Nghệ thuật sống 2010-05-19 17:38:27

le petit prince chap 6-10


[size=4]Chương VI[/size]


[justify][size=3]A! Hoàng tử bé ơi, tôi đã lần hồi hiểu, theo vậy đó, cuộc đời bé bỏng sầu tư của chú. Từ lâu, chú chỉ có một chút khiển muộn, là bóng chiều vàng êm ả. Tôi đã rõ chi tiết mới mẻ này, vào buổi mai ngày thứ tư, lúc chú bảo :

“Tôi yêu chuộng những buổi chiều hồng. Chúng ta hãy đi nhìn một cảnh mặt trời lặn…”
“Nhưng phải chờ…”
“Chờ gì?”
“Chờ cho mặt trời lặn”.

Thoạt tiên, chú đã tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó chú đã tự cười mình lẩn thẩn. Chú bảo :

“Tôi cứ tưởng mình luôn luôn ở tại quê hương xứ sở”.
Thật vậy. Khi tại Huê Kỳ, mặt trời đứng ngọ, thì ai cũng biết rằng tại Pháp, mặt trời đương lặn. Chỉ cần có thể chạy bay trong một phút sang Pháp là có thể ngắm một cảnh hoàng hôn. Rủi thay nước Pháp lại quá xa vời. Nhưng, tại trên tinh cầu tí tẻo của hoàng tử bé, hoàng tử chỉ cần kéo đẩy sơ cái ghế ngồi một chút. Và hoàng tử nhìn thấy cảnh mặt trời lặn tùy thích bất cứ lúc nào…
[/size][/justify]
[size=3][/size] [size=3]
[/size] [justify][size=3]“Một ngày nọ, tôi đã nhìn mặt trời lặn liên tiếp bốn mươi ba lần!”

Và ít lâu sau, chú nói thêm :

“Bác biết đó… lúc người ta buồn quá đỗi, người ta yêu dấu cảnh mặt trời lặn xiết bao…”

“Cái ngày chú nhìn bốn mươi ba lần nọ, chú đã buồn quá đỗi phải không?

Nhưng hoàng tử bé không đáp.

[/size]
[size=4]
[/size]


[size=4]VII[/size]


[justify][size=3]Ngày thứ năm, vẫn cũng vì con cừu, sự bí ẩn trong cuộc đời hoàng tử bé được biểu lộ. Đột ngột hoàng tử hỏi tôi, không nhập đề gì ráo, như đó là kết quả một vấn đề đã được trầm ngâm suy
gẫm lâu rồi.

“Một con cừu, nếu có ăn cây cối nhỏ, thì nó cũng ăn những đóa hoa”.
“Một con cừu thì ăn bất cứ cái gì nó gặp. Bạ đâu ăn đó rất mực
bừa bãi vậy”.
“Cả những cành hoa có gai nhọn?”
“Ừ. Cả những cành hoa có gai nhọn”.
“Vậy thì những gai nhọn, dùng vào việc chi?”

Tôi không biết điều đó. Lúc ấy tôi hết sức bận, loay hoay vặn một cái đinh bù lon ăn cứng trong máy phi cơ. Tôi bận tâm lo lắng lắm, vì trận hỏng máy này đã bắt đầu cho thấy quá trầm trọng, và nước uống cứ hao cạn hoài xui tôi lo sợ nặng nề: càng ngày càng khốn đốn về sau.

“Những gai nhọn dùng vào việc chi?”

Hoàng tử bé không bao giờ rút lui câu hỏi, mỗi phen chú đã nêu nó ra rồi. Tôi đã bực mình vì cái bù lon, nên đáp bừa:

“Gai nhọn, không dùng vào cái tích sự chi ráo, đó chỉ là cái ác hại thuần túy của hoa!”
“Ồ!”

