(TT&VH Cuối tuần) - Lâu lắm mới có một kịch bản “cũ” như thế lại được người xem đón nhận với những cảm xúc mới mẻ như thế: Romeo và Juliet của đoàn kịch TNT vương quốc Anh (vừa diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội). Xem một vở diễn hàng kinh điển, đã diễn hơn 1.000 suất ở hơn 40 quốc gia trên thế giới mà tất cả chỉ gói trọn trong 9 con người: 6 diễn viên, 1 đạo diễn, 1 giám đốc sản xuất, 1 chuyên viên kỹ thuật, nhiều người có nhiều cảm xúc lắm. Riêng tôi thì “cảm” Romeo bụi đời - Dan Wilder (người vào vai Romeo trong vở diễn này), vì Romeo… đẹp trai, và hơn hết, Romeo của Dan bụi đời - cái trước thì đương nhiên, còn cái sau thì… không dễ có!
Ngồi ăn bún riêu ở chợ Bến Thành hay lê la ghé một hàng lề đường ở Thái Lan gặm cánh gà, xoải chân trong một tiệc đàn đêm ở Tây Ban Nha hay bước vào nhà hát thưởng thức ca kịch của Trung Quốc, hạnh phúc đó Romeo không có được, nhưng Dan thì hưởng hết rồi. Và thú vị ở chỗ anh vẫn được là Romeo trong những suất diễn hàng đêm. Hàng triệu lượt người xem tin điều đó, không chỉ bởi mái tóc xoăn, vàng, gương mặt tuấn tú, thân hình cao ráo Dan may mắn sở hữu chung với Romeo mà bởi sự thú vị anh mang lại cho nhân vật này, như cách anh quan niệm: “Tôi không tiếp cận để thể hiện, để diễn, chuyện tình nổi tiếng ấy đi qua và kích thích tôi bước ra từ chính bản thân mình”.
Dan Wilder trong vai Romeo trên sân khấu Việt Nam
Một phóng viên Việt Nam hỏi Dan: “Nếu Romeo không chết?”, anh cương quyết: “Sự nồng nhiệt và cá tính ấy sẵn sàng chết để đạt được điều mình mong muốn”, rồi tếu táo: “Nhưng nếu không chết, có lẽ anh ta sẽ… ly dị”. Có lẽ Dan trả lời giùm Romeo theo quan điểm cuộc sống của mình: “Life is fast, life is fun and life is free” (cuộc sống trôi qua nhanh, vui vẻ và tự do). Có lẽ vì biết cuộc đời nhanh nên anh tiếc nó sẽ bị “chôn” một chỗ, ý thức cuộc đời vui nên luôn muốn đào sâu cho bằng hết đến tận những “hang cùng, ngỏ hẻm” trong những chuyến đi xa. Và hiểu giá trị của cuộc sống tự do nên anh đã gác lại công việc kinh doanh bó hẹp mình trong khuôn khổ của văn phòng, giấy tờ… ở Anh, kể cả việc chơi guitar trong một ban nhạc khá danh tiếng, để đi đó đây bằng tài năng với kịch nghệ. Hai năm rưỡi nay, lưu trú từ khách sạn này qua khách sạn khác của nước Anh và hơn 40 quốc gia khác nhau, dù chưa có giấy tờ nào công nhận, nhưng Dan đã tự hưởng cái cảm giác “công dân thế giới”. Ngoài sự yêu mến của khán giả, Dan còn thấy tâm hồn nghệ sĩ luôn giúp anh cảm được những “lần đầu tiên” trong đời mình, với những sắc màu, mùi, vị, âm thanh… của hàng trăm nền văn hóa khác nhau. “Tôi là một nghệ sĩ, không phải một celebrity” (người nổi tiếng) - Dan khẳng định.
Anh chàng có vẻ còn đầy hứng thú khi nhắc đến cụm từ “cuốn gói và đi”. Cũng như đoàn kịch TNT thôi, Dan không có nhiều tiền trong túi, diễn ở chỗ này, lấy tiền để đi tiếp chỗ kia. Giữa cuộc họp báo, ông trưởng đoàn phân bua: “Kinh phí cho những chuyến đi tính tổng cộng là trên 700.000 Euro, nhưng đừng tưởng chúng tôi có từng ấy số tiền. Tiền đầu tư từ khán giả, chứ chúng tôi không bỏ vốn ra”. Dan giơ tay, giỡn hớt: “Tôi sẽ cho ông mượn 700.000 đồng”.
Hành trình của cả đoàn và của riêng Dan như một tấm thảm trải dài, cuộn lại và mở ra qua khắp mọi nơi trên thế giới, dạy cho họ những trải nghiệm với con người, thiên nhiên, văn hóa… khác nhau. Hôm nay “Romeo” mới đứng trong hoàng cung, trước mặt Hoàng tử Đức, ngày hôm sau chàng đã lang thang cùng với Juliet đến vùng đồng quê của đồng quê của Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ…. để thấy tận mắt nỗi khát khao nghệ thuật của những con người đối với anh là “lẩn khuất” giữa thế giới quá rộng lớn này.
Dan hỏi tôi: ở Việt Nam, có đoàn nghệ sĩ nào đi khắp nơi như vậy không?
