Không bào chữa, được nói lời sau cùng, bị cáo Đoàn Thế Dân (47 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) đứng lặng một hồi lâu rồi cũng lắc đầu từ chối. Ngồi phía dưới, thấy vậy mẹ Dân vừa rấm rức khóc, vừa kể lể: "Xin tòa giảm nhẹ hình phạt đi con, sao mà mày khờ thế!". Không đáp lại lời mẹ, Dân vẫn đứng bất động, gương mặt lộ vẻ cam chịu như thế cho đến khi vị chủ tọa phiên tòa ra hiệu ngồi xuống… Bị cáo Đoàn Thế Dân tại tòa. Thường với nhiều vụ án khác, lời nói sau cùng là lúc để bị cáo giải tỏa nỗi ân hận, cắn rứt lương tâm đối với hành vi mà mình đã gây ra. Và sau lời ăn năn hối hận là mong muốn được sống, được đoàn tụ với gia đình, người thân của nhiều bị cáo thể hiện qua việc xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lâu nay pháp luật cũng công nhận, lời nói sau cùng là tình tiết để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội… Bởi vậy, khi Dân từ chối nói lời sau cùng đã khiến cho nhiều người thất vọng, vì tiếc… Nhưng ít người hiểu được rằng, nỗi ân hận dày vò vì lỡ gây ra cái chết của người em trai Đoàn Thế Tài đến giờ này Dân vẫn chưa nguôi ngoai thì làm sao đứng trước tòa hôm nay anh có thể xin tòa "khoan hồng"… Đứa em ngỗ nghịch Tại tòa, khi được phép trình bày, bà Trương Thị Ngọc Ẩn, mẹ Dân (cũng là mẹ của nạn nhân Tài), giọng thổn thức nói tiếng được tiếng mất: "Cả hai đứa là con của tôi, đứa nào cũng ruột rà máu mủ nên tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ tội cho Dân. Vụ án xảy ra, tôi là người đau đớn nhất vì một đứa con chết, một đứa phải đi tù. Ở nhà tôi, thằng Dân như ông Bụt giữ nhà, hiền lành, chất phát. Nó ăn chay trường hơn 30 năm nay. Không vợ con, ngày ngày nó chỉ biết cặm cụi bên chiếc xe xích lô kiếm tiền giúp đỡ mẹ và phụ chị dâu nuôi hai đứa cháu mồ côi cha. Cũng tại tôi cưng chiều thằng Tài từ nhỏ nên tính nó ngỗ nghịch dẫn tới hậu quả ngày hôm nay…". Theo lời bà Ẩn, gần 35 tuổi đầu nhưng từ trước đến nay Tài chưa hề "động chân, động tay" việc nhà, chuyện ăn uống thì đã có mẹ và em gái lo liệu, còn chuyện giặt giũ quần áo đến giăng mùng cho ngủ đã có Dân lo liệu. Khác hẳn với anh em trong nhà, suy nghĩ và việc làm của Tài cũng "trái khoáy, khác người". Tài có tài buôn bán nhưng có chút tiền rủng rỉnh là nghĩ ngay đến việc ăn chơi và kết thúc lúc nào cũng là bị "gái" dụ hết. Tài có "tật" không chịu quen phụ nữ đàng hoàng mà toàn đi lấy vợ người khác rồi dắt nhau đi sống trốn chui, trốn lủi được một thời gian hết tiền, hết bạc thì chán rồi bỏ. Không vợ con nhưng Tài ít ở nhà, chỉ khi nào hết tiền hoặc thất tình thì mới về nhà "quậy". Trước đó vài tháng, Tài hốt hụi được 10 triệu nhưng cầm đi chơi với một cô gái bia ôm được một tuần rồi dắt cô này về nhà bắt bà phải cưới… "Phải chi nó quen người đứng đắn thì tui chịu liền nhưng nhìn sơ qua là tui biết con nhỏ đó không đàng hoàng nên tôi từ chối", giọng thật thà bà kể lại. Nhát dao chí tử Một tháng trước khi vụ án xảy ra, nhiều lần Tài về năn nỉ mẹ cho bán căn phòng mà bà