Nhưng sau một lúc im lặng chú văng ra một câu, với giọng thật là oán hận :

“Tôi không tin lời bác! Hoa mảnh khảnh lắm. Hoa thơ dại lắm. Hoa phải tự gắng làm cho mình yên dạ phần nào hay phần nấy. Hoa tự nghĩ là mình ắt ghê gớm lắm với những gai nhọn của mình…”

Tôi không trả lời. Lúc đó tôi tự nhủ: “Nếu cái đinh bù lon này mà còn cứng cổ, thì ta sẽ đập một nhát búa vào thì nó phải nhảy tung ngay”. Hoàng tử nhỏ lại quấy rầy ý tưởng tôi :

“Và bác tưởng, bác tưởng rằng hoa…”
“Nhưng không! Không! Tôi chẳng tưởng tư gì ráo ráo! Tôi trả lời bạ đâu bù đó. Tôi bận tâm lo chuyện hệ trọng!”

Chú đờ đẫn nhìn tôi.

“Bận tâm lo chuyện hệ trọng!”

Chú nhìn tôi bàn tay cầm búa, ngón tay đen sì những dầu nhớt, đương nghiêng thân trên một cái vật chú xem ra xấu xí quá.
“Bác nói chuyện nghe như những người lớn!”
Câu đó làm tôi thấy hổ thẹn chút ít. Nhưng chú vẫn tiếp tục :
“Bác lẫn lộn tuốt luốt hết! Lẫn lộn tuốt hết”.
Trông chú thật quả là cáu tiết. Chú lắc đầu tóc vàng óng bay tung trong gió :

“Tôi biết một tinh cầu có một Ông Cụ mặt đỏ như gấc chín. Chẳng bao giờ ông ta ngó một ngôi sao. Chẳng bao giờ ông ta yêu ai hết. Chẳng bao giờ ông ta làm một cái việc chi khác, ngoài cái việc làm những bài toán cọng. Và suốt ngày ông ta lặp đi lặp lại y hệt như bác: “Tôi là một con người trang nghiêm! Tôi là một con người trang nghiêm” và cái đó làm ông ta phình to lên cái lỗ mũi tự hào. Nhưng đó không phải một con người, đó là một cái nấm!”

“Một cái gì?”
“Một cái nấm!”

Hoàng tử bé bây giờ mặt mày tái xanh vì tức giận.

“Từ hàng triệu năm rồi, hoa đã tạo gai. Từ hàng triệu năm rồi cừu vẫn cứ ăn hoa. Và cái sự tìm hiểu xem tại sao mà hoa phải nhọc mệt tạo mãi những gai nhọn chẳng dùng được vào việc gì gì hết cả, sự đó chẳng phải là chuyện nghiêm trang hay sao? Cuộc chiến tranh giữa cừu và hoa, không phải là chuyện hệ trọng hay sao? Chẳng nghiêm trang hệ trọng hơn những bài toán cọng của ông cụ bự đỏ như gấc chín hay sao? Và nếu tôi có biết, chính tôi có biết một đóa hoa duy nhất ở đời, không đâu có cả, ngoài tinh cầu tôi, và nếu một con cừu bé có thể rỡn chơi liếm sơ qua một chút, mà tiêu diệt tan hoang mất cái đóa hoa ấy như vậy đó trong một buổi mai dịu dàng và chẳng nhận thấy rằng cái việc mình làm kia gớm guốc thế nào, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao?

Chú đỏ mặt, rồi tiếp :

