Những chuyện nghe qua tưởng chỉ có trong phim ảnh, như việc ba năm một lần, người dân tại một ngôi làng Baruppu trên đảo Sulawesi, Indonesia lại tổ chức tang lễ tắm rửa và thay quần áo đẹp cho những người đã mất. Hay một cộng đồng sinh sống ở làng Simen trên dãy núi Himalayas đã cho phép anh em trai có thể lấy chung một vợ.
1. Lễ tắm rửa và thay quần áo cho người chết ở Indonesia
Cứ ba năm một lần, người dân tại một ngôi làng Baruppu trên đảo Sulawesi, Indonesia lại tổ chức tang lễ tắm rửa và thay quần áo đẹp cho những người đã mất. Đầu tiên, những người thân sẽ khai quật các ngôi mộ, tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới cho người quá cố, và quan tài sẽ được thay thế nếu đã mục ruỗng. Sau đó con cháu đưa xác chết diễu hành quanh làng theo một đường thẳng rồi đưa họ trở về quan tài. Sau đó những quan tài đựng người chết sẽ được đặt trong các hốc đá cho đến khi hoàn thành xong tang lễ.
Theo những người dân ở đây, nghi lễ này bắt đầu ở ngôi làng Baruppu hơn một thế kỷ trước. Một người đàn ông trong bộ tộc có tên là Pong Rumasek đang đi săn trên núi thì bất ngờ gặp một xác chết bị bỏ lại đang phân hủy dưới một gốc cây. Ông Pong đã dừng lại và lấy quần áo của mình mặc cho xác chết rồi chôn cất. Sau đó, vận may đã đến với ông Pong khiến ông thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Từ câu chuyện của ông Pong, những người trong bộ tộc Toraja tin tưởng rằng các linh hồn sẽ phù hộ cho họ giàu sang phú quý nếu biết quan tâm, chăm sóc các xác chết của những người đã khuất.
Nghi lễ tắm rửa và mặc đồ mới cho xác chết tại làng Baruppu được cho là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người sống với người quá cố.
2. Anh em trai lấy chung một vợ
Để giải quyết tình trạng đất canh tác và nhà ở eo hẹp, một cộng đồng sinh sống ở làng Simen trên dãy núi Himalayas đã cho phép anh em trai có thể lấy chung một vợ. Những người dân này sống trong những ngôi nhà nằm trên mực nước biển 4.000m ở lưng chừng dãy Himalayas. Theo phong tục nơi đây, đám cưới được thỏa thuận công khai bằng miệng, gia đình không chỉ cưới vợ cho con trai lớn nhất mà còn được xem như là cô dâu chung cho những người em trai sau. Thậm chí, trong một số trường hợp, em trai chồng còn ít tuổi nên những người phụ nữ này sẽ giúp nuôi dưỡng những người chồng tương lai của họ.
Nguyên nhân của phong tục này là do đất đai để canh tác nông nghiệp rất ít. Nếu mỗi người đàn ông cưới một vợ, đồng nghĩa với việc phải chia đất cho từng người con trai. Điều đó sẽ rất khó khăn cho cuộc sống của những gia đình nơi đây. Nếu chung vợ, họ sẽ không phải gặp khó khăn trong việc chia đất đai để lập gia đình riêng.
Ở Simen, anh em trai có thể lấy chung 1 vợ.
3. Kiểm tra trinh tiết đàn ông của bộ tộc Zulu
Trinh tiết của người phụ nữ tộc người Zulu, Nam Phi rất được xem trọng và bị coi là điều bắt buộc khi xuất giá. Tuy nhiên, trước tình trạng phụ nữ có thai trước hôn nhân do bị ép buộc, cưỡng bức, những người đứng đầu bộ tộc đã nghĩ ra cách và bắt buộc các nam thanh niên ở đây phải kiểm tra trinh tiết để chứng tỏ mình là trai tân và được mọi người xem trọng.
Nếu như những người phụ nữ Zulu phải cởi đồ và nhảy múa để chứng minh sự trong trắng của mình thì nam giới Zulu sẽ được đánh giá sự trong trắng thông qua việc… đi tiểu tiện. Lần lượt từng thanh niên trong bộ tộc Zulu sẽ tiến lên phía trước và đi tiểu trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng.
Đây là một tập tục có một không hai trên thế giới nhưng đã xuất hiện và trở thành một phong tục văn hóa của người dân Zulu. Mức độ "trinh trắng" của người nam giới này sẽ được đánh giá thông qua độ cao của dòng nước tiểu được phóng ra.
