Khi vợ tôi nói câu ấy thì tôi thật sự tự ái. Cảm giác như mình bị xúc phạm, mặc dù từ trước đến nay tôi đã chịu nhiều cảnh mẹ chồng con dâu căng thẳng trong nhà. Tuy nhiên, tôi không phản ứng làm gì. Kinh nghiệm cho thấy cứ im lặng rồi không mua, khi về sẽ bảo: “Không tìm được hàng” là yên ổn mọi bề. Nhưng từ hôm đó, ngày nào nàng cũng nhắc: Anh phải mua, phải mua, phải mua… đau hết cả đầu.
Chuyến đi Nhật của tôi kết thúc sau 2 tuần. Tôi thực hiện kế hoạch không mua chiếc “máy theo dõi mẹ chồng” cho vợ và nói rằng, không tìm thấy nó ở đâu trên cái đất nước Nhật mênh mông như thế. Nhưng oái oăm thay, trong đoàn có tên Hòa (cơ quan vẫn gọi đùa là Hòa đại nhân) đã mua chiếc máy ấy và mang đến tận nhà cho vợ tôi mà không nói cho tôi biết.
Khi bị tôi quạt cho một trận, cậu ta mới nói lâm li: “Anh làm lãnh đạo, chị ấy không muốn anh đi ký kết việc quốc gia đại sự lại phải bận tâm tới cái việc tiểu nhân vớ vẩn, mất hết tư cách”. Thế là tôi lại “nể vợ, sợ người” mà ngậm bồ hòn. Vợ tôi thấy tôi không nói gì nữa thì rắp tâm vận hành máy.
Chủ nhật đó, mẹ tôi vừa ra tàu về quê thì nàng gọi thợ đến lắp đặt. Ống kính có độ xoay nên quay chiếu được khắp bếp, phòng ăn và căn buồng tầng một mẹ tôi ở. Bực lắm, nhưng tôi vẫn nói nhẹ nhàng: “Sao em phải làm thế? Mẹ có gì mà phải kiểm soát?”.
Tức thì nàng gắt lên: “Bà hay lấy gạo, lấy đồ cho bọn ăn xin. Có hôm còn cho mấy mẹ đồng nát vào nhà chơi, uống nước ngọt trong tủ lạnh, chuyện trò ầm cả phòng. Em sợ bọn họ cuỗm hết đồ đạc của nhà mình nên phải theo dõi”. Cái cớ ấy khiến tôi càng thương mẹ nhưng không gàn nổi vợ nên tôi rất buồn.
Một ngày kia, trong bữa ăn, cả nhà bỗng thót tim vì nghe vợ tôi hỏi: “Hôm nay thấy mẹ đong 6 bơ gạo nấu cơm sao nồi cơm vẫn như mọi khi?”. Mẹ tôi lặng đi một lát rồi thong thả bảo: “Tôi đong có 2 bơ, sao chị bảo đong những 6 bơ?”. Vợ tôi lúc đó mới bật cái băng hình cho cả nhà xem. Trời ơi, tay mẹ tôi chậm nên đong bơ gạo nào đếm được bơ đó. Tất cả 6 lần. Nhưng tiếp theo là cảnh bà cầm túi ni lon đựng mấy bơ gạo đó mở cửa cho một người phụ nữ nhom nhem, hốc hác đang đứng chờ ngoài cửa.
Mẹ tôi lúc đó mới thú nhận: “Ừ thì mẹ cho cái nhà chị ấy. Chị ấy đang nuôi con chạy thận trong bệnh viện, khổ lắm”. Tức thì vợ tôi nói gay gắt: “Mẹ dễ tin người quá. Thời bây giờ toàn người lừa dối đấy. Họ chẳng phải nuôi con chạy thận đâu. Mẹ mà mời họ vào nhà cho ăn uống, họ lấy hết đồ đạc đi thì mẹ tính sao?”.
Mẹ chẳng nói được gì đành chùi những giọt nước mắt bằng vạt áo rồi lặng lẽ lên phòng nằm. Mẹ đứng lên, tôi cũng không ăn nổi bát cơm. Nỗi khổ tâm cứ trào lên nghẹn cổ.
Thấy vậy, vợ tôi nặng mặt sa mày bảo: “Em nói để mẹ cảnh giác. Cũng là bảo vệ cho gia đình. Nhỡ có kẻ nào âm mưu hại anh thì sao?”. Tôi xua tay: “Anh đau đầu quá, xin em để cho anh yên thân”. Rồi tôi cũng bỏ mâm cơm đứng dậy.
