Đường lên trường PTCS Kim Bon của huyện miền cao Phù Yên tỉnh Sơn La khó như đi lên trời. Tới nơi, tôi chưa hết sửng sốt vì điều kiện sinh hoạt quá kham khổ thì đã bị sốc khi chứng kiến những lớp học vắng bóng nữ sinh.
Những mảnh đời bị đánh cắp
Mùa cướp vợ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch theo tục của người Mông. Những thầy cô giáo của trường Kim Bon rất sợ mùa này bởi vì nó mà nhiều học sinh nữ sẽ chẳng bao giờ quay trở lại lớp học nữa và những học sinh nam bỗng dưng có vợ lúc mới 12, 13 tuổi.
Vì sao vậy? Thầy giáo Đinh Văn Thìn, thở dài, giải thích cho tôi: “Cướp vợ” - một phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Mông thường diễn ra vào mùa xuân. Chàng trai Mông đến chợ, nếu bắt gặp một cô gái và cảm thấy “ưng cái bụng” liền quay về rủ thêm một số thanh niên trong bản tìm bắt cô gái theo mình. Nếu hai người đã có tình ý từ trước thì việc này diễn ra đơn giản. Cô gái sau một hồi chống cự lấy lệ sẽ để chàng trai đưa về nhà… sống thử. Sau đó chàng trai sẽ đưa cô gái về nhà bố mẹ đẻ của cô để làm các nghi lễ cưới hỏi truyền thống.
Nhưng từ lâu phong tục này đã bị biến dạng. Chỉ vì muốn có thêm người làm, bất chấp con mình còn ít tuổi, nhiều gia đình người Mông đã tổ chức “cướp” con gái nhà người khác làm vợ cho con mình một cách đầy vũ lực chứ không còn mang tính chất thủ tục để hợp thức cái: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Một khi cô gái đã bị bắt đi, khó lòng quay lại được nữa vì theo tục lệ của người Mông, đã ở nhà trai một đêm thì không được phép trở về nhà cha mẹ đẻ nữa. Sau 3 ngày, nhà trai mới cử người sang nhà gái báo chính thức về chuyện “bắt vợ”.
Thầy Thìn và nhiều giáo viên trường Kim Bon đã không ít lần rơi nước mắt khi sáng mai ra nhìn thấy những chỗ ngồi trong lớp học vắng đi những nữ sinh. Ngày kia, ngày kia nữa, nữ sinh chẳng đến lớp… Ai cũng hiểu em đã bị “cướp”. Những tiếng thét của nữ sinh người Mông bị “cướp” cứ ám ảnh mãi những thầy cô giáo và cả học sinh trường Kim Bon.
Cách đây chưa lâu, một cô bé mới học lớp 5 trên đường tới trường, đã bị những kẻ đàn ông mật phục và kéo đi, đưa về nhà trai và nhốt vào buồng kín. Cô bé khóc thét lên. Nhưng tiếng khóc thảm chỉ vọng vào vách núi rồi dội lại.
Nhà trường biết chuyện đến vận động nhà trai nhà gái hãy để cho cô bé được tiếp tục đến trường. Nhà trai lắc đầu, nhưng ngay cả bố mẹ cô bé cũng chẳng phản đối việc con mình bị “cướp”.
Sau vài ngày bị nhốt trong buồng kín, cô bé lớp 5 đã trở thành vợ một cậu bé mới 13 tuổi sau một đám cưới đơn giản. Phẫn uất và cảm thấy bất lực, cô giáo chủ nhiệm chỉ còn biết gạt nước mắt chia tay học trò đã trở thành vợ nhà người mà tay vẫn còn vương mực tím.
Có bao học sinh “theo chồng bỏ cuộc chơi” nơi miền sơn cước.
Cô giáo nhìn thấy viễn cảnh rồi đây học trò mình sẽ phải làm việc quần quật tối tăm mặt mũi, chẳng bao giờ còn có thể nhảy lò cò chơi với chúng bạn trong nắng sân trường được nữa.
BÀI LIÊN QUAN
- [*]Phẫn nộ với gã chồng đổ thuốc sâu vào nồi thịt giết vợ
[*]Cặp vợ chồng sốc khi phát hiện là anh em ruột
Tôi đi một vòng ngó vào những lớp học đơn sơ của trường Kim Bon, một điều dễ nhận thấy nhất; tỷ lệ học sinh nữ ít hơn hẳn so với học sinh nam. Cả trường Kim Bon có 280 học sinh, thì chỉ có 53 nữ sinh. Và rồi không ai dám chắc con số ấy sẽ vẫn giữ nguyên khi mùa cướp vợ đang tới.
Giàng Thị Mẩy- má đỏ hồng, gương mặt xinh xắn, ngây thơ, trở nên thảng thốt khi tôi hỏi: “Em muốn học lên nữa hay ở nhà lấy chồng”. Mẩy ấp úng mãi mới nói được: “Em muốn học lên cấp nữa để làm cô giáo, nhưng em sợ bị bắt đi lấy chồng. Em sợ…”.
