Nghe nhạc đã trở thành hoạt động thường ngày của mỗi người, nhưng bạn cần phải làm gì để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trong khi tận hưởng các bản nhạc ưa thích?
ảnh minh họa
Giảm thính lực trên thực tế đã trở thành một “đại dịch” đã và đang đe dọa ngày một nghiêm trọng tới người trẻ đến từ những nước có thu nhập từ trung bình đến cao.
Theo một tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có khoảng 1,1 tỷ người độ tuổi từ 12 – 35 trên toàn cầu đang nghe nhạc thông qua các thiết bị điện tử cá nhân "ở các mức âm lượng không an toàn", dẫn đến nguy cơ bị khiếm thính vĩnh viễn. Nguy hiểm hơn, những người đang gặp các triệu chứng mất thính lực thường không được điều trị đủ sớm và thậm chí còn không nhận ra thói quen nghe nhạc của mình là rất đáng lo ngại.
Cũng trong những năm vừa qua, cả thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bậc của smartphone, một thiết bị không chỉ đóng vai trò máy nghe nhạc truyền thống mà còn cung cấp tới người dùng những kho nhạc khổng lồ thông qua các ứng dụng/dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Các mẫu smartphone này thường được bán kèm các loại tai nghe in-ear hoặc earbud cỡ nhỏ.
Theo ý kiến của các chuyên gia, tốc độ phủ sóng chóng mặt của smartphone rõ ràng là có liên quan tới chứng suy giảm thính lực đang ngày càng trở nên phổ biến.
"Gần như tất cả mọi người đều đeo tai nghe. Việc sử dụng tai nghe liên tục như vậy hiển nhiên sẽ gây ra hiện tượng suy giảm thính lực", bác sĩ Diane Catalano, một bác sĩ thính giác có kinh nghiệm lâu năm tại Trung tâm Y tế Đại học Duke của Mỹ khẳng định.
Tương tự, Anna Gilmore Hall, giám đốc tại Hiệp hội Khiếm thính Hoa Kỳ cho biết nhiều người đang "gặp phải hiện tượng suy giảm thính lực trầm trọng" sớm hơn trước đây.
Đứng trước hiện tượng này, bạn có thể làm gì để tự bảo vệ cho mình? Hãy cùng điểm qua các lời khuyên do các chuyên gia y tế đưa ra.
Sử dụng các loại tai nghe có kích cỡ vừa vặn với đôi tai của mình
Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen cho biết trong năm 2013, có tới 86% thanh niên Mỹ ở độ tuổi 25-34 sở hữu smartphone. Với lứa tuổi 18-24, con số này cũng là 85%. Cả 2 mức thống kê đều cao hơn rất nhiều so với mức 80% và 77% của năm 2013.
Rõ ràng, với lượng smartphone khổng lồ được bán ra, chiếc tai nghe được các nhà sản xuất smartphone bán kèm điện thoại sẽ không thể nằm vừa vặn trong đôi tai của bạn. Điều này sẽ dẫn tới hiện tượng cách âm không tốt, khiến cho tai nghe không thể ngăn chặn được tiếng ồn từ ngoài môi trường. Nguy hiểm hơn, người dùng sẽ thường vặn to âm lượng trên các thiết bị của mình để chặn tiếng ồn.
Bởi vậy, một trong những biện pháp đầu tiên là lựa chọn những chiếc in-ear hoặc earbud có thể nằm vừa vặn trong tai của bạn. Những chiếc tai nghe tốt thường đi kèm nhiều loại tip (mút đệm) có kích cỡ khác nhau. Bạn cũng có thể mua thêm tip bổ sung, hoặc đặt chế tác các loại tip custom được chế tạo riêng theo khuôn tai của từng người. Tuy vậy, bạn cần phải nhớ không nên cố tình nhét tai nghe quá sâu vào trong tai.
Đối với các loại tai nghe cỡ lớn, nếu sử dụng trong môi trường có tiếng ồn, bạn nên lựa chọn các loại tai nghe chùm đầu dạng đóng có khả năng chặn tiếng ổn hoàn toàn.
Hãy cho đôi tai của bạn được nghỉ ngơi
WHO đưa ra khuyến cáo rằng người trẻ tuổi nên giới hạn thời gian nghe nhạc thông qua các thiết bị di động như smartphone còn khoảng 1 giờ mỗi ngày. Bà Hall cho biết: "bạn không nên chịu đựng tiếng ồn vào khoảng 80 decibel trong vòng quá 60 phút. Hãy nghỉ ngơi. Hãy để đôi tai của bạn hồi phục".
