4-3-3 là sơ đồ ưa thích của Mourinho
“Chúng tôi có thể phải lùi một bước để đảm bảo sự chắc chắn ở phía sau” – Người đặc biệt tuyên bố sau khi Chelsea bị loại khỏi Cúp Liên đoàn bởi Sunderland. “Chơi phản công không hẳn là điều tôi muốn, nhưng tôi đang suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Nếu tôi muốn giành chiến thắng 1-0, tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn có thể, vì đó là điều dễ dàng nhất trong bóng đá. Không khó, vì bạn không cho cầu thủ cơ hội thể hiện cái tôi của mình.”
Mourinho có lẽ đang nhớ về “nhiệm kỳ” đầu tiên của ông tại Chelsea từ 2004-2007, đặc biệt là mùa giải đầu tiên 2004-2005: Họ đã vô địch với sự hiệu quả cực kỳ đáng sợ. Chelsea có đến 11 trận thắng với tỉ số 1-0, lập kỷ lục giữ sạch lưới nhiều trận nhất (25) và thủng lưới ít nhất (15), thu về tổng cộng 95 điểm. Những con số không tưởng.
Mourinho nhấn mạnh rằng chất lượng kiểm soát bóng của Chelsea mùa này là rất ấn tượng, nhưng vấn đề là bản năng sát thủ quá thấp. Tóm lại, đây chắc chắn không phải đội bóng mà Mourinho mong muốn xây dựng.
Phát biểu của ông đến vào thời điểm rất thích hợp: Phía trước Chelsea là Arsenal, Swansea, Liverpool và Southampton. Tất cả đều có lối chơi tích cực, thích cầm bóng và cố gắng áp đặt lối chơi. Arsenal và Liverpool là những đội tấn công hàng đầu Premier League hiện nay, trong khi Swansea và Southampton là những đội cầm bóng tốt nhất ở nhóm trung bình khá.
Mourinho không có trong tay sát thủ đích thực để theo đuổi bóng đá tấn công ở Chelsea
Đây là lúc mà Mourinho đứng trước một tình cảnh rất nguy ngập: Chelsea chơi tấn công từ đầu mùa để phục vụ cho “bóng đá sexy” mà ông chủ Abramovich mong muốn, nhưng đó lại không phải sở trường của HLV người Bồ và khiến ông sa lầy.
Thế mạnh của Mourinho là phòng thủ phản công
Các nguyên tắc chiến thuật của Mourinho được xây dựng trên nền tảng phòng ngự, và cách tiếp cận trận đấu của ông thường mặc định là phòng ngự phản công.
Ngoài Chelsea 2004-2007, tập thể hoàn hảo nhất Mourinho từng dẫn dắt, Porto 2003-2004 và Inter Milan 2009-2010 cũng là những đội bóng đã đi đến đỉnh cao với lối chơi phòng ngự phản công. Chúng ta luôn thấy những đặc điểm thế này ở mỗi đội bóng Mourinho dẫn dắt: Hàng thủ không dâng quá cao, hai hậu vệ cánh không bao giờ dâng cùng lúc, các trung vệ cực khỏe và đặc biệt là một tiền đạo có hiệu suất hoạt động như một… tiền vệ. Đó sẽ là phải là đội bóng gan lì, thực dụng đến tàn nhẫn và cực mạnh trong không chiến lẫn các tình huống cố định.
Với lối chơi ấy, Mourinho là khắc tinh một thời của Barcelona, ngay cả trong giai đoạn đỉnh cao của đội bóng xứ Catalunya. Với thế mạnh của mình, Mourinho đã đi đến đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức phòng ngự.