Mẩy vẫn chưa quên ký ức kinh hoàng: chị gái mình, lúc đó mới học lớp 4, cũng ở trường này, bị 3 thanh niên to khỏe lôi đi xềnh xệch giữa một ngày đầy gió lạnh cuối đông.
Bàn tay nhỏ bé của chị nắm được một nắm cây xấu hổ bên đường. Chị nắm chắc đến nỗi bật cả rễ cây xấu hổ, tay chị đâm vào gai tứa máu. Chị thét lên, Mẩy cũng thét lên kêu cứu.
Nhưng rồi Mẩy đành câm lặng đứng nhìn, sợ hét nữa, họ bắt Mẩy đi luôn. Mẩy nhìn thấy chị giữ chặt cây xấu hổ, tay loang máu khuất dần sau núi. Đó là hình ảnh cuối cùng về người chị của mình.
Cha mẹ Mẩy đón nhận tin này một cách bình thản. Họ biết con gái mình sắp làm vợ. Sự bình thản đó làm Mẩy sợ. Mẩy đã học được nhiều điều hay từ trường, đủ để biết ước mơ và đủ để sợ mình bị “cướp”.
Tôi cũng sợ cô bé má hồng ngây thơ này sẽ bị “cướp” nhốt vào phòng kín, bị cướp luôn giấc mơ làm cô giáo, bàn tay nhỏ bé chỉ có thể bíu vào được một bụi cây xấu hổ ven đường. Những nữ sinh người Mông này, giữa thập niên 20 của thế kỷ 21, vẫn có thể bị một gã đàn ông xa lạ cướp về làm vợ ngay giữa ban ngày ban mặt mà dường như không ai bảo vệ họ.
Những cậu học trò có vợ
Học sinh A Chung ngượng ngùng kể về cuộc hôn nhân của mình.
Khi những cô gái bị cướp vợ thì sẽ có những người đàn ông người Mông cưới vợ. Nhưng nhiều chú rể chỉ là những đứa trẻ. Tôi đã nhìn thấy những chú rể đó ở trường Kim Bon. Vàng A Chung - 12 tuổi đang chơi với chúng bạn trong lớp thì được thầy giáo mời lên văn phòng nhà trường để nhà báo phỏng vấn (có sự giám hộ của thầy).
Trước mắt tôi, người học sinh vừa cưới vợ này còn nhỏ hơn so với tuổi, mặt non choẹt, mắt ngơ ngác… Vậy mà A Chung - cậu học trò ở thôn Suối On đã cưới Mùa Thị Phăng 17 tuổi làm vợ. Sau khi cướp Mùa Thị Phăng về, chỉ mấy ngày sau A Chung đã trở thành chồng của cô gái hơn mình 5 tuổi.
A Chung kể: “Trước khi cưới vợ, em không biết mặt vợ. Cha mẹ nhắm cho từ trước rồi. Ngày cưới em còn chơi quay mệt, mẹ phải gọi về mặc quần áo mới. Cưới vợ xong, vợ làm nương, làm hết việc nhà còn em vẫn đi học”.
Đường từ nhà tới trường dài 11 km toàn núi cao suối sâu nên A Chung ở nội trú, cuối tuần mới về thăm vợ. Về gặp vợ cũng chỉ nói dăm ba câu, đêm về ngủ cùng giường nhưng một lúc đã ngáy. Nhưng A Chung đã biết uống rượu ngô và khi say, người chồng 12 tuổi này sẽ cho mình cái quyền hạch sách người vợ 17 tuổi mới cưới. Phận vợ 17 tuổi ngoan ngoãn phục tùng.
A Chung không ngượng vì mình cưới vợ sớm vì trong lớp và hầu hết nhiều lớp ở trường này cũng có học sinh lấy vợ. Nhiều đủ để trở nên bình thường. Số học sinh lấy vợ ở trường Kim Bon cũng chẳng phải cá biệt gì, thầy cô giáo cũng đành xem như chuyện thường ngày và đành tự an ủi: có vợ mà chịu đi học cũng là tốt rồi.
Tuy vậy, những học sinh đã “yên bề gia thất” như A Chung thường vẫn chơi với nhau thành một nhóm và nụ cười của những cậu bé làm chồng ở tuổi 12, 13 này cũng chẳng còn hồn nhiên nữa. Lộ trình cuộc đời họ thường giống nhau: lấy vợ quá sớm, sinh một đàn con và cuộc đời khuất chìm trong gánh nặng mưu sinh trên núi cao.
“Sau này có con, em có muốn cho nó lấy vợ sớm như mình không?” A Chung trả lời một câu khiến tôi cảm thấy màn sương mù dày đặc trên Kim Bon đang tan ra: “Không bao giờ, em muốn con mình đi học lên cao để không phải cực nhọc cuốc rẫy, làm nương như em nữa”.
A Chung đi vào lớp học. Chiều nay, cuối tuần cậu về thăm vợ. Chẳng ai dám chắc người chồng này sẽ trở lại trường vào tuần mới.