Tiếng ồn 80 decibel là tiếng ồn tương đương với tiếng ồn của giao thông hoặc tiếng ồn của xe chở rác khi thu gom. Nếu phải chịu đựng tiếng ồn này trong vòng nhiều giờ, thính lực của bạn sẽ bị hư hại. Hãy ghi nhớ con số giới hạn 60 phút mỗi khi nghe nhạc, bất kể là qua tai nghe hay loa.
Hãy giảm âm lượng xuống
Smartphone thường không có khả năng cảnh báo khi nào thì bạn đang nghe nhạc ở mức âm lượng quá cao. Bác sĩ Catalano khẳng định: "Các thiết bị này không có lý do gì để tạo ra mức âm lượng cao như hiện nay cả".
Nếu bạn nghe nhạc trên iPhone thì đây là mức âm lượng hơi lớn so với mức an toàn.
Vào năm 2013, Ủy ban châu Âu (EU) quyết định thông qua điều luật quy định hạn chế mức âm lượng tối đa của tất cả các thiết bị nghe nhạc cá nhân (bao gồm smartphone) ở mức 85 decibel. Điều này có nghĩa rằng các ứng dụng nghe nhạc như Spotify sẽ phải đưa ra cảnh báo khi người dùng chạm ngưỡng âm lượng 85 decibel.
Mỹ và các quốc gia châu Á chưa đưa ra các điều luật tương tự, song phần lớn các dòng smartphone Android đều đưa ra cảnh báo về âm lượng mỗi khi bạn vặn lên mức không an toàn. iPhone cũng cung cấp tính năng đặt hạn mức âm lượng tối đa trong màn hình Cài đặt. Theo bác sĩ Catalano, nếu sử dụng iPhone, bạn không nên chỉnh âm lượng quá 2/3 thanh volume của iOS.
Tuyệt đối không nhét tai nghe quá sâu vào lỗ tai
Thực tế, tai nghe in-ear có thể coi là một công cụ bảo vệ đôi tai hữu hiệu khi bạn không bật nhạc. Với khả năng cách âm tốt, sử dụng in-ear sẽ giúp bảo vệ đôi tai khỏi tiếng ồn từ các quán bar, các công trường xây dựng, các phương tiện giao thông… Nếu như phải tiếp xúc với các môi trường này trong một thời gian dài, hãy cân nhắc mua cho mình một chiếc tai nghe in-ear.
Song, bạn nên tuyệt đối tránh lạm dụng những chiếc in-ear: hãy lựa chọn các loại in-ear có kích cỡ hợp lý nhất cho tai nghe của mình.
Câu chuyện của Val Kolton, CEO của V-MODA là một ví dụ điển hình. "Tôi đã từng một lần bị hoảng hồn vì bỗng dưng nghe kém. Tôi không gặp vấn đề về ráy tai, song do đút in-ear vào quá sâu trong tai, tôi bị nghe kém mức độ nhẹ trong một thời gian ngắn".
Nhìn chung, bài học ở đây là đừng nhét bất cứ thứ gì quá nhỏ vào tai của bạn trong một thời gian dài. Điều này bao gồm cả các loại bông ngoáy tai: thực tế, nếu có điều kiện, bạn nên tìm tới sự trợ giúp của các chuyên viên y tế chuyên nghiệp trong việc lấy ráy tay, thay vì tự sử dụng bông tăm hoặc lấy ráy tai tại cửa hàng cắt tóc.
Kiểm tra tai thường xuyên hơn
Bạn đã biết cách phòng tránh các vấn đề về thính giác. Giờ đây, bạn cần phải tìm cách phát hiện ra các căn bệnh về tai càng sớm càng tốt.
Cả Catalano lẫn Hall đều cho biết mọi người cần phải thường xuyên đến các cơ sở y tế kiểm tra tình trạng tai và phát hiện triệu chứng suy giảm thính lực: "Đây thực sự là điều chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn, ở mức độ chăm sóc sức khỏe cao nhất".
Bác sĩ Catalano khẳng định người lớn cần thực hiện bài kiểm tra thính lực ít nhất là 1 lần trong vòng từ 5 đến 10 năm. Song, để đối phó với chứng suy giảm thính lực ngày càng một phổ biến trong xã hội hiện đại, con người cần thay đổi nhận thức: nhiều người phát hiện các biểu hiện suy giảm thính lực nhưng vẫn để mất tới vài năm trước khi chịu tìm đến các cơ sở y tế tìm biện pháp chữa trị.