Kinh nghiệm và kiến thức đang dần trở thành yếu tố ít quan trọng hơn trên bước đường thành công của một người tại nơi làm việc.
Trí thông minh cảm xúc lại dần đóng vai trò rất lớn hơn không những trong cuộc sống thường ngày mà còn trong môi trường làm việc. Thiếu trí tuệ cảm xúc chia con người thành 9 kiểu người tiêu biểu. Dù là kiểu người nào thì nó cũng khiến bạn khó có thể thành công trong công việc.
1. Người bi quan
Đây là kiểu người luôn tiêu cực, và có khả năng khiến những người xung quanh cũng cảm thấy tồi tệ theo bằng cách áp đặt suy nghĩ bi quan của mình lên bất cứ ai gặp họ. Họ luôn chỉ nhìn vào mặt xấu của vấn đề và tìm ra điều gì đó để lo sợ ngay cả trong những tình huống bình thường nhất.
Thực tế, một người luôn tiêu cực sẽ khiến những đồng nghiệp xung quanh cảm thấy mệt mỏi và tránh xa.
2. Người hèn nhát
Sợ hãi là một động lực vô cùng mạnh mẽ. Đây là lý do tại sao các ứng cử viên tổng thống thường nói với mọi người rằng đối thủ của họ sẽ "phá hủy nền kinh tế" và các quảng cáo cảnh báo rằng "hút thuốc lá giết chết bạn".
Tại nơi làm việc, nhiều người thường bị nỗi sợ lấn át dẫn tới những hành vi thiếu lý trí và gây tổn hại cho người khác. Các đồng nghiệp hèn nhát rất hay đổ lỗi cho người khác và lấp liếm những sai lầm nghiêm trọng, không dám đấu tranh vì những điều đúng đắn.
3. Người kiêu ngạo
Những người kiêu ngạo làm lãng phí thời gian của bạn bởi vì họ sẽ không coi trọng những gì bạn làm. Kiêu ngạo chính là sự tự tin ngụy tạo, nó được họ dựng lên làm vỏ bọc nhằm che giấu những điều bất ổn bên trong.
Một nghiên cứu của Đại học Akron phát hiện thấy sự kiêu ngạo có liên quan đến hàng loạt các vấn đề tại nơi làm việc. Những người này thường có chất lượng công việc kém, luôn phản đối ý kiến của người khác và có vấn đề về nhận thức.
4. Người có tâm lý đám đông
Những người hay hùa theo số đông thường rất ít có ý kiến phản bác, không có chính kiến và chẳng bao giờ có tư tưởng thay đổi. Nếu bạn thấy mình bị "tẩy não" bằng những gì mà đa số mọi người nghĩ, thì hãy thận trọng bởi điều đó chẳng bao giờ lại thành công
5. Người nghĩ mình thiệt thòi so với người khác
Đây là những người luôn lấy lý do thiếu cơ hội cho mọi thất bại của mình. Còn nếu trong một khoảng thời gian ngắn may mắn có chút thành quả, thì người này lại cho rằng họ có được nó là vì họ đã làm việc chăm chỉ. Những người này lại không nhận ra rằng chính thái độ của họ mới khiến họ trở nên thiệt thòi, chứ không phải do hoàn cảnh.
6. Người có tính khí thất thường
Một số người hoàn toàn không kiểm soát được cảm xúc của họ. Họ sẽ kích động và trút cảm xúc của họ vào bạn, cho rằng bạn là nguyên nhân gây ra cú sốc hay khó chịu cho họ.
Người có tính khí thất thường làm việc kém hiệu quả vì họ bị cảm xúc chi phối. Họ dễ hoang mang, rối bời vì một quyết định hay nhận xét và sự thiếu tự chủ, đôi lúc họ có thể làm rạn vỡ các mối quan hệ của mình. Hãy cảnh giác với người tính khí thất thường, bởi họ sẽ đem bạn ra làm đối tượng để xả những bức bối trong lòng.
7. Người luôn thấy mình là kẻ bị hại
Đây là kiểu người rất khó nhận ra, bởi ban đầu bạn sẽ dễ cảm thông cho vấn đề mà họ gặp phải. Nhưng thời gian qua đi, bạn nhận ra rằng họ là những người lúc nào cũng gặp khó khăn. Những nạn nhân này luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm bằng việc biến mọi thử thách thành những nhiệm vụ bất khả thi. Họ xem khó khăn là dấu chấm hết, chứ không phải là cơ hội để học hỏi và tiến bộ.
8. Người luôn cam chịu
Những người này thực sự rất đáng thương. Họ chỉ biết đi theo đám đông và làm những gì người khác sai khiến. Họ không dám thương lượng về lương bổng của mình, không dám từ chối ai và không nghi ngờ bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận được nhiều sự tôn trọng hơn nếu biết đấu tranh đúng lúc.
9. Người hay xin lỗi
Ai cũng có lúc thừa nhận lỗi lầm và xin lỗi, nhưng có những người lại nói lời xin lỗi quá thường xuyên. Những người thiếu tự tin luôn miệng xin lỗi vì những suy nghĩ và hành động của họ. Họ sợ thất bại và tin rằng việc xin lỗi sẽ có tác dụng như một giải pháp an toàn. Thực tế, những lời xin lỗi không cần thiết sẽ khiến ý kiến của họ giảm giá trị, khiến người khác có thể đánh giá thấp họ.
Một điều lưu ý là giọng điệu ra và ngôn ngữ cơ có thể giúp phản ánh được tầm quan trọng về ý kiến của bạn. Khi bạn nói ra ý kiến dưới dạng một câu hỏi đang cần cân nhắc thì cũng tệ như lời xin lỗi vậy. Nếu bạn thực sự tin rằng một điều gì đó có giá trị chia sẻ, thì hãy sở hữu nó và chia sẻ nó bằng sự tự tin.
Theo Trí Thức Trẻ