Lão nông nghèo sống bằng gánh hàng của vợ nhưng lại làm được điều dị thường ít người làm được. | ||||||||
| ||||||||
[justify]Hơn 40 năm lặn lội khắp nơi sưu tầm sách và các hiện vật chiến tranh, giờ đây ở vào cái tuổi 57, gia tài mà lão nông ấy dành hết cuộc đời tích cóp được là hàng vạn cuốn sách và trên 1.000 hiện vật chiến tranh. Ngôi nhà nhỏ của ông từ lâu đã thành một thư viện luôn rộng mở cho mọi người tới mượn sách để đọc và nghiên cứu trong đó có những trẻ em, sinh viên, nông dân và cả những học giả… Lão nông ấy là Phạm Chí Thiện, khu Hạ, xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương. Bán dần tài sản để đổi sách Trong căn nhà nhỏ của gia đình lão nông Phạm Chí Thiện, tài sản giá trị và nhiều nhất là sách và giá sách. Căn nhà càng trở nên chật chội hơn với những bàn ghế được kê ngăn nắp phục vụ cho những người đến muợn sách đọc. Sách được để ngăn nắp trên các giá. Khách chưa kịp uống hết một chén trà, chủ nhân hồ hởi giới thiệu về Tủ sách gia đình của mình. “Đây là tủ sách dành cho việc nghiên cứu khoa học, tủ ngoài dành cho các cháu ôn thi đại học, tủ này là sách tự chọn…”. Để tiện cho việc tra cứu và tìm đầu sách phục vụ mọi người, những cuốn sách đều được ông sắp xếp theo từng thể loại gọn gàng trên giá.
Tâm sự cùng chúng tôi, ông cho biết: Niềm đam mê với sách vở bắt nguồn khi ông còn rất nhỏ. Thời ấy, sách vở là một thứ xa xỉ với những người nghèo như gia đình ông. Lớn lên, ông thi đỗ Đại học tổng hợp Hà Nội khoa Ngữ văn khóa 19 (1974-1978). Được đi học, được tiếp xúc với nhiều tri thức của nhân loại, niềm yêu thích sưu tầm sách của ông lại càng mãnh liệt. Từ đó nghe thông tin ai có sách cũ muốn bán, dù ở xa bao nhiêu nhưng ông đều tìm mọi cách gặp được chủ nhân và xin mua lại. Đã hơn 40 năm nay, ông lặn lội khắp nơi để đi tìm mua sách bổ sung cho tủ sách của mình. Ông kể: “Những chuyến đi sưu tầm sách đặc biệt là những cuốn sách quý đều là những câu chuyện thú vị, một ngày không thể kể hết được”. 2 hai vạn cuốn sách với người khác có thể chỉ là con số nhưng với ông đó là những chuyến đi, những kỷ niệm và cũng là một phần cuộc đời ông mà để có được nó, ông phải bán dần những tài sản của mình. Chỉ cho chúng tôi xem bộ Bách khoa Thư ý (70 tập) ông giới thiệu: “Để có được bộ sách này, tôi đã bỏ ra 2 triệu đồng cùng các vật dụng gắn bó thân thiết của mình như đồng hồ đeo tay, chiếc radio mini…”. Trong tủ sách của ông, hầu như cuốn từ điển nào cũng có: Vĩnh lạc đại điển, Từ điển Khang Hy, Từ điển từ nguyên,… Giá trị nhất là bộ từ điển “Vĩnh lạc đại điển”. Đây là bộ từ điển bằng tiếng Hán rất nổi tiếng của Trung Quốc. Để có được bộ từ điển này, ông đã phải bán cả đồ đạc trong nhà đi từ đồng hồ đeo tay cho đến cả áo quần đang mặc.