Có chứ. Chàng trai Anh làm tôi miên man, thao thao về những gánh hát rày đây mai đó ở xứ mình ngày xưa. Cũng như anh vậy thôi, họ lang thang qua những vùng miền khác nhau của đất nước tôi, sống cuộc đời tự do, thong dong. “Ăn quán, ngủ đình” từ thực tế của những nghệ sĩ ngày xưa mà thành ra quen thuộc để chỉ những cuộc đời lang bạt bốn phương. Đâu đó, họ gặp nhau ở cái chất bụi đời, không câu nệ khó khăn để đến những nguồn hay người yêu thương mình đúng nghĩa.
Không kể vài mối tình lưu dấu lại mảnh đất đã đi qua, nghệ sĩ sau những trải nghiệm như vậy lại có trong mình những hành trang khác của cuộc đời làm nghệ thuật, đó là thực tế, vốn sống sinh động, quý giá để đem ngược lại lên sân khấu thuyết phục quần chúng xem mình. Rồi qua những ngày phiêu bạt bốn phương, từ một cô bé, anh chàng 15 -16, họ cũng dày dạn, trưởng thành hơn, lại có vẻ thông thái mà không cần sách vở, nhờ những gì mắt thấy tai nghe ở mỗi vùng đất đi qua.
Có lẽ cũng chính hình ảnh nghệ sĩ giữa đời thường đẹp đẽ, dễ thương ấy khiến những khán giả vốn chân quê, không ước mơ nổi chuyện một ngày rời khỏi ruộng lúa, cuốn gói theo những đoàn hát. Sau này không ít người trở thành những tài danh của nghệ thuật dân gian.
Anh chàng để ý kỹ, hỏi tôi: “Chỉ “ngày xưa” thôi sao?”. Thật ra bây giờ nghệ sĩ vẫn lưu diễn, ở đâu có khán giả thì họ đến thôi. Nhưng tôi nửa đùa nửa thật: “Họ không đi nhiều nơi và không có ít tiền trong túi như Dan”.
Tôi không kể tiếp những câu chuyện tiếp theo với anh bạn, nhưng trong đầu chợt dội về cảnh các ngôi sao nước nhà trong những cuộc lưu diễn tỉnh lẻ hay nước ngoài. Khán giả chỉ thấy họ trên tivi, hình ảnh họ trên báo và kéo nhau coi nghệ sĩ từ Sài Gòn, Việt Nam như đi chợ mua “tôm tươi”. Nghệ sĩ hay dùng từ vui thôi, đi hát “giựt tiền”, đi tỉnh và cố về ngay trong đêm để hưởng cái vui vẻ, an lạc, nhộn nhịp của Sài Gòn. Cũng đã có ca sĩ đi Mỹ và chạy về trong hai, ba ngày cho kịp sô ở nhà.
Thực tế, nghệ sĩ Việt Nam đi nước ngoài phần lớn là sang Mỹ (nơi có đông người Việt xa xứ nhất trên thế giới) và mục đích chủ yếu là… kiếm tiền. Có người bạn ca sĩ than “ngán muốn chết” những chuyến bay dài bất tận, mệt nhoài phải hát trong những sòng bài, vũ trường nhưng vẫn phải “bay đi” vì miếng cơm manh áo. Tôi biết, cũng chỉ bởi không cởi được cái áo “ngôi sao” và chữ “celebrity” nặng chịch mà không ít khán giả trong nước phong tặng, chị chỉ bước vào trung tâm mua sắm cao cấp, khách sạn năm sao, nhà hàng mà Brad Pitt, Britney Spears… đã từng ăn. Nhiều năm rồi đến xứ này, chị chưa từng bước ra được cuộc sống bình dân, nói “hello” với một người bạn Mỹ, chưa ăn một bữa cơm trong gia đình bên đó để biết cái nồng ấm xứ người được xem qua phim, đọc qua sách hay ho hay dở tệ thế nào trong thực tế?
Tôi không giấu Dan vì mặc cảm, xấu hổ nào cả, chỉ là sợ anh chẳng thể nào đồng cảm được với đa phần người Việt ở khía cạnh họ đã được dạy chọn một cuộc sống ăn chắc mặc bền, đừng “sống nghệ sĩ”, vì “sống nghệ sĩ” là khổ lắm! Nghệ sĩ Việt, suy cho cùng, cũng là những người lớn lên trong khó khăn không của gia đình thì của đất nước. Họ vẫn chưa trải được cuộc đời mình trên chiếc chiếu thênh thang như Dan, nên không ít người dễ “mừng quýnh” khi có chút tiền, rồi bó luôn cuộc đời của mình trên tấm nệm lộng lẫy, êm ái để ru mình trong những giấc ngủ, giấc mơ hàng đêm.
Mới thấy Dan căng tràn cùng bộ giáp đỏ trên sân khấu đó, bây giờ đứng đây tém mái tóc vàng sang một bên, há hốc miệng, giơ máy ảnh chụp lia lịa liên tục những góc nhộn nhịp của Sài Gòn về đêm, tôi hỏi “thực sự là anh đi diễn hay đi du lịch vậy?” Hỏi rồi, mới thấy vô duyên, tách hai chuyện ấy ra và lựa chọn, thật ra chỉ là chuyện của mình thôi chứ với Dan thì mắc gì.
Đỗ Duy