Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại vốn nổi tiếng là 2 nền văn hóa đô thị xuất hiện đầu tiên trong lịch sử loài người, nhưng lớn nhất thì phải kể đến nền văn minh Harappan (hay còn gọi là Indus).Văn minh Harappan từng trải dài trên diện tích hơn 1 triệu km2 bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bangladesh ngày nay, thậm chí khi ở thời đỉnh cao còn chiếm tới 10% dân số thế giới. Nó phát triển từ khoảng 5.200 năm trước và dần sụp đổ cách đây 3.000 – 3.900 năm khi mà phần lớn cư dân rời bỏ thành phố của họ để di chuyển về hướng đông.
“Hoàn toàn bị lãng quên cho đến những năm 1920, vì vậy, Harappan là nền năn minh chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn”, nhà địa chất Liviu Giosan thuộc Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts (Mỹ) phát biểu.
Gần một thế kỷ trước, giới khoa học đã phát hiện ra rất nhiều khu định cư của người Harappan nằm dọc theo sông Indus và trong một sa mạc rộng lớn ở biên giới Ấn Độ – Pakistan với các tuyến đường thương mại nội địa phức tạp; hệ thống ống nước chằng chịt; các loại hình nghệ thuật, hàng thủ công tinh xảo và một hệ chữ viết vẫn chưa được giải mã.
“Khác với văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập, Harappan dường như là một xã hội dân chủ hơn khi mà ngay cả các vị vua hay pharaoh cũng không được xây dựng bất kỳ công trình đồ sộ nào”, Giosan nói
Nền văn minh bị lãng quên Harappan được đặt theo tên của một trong những thành phố lớn nhất nằm cạnh các con sông. Để làm sáng tỏ “số phận” khó hiểu của nó, mới đây Giosan và đồng nghiệp đã tái dựng cảnh quan quanh nơi mà Harappan phát triển.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu vệ tinh khu vực Indus và các con sông lận cận. Sau đó, từ năm 2003 đến 2008, họ thu thập nhiều mẫu trầm tích xuất hiện từ bờ biển Ả-Rập đến các thung lũng ẩm ướt, màu mỡ của Punjab và phía bắc sa mạc Thar để xác định nguồn gốc và độ tuổi của lớp trầm tích cũng như những thay đổi theo thời gian tại vùng đất này. “Nó được thử thách ở nhiệt độ 43 độC của sa mạc trong khoảng thời gian khá dài”, Giosan nhớ lại.
“Việc thu thập dữ liệu về lịch sử địa chất giúp chúng tôi hiểu phần nào cuộc sống cư dân nơi đây thời cổ đại, những loại cây và thời điểm họ trồng, cách thức thay đổi mô hình định cư và nông nghiệp”, nhà khảo cổ học Dorian Fuller ( Đại học College London) cung cấp thêm.
Một số ý kiến cho rằng khu trung tâm Harappan nhận nước từ sông băng linh thiêng trong thần thoại Hindu – Sarasvati. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận thấy nguồn cung duy nhất cho các con sông lại đến từ những cơn mưa theo mùa và đó chính là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt trên diện rộng. Theo thời gian, nước sẽ rút khi mùa mưa kết thúc, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp. Cứ như vậy, nền văn minh Harappan phát triển thịnh vượng trong gần 2.000 năm.
Nguồn năng lượng Mặt trời đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chu kỳ mùa mưa. Trong 10.000 năm qua, phía Bắc bán cầu có sự hấp thu nhiệt độ cao nhất vào khoảng 5.000 đến 7000 năm trước rồi giảm dần. Khí hậu trên Trái đất vẫn luôn phụ thuộc vào Mặt trời, vì vậy, lượng ánh nắng thấp hơn cũng có nghĩa là lượng mưa sẽ ít hơn.
Cuối cùng, sau nhiều thế kỷ, người Harappan phải rời bỏ quê hương, đi về phía đông lưu vực sông Hằng – nơi mà mùa mưa vẫn không có nhiều thay đổi.
Không còn lực lượng lao động, sự sụp đổ của nền văn minh Harappan là điều dễ hiểu.
“Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa sự biến đổi khí hậu với quá trình sụp đổ của cả một nền văn minh. Thời tiết là nguyên nhân làm thay đổi lịch sử”, Giosan kết luận.
Theo datviet
Chia sẻ cho bạn bè
biến mất, nền văn minh, nổi bật, tiêu điểm