“Nếu có một kẻ yêu một đóa hoa duy nhất chỉ duy có một mà thôi trong hàng triệu triệu tinh cầu, chừng đó đủ để kẻ ấy sung sướng lúc nhìn ngàn sao ở trên trời. Anh ta tự nhủ: “Đóa hoa của mình hiện nằm tại đó, nơi đó, chốn kia…”. Nhưng nếu con cừu ăn đóa hoa, thì sự đó đối với anh ta cũng như thể là đột nhiên trong một nháy ngàn ngàn ngôi sao thình lình tắt lịm! Và đó, không phải là chuyện hệ trọng hay sao!
[/size][/justify]
[size=3][/size] [size=3]
[/size] [justify][size=3]Chú không nói thêm gì được nữa. Đột nhiên, chú òa lên khóc. Đêm xuống rồi. Tôi bỏ rơi tay búa. Tôi chả còn sá gì búa dao bù lon nữa, chả thiết chi tới chuyện chết khác, chết đói. Trên một tinh cầu, tinh cầu của tôi, trên Địa cầu của tôi, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm chú vào lòng. Tôi ru. Tôi bảo: “Đóa hoa chú yêu dấu đó không gặp nguy hại gì đâu… Tôi sẽ vẽ thêm một cái rọ bịt mõm vào cái mồm con cừu của chú… Tôi sẽ vẽ một tấm áo giáp sắt cho đóa hoa của chú… Tôi sẽ…”. Tôi chẳng còn biết nói chi nữa. Tôi thấy mình vụng về quá. Tôi không biết làm cách gì để đi tới cõi lòng chú, gặp gỡ linh hồn chú… Thật huyền bí không xiết, là cái xứ sở của lệ vàng.[/size][/justify]

[size=4]VIII[/size]


[justify][size=3]Tôi đã sớm biết rõ đóa hoa kia. Từ xưa, trên hành tinh của hoàng tử bé, luôn luôn có những cành hoa rất đơn sơ, điểm trang bằng một hàng cánh hoa thưa thớt, không choán chỗ gì nhiều, không làm phiền rộn ai. Các đóa hoa hiển hiện một sớm mai trên đồng cỏ, rồi tàn rụng lúc chiều hôm. Nhưng còn đóa hoa riêng biệt nọ đã nảy mầm một ngày kia, do một chủng tử chẳng rõ từ đâu tới, và hoàng tử bé đã từng chăm sóc thiết thân cái ngọn lá kia, trông không giống chút nào những ngọn lá khác. Đó có thể là một loại cẩm quỳ mới.

Nhưng mà cành cây nhỏ sớm dừng phát triển, và khởi sự soạn sửa cho nảy nở một đóa hoa. Hoàng tử bé chứng giám cuộc hình thành một búp hoa đồ sộ, đã linh cảm chắc chắn rằng một sự hiển hiện huyền ảo sẽ xảy tới, nhưng đóa hoa vẫn không ngừng soạn sửa cho càng thêm kiều diễm, mỗi mỗi ngày cư trú êm đềm trong căn phòng xanh lục. Nường chọn lựa kỹ lưỡng màu sắc cho mình. Nường vận xiêm y một cách thật thong dong chậm rãi, nường sửa sang, xếp đặt từng mỗi mỗi cánh hoa của mình. Nường không muốn xuất hiện tả tơi nhàu nát như những cành mỹ nhân thảo, hoặc những đóa hoa anh túc. Nường chỉ muốn xuất hiện trong vẻ sáng ngời lộng lẫy mở phơi của dung nhan kiều lệ. Ê, vâng ạ. Nường rất ưa làm duyên! Xiêm y huyền bí của nường như vật lạ hằng hằng soạn sửa từng ngày, từng tuần, từng cữ… Và thế đó một sáng mai kia, chính lúc vừng hồng trỗi dậy, nường đã lồ lộ hiện thân thập thành tráng lệ.
[/size][/justify]
[size=3][/size] [justify][size=3]
Nường, nường đã chăm nom chỉnh bị xiết bao tỉ mỉ chú tâm nường lại giả vờ ngáp dài một cái, và dã dượi bảo rằng :
“A! thiếp mới chớm trở giấc. Xin chàng thứ lỗi. Đầu tóc của thiếp tóc còn xổ bung rối bù”.

Hoàng tử bé bấy giờ không kìm hãm nỗi lòng lâng lâng thán phục :

“Sao mà nường đẹp thế!”
“Phải chăng? Thật chăng? Chàng hãy nhớ rằng thiếp sinh ra đời song song với vừng dương đó ạ…”

Hoàng tử bé cũng đoán biết là nường ta chẳng phải nhũn nhặn khiêm nhượng gì cho lắm, nhưng sao mà nàng xui lòng cảm động đến thế!

