[justify][/justify]
[justify]Hàng đêm, họ say sưa hát cho thính giả ở khắp nơi.[/justify] |
[justify]Không khán giả, chỉ có thính giả[/justify]
[justify]Đêm nào cũng vậy, đúng 8 giờ tối, phòng sinh hoạt chung của câu lạc bộ quan họ Hoà Đình (phường Võ Chương, thành phố Bắc Ninh) lại sáng đèn. Không khán giả, chỉ có liền anh, liền chị ngồi chiếu, say sưa hát. Nói đúng ra, có một vật, đại diện cho khách hàng, có mặt trong phòng. Đó là một chiếc máy di động.[/justify]
[justify]Ông Trần Văn Quyến, chủ nhiệm cũng là cố vấn chuyên môn của câu lạc bộ quan họ Hoà Đình, cho biết, có lần biểu diễn ở Bắc Ninh, một người làm trong ngành văn hoá xin số điện thoại của câu lạc bộ và đưa lên website cá nhân. Một tuần sau ông Quyến nhận được cuộc điện thoại đầu tiên từ Bến Tre gọi ra xin được nghe liền anh, liền chị đất quan họ hát. Theo ông Quyến, hiện nay, câu lạc bộ nhận được các yêu cầu phục vụ qua di động của người ở Hà Nội, TP.HCM, miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và ở nước ngoài.[/justify]
[justify]Thành lập năm 2006, với hơn 50 thành viên, mỗi tối, các thành viên thường nhận được khoảng năm cuộc gọi đến. Ông Quyến cho biết, có lúc nhiều cuộc gọi, câu lạc bộ phải hẹn hôm sau mới phục vụ được. Ngoài câu lạc bộ Hoà Đình, những làng như Viêm Xá, Đặng Xá, làng Diềm, Yên Mẫn, Bồ Sơn, Khả Lễ… cũng đã có nhiều liền anh, liền chị như cụ Nhi ở làng Diềm, cụ Minh làng Đào Xá, liền chị Kim Quýnh làng Đặng Xá… cung cấp dịch vụ tương tự. Ở đầu bên này, liền anh liền chị hết mình cho những câu hát quê hương. Đầu kia, thính giả mở chế độ loa ngoài, í ới gọi nhau: bà ơi, ông ơi, quan họ đây rồi.[/justify]
[justify]Hát vui là chính[/justify]
[justify]Một liền anh có kinh nghiệm hát qua di động cho biết: “Hát qua di động thì chất lượng âm thanh không bằng nghe qua dàn. Chưa kể khách đang yêu cầu hát “chay”, loa điện thoại bỗng dưng giở chứng rè rè hay là chập chờn làm cho chất lượng giảm”. Người hát cố gắng mua máy có chất lượng một chút để cung cấp dịch vụ. Liền anh Hoàng Hải vui vẻ chia sẻ: “Hôm qua em bỏ gần “lít rưỡi” tậu em dế này về để hát. Không biết dùng có bền không, nhưng nghe quảng cáo là loa to, chuẩn là thấy thích lắm rồi. Làm cái nghề này mà không đảm bảo được những tiêu chuẩn đó thì chỉ có nước… bỏ nghề”.[/justify]
[justify]Không dám chơi liều như liền anh Hoàng Hải, liền chị Thuý Hà, Quỳnh Hoa… chỉ bỏ ra gần 1 triệu để mua máy với hy vọng chất lượng âm thanh và khả năng bắt sóng tốt hơn máy cũ.[/justify]
[justify]Với bậc cao niên, kể ra làm công việc này cũng nhàn, lại vui vẻ tuổi già, thoả lòng ca hát, vậy nên con cháu nhiều khi biết ý, mua tặng máy cho cụ tác nghiệp. Mỗi khi có khách, các cụ sẵn sàng ngả luôn tức thì làn điệu quan họ cổ với La rằng, Cây gạo, Đường bạn Kim Loan, rồi cả Còn duyên, Ngồi tựa mạn thuyền, Vào chùa, Đêm qua nhớ bạn… với đủ kỹ thuật vang – rền – nền – nảy, với tiếng đệm nuột nà i, a, ơ, ư, hự, rằng, là, tính tình tang… Sau mỗi lần phục vụ khách 2 – 3 bài, các cụ cũng được bồi dưỡng tuỳ… tâm người nghe.[/justify]
[justify]Theo chia sẻ của các liền anh, liền chị từ trẻ cho tới các bậc cao niên thì thu nhập khá thất thường. Liền anh Quyến cho biết: “Hát quan họ theo làn điệu cổ qua điện thoại chẳng phải là một dịch vụ thương mại hay dịch vụ văn hoá như một số lời đồn đại gần đây. Những người hát đều là những liền anh, liền chị nghiệp dư, thấy nhiều người yêu làn điệu truyền thống của quê hương mình thì hát tặng”. Liền chị Hồng Hoa cho biết thêm: “Yêu quan họ tôi hát vậy thôi, chứ không nghĩ đến tiền nong. Có hôm, hát liền ba bài cho một Việt kiều, người ta cảm động lắm, hỏi thẻ ATM để chuyển tiền hậu tạ. Nhưng thú thực, tôi có biết ATM là cái gì đâu?”[/justify]
[justify]Khi hỏi về tài chính để duy trì hoạt động của câu lạc bộ trong năm năm qua, các liền anh, liền chị cho biết, việc hát cho thính giả là một cách luyện giọng, luyện bài để dự thi hát quan họ. Nguồn quỹ hoạt động, theo họ, từ các khoản đi hát dịp cưới hỏi, mừng lão, giao lưu…[/justify]
BÀI VÀ ẢNH: THÁI VÂN
(trích từ vnexpress)