Nhưng Mourinho không biết tấn công
Đúng hơn là không thể tấn công ở đẳng cấp cao. Tại Real Madrid, Mourinho, vì phải thừa hưởng văn hóa bóng đá Hoàng gia và tận dụng các cầu thủ tấn công có trong tay, đã phải xếp một đội hình tấn công: Một tiền vệ con thoi hay dâng cao ở giữa sân, hai tiền đạo cánh được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự, một hậu vệ cánh tích cực tấn công, với đội hình dâng cao để siết chặt không gian hỗ trợ cho số 10 của đội.
Đó là hệ thống ít “chất Mourinho” nhất từ trước đến nay. Real Madrid của Mourinho có thể tấn công và đàn áp tốt các đội ở Liga do chênh lệch quá lớn, nhưng khi đôi công với một đội bóng tấn công ở đẳng cấp cao, thì Mourinho lập tức bối rối. Thất bại tâm phục khẩu phục trước Dortmund ở Champions League mùa trước cho thấy điều đó.
Chelsea có một hàng công không tồi, dù không có một tiền đạo sắc bén như Drogba trước đây, nhưng Eden Hazard, Oscar, Andre Schuerrle, Juan Mata và thậm chí Samuel Eto’o vẫn là những cái tên đáng mơ ước với nhiều đội bóng. Mourinho xoay sang sơ đồ 4-2-3-1 để tận dụng hết nhân lực trên hàng công (vậy mà vẫn phải cho Mata ngồi ngoài, một quyết định đầy tranh cãi), nhưng rõ ràng là ông không biết cách làm cho Chelsea tấn công mượt mà, cuốn hút, và đặc biệt là hiệu quả như Chelsea của nhiệm kỳ đầu tiên. Một Chelsea phòng ngự đúng chất Mourinho.
Hãy quay về với 4-3-3
Có lẽ đó là hệ quả của một thói quen hình thành từ khi còn là thiếu niên của Mourinho: Cậu bé Jose thường đi thị sát các đối thủ thay cho cha mình, ông Felix Mourinho, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của đối phương, rồi thậm chí đề ra phương án khắc chế. Một lần, Mourinho đã từng được cha thưởng tiền, nhờ “tư vấn” thành công cách cầm hòa đối phương 0-0.
Sau này, khi là trợ lý của Bobby Robson, Mourinho cũng tỏ ra đặc biệt xuất sắc trong các báo cáo phân tích đối thủ. Tóm lại, ông là người giỏi phát hiện và khai thác những sai lầm của đối phương, hơn là một chiến thuật gia có thể phát triển khả năng tấn công lên đỉnh cao nghệ thuật.
Mourinho cần phải quay về với 4-3-3
Đó là sơ đồ ưa thích của Mourinho, vì như ông giải thích: “Việc có thêm một tiền vệ là lợi thế của chúng tôi. Nếu ai đó kèm anh ta, khoảng trống của họ sẽ lộ ra.” Hàng tiền vệ hình tam giác, với một “mỏ neo” ở phía dưới là điều Mourinho mong muốn. Claude Makelele đã giữ vai trò này trong mùa giải bê tông cốt thép 2004-2005.
Mourinho đã từng xếp Chelsea chơi 4-3-3 trong trận gặp West Ham mùa này, với John Obi Mikel chơi ngay phía sau Frank Lampard – Ramires, đẩy Oscar sang cánh phải. Kết quả: Chelsea thắng 3-0 khá đơn giản, không hoa mỹ, nhưng rất hiệu quả.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc là hàng công 9 người của Mourinho (6 tiền đạo và 3 tiền vệ công) sẽ phải cạnh tranh dữ dội cho 3 suất đá chính. Và ngay cả khi dẹp yên được phòng thay đồ, thì Mourinho cũng sẽ vấp phải một thử thách khác: Roman Abramovich, người thích bóng đá tấn công sexy, hơn là thu lu trong hang động và chờ thời cơ.
Phía trước là chặng đường có thể quyết định số phận chiếc ghế của Mourinho, những đáng tiếc là tại Chelsea, ông cũng không có quyền được là chính mình.
[/justify]