[justify][size=4]“Choáng” vì 70 cháu/lớp[/size][/justify]
[justify][size=4]Trường mẫu giáo Việt Triều là một trong những trường thí điểm thực hiện mô hình “tự chủ tài chính”. Theo đó, học phí của trường đã tăng từ 200.000đ lên 500.000đ và năm học này là 850.000đ/tháng. Tiền ăn cũng tăng từ 20.000đ lên 25.000đ/ngày. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng thêm tiền xây dựng trường 300.000đ, học phẩm 50.000đ và các môn năng khiếu (nếu đăng ký theo học) là 70.000đ/môn/tháng (thu 3 tháng/lần), riêng môn tiếng Anh là 450.000đ/tháng và phải đóng luôn cả năm học (10 tháng), chưa kể tiền học liệu là 250.000đ/học sinh.[/size][/justify]
Cơ sở vật chất của một trường mầm non "chất lượng cao" |
[justify][size=4]Một phụ huynh có con học tại đây cho biết, chị vừa đóng tiền cho con, tính cả các môn năng khiếu như vẽ, kể chuyện diễn cảm, hát và tiếng Anh, chị phải đóng 5,4 triệu đồng. Chị thắc mắc: “Năm nay tiền ăn tăng hơn năm trước nhưng trường chỉ dồn lại còn 2 bữa: Bữa cơm trưa và quà chiều, cắt bữa sữa buổi sáng của các cháu”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Một phụ huynh có con học tại Trường mầm non thực nghiệm Hoa Hồng cho biết, tiền học và tiền ăn trung bình mỗi tháng chị phải đóng khoảng 1,7 – 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền xây dựng trường và các loại quỹ khác.[/size][/justify]
[justify][size=4]Điều đáng nói ở đây là với mức thu cao như vậy, các trường phải thực hiện chuẩn mầm non, tức là phải đảm bảo sĩ số mỗi lớp không vượt quá 30-35 cháu, nhưng thực tế tại các trường này, sĩ số trung bình đều ở khoảng 65-70 cháu/lớp.[/size][/justify]
[justify][size=4]Chị Hoàng Minh Dung có con mới chuyển từ trường tư thục sang trường công lập tự chủ tài chính đã phát hoảng: “Với suy nghĩ cho con học trường công để con được giáo dục bài bản và chất lượng hơn, nhưng hôm đầu tiên đưa con đến lớp, tôi thật sự “choáng” khi thấy trong lớp có đến hơn 70 cháu mà chỉ có 3 cô giáo. “Chia” theo đầu người thì mỗi cô phải phụ trách hơn 20 cháu, như thế thì làm sao cô có thể quan tâm đến từng cháu được. Con nhà tôi đi tè bị ướt hết một bên quần nhưng cô cũng không hề biết, cháu cứ thế mặc quần ướt cho đến khi được mẹ đón”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Những trường được thực hiện mô hình “tự chủ tài chính” đều là những trường được đánh giá là “mạnh”, “chất lượng cao” của thành phố nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc trường luôn nằm trong tình trạng quá tải.[/size][/justify]
[justify][size=4]Học phí cao chót vót
Sự chênh lệch học phí giữa trường công và trường tư luôn được xem như một điều hiển nhiên. Thế nhưng, khi sự chênh lệch đó cao hơn cả trăm lần thì xã hội cũng cần phải nhìn nhận lại.[/size][/justify]
[justify][size=4]Trường Mầm non Sao Mai thu học phí 350USD/tháng. Trường Mầm non tư thục quốc tế Kinderworld thuộc quận Hai Bà Trưng, học phí ở đây đã không được tính theo từng tháng mà sẽ thu trọn gói cả năm. Theo như bản nội dung chương trình học cũng như học phí và các dịch vụ ngoài khác thì học phí trọn gói cho một năm học học chương trình quốc tế là 6.000 USD, tương đương với 96 triệu đồng, còn chương trình lớp địa phương là 3.360 USD, tương đương với 54 triệu đồng.[/size][/justify]
[justify][size=4]Chị Thu Hà đang gửi con tại Trường mầm non tư thục Mai Ca (Ngã Tư Sở) phàn nàn: “Học phí mỗi tháng là 2,5 triệu nhưng tôi thấy chất lượng của trường không xứng đáng với cái tên gọi “chất lượng cao”. Lớp của con tôi nằm ở khu D, cạnh xưởng gỗ nên không tránh được tiếng ồn và bụi bặm. Mỗi lớp có 12 – 15 cháu/2 cô, cách các cô chăm sóc cháu cũng bình thường như ở các trường công lập khác, thực đơn cũng không có gì phong phú hơn so với các trường bình thường”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Trường mầm non Vietkids, một trong những trường tư thục chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội thông báo rất rõ ràng các khoản thu: 500.000đ phí nhập học (không hoàn lại), 700.000đ tiền cơ sở vật chất (không hoàn lại trong mọi trường hợp), tiền học phẩm 200.000đ/năm. Phí hàng tháng từ 2.040.000đ – 2.340.000đ tùy theo từng nhóm tuổi đó là còn chưa kể các khoản thu khác như các lớp năng khiếu tiếng Anh 200.000đ/tháng, múa 100.000đ/tháng, học thứ 7 – chủ nhật: 120.000đ/ngày; ăn tối tại trường: 15.000đ/bữa; trông qua đêm: 50.000đ/đêm; học thử: 500.000đ/tuần…[/size][/justify]
[justify][size=4]Trường cũng có những quy định như chỉ hoàn lại tiền ăn (30.000đ/ngày) khi trẻ nghỉ học có xin phép trước 8 giờ sáng; không hoàn lại học phí nếu nghỉ giữa chừng; nếu nghỉ học từ 1 tháng trở lên phải đóng phí giữ chỗ 25%/tháng, nếu không đóng phí, khi đi học lại phải đóng phí nhập học như học sinh mới…[/size][/justify]
[justify][size=4]Với mức thu không hề thấp như vậy nhưng nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con họ vẫn phải học ở những lớp có sĩ số tăng dần từ 15 đến 20 rồi 30…, diện tích phòng học, phòng chơi chật hẹp, chất lượng bữa ăn co hẹp dần… Theo đại diện trường này, chỉ tính một trong ba cơ sở của Vietkids tại phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) với diện tích trên 550m2, trường đã nhận khoảng 200 trẻ. Như vậy trung bình mỗi trẻ/2,8m2 sử dụng. So với điều lệ trường mầm non hiện hành, tỉ lệ trên còn dưới chuẩn, trong khi đây là một trường chất lượng cao.[/size][/justify]
[justify][size=4]Hiện nay ở Hà Nội có đến cả trăm trường mầm non treo biển “chất lượng cao” mà không có sự công nhận nào của cơ quan chuyên môn về tiêu chí được gọi là “trường chất lượng cao”. Thực chất cho thấy, đã có không ít trường “chất lượng cao” chỉ cao ở học phí. Thực trạng này vẫn đang tiếp diễn mà chưa có sự quản lý thật sự chặt chẽ nào của các cơ quan chức năng.[/size][/justify]
[size=4]Nguyên Minh (theo Lao Động)[/size]