[/size]Ăn đậu và khoai lang là dễ “xì hơi” nhất!
Đậu, khoai lang, hạt mít luộc… là những loại thực phẩm ngon miệng, giúp bạn tiêu hóa tốt và thậm chí có thể giảm được cân, nhưng nếu ăn quá nhiều đôi khi là phản tác dụng, dễ gây “mất đoàn kết nội bộ và nghi ngờ lẫn nhau”. Tại sao những thực phẩm này lại là nguyên nhân khiến chúng ta liên tục “xì hơi” nhỉ?
Ăn đậu, khoai lang là dễ “xì hơi” nhất!
Hiện tượng “xì hơi” không có gì đáng xấu hổ cả vì thực tế đó là cơ chế tự nhiên của cơ thể, nó có tên khoa học là trung tiện hoặc đầy hơi.
Nhưng nếu như bạn ăn quá nhiều đậu, khoai lang hay hạt mít luộc thì hiện tượng “xì hơi” thường “có mùi” và phát ra với tần suất lớn. Đừng vội đổ lỗi cho thực phẩm, thay vào đó, bạn hãy chú ý tới hơn 700 loài vi khuẩn khác nhau đang ẩn náu trong ruột của chúng ta. Khi những người bạn nhỏ này kết hợp với đậu, khoai lang, hạt mít luộc hoặc bất cứ thực phẩm nào gây trướng bụng, hiện tượng “xì hơi” sẽ xuất hiện… liên tục.
Khi những thực phẩm này đi vào trong miệng, di chuyển xuống ruột non, các loại đường có trong đậu, khoai lang, hạt mít luộc được đưa vào cơ thể thông qua thành ruột non, các enzim tiêu hóa phá vỡ chúng thành các thành phần nhỏ hơn để dễ hấp thụ hơn. Protein được chia thành các chuỗi axit amin, chất béo được chia thành acid béo và glycerol, một số tinh bột thành đường đơn giản. Chúng được hấp thu qua thành ruột để trở thành năng lượng cho cơ thể của bạn.
Với các loại thức ăn dễ gây trướng bụng nếu ăn nhiều như đậu, khoai lang, quá trình tiêu hóa sẽ diễn ra chậm chạp và không trơn tru như bình thường. Ví dụ như trong đậu có chứa một loại đường tên là oligosaccharides. Những phân tử đường này có kích thước khá lớn nên việc chia tách thành các phần tử nhỏ hơn gặp khó khăn, do đó, khi vào tới ruột già, hầu như các phân tử này vẫn còn nguyên vẹn. Tại đây, có hơn 700 loài vi khuẩn đang ẩn náu, chỉ trực chờ các “viên đường” đến là ngay lập tức vi khuẩn tấn công, thâm nhập và ăn chúng. Khi vi khuẩn tấn công các phân tử đường này tạo ra khí hydro và metan.
Khi bạn nuốt quá nhiều không khí hoặc ăn những thực phẩm mà hệ thống tiêu hóa của bạn không thể tiêu hóa dễ dàng… thì khí này sẽ tích tụ và gây nên hiện tượng đầy hơi. Cách duy nhất để lượng khí/ hơi dư thừa này thoát ra khỏi cơ thể là thông qua hậu môn.
Một vài sự thật “í ẹ” về “xì hơi”
Các khí tích tụ trong ruột khi thoát ra ngoài thường có mùi hôi khó chịu. Khí này là khí hydro sunfua và mercaptans có chứa lưu huỳnh - nguyên nhân chính của hiện tượng “xì hơi” gây mùi. Các loại thức ăn dễ tạo ra khí sunfua nhất chính là các loại đậu, khoai lang, hạt mít luộc, bắp cải, phô mai, soda, trứng và các loại gia vị hành, tỏi…
Sự lên men của quá trình tiêu hóa và sự hoạt động của các loại vi khuẩn khác nhau tạo nên âm thanh phát ra ngoài cũng khác nhau. “Xì hơi” có chứa metan và hydro là nguyên nhân dẫn tới “những tiếng nổ lớn” bất kì ở đâu, kể cả nơi công cộng và cho dù bạn có cố tránh cũng khó có thể kiểm soát được chúng.
Trung bình một người bình thường có thể “xì hơi” 16 lần một ngày, nhiều nhất là khi ngủ. Và vì nó là cơ chế tự nhiên của cơ thể nên bạn không thể đánh lừa một anh chàng/ cô nàng nào rằng bạn chưa từng “xì hơi” cả. Trên thực tế, nữ giới “xì hơi” nhiều “ngang ngửa” với nam giới. Động vật như chó, mèo, bò sữa, voi, mối, lạc đà, ngựa vằn… cũng “xì hơi” và còn có mùi khủng khiếp.