[size=1][size=5]Lộ trình 3.000 tỷ đồng: Người trong cuộc nói gì?[/size][/size]
[size=1][size=4]Phó giám đốc một ngân hàng cổ phần nói, đây là một lộ trình tăng vốn chưa bao giờ có từ trước đến nay, tăng đột biến cả về số tương đối lẫn tuyệt đối.[/size][/size]
[size=3]Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam phải đảm bảo mức vốn điều lệ là 5.000 tỉ đồng vào cuối năm 2012 và 10.000 tỉ đồng vào năm 2015, tức mức tăng tương đương 67% và 233% so với mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng phải đạt vào cuối năm nay. Với định hướng này, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ phía các ngân hàng.[/size]
[size=4]Tăng vốn sẽ đảm bảo an toàn?[/size]
[size=3]Quan điểm của NHNN khi đưa ra lộ trình tăng vốn này là nhằm đảm bảo tính an toàn cho từng ngân hàng và cho cả hệ thống. Những ngân hàng đồng tình với quan điểm này thì cho rằng tăng vốn điều lệ là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn cho ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình.[/size]
[size=3]Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín, vừa được NHNN chấp thuận cho nâng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng, đặt câu hỏi vậy thì hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quốc tế không phản ánh độ an toàn của ngân hàng sao?[/size]
[size=3]Hệ số an toàn vốn đã được chuẩn hóa theo quy định quốc tế để phản ánh độ an toàn của một ngân hàng, nếu NHNN muốn tăng độ an toàn của các ngân hàng lên thì có thể ra quy định buộc phải nâng mức này lên ví dụ 12% như đang áp dụng ở các nước phát triển.[/size]
[size=3]Lúc đó các ngân hàng nào có vốn điều lệ thấp so với quy mô hoạt động của mình thì buộc lòng phải tăng vốn lên cho đủ hoặc giảm quy mô hoạt động của mình xuống. Nếu không thực hiện, NHNN hoàn toàn có thể buộc các ngân hàng đó đóng cửa hoặc sáp nhập, hợp nhất, ông Toàn góp ý.[/size]
[size=3]Ông Toàn cũng cho rằng không nhất thiết cứ phải tăng vốn điều lệ thì độ an toàn của ngân hàng sẽ được nâng cao. Lãnh đạo một ngân hàng khác ví von việc NHNN buộc các ngân hàng phải tăng mạnh vốn điều lệ trong thời gian ngắn giống như việc buộc thuyền nhỏ đang đánh bắt gần bờ phải nhanh chóng nâng cấp lên thuyền to để đẩy ra biển lớn. Liệu như vậy có an toàn hơn?[/size]
[size=3]Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng câu hỏi tăng vốn điều lệ có làm tăng chất lượng hoạt động của ngân hàng không là câu hỏi phức tạp mà nhiều ngân hàng trên thế giới vẫn đang đi tìm câu trả lời. Ngân hàng cần đủ vốn để có thể linh hoạt trước sự biến động của thị trường.