cất riêng cho Tài (chung với dãy nhà 6 căn bà cất cho 6 đứa con trai đã có vợ con đang sinh sống) để lấy vốn lên Bình Dương làm ăn. Biết tính nết của con nên bà từ chối. Bà Ẩn không tiếc của nhưng nghĩ đến cảnh sau này bà nhắm mắt, Tài không có chốn nương thân… Nhưng Tài không nghĩ được như vậy mà cứ gắt gỏng trả treo: "Bà tiếc gì căn nhà mà không bán. Có vốn, tui lên Bình Dương làm ăn, mỗi ngày kiếm được 2, 3 triệu đồng/ngày. Một năm là lấy lại vốn, lo gì". Cứ thế, mỗi lần về "đòi hỏi" không được, Tài lại bực bội bỏ đi. Trước giờ, Tài hay về nhà gây chuyện nhưng đó là những lúc không có bà Ẩn ở nhà, chứ có bà nhiều lắm là Tài đôi co được đôi ba câu là bỏ đi. Con dâu, cháu nội tề tựu cùng một nơi nhưng bao năm nay gia đình bà chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn. Ở nhà chỉ cần đứa nào lớn tiếng, bà la một tiếng là tụi nó chạy hết hay chỉ cần thấy bà khóc là cả đàn con nín khe… Nhớ lại hôm xảy ra án mạng, bà nói trong tiếng nức nở: "Hôm ấy mà có tui ở nhà thì thằng Tài không chết đâu!". … Chiều 24/8/2008, sau khi đi làm về, Dân ghé quán gần nhà mua hai chai bia Sài Gòn về ngồi trước hiên uống. Đang lai rai thì Tài loạng choạng bước vào (lúc này Tài đã nhậu say) đòi tiền thiếu. Trước đó, Tài có đưa cho Dân hai chỉ vàng nhờ cầm 200 ngàn đồng nhưng do bà Ẩn kẹt vốn làm ăn, Dân cầm tiếp lấy 2 triệu đồng đưa cho mẹ mà không nói cho Tài biết. Lúc này, do không có tiền để trả nên Dân thật thà kể lại cho em nghe và nói thêm: "Ráng đợi đến cuối tháng má hốt hụi đưa lại cho mày". Nghe vậy, Tài tức giận đòi giết Dân. Thấy Tài hỗn, Dân cầm chiếc đũa giơ về phía Tài nói: "Mày quậy tao đâm mày!". Tưởng nói vậy Tài sẽ bớt hung hăng, ai dè Tài liền chạy tới chụp vỏ bia Dân đang uống đập bể xông vào đâm anh. Dân bỏ chạy vào nhà kéo hộc tủ lấy con dao chạy trở ra. Lúc này, Tài vẫn cầm vỏ bia xông tới, nhà chỉ có một lối ra mà Tài đã đứng cố thủ ngay cửa, không lối thoát Dân liền cầm dao đâm Tài một nhát… Nghĩ Tài chỉ bị thương nhẹ, sau khi cùng mọi người đưa Tài đi cấp cứu, Dân vẫn bình thản ngồi hóng mát trước hiên nhà… Thấy mẹ chạy về, Dân vẫn vô tư nói: "Không sao đâu má ơi, con đâm nó có một nhát à!". Hơn nửa tiếng sau, nghe tin Tài chết, Dân mới bàng hoàng… Trước cuộc sống cả nhà dựa vào cái quán ăn nhỏ của người mẹ cùng cô con gái út và tiền Dân đạp xích lô kiếm được mỗi ngày. Tài mất, để lo đám tang bà phải sang cái quán nhỏ cho người khác. Dân vào tù, giờ bà phải "oằn vai" gồng gánh cả gia đình. Kiếm tiền lo trang trải tiền sinh hoạt mỗi ngày đã khó giờ người mẹ ở tuổi 70 này còn phải dành dụm tiền đi thăm nuôi Dân mỗi tuần. Nhưng có nhân nỗi đau thể xác lên gấp "nghìn lần" thì cũng không có gì bù đắp được nỗi đau tinh thần mà bà đang chịu đựng… Bởi bà biết rằng, mức án 8 năm rồi sẽ trôi qua (TAND TP HCM tuyên phạt Dân 8 năm tù về tội giết người) nhưng mặc cảm tội lỗi chính mình gây ra cái chết của em sẽ dằn vặt Dân suốt cuộc đời còn lại… Anh Huy-CAND Copy từ: http://forum.buonchuyen.info |