“Cả làng” đi lặn bắt ngao
Những ngày này đang là thời điểm vụ mùa khai thác ngao của người dân xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vì vậy cứ vào tầm 10 giờ, cùng với thôn lân cận, người dân nơi đây “tay gương, tay xỉa” í ới gọi nhau ra biển để lặn, bắt ngao.
Gọi là đi lặn cho nó oách, chứ thực ra địa điểm hành nghề có nơi chỉ cách bờ vài chục mét, nước chưa ngập hết đầu người lớn, mà nếu sâu hơn cũng chỉ 3-4m là cùng. Ở mực nước này, đối với dân vùng biển mà nói thì “chưa làm khó mấy đứa nhỏ, nói gì đến thanh niên”, anh Lê Văn Nhanh (34 tuổi), người dân trong thôn, thản nhiên kể.
Dụng cụ để ngư dân đi lặn ngao |
Cựu lão ngư Nguyễn Văn Tân (56 tuổi), cho biết: Tuỳ theo thời tiết, vụ mùa khai thác ngao ở nơi đây kéo dài từ khoảng tháng 3, đến khoảng đầu tháng 9 âm lịch là chấm dứt.
Cũng như một số loài ốc, hến khác, con ngao sống vùi mình dưới lớp cát và nằm rải rác ở vùng biển gần bờ. Để bắt, người dân lặn xuống, rồi dùng tay để mò, cào, xúc. Còn dụng cụ thì khá đơn giản, nếu không tự làm, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có thể “sắm” đủ bộ, gồm: gương lặn, vợt, phao…và bắt đầu hành nghề.
Ước tính mỗi ngày, có hàng trăm người kéo nhau ra bãi biển tham gia lặn bắt ngao. Nhiều hôm có xóm kéo nhau đi hết ra biển, chỉ còn để con nít, người già ở lại trông nhà.
Nhặt tiền dưới biển
Theo lời của người dân Bình Phú thì mấy năm trước, ngao rất rẻ, chỉ 5000-7000 đồng/kg. Vì vậy đối với nhiều gia đình, thì mục đích chính đi bắt ngao là để cải thiện cho bữa ăn.
Tuy nhiên đó là chuyện của ngày trước, chứ còn bây giờ khi ngao đã có giá từ 32-36.000 đồng/kg, thì đi lặn bắt ngao đã trở thành việc mưu sinh của gia đình. Anh Trần Trung Hân (37 tuổi), tâm sự, mỗi ngày đi lặn (từ khoảng 10-16 giờ), một người cũng kiếm được cả 100.000 đồng tiền bán ngao. Những hôm may mắn, có người được hơn 500.000 đồng, một chị bán nước giải khát ở bãi biển này cho biết thêm.
Người dân đi lặn ngao trở về, đây được xem là kế mưu sinh của đa số người dân ven biển |
Nhiều hôm còn được cả triệu đồng. Tính chung từ đầu vụ đến giờ, con ngao đã mang lại cho bản thân anh gần 50 triệu đồng. Ngao có giá nên việc lặn bắt ngao cũng trở nên “chuyên nghiệp” và dụng cụ đã có sự cải tiến hơn.
Không như kiểu lặn xuống sát đáy, rồi dùng tay mò bắt; bây giờ ngư dân chỉ mang kính, nằm trên phao và úp mặt xuống nước nhìn. Khi phát hiện nơi ngao nằm, trú ẩn, thì dùng cây xỉa-giống như cái vợt xúc cá thu nhỏ, với tay cầm dài cả mét, để xúc. Mang lại khoản thu nhập khá cao như vậy, nên nhiều người dân trong vùng ví von, lặn ngao cũng giống như đi “nhặt tiền” dưới biển.
“Lộc trời” đang bị tận diệt
Cũng chính vì ngao đang có giá nên gần đây nhiều ngư dân từ nơi khác vì hám lợi đã sử dụng máy cào, theo đó không chỉ ngao trưởng thành, mà ngao con cũng bị dụng cụ này làm đứt lưỡi chết, tấp đầy vào bãi cát. Nhiều lần phát hiện số sử dụng máy cào đến, người dân chạy ra đuổi. Thế nhưng số này cho thuyền chạy ra xa và dừng lại, chờ cho người dân về nhà, rồi cho thuyền chạy vào cào tiếp.
Ngao, “lộc trời” của ngư dân nghèo Bình Phú có nguy cơ bị tận diệt với cách khai thác tận diệt như hiện nay |
Được biết khi khai thác bằng hình thức lặn, thì người dân Bình Phú chỉ bắt ngao lớn mà thôi. Còn một khi đã dùng cào máy để bắt, thì tận diệt luôn cả ngao nhỏ. Nếu không được ngăn chặn, thì chỉ một thời gian sau cũng như nhiều loài thuỷ hải sản khác, con ngao cũng sẽ bị tận diệt.