[/size]
[size=3]Vốn lớn là cần thiết khi thị trường bất ổn nhưng nó nên tương ứng với quy mô hoạt động và mức độ rủi ro của từng ngân hàng. “Một mức vốn điều lệ tối thiểu là cần thiết để đảm bảo cho ngân hàng mới thành lập có đủ khả năng để tăng trưởng và hoạt động an toàn. Nhưng sau đó, mức vốn này nên phù hợp với quy mô của từng ngân hàng”, ông nói.[/size]
[size=3]Ông Tobin nói nhóm Banking Work Group do ông làm chủ tịch đồng ý rằng cần phải có quy định về mức vốn tối thiểu để bảo vệ thị trường và khách hàng của ngân hàng. “Tuy nhiên mức vốn tối thiểu và thời gian để đáp ứng mức vốn đó cần phải được suy xét thật kỹ. Chúng tôi nghĩ mức đề xuất gần đây nhất là 5.000 tỉ đồng cho năm 2012 và 10.000 tỉ đồng cho năm 2015 là quá nhiều và quá nhanh”, ông nói.[/size]
[size=3]Áp lực tăng quy mô hoạt động[/size]
[size=3]Thêm một vấn đề được nhiều ngân hàng quan tâm, đó là tốc độ tăng trưởng quy mô hoạt động cũng phải phù hợp với tốc độ tăng vốn điều lệ theo lộ trình ngân hàng đặt ra.[/size]
[size=3]Ông Tobin cũng e ngại rằng một khi các ngân hàng tăng mạnh vốn huy động thì buộc họ cũng phải tăng mạnh việc cho vay để khiến số vốn vừa huy động được đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn đối với những cổ đông đã bỏ tiền đầu tư.[/size]
[size=3]Lãnh đạo một ngân hàng khác cho biết các ngân hàng phải tăng vốn huy động lên tương đương với vốn điều lệ của mình, mà tình hình hiện nay đâu dễ đẩy nhanh vốn huy động và có thể phát sinh nhiều tiêu cực khi các ngân hàng chưa đạt chuẩn tìm cách tăng nhanh vốn huy động của mình.[/size]
[size=3]Thêm vào đó, với mức vốn huy động như hiện nay, các ngân hàng còn sử dụng chưa hết, tăng nữa thì biết để làm gì, và lấy lãi đâu ra để trả cổ tức cho cổ đông. “Nếu vốn huy động tăng cao mà ngân hàng không biết đầu tư vào đâu, sinh ra làm bậy thì càng gây nguy hiểm cho hệ thống”, vị lãnh đạo trên cho biết.[/size]
[size=3]Quyết định của người làm chính sách[/size]
[size=3]Phó giám đốc một ngân hàng cổ phần thuộc loại trung bình có trụ sở tại Hà Nội nói, đây là một lộ trình tăng vốn chưa bao giờ có từ trước đến nay, tăng đột biến cả về số tương đối lẫn tuyệt đối.[/size]
[size=3]Trong tình hình hiện nay, nếu không thật sự cố gắng, nhiều ngân hàng sẽ không theo kịp mức tăng vốn này, vì để đảm bảo mức sinh lời hợp lý thì ngân hàng phải tăng trưởng lợi nhuận đồng thời mở rộng quy mô hoạt động tương ứng với tốc độ tăng vốn điều lệ.[/size]
[size=3]Hiện nay có hai kiểu hệ thống ngân hàng trên thế giới. Thứ nhất là thị trường nằm trong tay một số ngân hàng lớn như Singapore và Malaysia. Hệ thống này tạo ra sự ổn định rất cao cho thị trường nhưng cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu của sự độc quyền và kìm hãm sự cạnh tranh tự do.
[/size]
[size=3]Trong khi đó, ở một số thị trường như Hồng Kông thì có rất nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động, kiểu thị trường này giúp tạo ra sự cạnh tranh tự do, nhưng khả năng ổn định tiền tệ quốc gia sẽ khó khăn hơn. Do vậy, lựa chọn mô hình nào sẽ là quyết định của người làm chính sách.[/size]
[size=3]Như vậy, ý định của những người làm chính sách đã rõ khi đưa ra định hướng về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho rằng nên có một thời gian đủ dài để các ngân hàng chưa đủ vốn có thể củng cố hoạt động của mình và trong thời gian đó sẽ giới hạn hoạt động của những ngân hàng này, ví dụ như quy định nếu không đạt được mức vốn điều lệ tối thiểu trên, các ngân hàng chỉ được hoạt động ở một số địa phương nhất định nào đó.[/size]
[size=3]“Ý định của NHNN là muốn giới hạn số lượng ngân hàng toàn quốc trong thời gian tới, nên tôi nghĩ hạn chế hoạt động của các ngân hàng chưa đáp ứng quy định về vốn cũng là một biện pháp nên xem xét trước khi bắt các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.[/size]