[size=2]Sau khi trừ chi phí, thu nhập của người kinh doanh dịch vụ dán điện thoại có thể lên đến vài chục triệu đồng một tháng.[/size]1 ghế nhựa và vốn 500.000 đồng
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều người có xu hướng lựa chọn sử dụng điện thoại đắt tiền, laptop “xịn”. Nhưng, dùng là chưa đủ mà còn phải bảo quản thế nào để những đồ đắt tiền này luôn mới toanh. Vì vậy, dịch vụ chống xước, dán và trang trí ngoài điện thoại và laptop ra đời đã đáp ứng yêu cầu này.
Theo quan sát của phóng viên, phương tiện hành nghề của các điểm dán máy tính, điện thoại vỉa hè khá đơn giản, chỉ là một chiếc ghế nhựa để ngồi kèm một sọt đựng các loại giấy nilon chống xước, đề can… Thông thường, những điểm kinh doanh này tận dụng bóng mát của cây bên vỉa hè, đủ cho một người ngồi.
Để bắt đầu công việc kinh doanh dịch vụ này, hầu hết các điểm dán điện thoại chỉ cần bỏ ra không quá 500.000 đồng để mua vật liệu và một số dụng cụ liên quan. Thậm chí, trên đường Láng, Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Hà Nội)… có những chỗ chỉ cách nhau 3-5m lại có một người nhận dán điện thoại, máy tính.
Tuy nhiên, cũng có không ít chủ kinh doanh không cần bàn, ghế chỉ trưng biển và vài ba loại miếng dán điện thoại, trong khi chỗ ngồi tận dụng của quầy hàng hoa quả bên cạnh hoặc một bóng cây bên cửa hàng cắt tóc…
Tại một điểm dán điện thoại, laptop trên đường Láng (Đống Đa), chỉ chưa đầy 1 tiếng, có tới 4-5 vị khách chờ đợi đến lượt. Người thợ tỉ mỉ dán từng chi tiết, nhưng không dấu được vẻ sốt ruột khi lượng khách đang đông.
“Khách đông nhất vào tầm cuối giờ chiều hoặc tối. Lúc không có khách thì thôi, chứ có khách là không được nghỉ tay nữa. Mỗi ngày trung bình có khoảng 15 – 20 khách. Hiện nay, nhiều người cũng đua ra mở dịch vụ này nên khách ít hơn rồi, ngày trước mới mỗi tôi và một người nữa thì mỗi ngày vài chục khách là chuyện thường, có lúc làm không xuể”, Tiến – một nhân viên dán điện thoại cho hay.
Lãi tiền triệu/ngày
Giá dán điện thoại đắt tiền hiện dao động từ 100.000 – 150.000 đồng, còn điện thoại thông thường từ 40.000 đồng – 50.000 đồng. Mức giá dán máy tính xách tay đắt hơn thường ở mức 180.000 đồng – 200.000 đồng. Với mức giá trên cùng lượng khách vài chục người mỗi ngày, sau khi trừ chi phí chắc hẳn thu nhập của những người hành nghề này không đến nỗi nào
Đức Trọng (Sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) kể, cậu bắt đầu công việc dán điện thoại trên vỉa hè từ hơn 1 năm nay. Trước khi bắt đầu kinh doanh, cậu đã bỏ ra 1 tháng để học kinh nghiệm từ một người đồng hương cũng làm dịch vụ này. Theo Trọng, công việc này không vất vả, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng.
Về thu nhập, Trọng cho hay: “Mỗi ngày như vậy, tôi dán được 15 chiếc điện thoại và máy tính. Chủ yếu là điện thoại, laptop chỉ 2-3 chiếc mỗi ngày. Sau khi trừ chi phí mua vật liệu, tôi cũng lãi được hơn 1 triệu đồng. Đó là chưa kể, có những khách không để ý giá, nâng thêm vài chục mỗi lần dán họ cũng không để ý”.
Cũng như những kiểu bán hàng, kinh doanh khác, những người dán điện thoại và máy tính cũng áp dụng chiêu “nhìn mặt, đặt giá” để xê dịch giá thêm vài ba chục ngàn đồng.
Còn Tuấn ( Nhân viên dán máy tính, điện thoại tiết lộ): “Để dán được những điện thoại thuộc hàng đắt tiền thường chỉ khoảng 100.000 đồng – 120.000 đồng, nhưng nếu khách hàng khá giả thì có thê xê dịch lên 150.000 đồng – 170.000 đồng với các tư vấn đại loại như dán loại giấy đảm bảo, chống xước kỹ hơn… Còn với laptop thì hoàn toàn có thể nói thách lên mức giá 250.000 đồng khi dán, khách thường ngại mặc cả mà có mặc cả cũng chỉ giảm từ 10.000 đồng – 20.000 đồng. Trừ tiền mặc cả cũng thêm được 30.000 đồng so với giá bình thường rồi”.
Với những chiêu trên, thu nhập của Tuấn và người bạn cùng hún vốn kinh doanh mỗi ngày vài triệu đồng, mỗi tháng trừ chi phí và ngày mưa gió cũng lãi tới vài chục triệu đồng.