Tin tức - pháp luật 2013-05-16 03:03:51

Mất việc, LĐ Thanh-Nghệ-Tĩnh bật khóc


[justify]Mượn cớ kinh tế khó khăn, đơn hàng ít, cần cắt giảm lao động, không ít doanh nghiệp tìm cách đuổi khéo lao động gốc Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.[/justify]
 






 
[justify]
LTS: Nạn kỳ thị lao động người Thanh - Nghệ - Tĩnh từ chỗ chỉ âm ỉ, nhỏ lẻ, thì nay đang có nguy cơ lan rộng, không chỉ trong giới chủ doanh nghiệp với người lao động mà cả giới chủ nhà trọ với người thuê trọ. Chúng tôi trở lại vấn đề này khi câu chuyện kỳ thị lao động vùng miền ở khu vực TP.HCM, Đông Nam Bộ đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết qua loạt bài: Mất việc, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh bật khóc!
“Anh ơi dân 36-37-38 (biển số xe các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh - PV) giờ xin việc thì khó mà mất việc thì dễ. Mấy doanh nghiệp cứ kiếm cớ đuổi việc bọn em” - anh Nam (quê Thanh Hóa, công nhân tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) than thở sau khi bị đuổi việc.
Hiện nay nhiều công ty trong các KCN vùng giáp ranh tỉnh Bình Dương, TP.HCM không chỉ từ chối hồ sơ xin việc của thanh niên, lao động đến từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh mà còn âm thầm đuổi việc nhân công vùng này.
Xin việc khó, mất việc dễ!
Do có hộ khẩu Nghệ An nên anh Nguyễn Bá (30 tuổi, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trầy trật xin việc mà không công ty nào nhận. Anh kể, ban đầu anh xin vào làm ở công ty D.H (sản xuất giày da, đóng tại KCN Sóng Thần) vì vợ anh làm trợ lý cho một quản đốc của công ty này. Để được việc cho chồng, vợ anh đã tỉ tê, kể khổ với quản đốc. Sau đó quản đốc đứng ra bảo lãnh để anh Bá vào làm. Ấy vậy mà hồ sơ xin việc của anh vẫn bị gạt phăng khi bộ phận nhân sự công ty phát hiện anh quê Nghệ An.
Buồn tủi, anh Bá sang công ty P.K. gần đó (chuyên may giỏ xách) để thử vận may. Lần này qua nhiều đầu mối, anh được cả quản đốc và phòng nhân sự tiếp nhận. “Mình mừng quá, tưởng được nhận rồi. Cuối cùng phòng nhân sự gọi lại cho biết sếp người Hàn Quốc thấy mình quê Nghệ An nên loại hồ sơ”, anh Bá rầu rĩ kể.

Do chạy xe biển số 37 và hộ khẩu Nghệ An nên cả tháng trầy trật ngược xuôi, anh Nguyễn Bá vẫn không thể xin được việc.

Mang hồ sơ đi “lập nghiệp”, H. (23 tuổi, quê Thanh Hóa) kể: “Em đi 2 KCN Sóng Thần và Linh Trung. Công ty nào treo bảng tuyển dụng là em ghé vào. Bảo vệ công ty chưa xem hồ sơ của em mới chỉ nghe giọng em nói là họ đã lắc đầu, phất tay bảo đi chỗ khác”.
Tâm sự với phóng viên qua điện thoại, nữ công nhân Lê Thị X. (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) khóc tấm tức: “Em đã về quê rồi anh ơi. Phải ngồi máy may cày 3 năm em mới lên mức lương 3 triệu vậy mà ông chủ đuổi em. Bố em đang phải chạy thận. Không có tiền, em sợ bố không qua nổi anh ạ”.
Theo lời X., cô làm việc tại một công ty may ở Tân Bình, TP.HCM. Đầu tháng 4 vừa qua, ông chủ gọi X. và 2 người bạn quê Thanh Hóa lên gặp rồi nói: “Dạo này đơn hàng ít, 3 em nghỉ việc 7 ngày không lương!”.
7 ngày sau, Xuyến và bạn quay lại xưởng may thì ông chủ “lệnh" phải nghỉ tiếp 10 ngày cũng với lý do trên. X. bức xúc hỏi giám đốc: “Em nghe bạn bè nói hàng trong công ty làm không xuể, bữa nào cũng tăng ca chứ đâu phải thiếu hàng”. Ông giám đốc nổi cáu, quát: “Chanh chua, lý sự hả, đợt trước ai xúi công nhân viết đơn kiến nghị tăng lương? Cô với 2 ông người Thanh Hóa này chứ ai. Làm không lo làm, toàn quậy!”.
X. cho biết sau khi cô bị đuổi, 5 nam công nhân khác cũng bị cho nghỉ vì lý do “cùng quê con X.”. Cách đuổi việc của vị giám đốc này là bắt công nhân nghỉ không lương để công nhân chán nản tự động rút khỏi công ty.

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc. Trong ảnh, công nhân chới với vì một công ty ở huyện Bến Cát - Bình Dương ngưng hoạt động đột ngột.

Chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết mình đã nhiều lần nhận những cú điện thoại nhờ vả kiểu: “Chị ơi, em có người nhà vào đây xin việc mà đi đâu họ cũng không nhận. Chị coi công ty mình tuyển không xin giùm em với”.
Thực trạng buồn!
Ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Dương (phụ trách mảng lao động), cho biết có nghe thông tin các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh từ chối lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, theo ông Việt, chọn lựa lao động là quyền của doanh nghiệp, Ban Quản lý KCN không thể can thiệp.
Cũng theo ông Việt, nếu người lao động bị sa thải vô căn cứ, họ có thể khởi kiện ra tòa hoặc thông qua các tổ chức công đoàn, ban quản lý khu công nghiệp và các tổ chức khác để can thiệp.

Những công nhân nữ với khuôn mặt buồn rười rượi khi bỗng dưng mất việc

Theo một số chuyên gia, cần nhìn nhận rằng, lao động phổ thông nói chung còn chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt là với lao động ngoại tỉnh. Họ chưa hình dung trước môi trường, văn hóa nơi sẽ đến cũng như cách thức làm việc sao cho hiệu quả.
Nói về vấn đề này, Luật sư Trịnh Thanh, VP luật sư Người nghèo TP.HCM đặt vấn đề, nên chăng các địa phương cần tổ chức những buổi nói chuyện, định hướng, để tránh sốc văn hóa vùng miền?
Lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh, tuy có một vài hạn chế, nhưng họ đoàn kết, chân thành, chịu thương chịu khó,… nên chỉ cần khéo léo khắc phục là có thể đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. “Về phía doanh nghiệp, cũng nên đặt kết quả lao động lên hàng đầu, chứ đừng lăn tăn họ là ai, họ đến từ đâu…”, luật sư Thanh nêu quan điểm.

[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)