“Có lẽ đã tới giờ điểm tâm, nàng nói tiếp, chàng có chút độ lượng bao dung nào đối với thiếp thì, xin hãy…”

Và hoàng tử bé ngượng ngùng đầy mặt, đã chạy đi tìm chiếc thùng tưới đầy ắp nước trong veo phơi phới mang về phục vụ đóa hoa.
[/size][/justify]
[size=3][/size] [justify][size=3]
Thế đó, nường đã sắp khiến chàng chịu bao cơn loay hoay bối rối, ấy cũng bởi cái thói ưa làm đỏm khoe khoang pha chút hoài nghi e e ngại ngại. Chả hạn một ngày kia nói tới bốn cái gai nhọn của nường, nường đã bảo :

“Chúng có thể tới lắm, những con cọp với những vuốt nanh nhọn nanh nhe của chúng!”
“Trên tinh cầu của tôi không có cọp đâu”, hoàng từ bé đáp, “vả chăng cọp không có ăn cỏ”.
[/size][/justify]
[size=3][/size] [justify][size=3]“Thiếp không phải là một lá cỏ”, đóa hoa đã dịu dàng đáp.
“Xin lỗi nường…”
“Thiếp chẳng sợ gì cọp, chỉ duy có ghê sợ những trận gió lò mà thôi. Chắc đâu rằng chàng có một tấm bình phong che gió?”
“Ghê sợ gió lò… thật chả hay ho gì, đối với một ngành thảo một”, hoàng tử bé nhận xét như vậy. “Đóa hoa này coi có bộ ưa sinh chuyện phiền phức đa đoan lắm lắm…”
[/size][/justify]
[size=3][/size] [size=3]
[/size] [justify][size=3]“Chiều hôm sương xuống chàng hãy đặt thiếp trong bầu tròn. Nơi nhà chàng rét buốt lắm. Chẳng đặt định đúng hướng gì lắm đó. Nơi quê tôi…”

Nhưng nàng chợt ngừng môi. Nàng đã về đây trong hình hài hạt giống. Nường biết đâu vào đâu mà nói tới những cõi miền xa lạ. Ngượng nghịu xấu hổ vì bị bắt quả tang sắp giở trò bố láo một cách khờ khạo vụng về, nường đã ho ho hai ba tiếng hắc hắc, cố tình đẩy hoàng tử vào cõi lầm lỗi cho mới cam tâm:

“Tấm bình phong kia?…”
“Tôi sắp đi tìm đó mà, sao mà nường lắm lời thế!”

Thế là nường lại húng hắng ho thêm, cũng là cố tình khiến chàng phải ân hận thì lòng nàng mới cam!
[/size][/justify]
[size=3][/size] [justify][size=3]Thế đó, hoàng tử bé mặc dù rất chí ý trong tình yêu dấu, cũng đành phải cảm thấy nghi hoặc cái cô nàng đa đoan. Chàng đã coi trọng những lời chẳng hệ trọng gì, và chàng trở nên khốn khổ vô cùng.
“Đáng lẽ ra thì tôi chả nên nghe cô ta làm chi, hoàng tử bảo tôi một bận như thế, chả bao giờ nên nghe đóa hoa nó nói. Chỉ nên nhìn hoa và hít mùi hương của hoa thôi. Đóa hoa của tôi tỏa thơm cho tinh cầu tôi, thế mà tôi không biết thỏa lòng chừng đó. Câu chuyện những móng vuốt nhọn của con hùm đã làm tôi phát cáu, đáng lẽ phải khiến tôi cảm động mới là đúng”.
Chú bé còn thổ lộ thêm :
“Tôi chẳng biết gì ra gì gì cả. Đáng lẽ tôi nên xét đoán theo những lời nàng nói ra. Nàng làm thơm tôi và soi sáng cho tôi. Đáng lẽ tôi chẳng nên bỏ đi trốn. Đáng lẽ tôi phải đoán thấy tình ý yêu dấu của nàng ở phía sau những mánh khóe lai rai kia mới phải. Hoa mang mâu thuẫn nhiều lắm ở trong mình! Nhưng xưa kia tôi còn nhỏ quá, đâu có biết cách thương yêu đúng lối”.

