Một sớm đầu đông, trời lạnh buốt, lác đác những giọt mưa càng làm cho quang cảnh khu vực trường bắn thêm ảm đạm. Tử tù Trương Ngọc Điệp bị buộc chặt vào cọc và ngay sau đó, đội thi hành án bước vào vị trí, một loạt đạn vang lên.
Cách đó không xa là một cái huyệt được đào sẵn từ hôm trước, bên trên là chiếc quan tài. Mùi hương loang trong không gian. Công việc cuối cùng là chôn cất tử thi. Tất cả diễn ra một cách bình thường. Không có một người thân nào của tử tù vào giờ phút ấy.
Nhìn bên ngoài, khu nghĩa địa của tử tù tại trường bắn Cầu Ngà (cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km) không có gì đặc biệt, rất ít người đến thăm mộ vào ngày cuối tuần. Dưới mỗi ngôi mộ là một tử tù. Mỗi tử tù là một câu chuyện dài về tội ác, về những bi kịch và cả những giờ phút đau đớn nhất của kiếp người khi họ phải lấy mạng sống của mình ra đền tội.
Khiêng xác tử tù đi chôn.
Những năm trước, việc thi hành án ở khoảng đất phía dưới, trũng, lại sát ao. Mùa mưa, nước ngập mênh mông. Muốn đào huyệt hay chôn cất phải dùng máy bơm hút nước nửa ngày trời. Còn bây giờ, khu nghĩa địa chuyển lên trên, cao ráo, rộng rãi hơn, nhưng lại khổ vì rác. Đống rác chất cao như núi của một xí nghiệp môi trường đô thị xử lý chậm nên phân hủy, bốc mùi không thể chịu nổi. Vào những ngày nắng hay mưa, cái mùi đó mới kinh khủng.
Anh Lộc, người có thâm niên trong nghề "đào sâu, chôn chặt" tử tù kể: "Vào lúc 4-5h chiều, khi cán bộ trong trại tạm giam gọi điện nói rằng tối nay "có việc" là chúng tôi hiểu ngay. Mấy anh em vác xẻng lên đường làm nhiệm vụ. Đào một cọc tức là sớm mai bắn một tử tù, hai cọc là hai tử tù. Số huyệt cũng tương đương như vậy. Cọc và thừng để buộc tử tù trại đã lo. Anh em tôi chỉ đào sâu xuống để chôn cọc thật chắc".
Quanh khu vực chôn cọc trước đó từng bắn nhiều tử tù. Chiếc cọc cao hơn 2 mét, như một chiếc thang dựng đứng. Khi chôn phải sâu xuống đất để lúc cột tử tù vào cũng như khi bắn, cọc không bị đổ.
Xong việc chôn cọc là đào huyệt. Vì trước đây, khu vực nghĩa địa là nơi tập kết rác nên phế thải vật liệu xây dựng ở đây rất nhiều. Gặp chỗ đất mềm, đào 2-3 huyệt chỉ mất hai giờ là xong. Còn chỗ nào đất cứng, nhiều gạch vữa thì đào một huyệt phải mất 3-4 giờ. Hôm nào trời mưa hoặc rét mướt, vừa đào, vừa phải tát nước bì bõm, quần áo lấm lem. Làm một lúc thì người nóng lên, chứ ngưng tay là lạnh cóng, gió táp vào mặt liên hồi. Khi hai việc trên hoàn tất, cán bộ ở trại ra kiểm tra lần cuối, độ chắc của cọc và độ sâu của mộ. Kể từ lúc đó, toàn khu vực trường bắn được bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Chuyển xác tử tù vào quan tài.
Với công đoạn chôn cất, anh Kiên, một đội viên dân phòng từng 10 năm làm công việc này, kể cặn kẽ: "Bất kể trời như thế nào, đúng 5h sáng, anh em tôi tập kết ở gần trường bắn. Khi đội thi hành án vào vị trí và đồng loạt bắn, tiếp theo là viên đạn nhân đạo của Đội trưởng, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Trước hết là chặt dây buộc tử tù, một người bên cạnh dựng nửa chiếc quan tài lên để khi dây chặt hết, tử thi đổ người xuống quan tài. Tiếp đó, chúng tôi tháo băng đen bịt mắt, vén áo tử tù lên để cán bộ pháp y vào kiểm tra, xác định các vết đạn trên thân thể, báo cáo với Hội đồng thi hành án là tử tù đã chết hoàn toàn. Lúc đó, việc chôn cất mới bắt đầu".
