[justify]Nói rằng tôi yêu một đội bóng vừa giành cú ăn ba hay có một siêu sao trị giá 80 triệu bảng thì ai cũng làm được. Giờ đây, khi sân Old Trafford đang tràn ngập những nỗi bất an, trong thời đại truyền thông ngày một xã hội hóa với những nhận định của hàng triệu con người, cần một khoảng lặng để biết ở đâu có những “trái tim đỏ” còn thực sự cháy vì M.U.
Khi M.U không mạnh nhất
M.U chưa bao giờ là đội bóng mạnh nhất thế giới, ngay cả thời của Ronaldo hay Beckham. Năm nay thì càng không, M.U đã bị loại khỏi tất cả các giải đấu cup, và đang đứng trước nguy cơ mất luôn ngôi vương Premier League. Thật ra ai cũng biết M.U “yếu thế” hơn Man City khá nhiều và thành công nếu có là phần lớn nhờ tài cầm quân của Sir Alex, nhưng kỳ lạ là khi họ bị vượt lên bởi một đội bóng đầu tư gấp cả chục lần trong 3 năm qua, người ta mới nhảy tới và mổ xẻ như trông thấy một sự suy tàn.
Sir Alex Ferguson là một phần sức mạnh của M.U. |
Khác biệt là rất nhỏ, đó là cú đánh đầu mẫu mực của Kompany vào thời điểm các cầu thủ chuẩn bị bước vào phòng thay đồ sau hiệp một. Từ điểm nhấn ấy mà mọi thứ dường như biến thành “một thế giới khác” ngay tắp lự. Hàng tiền vệ lép vế, hàng công cô độc, hàng thủ chật vật, nhưng nói M.U bị Man City áp đảo và kiểm soát toàn cục thì hoàn toàn sai lầm. Với nhân lực thua kém hơn, với mục tiêu thực tế và phải chơi trên sân khách, M.U đã chọn phòng ngự, Man City cầm bóng nhiều nhưng cũng chẳng hề tạo được nhiều cơ hội rõ ràng, và chỉ ghi bàn từ một tình huống cố định. Nói về cái đã diễn ra rồi thì lúc nào cũng dễ. Kompany lập tức thành người hùng, thành tiêu điểm của giới truyền thông, hàng loạt những lời ca tụng “chính sách đồng tiền” vang lên, vô khối những dè bỉu chê bai sự yếu kém của M.U, sự bất lực của Sir Alex ra đời. Đổi lại, nếu M.U cầm hòa hay thắng và vô địch, sẽ lại là cơ hội cho những ai thích dùng từ “vô đối” thực thi sở thích, những “chuyên gia” ác cảm với đồng tiền được một phen tô điểm giãi bày, những cụm từ như “quật cường”, “bản lĩnh”, “truyền thống” làm mòn những bàn phím ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc sống hiện đại là vậy.
Sir Alex bị chỉ trích, bị đòi “nhường ghế lại cho lớp trẻ”, bị cho là bảo thủ với những sai lầm. Nhưng có lẽ, sai lầm lớn nhất của Sir là… đã làm huấn luyện viên của M.U. Hoặc, có thể Sir đã “đánh giá hơi cao” Man City qua cách tiếp cận trận đấu, và đó là một sai lầm của ông, nếu người ta nhất định muốn nói đến sai lầm. Nếu Welbeck, Young hay Valencia có mặt từ đầu nhưng M.U vẫn thua trước Man City, người ta sẽ lại nhắc đến Park như một “con át chủ bài” mà Sir Alex “bỏ quên”, hay Giggs như “lão tướng đầy kinh nghiệm cho những trận đấu lớn” và Nani - “cầu thủ có khả năng gây đột biến cao hơn Valencia rất nhiều”.
