĩ đại, yêu thương và dâng hiến – đích thực là quốc hoa của Việt Nam !
Cây lúa mang trong mình dấu vết dân tộc từ thủa sơ khai và thủy chung đến tận bây giờ. Các vua Hùng khai sinh đất nước đã chọn bánh chưng, bánh dày làm lễ vật thiêng liêng đại diện cho nhân dân mình, tổ quốc mình – đó chẳng phải là sự tôn vinh cây lúa hay sao ? Hàng năm chúng ta vẫn coi ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch là ngày quốc giỗ (quốc lễ) trọng đại của đất nước. Vậy thì cớ gì mà BÔNG LÚA – CÂY LÚA không phải là Quốc Hoa của Việt Nam chúng ta ?