Những nam thanh niên có dòng nước tiểu phóng ra cao bằng hoặc cao hơn đỉnh đầu thì sẽ được công nhận là trai tân. Và ngược lại, những người không may mắn phóng ra dòng nước tiểu thấp hơn đỉnh đầu thì sẽ bị coi là đã ăn phải trái cấm và chịu những hình phạt nặng nề.
Người Zulu kiểm tra trinh tiết đàn ông bằng cách đo độ cao dòng nước tiểu.
4. Tục kéo dài hộp sọ của một bộ tộc ở Nam Mỹ
Người Patagonia sống cách đây 2.000 năm ở Nam Mỹ đã có một tập tục kỳ lạ là kéo dài hộp sọ. Marta Alfonso-Durruty, nhà nhân chủng học tại Đại học Kansas, Manhattan, Mỹ, được mời đến Viện nghiên cứu Patagonia, Chile, để tìm hiểu vấn đề này. Bà Alfonso-Durruty cho rằng, người Patagonia cổ không làm biến dạng hộp sọ để thể hiện đặc trưng cộng đồng, mà nhằm mở rộng lãnh thổ và tiếp cận những nguồn tài nguyên mới khi kết giao với các bộ tộc khác. Hộp sọ dài là cách để họ chứng minh về sự đáng tin của bộ tộc.
Tuy nhiên, người Patagonia không kéo dài hộp sọ ở người trưởng thành, mà chỉ kéo dài hộp sọ ở đầu thời thơ ấu, khi xương còn mềm để điều chỉnh hình dáng. Để làm biến dạng hộp sọ của đứa trẻ, người cha hoặc mẹ buộc chặt đầu con bằng những băng vải. Cách này khiến hộp sọ phát triển hướng lên trên theo hình trụ. Tuy nhiên, nếu quấn vải quá chặt, đứa trẻ có thể chết. Một cách làm khác giúp tạo ra hộp sọ phẳng là dùng ván gỗ cứng để ép chặt phần trước và sau đầu trẻ trong thời gian dài.
Kéo dài hộp sọ là cách để tạo sự tin tưởng của một bộ tộc ở Nam Mỹ.
5. Nhà vệ sinh độc đáo ở Trung Quốc
Thay vì thiết kế những nhà vệ sinh với mô hình như các ngôi nhà thông thường, Trung Quốc lại cho xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng ở khắp các tỉnh thành với hình dáng nổi bật, có nơi trông như một chiếc máy ảnh, có nơi lại chẳng khác gì một tòa lâu đài.
Những người dân và khách du lịch tỏ ra vô cùng thích thú với ý tưởng mới lạ này, họ cho rằng những nhà vệ sinh này sẽ là điểm nhấn cho du lịch và là nơi đem lại sự thoải mái cho người dùng với phong cách mới lạ, quái đản và tiện nghi.
Những nhà vệ sinh với nhiều hình thù kỳ quái.
6. Bố cô dâu nhổ nước bọt lên người con gái trong ngày cưới
Bộ tộc Maasai ở Kenya có một phong tục cưới xin hết sức độc đáo, trước khi chính thức về nhà chồng, cha của cô sẽ nhổ một bãi nước bọt lên ngực cô dâu để tượng trưng cho những điều may mắn nhất.
Bố cô dâu nhổ nước bọt vào ngực con gái để cầu những điều tốt đẹp nhất cho con trong ngày cưới ở bộ tộc Maasai.
Các cô gái trong bộ tộc sẽ không được yêu đương tự do cũng như quyết định ai là chồng mình mà phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ. Họ cũng không được phép tự mình ly dị mà phải chung sống với người chồng suốt đời kể cả người đó có vũ phu hay đối xử tệ bạc với mình. Khi chọn rể, cha cô dâu sẽ ngồi ở nhà và nhận lễ vật của nhà trai và quyết định ai sẽ là con rể mình phụ thuộc vào số tài sản họ mang tới.
Một điểm đặc biệt mà ít có bộ tộc nào có được đó là tuy cuộc sống hôn nhân bị sắp đặt như vậy nhưng phụ nữ của Maasai lại được hưởng một “đặc quyền” kỳ lạ sau khi kết hôn là họ được phép “cặp bồ” khi đã có chồng, nhưng với điều kiện không được có thai ngoài hôn nhân.