Sir Alex đã già, nhưng tình yêu của ông dành M.U không bao giờ già, nó lớn hơn rất nhiều những người trẻ tuổi mà từ khi họ bắt đầu yêu M.U thì ông đã ở đó rồi. Những khán giả ngồi bàn chiến thuật như chúng ta sẽ mãi chỉ là những khán giả ngồi bàn chiến thuật, còn ông, ông là người mà “nếu là số hai thì chẳng ai là số một” trong nghề nghiệp của mình - nghề nghiệp mà ông đã làm nó 25 năm không nghỉ. Với những gì Sir Alex có trong tay, liệu có bất cứ một huấn luyện viên nào dám khẳng định sẽ đưa M.U vô địch ở giải đấu đường trường có hàng loạt đội bóng lực lượng tương đương và đối thủ chính thì có dàn sao gần ngang ngửa Real như thế? Không. Sir vĩ đại, vẫn vĩ đại, và việc đếm số bài viết xuất hiện khi ông về hưu sẽ làm chùn lòng ngay cả những người giỏi giết thời gian nhất, tin là vậy.
Khi là một Manucian
M.U không phải đội bóng mạnh nhất, nhưng luôn sở hữu một lượng fan khổng lồ. |
Khi là một Manucian, thì từ lúc Ronaldo ra đi, người ta sẽ quen phải thấp thỏm với những tin đồn chuyển nhượng không thể thành sự thật, người ta phải lo âu trong những trận cầu lớn mà M.U vất vả để đi đến, phải chênh vênh hòa nhập với một môi trường cảm xúc vô cùng bất định, lúc vui lúc buồn, đều bất ngờ chẳng thể đoán trước, vỡ òa rồi lại trầm ngâm với những danh hiệu ngập đầy mồ hôi nước mắt. Và nếu là Manucians, sau tất cả, người ta sẽ vẫn yêu M.U của mình như từ đầu đã thế.
Một phần tư thế kỷ qua, thách thức liên tục đến với M.U, thăng trầm không thiếu, nhưng nhìn lại, chẳng “ông lớn” nào có thể trụ vững lâu dài bởi dù trước dù sau, M.U vẫn đoạt lại vị thế của mình ở nước Anh như một biểu tượng bất khả xâm phạm. M.U thua đâu có ít, những trận đá dở có thừa, những giai đoạn “lép vế” trước đối thủ vẫn diễn ra, nhưng vì sao, vì sao số lượng người hâm mộ không vì thế mà giảm đi, vẫn luôn là hàng đầu thế giới? Vì họ biết, còn Sir Alex, còn M.U, còn tình yêu ở đó. Sir Alex là ai? Là người trong cơn bĩ cực không lạc lối rồi gục ngã, hoặc “ra đi trong thanh thản” như nhiều huấn luyện viên khác, ông là con người của những cuộc chiến chinh trường kỳ, với niềm đam mê chưa bao giờ tắt, cùng với sức lực và trí lực khó ngờ ở cái tuổi bảy mươi. M.U của ông và của chúng ta cũng vậy, vẫn luôn có cái gì đó- “cái” không thể định nghĩa bằng lời, “cái” làm cho những người yêu Arsenal không thay đổi, những người yêu Chelsea không lung lay, và những người yêu Liverpool không chuyển sang một đội bóng khác. Đó là một vóc dáng, cũng có thể là một tinh thần, một không khí, một bản sắc, một thứ đủ làm những con tim người hâm mộ rung lên mỗi lần M.U ra sân thi đấu.
Chúng ta không phải nhà Glazer, chúng ta không thể tự mình rút ví mua về ngôi sao, và chẳng công bằng chút nào nếu kêu ca như thể Sir Alex và các cầu thủ là những người có lỗi. Họ chiến đấu để phục vụ những người yêu mến họ, còn những người ấy đã làm được gì cho M.U, ngay cả việc đơn giản nhất là mua một chiếc áo đấu “đúng nghĩa”? Tất nhiên, chúng ta có quyền đòi hỏi, nhưng chẳng câu lạc bộ nào tồn tại chỉ bằng những cổ động viên như thế. Sir Alex, ông không thể thành công nếu người hâm mộ thôi yêu M.U của ông, không ai đến sân tiếp lửa, giá trị thương mại giảm sút. Nhưng có lẽ, những người yêu M.U vẫn không dừng yêu M.U được, và đằng sau những phân tích đầy lý tính, tình yêu vẫn là thứ còn lại sau cùng.
[/justify]