Trong một lần công tác lên tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã lạc vào một vùng đất thật kỳ lạ, nơi đây chủ yếu là bà con người Mường sinh sống. Đó là xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn.
Bước chân vào chợ Ân Nghĩa, trung tâm buôn bán của xã, thấy đâu đâu cũng bày bán hàng thuốc lào, cạnh đó từng tốp phụ nữ đang tụm năm, tụm bảy cầm điếu cày réo “ầm ầm” như sấm. Từng làn khói thuốc nhả ra từ miệng các cô các chị hòa quyện vào không khí đặc quánh, kéo một hơi dài họ thả mình miên man vào khói thuốc.
Tò mò trước sự việc chưa từng gặp này, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu thì được biết, hút thuốc lào là truyền thống từ ngàn đời nay của bà con bản làng nơi đây. Không chỉ các bà lớn tuổi mà những cô gái mới lớn cũng đam mê thuốc lào không kém. Vì vậy cũng thật dễ hiểu khi hầu hết đàn bà ở đây đều đã có thâm niên hút thuốc lào hơn nửa đời người.
Chợ Ré, xã Ân Nghĩa là trung tâm buôn bán duy nhất của xã. Tại đây không khó để nhận ra mặt hàng thuốc lào chiếm phần lớn các gian hàng buôn bán. Từng nhóm phụ nữ đang rít thuốc lào rồi nhả khói mù mịt, cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Chiếc điếu cày làm bằng ống tre dài cứ thế chuyền từ tay người này qua người khác.
Chợ Ré, trung tâm của xã Ân Nghĩa tập trung rất nhiều cửa hàng bán thuốc lào phục vụ cho phụ nữ Mường hút thuốc |
Theo bà Lan thì truyền thống phụ nữ hút thuốc lào đã có từ xa xưa. “Tôi lớn lên được 12, 13 tuổi gì đó thấy mấy đứa bạn hút thì tôi cũng tập. Lúc đầu vừa ngậm cái điếu đã ho liên lục. Nhưng rồi dần dần cũng quen và hút mãi rồi giờ không bỏ được nữa, bị “nghiện” mất rồi. Mà ở đây đàn bà ai cũng hút thuốc lào nên cũng chẳng ai bỏ hút cả”.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi tuần ba phiên chợ, người dân xứ Mường lại kéo nhau xuống chợ Ré mua sắm. Việc đầu tiên khi đến chợ là chị em lại tìm đến các cửa hàng bán thuốc lào làm bi cho đỡ nhạt miệng.
Xung quanh các ốt bán thuốc lào dày đặc ở chợ Ré, mỗi sớm mai người ta dễ dàng bắt gặp từng tốp người đang quây quần bên chiếc điếu cày, miệng nhả khói liên tục. Họ một phần hút thử để biết thuốc lào nào hợp với mình rồi mua, một phần là để giải quyết cơn thèm khát khi đi một quãng đường xa xuống chợ chưa hút được điếu nào.
Chị Hoài, một chủ nhân của cửa hàng thuốc lào ở chợ Ré cho biết: “Hầu hết việc đầu tiên khi xuống chợ là chị em tìm đến nơi bán thuốc lào. Người tìm đến chợ này mua thuốc lào còn nhiều hơn kẻ mua rau, thịt. Sau khi thử vài điếu thì mỗi người mua ít lạng đưa về nhà dùng.
Việc đầu tiên khi phụ nữ Mường xuống chợ là tìm đến hàng bán thuốc lào hút vài điếu sau đó mua gì thì mua |
Tiếp lời bà Khèn, bà Bùi Thị Nơ kể với niềm tự hào về truyền thống hút thuốc lào của gia đình mình: “Tôi bắt đầu hút thuốc lào từ năm 13 tuổi. Ngày trước thấy ông bà hút, tôi bắt chước hút theo rồi nghiện lúc nào không hay. Nay thì con gái và con dâu nhà tôi đều biết hút cả”.
Theo lời một cán bộ xã Ân Nghĩa thì tập tục hút thuốc lào của người phụ nữ Mường có từ xa xưa lắm rồi. Có người thâm niên hút thuốc lào từ cha truyền con nối, cũng có người tập dần rồi riết thành quen, nghiện và không bỏ được.
Đi tìm “bà hoàng thuốc lào” ở Ân Nghĩa
Nói đến hút thuốc lào thì dân bản người Mường nơi đây ai cũng nhắc đến gia đình bà Bùi Thị Ủn là gia đình có thâm niên hút thuốc lào lâu đời nhất. Bà Ủn sinh ra và lớn lên, lấy chồng ngay ở vùng đất này. Năm nay bà đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn chưa từ bỏ khói thuốc lào.
Theo lời bà thì đã có thâm niên hơn 50 năm hút thuốc lào. Lên mười tuổi, bà được bố mẹ tập cho hút thuốc, vì như bà kể thì con gái Mường mà không hút thuốc lào thì sau này không lấy được chồng. Mới đầu tập hút bà cũng bị say và ho sụ sụ. Nhưng một vài lần rồi quen, thế là bà làm bạn với khói thuốc lào từ đấy.