[/size]
[size=4]IX[/size]


[justify][size=3]Tôi tưởng chừng chàng đã nhân một đoàn chim di thê mà thoát vòng thao túng của cô nàng. Buổi sáng lần ra đi, chàng đã xếp đặt tinh cầu gọn ghẽ. Chàng đã nạo kỹ những ngọn hỏa sơn đương thời kỳ nổi trận làm mưa làm gió. Chàng có được hai hỏa sơn náo động. Và kể thật là tiện lợi cho việc nấu nướng bữa điểm tâm. Chàng cũng có được một hỏa sơn đã tắt. Nhưng theo lối của chàng, “Ai biết đâu ra đâu”, vậy là chàng nạo kỹ luôn cả hỏa sơn đã tắt. Nếu được nạo kỹ, thì những hỏa sơn cháy đều đặn êm đềm, không có sôi trào cuồng bạo. Hỏa sơn phun lửa cũng như ống khói nhả khói. Cố nhiên trên địa cầu chúng ta, chúng ta quá nhỏ nhoi, thì cái việc nạo hỏa sơn là không thể được rồi. Do đó mà hỏa sơn gây cho chúng ta lắm điều phiền não.[/size][/justify]
[size=3][/size] [size=3]
[/size] [justify][size=3]Hoàng tử bé cũng nhổ kỹ những gốc cẩm quỳ còn sót, với một chút ưu sầu. Chàng đã tưởng sẽ rằng bao giờ trở lại. Nhưng mọi công việc thông thường này, buổi mai đó dường như êm dịu vô biên đối với chàng. Và khi chàng tưới nước lần cuối cho đóa hoa, và sắp sửa đặt nàng yên trú trong bầu tròn thì chợt chàng cảm thấy lòng nao nao muốn khóc.

“Vĩnh biệt nhé”, chàng bảo hoa.

Nàng không đáp.

“Vĩnh biệt nhé”, chàng lập lại.

Nường ho ho vài tiếng. Nhưng không phải vì chứng cảm hàn.

“Thiếp đã ngu dại lắm, cuối cùng nường nói thế. Thiếp xin lỗi chàng. Chàng hãy gắng mà vui”.

Chàng ngạc nhiên không thấy nàng thốt lời nào oán trách cả. Chàng đờ đẫn đứng im, tay cầm cái bầu tròn chới với trong khoảng không. Chàng không hiểu nỗi niềm dịu dàng thân thiết ấy của đóa hoa.

“Nhưng thật đó, thiếp yêu chàng, hoa bảo vậy. Chàng chả có ngờ ra cái gì hết, đó là lỗi tại thiếp. Cũng chẳng có chi hệ trọng. Nhưng chàng cũng khờ dại y như thiếp đó thôi. Chàng gắng mà sống cho vui đi… Để yên cái bầu tròn nằm đó. Thiếp chả cần tới nó nữa”.

“Nhưng còn cơn gió…”
“Thiếp đâu có cảm hàn gì nhiều đến thế… Gió thổi chiều hôm mát mẻ rất tốt đối với cơ thể thiếp. Thiếp là một cành hoa”.
“Nhưng còn những con thú vật…”
“Thiếp cũng phải liều liệu mà chịu kham một vài con sâu bọ chứ, nếu muốn được biết mùi con bướm. Dường như nó đẹp lắm chứ phải
[/size] [size=3]chẳng[/size] [size=3]chơi đâu. Nếu không đó, thì đào đâu ra kẻ thăm viếng? Chàng sẽ ở xa, xa lắm. Còn những con thú vật to bự, thiếp chả sợ gì. Thiếp có móng nhọn của thiếp đó”.