Có những quyển sách ông phải bỏ ra bạc triệu mới có được nhưng cũng có những quyển sách được người ta đem biếu tặng vì cảm mến lòng đam mê sách của ông. Và để có được tủ sách như ngày hôm nay, bước chân của ông đã trải dài trên khắp các nẻo đường cả nước. “Tôi nhiều khi cũng may mắn vì tìm được những cuốn sách quý mà người ta đem bán đi. Sách là tri thức, là ông thầy của mình, mình phải biết cóp nhặt và gìn giữ để lưu truyền tới mọi người”, ông tâm sự. Thư viện sẻ chia tri thức miễn phí Không phải làm thẻ, không phải trả tiền, bất cứ ai đến đọc đều được ông tận tình giúp đỡ tìm kiếm những cuốn sách cần thiết. Những độc giả đến “thư viện” của ông Thiện là bà con trong xóm, các cháu học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và cả các nhà ngiên cứu. Những người đến tìm mượn sách đều được ông và gia đình tiếp đón chu đáo, nếu cần thiết ông cho mượn cả những cuốn sách trị giá bạc triệu mang về để nghiên cứu. Hơn 2 vạn cuốn sách đã qua tay bao người. Cũng có những cuốn đi không trở lại vì người mượn quên luôn trong đó có những cuốn sách quý mà ông đã phải đổi bằng mồ hôi nước mắt. Thế nhưng khi nói về những “đứa con” thất lạc ấy, ông có cách giải thích rất lạc quan: “Nhiều người cũng quý sách như mình, nhưng họ không có nhiều thời gian sưu tầm lại mua không được nên người ta mượn không trả cũng là vì thế”.
Cũng 40 năm qua, ngày nào thư viện nhỏ của ông cũng sẵn sàng mở cửa phục vụ người đọc. Ông vốn nghỉ hưu non, hai vợ chồng hiện sinh sống bằng nghề nông thế nhưng những người đến nhà ông đọc sách hay mượn sách đều được sắp xếp chỗ ngồi và được phục vụ trà nước chu đáo. Cũng đã có những năm gia đình ông lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, phải đi vay mượn khắp nơi trong khi đó lại có nhiều người đến tìm ông để gạ mua sách nhưng ông vãn kiên quyết không bán. “Sách là tri thức, là ông thầy của mình, không ai có thể bán đi ông thầy của mình cả”, ông nói khi trên tay mở giá sách lấy cuốn Vĩnh lạc đại điển cho chúng tôi xem. Ông tâm sự: “Quê mình còn nghèo, người dân được tiếp xúc với các loại sách báo là rất hạn chế, tủ sách nào dù nhỏ nhưng đều có giá trị lớn vì nó là tri thức, mình cho mọi người đặc biệt là các cháu học sinh mượn sách cũng là để phổ biến tri thức giúp các cháu có điều kiện hơn trong học tập, tiếp cận với tri thức con người mới trưởng thành để sau này các cháu trở về phục vụ quê hương”. Ông có ba người con trong đó cô con gái đầu Phạm Thị Thu Trang vừa tốt nghiệp đại học và đang đi làm. Con trai thứ hai Phạm Văn Tiến đang học đại học Công nghệ thông tin, cô gái út Phạm Thị Thùy đang học cấp ba. Năm người trong gia đình chủ yếu sống nhờ vào gánh hàng ở chợ của vợ ông và mấy sào ruộng khoán. Nhưng mỗi khi nghe thông tin nơi nào có sách cũ muốn bán là ông tìm đến. Ông nói: “Dù cuộc sống khó khăn nhưng con cái ăn học trưởng thành là tôi mừng lắm”.
Không chỉ có sách, hiện ông Thiện còn đang sở hữu hơn 1.000 hiện vật về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ như: Cây bút máy của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Nhạ, chiếc la bàn của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân hoặc những chiếc bi-đông đựng nước của lính Trường Sơn, chiếc đồng hồ đeo tay, một mảnh bom vỡ, một cuốn sổ ghi chép… Với ông đó không chỉ là những hiện vật mà đó là kỷ vật, là lịch sử, là một phần của dân tộc. Ông nói: “Mỗi kỉ vật ở đây đều gắn bó với quãng đời của mỗi con người, dù đó là một vị tướng hay người lính bình thường họ đều cống hiến xương máu của mình cho đất nước”. Ông Thiện đang ấp ủ dự định mở một nhà trưng bày cùng một thư viện nhỏ để phục vụ mọi người đến không chỉ để tham quan, học tập mà còn hiểu sâu hơn giá trị của tri thức, của những kỉ vật chiến tranh, qua đó giáo dục mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ trân trọng tri thức và tự do, vì theo ông: “Chỉ có đầu tư vào giáo dục là loại đầu tư có lãi nhất thôi”.[/justify] |