[justify]Quãng đường từ cuối địa phận xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai) đến hết thôn Luổng Láo II, xã Cốc San, huyện Bát Xát (đường chạy từ TP Lào Cai lên Sa Pa và tỉnh Lai Châu), thường được dân chơi gọi bằng cái tên khá mỹ miều : khu “cà phê chuối”.[/justify]
Lý do là với chiều dài chỉ độ 2 km nhưng dọc đoạn đường này đang tồn tại khoảng 40 quán cà phê giải khát, karaoke, gội đầu thư giãn, mát xa, tắm thuốc lá dân tộc trá hình nằm ẩn mình sau những rặng chuối um tùm.
Với vị trí nằm ngay sát trung tâm nhưng mật độ dân cư rất thưa thớt, lại có địa hình núi non nên thơ và không khí mát mẻ, “khu đèn đỏ” này là địa điểm lý tưởng cho những kẻ “ham của lạ” đáp bãi hàng đêm. Một lý do khác khiến những “ổ nhền nhện” ở đây thường được khách làng chơi lựa chọn vì khá an toàn. Khi có động, khách chỉ cần chạy ngược lên núi để trốn hoặc phi thân lội qua một con suối cạn nằm ngay sát sau nhà là thoát.
Các quán thường có treo màn gió xanh đỏ ở cửa, bên trong chia thành nhiều ô như chuồng chim. Có quán còn bố trí trong vườn chuối gần một chục chiếc lều “chăn vịt” nằm ngay sát bờ suối và cách nhau độ 3 m. Bên trong lều rất chật chỉ đủ chỗ cho hai người, đồ đạc chỉ gồm một chiếc ghế dài và một chiếc bàn nhỏ xíu. Khách hàng ít tiền thì giải quyết “nhu cầu” luôn tại quán, khách “sộp” chỉ cần bỏ thêm vài chục nghìn để thuê một phòng tại hai nhà nghỉ của một ông chủ có tên là Đ.H.
Mỗi quán thường nuôi 2-3 gái ca-ve, tuy nhiên khi cần chỉ một lúc có thể huy động hàng chục em từ các quán “liên kết” cho khách hàng lựa chọn. Ban ngày, các quán chỉ mở cửa lấy lệ. Khoảng 6h chiều, họ mới cho huy động dàn “bướm đen” trong trang phục rất khêu gợi ra ngồi trước cửa để “khoe hàng”.
Chập tối, các quán thi nhau trương các tấm biển hiệu nê-ông sáng lờ mờ nhìn từ xa không khác gì những dãy quán ăn đêm nằm dọc những bãi biển vào mùa cao điểm du lịch. Khoảng 7h tối, khách làng chơi bắt đầu xuất hiện và các em tiếp viên lúc đó mới bắt đầu một ngày “làm việc” thực sự kéo dài tới tận sáng.
Mỗi khi có một chiếc xe máy nào đậu trước quán, các em má phấn loè loẹt lập tức nhao ra sát đường để mời chào.
Gái bán hoa ở đây đều là người từ nơi khác đến, chủ yếu là ở các tỉnh xung quanh như Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La,… Một số khác dạt về đây từ các ổ mại dâm bên kia biên giới Hà Khẩu.
Khách hàng chính của “khu đèn đỏ” này bao gồm cánh thanh niên ăn chơi từ thành phố Lào Cai lên, đám thợ xây, công nhân của khu mỏ đang khai thác nằm ngay sát bên cạnh, những dân chơi và khách du lịch từ thị trấn Sa Pa thèm “hương đồng gió nội”. Thỉnh thoảng cũng có vài bác tài xe tải chuyên chạy đường núi ghé qua “đổ hàng”.
Theo bà chủ một quán hàng tạp phẩm tại thôn Luổng Láo II, các quán cà phê “mát mẻ” đã xuất hiện ở khu vực này cách đây khoảng 3 năm. Ban đầu chỉ có hơn một chục quán nằm gần phía ngoài Đồng Tuyển rồi sau đó một thời gian ngắn đã nhanh chóng phát triển khắp dọc tuyến đường quốc lộ 4 D đoạn chạy qua thôn.
Nhiều người trong thôn vì hám lợi đã cho những đối tượng này thuê nhà để kinh doanh “vốn tự có” hoặc xây phòng trọ cho gái mại dâm thuê. Có một doanh nghiệp tư nhân còn xây hẳn cả một hệ thống nhà nghỉ khang trang nằm cách nhau chỉ độ 50 m, bao gồm nhiều phòng mát xa, tắm thuốc lá dân tộc với các dịch vụ “từ A đến Z”.
Theo phản ánh của một số người dân, những ổ mại dâm ở đây hoạt động công khai ngày đêm. Ban ngày trên đoạn đường này rất vắng vẻ nhưng đêm xuống lại rất nhộn nhịp. Họ mở nhạc và hát hò cả đêm nên khiến nhiều người trong thôn thường xuyên bị mất ngủ. Thỉnh thoảng ở đây cũng xảy ra những vụ lộn lộn do tranh giành gái nên rất ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an.
Bà con trong thôn đã nhiều lần đề nghị xoá bỏ các “tổ nhện” nhưng không thấy chính quyền ra tay. Điều đáng nói là thôn Luồng Láo II đã được huyện Bát Xát công nhận là “Làng văn hoá”. “Chứng tích” của sự kiện này là một tấm biển khá to được dựng ở cuối thôn hàng ngày vẫn đập vào mắt những người đi đường.
Hoạt động của các “tổ nhện“ công khai ở khu vực này không phải chính quyền xã, huyện, thậm chí là tỉnh (cách các cơ quan đầu não của tỉnh chỉ khoảng 4 km) không biết, bởi mỗi tuần đôi ba lần các “quan” vẫn thường xuyên đi “thị sát” địa phương qua con đường này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hay có ai đó đứng sau bảo kê mà các “ổ nhền nhện” này vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp công luận.