Và nường đã ngây thơ đưa ra bốn cái gai nhọn. Rồi nàng tiếp :

“Cũng đừng nấn ná lai rai nữa làm chi. Con đường thôn lắm. Ngày dài chi mô. Hồ đồ mở môi kề cà, là đáng bực lắm. Chàng đã quyết đi, thôi thì hãy đi cho trót”.
Bởi vì nường không muốn chàng nhìn thấy nường khóc. Một cành hoa kiêu hãnh xiết bao…
[/size][/justify]

[size=4]X[/size]


[justify][size=3]Chàng đã từng ở trong vùng những tiểu tinh cầu 325, 326, 327, 328, 329 và 330. Chàng bèn khởi sự thăm viếng chúng vậy, cốt để tìm một công việc giải sầu và cũng để học hỏi thêm.

Tinh cầu thứ nhất có một vì vua cư trú.

Vị vua nọ, vận xích bào và da lông chồn bạch, nghiễm nhiên chễm chệ trên một cái ngai vàng rất đơn sơ và rất trọng thể.
[/size][/justify]
[size=3][/size] [justify][size=3]
“A! Đây là một con dân, vị vua nọ thốt to lúc nhìn thấy thoáng hoàng tử bé”.

Và hoàng tử bé tự nhủ :

“Làm sao ngài lại có thể nhận ra ta được, vì bấy nay có bao giờ ngài gặp gỡ ta đâu”.

Chàng không rõ là: đối với vua chúa, thì thế gian được tài tình rút gọn một cách đơn giản lạ thường. Mọi người trong thế gian đều là con dân trăm họ của một đấng Con Trời.

“Lại gần đây cho trẫm xem rõ mày mặt”, nhà vua bảo thế, vì ngài rất lấy làm hãnh diện được dịp đóng vai vua chúa với một con người, con kẻ, con dân.

Hoàng tử bé đưa mắt nhìn quanh kiếm một chỗ ngồi, nhưng tinh cầu này toàn thể bị ngổn ngang lấp phủ bởi cái áo bào lộng lẫy lông chồn quá ư đồ sộ bao la. Chàng đành đứng im và vì mỏi mệt quá, chàng ngáp dài.

“Triều nghi không cho phép thiên hạ đứng trước mặt một vì vua mà ngoác miệng ra ngáp. Trẫm cấm nhà ngươi cái sự vụ ngáp đó”.

“Tôi không tự kiềm chế nỗi cái ngáp”, hoàng tử bé đáp, và lóng cóng ngại ngùng khôn xiết. “Tôi đã trải một cuộc hành trình dằng dặc, và chưa có ngủ chút nào, nên thèm ngủ quá…”

“Thế thì”, vua phán. “Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi hãy ngáp. Ngáp đi. Từ bao năm nay trẫm cũng chưa gặp cơ duyên run rủi có được một phen gió nhìn thần dân ngáp. Những cái ngáp, ngáp ngắn ngáp dài, đối với quả nhân là thứ của lạ. Nào! Ngáp đi. Ngáp nữa đi. Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngáp đó”.

“Sự vụ này xui tôi lóng cóng ngẩn ngơ… tôi không còn có thể nữa…” hoàng tử bé lúng túng nói, đỏ mặt tía tai.
“Hừ! Hừ!” Vua đáp. “Thế thì… ta ra lệnh cho nhà ngươi lúc thì ngáp, lúc thì…”

Nhà vua cà lăm lặp cặp chút ít và có vẻ bực mình.

Bởi vì nhà vua chủ trương triệt để cốt yếu cái điều: uy quyền của mình phải được thiên hạ tôn trọng. Ngài không dung thứ sự nham nhở bất tuân. Còn ra thể thống gì nữa. Vua này là vua tuyệt đối chuyên chế chí tôn. Tuy nhiên vì ngài rất nhân hậu, nên ngài ban ra những mệnh lệnh hữu lý.
Ngài thường nói: “Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng lãnh phải biến thể ra làm hình hài con chim biển, và nếu vị tướng không tuân lệnh ta, thì lỗi không phải ở nơi vị tướng. Lỗi là ở ta vậy”.
“Tôi được phép ngồi chăng?”, hoàng tử bé e ấp thưa bẩm.
“Trẫm ra lệnh cho nhà ngươi ngồi xuống”, nhà vua đáp và long trọng kéo bớt một vạt áo lông chồn trắng lên.
Nhưng hoàng tử bé ngạc nhiên. Tinh cầu bé bỏng tí hon. Nhà vua trị vì trên cái gì mới được nhỉ?
“Tâu bệ hạ”, chàng hỏi… “Xin bệ hạ mở lượng hải hà cho phép hạ thần nêu tiếng hỏi…”
“Ta ra lệnh cho nhà ngươi hãy hải hà nêu lên tiếng hỏi”, nhà vua vội vã nói.