Anh Kiên kể tiếp, bốn người khiêng chiếc quan tài bên trong có tử tù ra huyệt, cách đó chừng 50 m. Những bó hương được đốt lên. Mỗi tử tù sẽ do 4 người chôn. Đã thành lệ, anh em không liệm hay hạ huyệt ngay mà chỉnh lại áo cho ngay ngắn, đặt dép tử tù phía dưới. "Có bao thuốc lá tử tù đang hút dở hay tấm ảnh người thân trong túi rơi ra, chúng tôi cũng nhặt và cho hết vào quan tài. Sau đó mới liệm, đưa xác tử tù xuống huyệt và lấp đất lên. Thường thì 7-8h sáng thì kết thúc", anh Kiên nói.
Những người chôn cất nhớ nhất là trường hợp đầu tiên xử bắn 7 bị án trong vụ án đường dây ma túy xuyên quốc gia do Siêng Phiêng - Vũ Xuân Trường cầm đầu vào sáng 3/3/1998. Vì, chưa bao giờ tại Cầu Ngà lại thi hành án với số lượng bị án nhiều như thế. Suốt hai ngày liền, đào cọc và huyệt, rồi chôn cất đến gần trưa mới xong. Khi về nhà, ai cũng mệt rã rời.
Trường hợp thứ hai là xử bắn anh em Dương Văn Khánh và Nguyễn Tiến Thắng vào sáng 13/10/1998. Từ hôm trước trời đã mưa. Đến đúng đêm diễn ra thi hành án, mưa càng to hơn. Nước mưa chảy thành dòng quanh khu vực trường bắn. May mà lúc giải hai bị án ra pháp trường, trời lại tạnh.
Còn trường hợp thứ ba là thi hành án nữ tử tù Lê Thị Thủy, diễn ra cách đây 7-8 năm. Thủy là kẻ giết con riêng của chồng, một bé gái 5 tuổi bằng thuốc diệt chuột chỉ vì nghe tin bố cháu bé có quan hệ với một cô gái khác. Anh Minh nhớ lại đọc báo thấy tội ác của cô ta thật kinh khủng, nhưng đến khi thi hành án mới biết còn quá trẻ, trắng trẻo và… hiền lành. Cho đến hôm nay, tại nghĩa địa dành cho tử tù, có khoảng gần chục ngôi mộ là nữ, hầu hết bị tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy và lừa đảo.
Đội viên dân phòng Tiến, vừa bước sang tuổi 20 nhớ lại: "Lần đầu các chú phân công nhiệm vụ đó, em run lắm. Tưởng tượng ra đủ thứ chuyện. Khi súng nổ, em giật nẩy người. Các chú bảo làm việc này lại làm việc khác. Cả ngày hôm đó em cứ bị ám ảnh, không tài nào chợp mắt được. Thế rồi làm nhiều thành quen, không thấy sợ nữa. Đến nay, em tham gia chôn cất 3 tử tù. Anh Lộc tâm sự: "Trước khi đóng quan tài, mình và anh em trong tổ sửa lại quần áo, vuốt mắt cho tử tù và thầm khấn mong sao người chết xuống đó tu chí để sau này nếu được làm kiếp người thì làm người lương thiện. Chết ở nơi pháp trường nhục nhã lắm".
Không ai buộc các anh phải làm như vậy nhưng đó là điều các anh thấy nên làm. Cho người chết được thanh thản trước khi từ giã trần thế về với cát bụi. Và ngay cả các anh cũng thấy nhẹ lòng khi hoàn tất một công việc "đặc biệt", bước ra khỏi trường bắn và trở về với công việc thường ngày.
* Tên những người chôn cất tử tù đã được thay đổi.
(Theo An Ninh Thủ Đô Cuối Tuần)
[/indent]