Trước đó ngày 21/5, phía Trung Quốc thông báo rằng cơ quan ngư chính nước này đã bắt giữ hai tàu cá QNG 50003 TS và QNG 55003 cùng 14 ngư dân Việt Nam vào ngày 16/5. Các tàu này khi đó đang hoạt động nghề cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Lúc 13h ngày 21/5, Trung Quốc thả tàu QNG 50003 TS và 14 ngư dân, nhưng tịch thu tàu QNG 55003 TS cùng toàn bộ hải sản, ngư cụ của hai tàu này. Sáng ngày 23/5, tàu cá QNG 50003 TS cùng 14 ngư dân đã về tới đất liền an toàn.
Ngay sau khi nhận được thông báo của phía Trung Quốc, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện của đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trao công hàm nêu rõ quan điểm. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân cũng như tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", ông Nghị nói.
Theo ông Nghị, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNG 55003 TS cùng toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16/5, đồng thời chấm dứt các hành động tương tự. Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc trả lại tàu cá QNG 66101 TS mà Trung Quốc bắt giữ ngày 4/3.
Phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam hôm 15/5 cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt tại Biển Đông trong hai tháng rưỡi (từ 16/5 tới 1/8). “Việt Nam phản đối quyết định đơn phương này của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị”, ông Nghị nêu rõ.
Song song với việc tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông, Trung Quốc thời gian qua liên tục đưa những phương tiện "khủng" ra vùng biển này. Trong số đó đáng chú ý là giàn khoan dầu khổng lồ Ocean Oil 981, tàu Ngư Chính 310, tàu Dầu khí Hải dương 201 và tàu chế biến thủy sản Hải Nam Bảo Sa 001.
Các động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Manila về bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ đầu tháng 4. Hai bên cùng tuyên bố chủ quyền với bãi cạn không có người sinh sống này và không có dấu hiệu nhượng bộ.