“Tâu bệ hạ… bệ hạ trị vì trên cái chi?”
“Trên tất cả”, nhà vua đáp, “một cách thật đơn giản”.
“Trên tất cả?”

Nhà vua làm một cử chỉ nhỏ, biểu thị tinh cầu mình, những tinh cầu khác và những ngàn sao.

“Trên tất cả những cái đó?”, hoàng tử bé hỏi.
“Trên tất cả những cái đó…”, nhà vua trả lời.

Bởi vì đây không chỉ là một nhà vua chuyên chế, mà còn là một vị chúa tối thượng chí cao trị vì trên càn khôn cùng vũ trụ suốt năm tháng thời gian chon von tuế nguyệt.

“Và ngàn sao tuân lệnh bệ hạ?”
“Tất nhiên”, nhà vua đáp. “Chúng chúng ngàn sao lập tức tuân lệnh. Trẫm không dung tha sự vô kỷ luật”.

Một quyền uy khôn xiết như vậy xui hoàng tử bé bàng hoàng kinh thán. Nếu xưa kia chàng mà nắm được quyền bính đó, ắt là chàng đã từng có thể chứng giám, không phải chỉ bốn mươi bốn, mà bảy mươi hai, hoặc tới cả trăm hoặc không chừng hai trăm cảnh trời lặn trong một ngày, mà chả cần chi phải xê dịch cái ghế đi nửa bước. Và vì chàng cảm thấy hơi buồn khi sực nhớ tới tinh cầu bé bỏng của mình bị bỏ rơi xa biệt, chàng đánh bạo thỉnh cầu vị chúa ban một hồng ân :

