Tin tức - pháp luật 2011-12-18 02:19:53

Nga khẳng định siêu máy bay T-50 sẽ là số một thế giới


Tổng Tư lệnh Không quân Nga, thượng tướng Alexandr Zelin tuyên bố, máy bay thế hệ thứ 5 T-50 do Tập đoàn Sukhoi nghiên cứu thiết kế sẽ vượt qua tất cả những dòng máy bay tương tự tốt nhất thế giới hiện nay.







Thủ tướng Nga Vladimir Putin trực tiếp thị sát lần thử nghiệm đầu tiên của PAK FA T-50.

Theo ông Zelin, hiện nay máy bay thế hệ thứ 5 T-50 của Nga đã cơ bản hoàn tất, không còn bất cứ một trở ngại nào, tất cả đã diễn ra rất suôn sẻ và theo đúng kế hoạch ban đầu.





Tuy nhiên, phải đến năm 2013 Không quân Nga mới được phép ký kết các hợp đồng mua dòng máy bay siêu hiện đại này và đến năm 2015 T-50 mới chính thức biên chế trong lực lượng Không quân Nga.

Khi đi vào hoạt động, PAK FA T-50 sẽ trở thành chiến đấu cơ chủ lực của không quân Nga và trở thành đối trọng của “Mãnh cầm” F-22 của Mỹ.





Sau khi đưa vào biên chế, T-50 sẽ là dòng máy bay chủ lực của Không quân Nga.

Ông Zelin tiết lộ, Không quân Nga dự kiến sẽ mua hơn 60 máy bay loại này để trang bị cho các đơn vị không quân chốt đóng tại các vị trí tối quan trọng mang ý nghĩa sống còn, trong đó có thủ đô Moscow và khu trung tâm của Nga.





Bên cạnh đó, lực lượng phòng không Moscow và khu trung tâm của Nga cũng sẽ được tái trang bị hệ thống tên lửa phòng không siêu hiện đại S-400 và tương tai là cả S-500.




T-50 được trang bị hệ thống "làm mù" radar độc nhất thế giới - tàng hình Plasma.

Tất cả những gì có liên quan đến phòng không của Moscow và khu trung tâm của Nga đều phải nhất nhất thực hiện theo đúng kế hoạch đã định, cả không quân (hàm ý T-50) lẫn lực lượng phòng không trực tiếp – Tổng tư lệnh Zelin nhấn mạnh thêm.





Không chỉ có vậy, ông Zelin còn cho biết: “tới năm 2020 chúng tôi sẽ mua rất nhiều hệ thống phòng không S-400. Đây không chỉ là một vài trung đoàn tên lửa phòng không mà số lượng còn lớn hơn nhiều, cũng không chỉ có S-400 mà sẽ có cả S-500 mới nhất”.





So sánh một vài thông số kỹ thuật giữa T-50 của Nga và F-22 của Mỹ.

Những thông tin chính thức về đặc tính kỹ-chiến thuật của dòng máy bay thế hệ thứ 5 T-50 của Nga đến nay vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ Quốc phòng Nga, Bộ Tư lệnh không quân và từ Tập đoàn Sukhoi cho biết, PAK FA T-50 là chiến đấu cơ phản lực thế hệ thứ 5 của Nga. Đây thực chất là tổ hợp bay tiên tiến của không quân tiền phương.



Được khởi xướng từ năm 2002, T-50 được xem là thế hệ máy bay tiêm kích hoàn toàn mới đầu tiên của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã (năm 1991). Nó được ứng dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.



Sơ đồ bố trí các trang thiết bị trên PAK FA T-50.

Đặc tính vượt trội của dòng máy bay này là khả năng tàng hình với đa số các phương tiện radar hiện đại hiện nay, có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cất hạ cánh gần như thẳng đứng, chỉ cần đường băng dài 300-400 mét, có thể hoạt động liên tục trong phạm vi 5.500 km ở tố độ siêu thanh, tiếp liệu trên không, trang bị hệ thống điện tử trên khoang hiện đại, công nghệ cao, với tên lửa không đối không (R-73, R-77), không đối đất (X-31, X-35, X-41), đối hạm, bom không quân dẫn đường chính xác cao, pháo 30 mm T-50 có thể tấn công đồng thời cả mục tiêu trên không lẫn dưới mặt đất.
Sukhoi trang bị cho T-50 loại radar N050 BLRS hoạt động trên băng tần X (8-12GHz), cho phép quét đồng thời 32 mục tiêu khác nhau, trong đó có thể hướng tên lửa để tiêu diệt đồng thời 8 mục tiêu nguy hiểm nhất trong số đó. Loại radar này có thể quét trong phạm vi 400km, trong khi đó radar AN/APG trang bị trên chiến đấu cơ siêu hiện đại F-22 của Mỹ chỉ có thể quét trong phạm vi 250 km.



