[justify]Tôi đang học tại một trường đại học ở Thụy Điển. Ở đây khi bạn đến trung tâm quản lý ký túc xá để thuê phòng trọ, ban quản lý sẽ tặng bạn một món quà kỷ niệm: đó là một chiếc bao cao su được xếp cẩn thận trong móc khóa có in logo và tên trường đại học bạn đang học.[/justify]
[justify]Ngoài ra, vào ngày đầu tiên đến trường, bạn cũng sẽ được chứng kiến hình ảnh các sinh viên đứng nhiều nơi ở giảng đường và thư viện phát bao cao su miễn phí.[/justify]
[justify]Tuổi trung bình các bạn gái trải nghiệm tình dục tại Thụy Điển là 16. Mỗi năm chính phủ đều gửi thư mời đến nhà, khuyến khích các bạn gái đi khám phụ khoa miễn phí do chính phủ tổ chức tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên môn. Nếu bạn có lỡ quên không đi sẽ được bác sĩ gọi điện thoại đến tận nhà thuyết phục.[/justify]
[justify]Trong lớp học của tôi có một số bạn gái người châu Á như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, VN… Khi nhận được thư mời đi khám phụ khoa, ai nấy đều lắc đầu đỏ mặt. Một cô bạn gái thầm thì khi biết tôi quyết định đi khám: “Làm ơn hỏi bác sĩ giùm mình là khám như vầy có bị mất trinh hay không?’’.[/justify]
Nhưng trinh tiết là cái gì nếu như bạn không quan tâm đến sức khỏe bản thân?
[justify]Cô bạn đó làm tôi nhớ lại khi tôi đi khám sức khỏe hằng năm tại một trung tâm y khoa ở TP.HCM theo quy định của công ty tôi làm việc. Khi đến phòng khám phụ khoa, bác sĩ đều hỏi “em từng quan hệ chưa?’’, nếu bạn nói “chưa’’ thì bác sĩ sẽ bảo “thế thôi, không có gì phải khám cả, em về đi’’.[/justify]
[justify]Khi tôi hỏi bác sĩ như lời dặn dò của cô bạn, bà bác sĩ tròn mắt nhìn tôi với vẻ rất ngạc nhiên và cấm cảu: “Tôi không biết. Bên đây phụ nữ trên 13 là phải đi khám hằng năm. Chưa từng có ai hỏi tôi như thế này. Tôi không biết khám như thế này có làm bạn mất trinh hay không! Nhưng trinh tiết là cái gì nếu như bạn không quan tâm đến sức khỏe bản thân? Chẳng có giá trị gì cả!’’.[/justify]
[justify]Tình yêu và tình dục là bẩm sinh tự nhiên của con người. Ngăn cấm là đi ngược lại tự nhiên. Mà cái gì đi ngược lại tự nhiên đều không tốt. Nhất là đối với giới trẻ, càng ngăn cấm họ càng tò mò và bị hấp dẫn.[/justify]
[justify]Đôi khi tôi nghĩ có những cặp thật sự không yêu nhau mấy, chỉ là sự rung động đầu đời trong thoáng chốc, nhưng vì người này người kia ngăn cấm làm cho họ cảm thấy thử thách nhiều, tò mò nhiều và họ cường điệu sự rung động đó lên thành một tình yêu vĩ đại rồi “vượt rào’’ chỉ vì sự hoang tưởng ấy.[/justify]
[justify]Thay vì ngăn cấm, tại sao không giáo dục và hướng dẫn những kiến thức cần thiết cho họ an toàn? Nếu họ cảm thấy có khả năng chịu trách nhiệm với những việc làm của mình thì ngăn cấm làm gì.
[/justify]