“Tôi muốn nhìn thấy một cảnh mặt trời lặn… Xin ngài vui lòng cho tôi được… Xin bệ hạ ra lệnh cho mặt trời hãy đi ngủ…”
“Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng phải bay từ một đóa hoa này sang đóa hoa kia theo điệu con bướm, hoặc phải viết một vở bi hùng kịch, hoặc biến dạng cho thành ra hình hài hải điểu, và nếu như vị tướng không thi hành mệnh lệnh, thì ai lả kẻ quấy, vị tướng nọ hay là trẫm này?”
“Hắn là bệ hạ quấy”, hoàng tử cương quyết nói.
“Đúng. Phải yêu cầu nơi mỗi kẻ mỗi người cái gì mà người ấy có thể cho ra được. Uy quyền trước hết phải thiết lập trên cơ sở lý tính. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho con dân nhảy xuống biển, thì dân con sẽ nổi loạn làm cách mạng con dân, lật đổ nhà ngươi nhào xuống khỏi ngai vàng chín bệ.
Ta có quyền đòi hỏi sự tuân lệnh, bởi vì những mệnh lệnh ta ban ra đều hợp lý”.
“Vậy thì cảnh mặt trời lặn của tôi?” Hoàng tử bé nhắc trở lại, vì chàng chẳng bao giờ quên một câu hỏi nào, một khi chàng đã nêu nó ra.
“Cảnh mặt trời lặn của ngươi, ngươi sẽ có nó. Ta sẽ đòi hỏi điều đó cho ngươi. Nhưng thể theo thuật cầm quyền, ta sẽ chờ cho tới lúc những điều kiện thuận lợi đầy đủ đi về”.
“Lúc nào thì tới lúc?”
“Hừ! Hừ!” nhà vua đáp, sau khi tra xét một cuốn lịch bự, hừ hừ, “vào khoảng… vào khoảng bảy giờ bốn mươi chiều nay! Và nhà ngươi sẽ có dịp nhìn thấy rõ mệnh lệnh ta được tuân theo một cách nghiêm mật khôn hàn”.
Hoàng tử bé lại ngáp. Chàng tiếc rẻ cơn tịch dương xí hụt của mình. Và chàng cũng đã thấy chán ngán buồn tình chút ít:
“Tôi chả còn biết lưu lại đây nữa để làm gì, chàng nói với vị vua. Tôi sắp xin đi!”
“Đừng đi, nhà vua đáp”, nhà vua vốn rất lấy làm hãnh diện được có một con dân. “Đừng đi, trẫm sắp ban chức thượng thơ cho ngươi đó!”
“Thượng thơ bộ gì?”
“Bộ… tư pháp!”
“Nhưng có ai đâu để mà xét xử!”
“Nào đã biết đâu, nhà vua bảo. Trẫm chưa ngự giá tuần du khắp vương quốc. Trẫm đã già lắm rồi, và xứ sở cũng không có đủ chỗ để mà đặt một cỗ xe ngựa, còn đi bộ thì gân xương ta lỏng lẻo chịu sao nổi”.
“Ồ! Nhưng tôi đã nhìn thấy”, hoàng tử bé nói khi nghiêng mình nhìn thêm một trận nữa về mặt bên kia tinh cầu. “Bên kia cũng chẳng có một ai…”
“Nếu vậy nhà ngươi hãy tự mình xét xử mình vậy, nhà vua đáp. Đó là điều khó nhất. Tự xét xử mình, còn khó khăn gấp mấy xét xử kẻ khác. Nếu nhà ngươi mà tự xét xử mình được công minh, nhà ngươi quả nhiên là một bậc hiền thánh đích nhiên thượng thừa hy hữu vậy”.
“Tôi”, hoàng tử bé đáp, “tôi có thể tự mình xét xử mình bất cứ ở nơi chốn nào. Hà tất phải ở lại đây. Ích chi mô”.

“Hừ, hừ!” nhà vua nói, “ta tưởng rằng đâu đó trên tinh cầu này có một con chuột cống già. Đêm đêm ta nghe nó rục rịch kêu rêu heo hút. Nhà ngươi sẽ thỉnh thoảng lên án nó từng trận trận mà chơi. Và như vậy, số kiếp nó sẽ tùy thuộc nơi quyền tài phán công minh tối thượng của nhà ngươi. Nhưng cứ mỗi một phen ngươi lại xá miễn cho nó, là cốt để dành dụm con chuột lại cho còn đó mãi mãi về sau. Suốt xứ, chỉ có một nó duy nhất mà thôi”.
“Tôi”, hoàng tử bé đáp, “tôi không thích lên án tử hình ai cả, và tôi tưởng mình sắp xin ra đi”.
“Không”, nhà vua bảo.

Nhưng hoàng tử bé, soạn sửa chỉnh bị đã xong, không có ý muốn làm phiền lòng vị chúa già.

“Nếu bệ hạ muốn được hạ thần tuân mệnh một cách thật tinh tế dòn dã, thì bệ hạ có thể thử ra một cái lệnh hợp lý xem sao. Chả hạn, bệ hạ có thử ra lệnh cho hạ thần ra đi gấp bây giờ. Dường như tình thế đã tới chỗ rất mực thuận lợi rồi…”

Thấy nhà vua không đáp, hoàng từ ban đầu có ý ngần ngừ đôi chút, rồi thở dài một tiếng, đứng dậy cất bước.

“Trẫm ban cho khanh chức đại sứ của trẫm đó”, nhà vua vội vã kêu to một lời như thế.

Trông ngài có vẻ uy nghiêm tối thượng.

“Những người lớn quả thật là kỳ dị”, hoàng tử bé tự nhủ trong lòng, suốt trên lộ trình dằng dặc.
[/size][/justify]

[/justify]







[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)