T-50 được trang bị hệ thống vũ khí, trang thiết bị trên khoang tối tân và hiện đại nhất thế giới.

Tuy chưa chắc chắn hiện nay T-50 được trang bị loại động cơ nào, nhưng theo một số nguồn tin, nó được trang bị động cơ phản lực tuốc bin cánh quạt đẩy Saturn AL-41F cho phép máy bay hoạt động ở tốc độ tối đa 2.400km/h, tốc độ khi bay tuần tra khoảng 1.300km/h, trần bay 20.000m, tầm hoạt động trên 5.000km, thậm chí T-50 còn có khả năng đạt tốc độ siêu âm mà không cần đốt nhiên liệu lần hai.



Cần điều khiển trong buồng lái của máy bay T-50.

Một đặc tính có thể nói là nổi trội nhất, độc nhất đã được ứng dụng trên T-50, đó là công nghệ tàng hình Plasma. Trong khi công nghệ tàng hình truyền thống mà nhiều quốc gia đang sử dụng trên nhiều chiến đấu cơ hiện đại như F-117, B-2, F-22 là sử dụng các kết cấu góc cạnh, dùng các vật liệu hấp thụ sóng radar, giảm bức xạ nhiệt do động cơ thải ra…thì T-50 lại sử dụng công nghệ tàng hình hoàn toàn mới, tàng hình Plasma hay còn gọi là “công nghệ tàng hình chủ động”.



Công nghệ tàng hình Plasma được ứng dụng dựa trên quy trình ion hóa không khí để làm giảm tiết diện phản xạ radar, đồng thời hấp thụ năng lượng điện từ của sóng radar, qua đó gây khó khăn cho việc phát hiện máy bay từ hệ thống phòng không đối phương.



Một trong số các thiết bị của hệ thống radar trang bị trên T-50.

Máy phát Plasma nặng khoảng 100 kg, có thể mang trên các chiến đấu cơ chiến thuật. Năm 2002, Nga đã tiến hành thử nghiệm thiết bị Plasma này trên một chiếc Su-27, kết quả tiết diện phản xạ radar đã giảm xuống 100 lần. Đây thực sự là một phát kiến vĩ đại đã giúp cho Nga tiết kiệm được rất nhiều tiền của.

Nếu công nghệ này được áp dụng, chắc chắn nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi nếu sử dụng công nghệ tàng hình truyền thống thì chi phí sẽ rất cao (ví dụ F-22 trị giá 120 triệu USD hay B-2 trị giá hơn 2 tỉ USD).





Động cơ phản lực tuốc bin của T-50

Ngay sau khi kết thúc lần bay thử nghiệm đầu tiên của PAK FA T-50 ngày 17-6, Thủ tướng Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng: “Cỗ máy này sẽ hơn hẳn đối thủ F-22 của Mỹ về độ linh hoạt, vũ khí và tầm hoạt động”. Không chỉ có vậy, giá của T-50 còn rất rẻ, chỉ bằng 1/3 so với loại máy bay tương tự của phương Tây hiện nay, đồng thời nó còn có thể phục vụ từ 30-35 năm nếu được nâng cấp.





Đồng quan điểm này, cựu Tư lệnh không quân Anatoly Kornukov, người đã từng ngồi trên máy bay siêu hiện đại F-22 của Mỹ khẳng định, siêu máy bay phản lực T-50 "không hề kém cạnh chiếc F-22" của Mỹ, thậm chí còn có một số đặc tính vượt trội hơn.



Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự phương Tây tỏ ra hoài nghi về khả năng và “năng lực” thực sự của T-50 với bước nhảy vọt trong công nghệ quân sự. Họ cho rằng, T-50 vẫn phải mang theo các động cơ cũ, cái đáng kể nhất ở loại máy bay này có lẽ chỉ là hệ thống “làm mù” radar.


theo VTCnews
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)