Chuyện chưa nguôi ngoai thì một buổi đang chủ trì cuộc họp, tôi có điện thoại của vợ: “Anh về nhà ngay, bà đang có chuyện”. Lo mẹ làm sao, tôi vội dừng cuộc họp về vội. Đến nhà mới vỡ lẽ, trong phòng khách có khoảng 6, 7 bà đồng nát, quang gánh, xe thồ còn để ngổn ngang ở sân. Các bà đang uống nước và nói chuyện quê hương rất rôm rả.
Tôi chào các bà. Một bà đứng dậy thanh minh: “Chú thông cảm cho việc chúng tôi đến đây. Vì bà cụ nhớ quê lắm, chỉ muốn chúng tôi ghé vào kể dăm câu chuyện xóm làng để cụ biết. Cụ bảo ở đây cô đơn và rất buồn. Cụ chỉ muốn về quê sống nhưng các con không cho. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên nhủ cụ ở lại cho con cháu yên tâm công tác, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn mang biếu cụ ít cau trầu hái ở quê, cụ ăn cho đỡ nhớ…”.
Tôi cảm động quá, chỉ biết cảm ơn các bà và mời họ: “Khi nào rảnh việc, các bác hãy ghé vào đây uống nước, chuyện trò với mẹ cháu cho cụ đỡ nhớ quê”. Thế thôi mà sao vợ tôi biết hết. Hóa ra nàng theo dõi qua camera. Hôm sau cô ấy bảo: “Anh lại còn mời họ vào nhà cứ như bạn bè. Tôi cấm!”.
Lần này thì không nể nữa, tôi bảo luôn: “Nhà của anh, mẹ anh muốn mời ai thì mời. Em không có quyền”. Thế là vợ tôi tru tréo lên. Rằng tôi vô ơn, rằng tôi cậy của, rằng tôi bênh mẹ, rằng tôi kiếm cớ loại trừ cô ấy ra khỏi nhà… Tôi hét lên: “Cô đừng có già mồm đổ tội. Mẹ có nỗi khổ riêng, cô không hiểu được đâu, đời mẹ đã khổ nhiều rồi, đừng làm mẹ khổ nữa”.
Tức thì vợ tôi liền đánh bài ngửa: “Vậy anh thương cụ hay là thương tôi? Anh chọn đi, nếu chọn mẹ anh thì tôi sẽ ra khỏi cái nhà này?”. Tôi đế thêm: “Còn nếu chọn cô thì mẹ tôi phải ra đi phải không?”.
Chuyện cãi nhau có lẽ đã dội vào tai mẹ tôi. Cuối tuần ấy, trong bữa cơm, cụ nói rất vui với cả nhà: “Tuần sau có hội làng, năm nay làng làm to lắm, các con cho mẹ về quê nhá”. Tôi thừa biết mẹ kiếm cớ để ra đi nhưng không dám gàn và muốn để cụ về quê ít ngày cho thanh thản. Nào ngờ, về quê đã cả tháng mà mẹ tôi chẳng lên. Thằng Tuấn gọi điện về nhà bác gái hỏi bà nội thì bác bảo: “Bà nhắn không lên nhà cháu nữa vì ở quê hợp khí hậu, bà khỏe ra”.
Tôi đau lòng lắm liền chì chiết vợ: “Tại cô đấy, bà cụ sẽ chẳng thèm lên đây nữa đâu”. Vợ tôi nói mát: “Tại tôi thì để tôi đi khỏi cái nhà này vậy, anh về quê mà đón mẹ anh lên. Chọn mẹ thì thôi vợ, thế thôi!”.
Tức thì tôi điên tiết quát tướng: “Tôi chỉ có một người mẹ trong đời thôi nhá, còn vợ thì kiếm đâu chẳng được”. Ngay lập tức vợ tôi hầm hầm lao vào buồng, lục tung tủ quần áo, xếp ngay đồ dùng cá nhân vào va li rồi gọi tắc xi đi thẳng. Cả tuần nay cô ấy không về nhà.
Tôi về quê đón mẹ lên, nhưng mẹ tôi cũng không lên. Thằng Tuấn mấy hôm nay toàn ăn cơm bụi và ở trường không ai chăm sóc. Chẳng biết sau đây sẽ thế nào chứ hiện giờ tôi đang chênh vênh, khó xử vô cùng.
Mẹ tôi vốn hiền lành, chất phác nhưng cả nghĩ, vợ tôi thì thông minh nhưng ích kỷ. Cả hai người phụ nữ tôi đều thương yêu nhưng vợ tôi bắt phải chọn một. Chính cô ấy đã làm tan nát cái gia đình này.