[size=4]Chúng tôi làm cuộc hành trình về làng hoa kiểng (HK) Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) giữa lúc các nghệ nhân và những người kinh doanh HK đang tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Canh Dần. [/size]
[size=4]Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghệ nhân bình thản, ung dung cắt tỉa những sản phẩm con cưng - đó là những cây kiểng cổ quí giá. Xuất phát từ niềm đam mê kiểng cổ, họ chẳng những đạt được sở thích của mình mà còn mang về lợi nhuận lớn từ giá trị những cây kiểng cổ có được.
Từ niềm đam mê[/size]
[size=4]Ngày trước, người ta chỉ đơn thuần chọn chơi những loại HK có hoa đẹp, dáng đẹp mà không cần thời gian o bế nhiều năm. Ngày nay, kiểng cổ là loại hình được nhiều người ưa thích không chỉ vì đẹp mà còn vì giá trị kinh tế. Đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Song ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, một trong những thợ săn kiểng cổ đầu tiên tại đây, ấn tượng mạnh nhất của chúng tôi là 2 câu thơ được đặt trang trọng trên tường: “Cớ sao mỗi nhật mỗi tân - Nhật tân, nhật nhật, tự tân cho mình”.
Ông Song kể, ông rất thích 2 câu thơ này, vì nó gắn liền với giá trị kiểng cổ mà ông sưu tầm. Hơn 40 năm qua, từ lúc còn trai trẻ, thú tìm và chơi kiểng cổ đã giúp ông tạo nên gia sản với hàng chục loại đặc trưng.
Mở quyển album lưu niệm của gia đình, ông lật tìm và khoe: “Đây là cây kiểng cổ đầu tiên hơn 100 năm tuổi mà tôi bán được mấy năm trước với giá 18 cây vàng. Để hình thành một cây kiểng cổ đúng mức, phải trải qua thời gian lâu dài, có khi phải mất 5-7 chục năm. Chính vì vậy người khởi nghiệp kinh doanh loại kiểng này phải có vốn ban đầu cao và kinh nghiệm uốn sửa”.
Ở xứ sở HK Cái Mơn, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người bỏ công, bỏ của đầu tư cho kiểng cổ. Họ như những người thợ săn cần mẫn, tích cóp thời gian đi khắp nơi săn tìm kiểng quý.
Ông Hai Hồng, giáo viên nghỉ hưu ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, cho biết: “Thú chơi kiểng cổ đa số thuộc về những người lớn tuổi về hưu, am hiểu về loại hình này. Có niềm đam mê thì mới dám chơi và chơi được. Chơi kiểng cổ cần phải có vốn nhiều để đầu tư chọn mua những loại kiểng như ý. Có người phải vay tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để rinh về nhà cây kiểng cổ ưng ý”.
Kiểng cổ ban đầu được phát triển từ cây kiểng thế của miền Trung, miền Bắc. Trải qua nhiều thế hệ, quan niệm về cây kiểng cổ cũng dần thay đổi theo thời gian và địa bàn. Ở Nam Bộ, các nơi chơi kiểng cổ truyền thống có Gò Công (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp)… Đặc biệt, kiểng cổ Gò Công có dáng chấm phá độc đáo trên từng chi nhánh, thân được uốn sửa công phu, gốc to, nhỏ dần về đọt và mang tính giáo dục cao.
Như tác phẩm “Mẫu tử”, trong đó có cây mang tên “Tam tòng, tứ đức” (giáo dục phái nữ), “Tam cang, ngũ thường” (giáo dục phái nam), “Nhị thập tứ hiếu” (giáo dục tuổi trẻ). Trong loại kiểng nầy, ràng buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như: Về thân, 2 thân phải liền nhau ở gốc, trong đó có một thân vượt cao hơn, dáng đầu voi đuôi chuột, mang hình thức mẫu tử hay phụ tử.
Về cành, cành thấp phải to và nhô dài hơn cành cao liền kề, số cành phải lẻ vì theo quan niệm phương Đông, số lẻ tượng trưng cho sự bất tử, trường tồn và phát triển. Các cành tạo nên tổng thể cây kiểng hình tam giác cân, nhìn từ chính diện hay mặt tiền. Nếu cây có 5 chi, từ dưới lên trên, thường gọi là “phủ địa”, “nghinh phong”, “yểm tâm”, “nghinh sương” và “nghinh thiên”.[/size]
[size=4]
[/size]
[/size]
[size=4]Kiểng cổ ở Gò Công (Tiền Giang). Ảnh: BT[/size]
[size=4]Trở thành triệu phú[/size]
[size=4]Những người săn và chơi kiểng cổ ban đầu chỉ là để thoả niềm đam mê, thế nhưng trong giai đoạn phát triển hiện nay, loại hình này lại giúp người ta có thu nhập cao, kiểng cổ điềm nhiên bước vào thị trường với giá bán cực sốc.
Trong giới nghệ nhân trẻ, quan niệm và khuynh hướng chơi kiểng cổ cũng được cách tân: Phải có bộ đế (gồm gốc và rễ) thật cổ, các nhánh cũng phải thật cổ, có nghĩa là tất cả phải to, cân đối, da sần sùi, u nần. Từ đó, giới nghệ nhân trẻ tạo dáng tự do, thoáng đãng, tròn trỉnh, thay cho dáng “nhị diện” hay “chiết chi” ràng buộc như trước đây. Các chi nhánh không che kín thân để tôn vinh thân kiểng và cành nhánh uốn lượn tuyệt hảo.
Một cây kiểng cổ đạt chuẩn như trên được coi là rất có giá trị cả về thẩm mỹ lẫn kinh tế. Năm 1980, ông Nguyễn Văn Song ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành bán một cây kiểng cổ gần 100 năm tuổi với giá 18 cây vàng. Năm 1996, ông Trần Văn Bi ở ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình bán một cặp kiểng cổ kim quít hơn 80 năm tuổi với giá 80 triệu đồng.
Năm 2008, anh Ba Dũng ở ấp Thanh Trung, xã Hưng Khánh Trung bán một cây kiểng cổ vú sữa thật đẹp, thật to với giá 960 triệu đồng. Hiện nay, nhiều nghệ nhân ở huyện Chợ Lách sở hữu những cây kiểng cổ rất có giá trị như các ông: Sáu Ngọt, Hai Thuần (ấp Phú Thới, xã Sơn Định), Chín Tạo (xã Vĩnh Bình), Nguyễn Văn Phúc (ấp Bình An B, thị trấn Chợ Lách), Sáu Kiết (ấp Cống, xã Phú Phụng), Nguyễn Việt Hải (ấp Vĩnh Hưng II, xã Vĩnh Thành)…
Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách Lê Hồng Sơn thì xu thế hiện nay là các nghệ nhân có vốn liếng khá, tập trung đầu tư vào kiểng cổ bằng cách tìm mua những cây nguyên liệu thật to, có tuổi thọ cao, dáng vẻ đẹp mang về tạo dáng. Loại kiểng nầy trong sân chỉ chiếm khoảng không gian nhỏ trong khi kinh doanh các loại HK khác phải có mặt bằng rộng, khâu chăm sóc tốn kém hơn, thu nhập lại khiêm tốn, nhiều rủi ro về thời tiết. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực đều có những ưu điểm riêng.
Các nghệ nhân kiểng cổ đã làm ra những tác phẩm tuyệt vời, thường bố trí ở nơi trang trọng nhất trong sân, cung cấp cho đời giá trị văn hóa mới mà giá trị này lại là vô giá.[/size]