Vừa ngồi nói chuyện bên bếp lửa, bà Ủn luôn miệng réo thuốc kêu sòng sọc khiến chúng tôi cũng phải nể phục độ “chịu chơi” của bà. Hơn mười phút bà Ủn đã bắn tới 8 điếu thuốc lào. Điều đặc biệt là kéo hơi rất sâu nhưng bà không hề bị say hay choáng. Người dân nơi đây vẫn tôn bà là bà hoàng hút thuốc lào.
Bà Bùi Thị Ủn đã có thâm niên hút thuốc lào hơn 50 năm |
Ngoài gia đình bà Ủn thì gia đình bà Bùi Thị Ơn cũng là người có thâm niên lâu đời sống trong làn khói thuốc. Vừa mới cho đàn lợn con ăn, tay còn chưa hết mùi hôi tanh nhưng bà Ơn đã vội ôm cái điếu cày, châm lửa rít một hơi dài rồi nhả làn khói trắng cuồn cuộn.
Bà tâm sự: “Đi làm đồng hay làm gì đó mà không có cái điếu cày thì chẳng làm được nên chuyện. Tôi có thể nhịn cơm vài ba bữa nhưng nhịn thuốc lào một buổi thì không chịu nổi được, thiếu thuốc lào là trong người bứt rứt khó chịu lắm”.
Nói xong bà lại cầm điếu thuốc lào vân vê nắm thuốc nhét vào tẩu, châm lửa réo như trời sấm. làn khói bay che hết cả khuôn mặt bà, bà đăm chiêu một lúc rồi tiếp tục câu chuyện: “Ở xã này không biết hút thuốc lào thì coi như chưa phải là người Mường. Con gái lớn lên không biết hút thuốc, con trai nó cũng không thèm hỏi làm vợ đâu”.
Đến chợ Ré, xã Ân Nghĩa người ta dễ dàng bắt gặp từng tốp phụ nữ tụm năm, tụm bảy bên điếu thuốc lào để cùng nhau chiêm nghiệm độ ngon của nó |
Nói xong Sen châm que đóm vào bếp lửa, rít điếu thuốc lào sòng sọc. Còn Lài, con gái út của bà Ơn cũng được bố mẹ cho hút thuốc lào từ năm 11 tuổi, đến nay Lài đã nghỉ học và đang trau chuốt cái điếu thật đẹp làm của hồi môn, chuẩn bị cho ngày về nhà chồng.
Tập tục khó bỏ
Đi sâu vào trong các bản làng người Mường ở xã Ân Nghĩa, chúng tôi được chứng kiến, được nghe thêm nhiều câu chuyện xung quanh làn khói thuốc. Trên đường vòa bản, gặp người phụ nữ nào chúng tôi cũng thấy trên tay họ là chiếc điếu cày với đùm thuốc lào dắt bên mình. Đi làm ruông, làm nương hay làm bất cứ việc gì thì chiếc điếu cày là vật bất li thân đối với phụ nữ vùng này.
Bà Bùi Thị Én chia sẻ: “Đi đâu tôi cũng mang theo bên mình cái điếu, bao thuốc. Có điều thuốc làm bạn thì làm việc mới sảng khoái. Lúc nào mệt lại làm một điếu thuốc là tan biến hết, tinh thần làm việc lại sảng khoái ngay. Cũng chính vì lỡ làm bạn với thuốc lào nên giờ muốn bỏ cũng chịu thôi”.
Trong những ngôi nhà của người Mường ở vùng Ân Nghĩa này không có nhà nào là không có chiếc điếu cày. Nhà nhiều thì 3, 4 cái, nhà ít thì một cái.
Với phụ nữ Mường ở xã Ân Nghĩa bỏ thuốc lào là một điều không thể |
Mỗi gia đình người Mường ở xã Ân Nghĩa này mỗi tháng cũng mất ít nhất vài ba trăm tiền thuốc lào là chuyện bình thường. Đối với bà con nơi đây thì hút thuốc lào đã ăn sâu vào trong máu thịt của họ, vì vậy nói bỏ thuốc lào ở đây là điều không tưởng cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, có một thực tế đang hiện hữu đó là một phần vì nghiện thuốc lào mà dân bản người Mường vùng ân nghĩa đang phải gánh chịu sự nghèo đói vì mỗi tháng phải trích ra mấy trăm ngàn để mua thuốc lào. Đây là số tiền mà họ không dễ gì kiếm được. Kèm theo đó là bệnh tật sinh ra từ việc hút thuốc lào. Ngoài sở hữu những bộ răng vàng, đen, hầu hết phụ nữ nơi đây thân hình đều gầy gòm, hốc hác, thậm chí nhiều người chỉ còn da bọc xương.
Chia tay Ân Nghĩa tôi chợt nghĩ hút thuốc lào có phải là tập tục hay không nhưng chính nó đang đẩy người dân vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, bệnh tật là một thực tế khỏi bàn cãi.