Tiến sỹ Daniel Kuritzkes công bố phát hiện tại hội thảo ở Malaysia
Thông tin đáng chú ý này vừa được các nhà nghiên cứu công bố vào ngày 3/7 trong một hội thảo ở Malaysia. Theo kênh NBC, các bác sỹ không gọi trường hợp này là đã được chữa khỏi bệnh AIDS, nhưng cho biết hai người này đều đã ngừng uống thuốc trị HIV. Đến nay một người đã không còn loai virus này trong 4 tháng, người kia cũng đã được gần 2 tháng.
“Mặc dù những kết quả này thực sự đáng mừng, chúng vẫn chưa cho thấy các bệnh nhân này được chữa khỏi”, tiến sỹ Timothy Henrich, đến từ bệnh viện Brigham & Women’s Hospital và trường y đại học Harvard tại Boston khẳng định.
Trường hợp của hai bệnh nhân nam giấu tên này lần đầu được công bố tại một hội thảo quốc tế về AIDS tại Washington hồi tháng 7 năm ngoái. Henrich, tiến sỹ Daniel Kuritzkes và các cộng sự đã tích cực tìm kiếm các bệnh nhân HIV có mắc bệnh bạch cầu hoặc u lym phô, những người đã được cấy ghép tế bào gốc tủy xương.
Họ muốn lặp lại trường hợp của Timothy Brown, một người còn được biết đến dưới tên “bệnh nhân Berlin”. Brown đã được điều trị bệnh máu trắng bằng phương pháp ghép tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến về gen, khiến các tế bào miễn dịch có thể chống lại sự lây nhiễm HIV.
Ca cấy ghép đã thay thế các tế bào bị nhiễm bệnh của Brown bằng các tế bào khỏe mạnh, kháng AIDS của người hiến tặng và bệnh nhân này suốt hơn 5 năm sau đó không còn virus HIV trong cơ thể.
Các bác sỹ đã tìm thấy 3 bệnh nhân đang được điều trị HIV trong khi được cấy ghép tủy xương nhằm tiêu diệt ung thư, và thay thế máu nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch bằng máu và hệ thống miễn dịch khỏe mạnh của người hiến tặng.
Tại thời điểm đó Henrich cho biết hỗn hợp dung dịch thuốc AIDS có khả năng đã bảo vệ tủy xương được cấy ghép mới khỏi bị lây nhiễm.
Một bệnh nhân hiện không còn HIV sau gần 3 năm phẫu thuật, còn một người khác đã được 4 năm. Cả hai người đã quyết định ngừng dùng thuốc trị AIDS cách đây vài tuần. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có HIV xuất hiện trở lại trong cơ thể họ, Henrich khẳng định. Ông vừa báo cáo những phát hiện này tới Hiệp hội AIDS quốc tế tại Malaysia hôm 3/7.
Thông thường các loại thuốc điều trị HIV có thể giúp giảm lượng virus xuống mức bệnh nhân khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch của họ không bị phá hủy. Những người uống thuốc cũng ít khả năng lây nhiễm cho người khác.
Các bác sỹ tin rằng loại thuốc này có thể khiến HIV không lây nhiễm cho các tế bào và có lẽ không còn ẩn náu được trong cơ thể. Tuy nhiên, những người đã nhiễm bệnh khi ngừng dùng thuốc hầu như chắc chắn sẽ bị virus tấn công trở lại một lúc nào đó.
“Sau 14 tuần đối với cả hai bệnh nhân, chúng tôi vẫn tiếp tục không phát hiện ADN của HIV trong tế bào của họ cũng như virus trong máu của họ”, Henrich cho biết. “Lần này chúng tôi đã nghiên cứu rất sâu, sâu hơn rất nhiều lần trước”.
Các bác sỹ đã theo dõi các tế bào miễn dịch mà HIV tấn công, nhất là các tế bào CD4 và CD8. Họ cũng lấy mẫu các mô trực tràng từ một bệnh nhân để đảm bảo rằng không có virus ẩn náu trong đó. Chỉ có một nơi họ không kiểm tra là trong não. “Chúng tôi không thấy việc đó có rủi ro gì”, Henrich nhấn mạnh.
Các trường hợp này đã đặt ra một câu hỏi mà các chuyên gia về AIDS chưa bao giờ mơ tới: Khi nào các bệnh nhân sẽ được tuyên bố đã được chữa khỏi?
Henrich cho biết các bác sỹ đã tranh cãi về việc liệu có thể hay không hoặc khi nào thì có thể tuyên bố bệnh nhân đã được chữa khỏi. Timothy Brown, hay bệnh nhân Berlin, thì tuyên bố mình đã được chữa khỏi.
Ông Henrich thì đặt câu hỏi: “Định nghĩa thế nào là đã được chữa khỏi? Ngay cả với bệnh nhân Berlin, người đã 5 năm không còn HIV, nó vẫn có thể trở lại, cho dù xác suất là rất nhỏ”. Henrich cho biết một bệnh nhân thứ ba, người tưởng như đã không còn HIV, đã chết khi căn bệnh u lym phô tái phát. Và ông khuyên những bệnh nhân đã sạch virus HIV vẫn tiếp tục sử dụng thuốc