Cô con gái thứ 2 Trần Thị Hường cả ngày chỉ ngồi ở góc sân
Đó là hoàn cảnh vô cùng thương tâm của vợ chồng ông Trần Đình Quý (sinh năm 1946) và bà Ngô Thị Tâm (sinh năm 1944), thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Lúc chúng tôi tìm về thăm ông bà trời cũng đã sẩm tối nhưng ông Quý vẫn còn đi làm chưa về, còn bà Tâm vừa lủi thủi nấu cơm, vừa tranh thủ băm rau nấu cám lợn. Bốn người con của ông bà thì mỗi người ngồi bệt một góc sân, thỉnh thoảng lại cười phá lên rồi la hét chạy quanh nhà.
Kể về các con, hai dòng nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của bà Tâm. Ông bà có bốn người con ba gái, một trai, đứa nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng khi trưởng thành thì lần lượt cả bốn người con đều đổ bệnh rồi trở nên điên dại, ngớ ngẩn.
Bà Tâm phải làm mọi công việc trong gia đình
Người con trai đầu Trần Đình Hóa (sinh năm 1970) to cao khỏe mạnh và được ông bà đặt nhiều niềm hy vọng, nhất là khi về già. Gia đình làm nông nghiệp, mọi việc lớn nhỏ đều do anh gánh vác thay bố mẹ, nhưng sau khi anh lấy vợ được một thời gian thì đổ bệnh nặng, sau đó đi đứng không vững, cả ngày chỉ ngồi lảm nhảm nói ra những lời ú ớ không ai hiểu. Thấy con hoảng loạn như vậy, ông bà đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng cũng không khỏi, người vợ anh Hóa do quá sợ hãi nên cũng xin ông bà cho về nhà.
Từ khi anh Hóa lâm bệnh, kinh tế gia đình ông bà càng trở nên túng quẫn, nợ nần chồng chất sau những lần đưa con đi chữa bệnh. Chị Trần Thị Hường (sinh năm 1973) đi làm công nhân mới được mấy tháng, tiền lương chưa kịp lấy cũng trở mắc bệnh giống người anh trai. Đưa con đi khám bệnh ông bà mới biết do con làm việc quá sức, tâm lý căng thẳng nên bị phát bệnh. Chị Hường cả ngày chỉ ngồi một góc, hết cười rồi lại khóc, không thể nhận thức được sự vật xung quanh, đến chuyện ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cũng đều do một tay bà Tâm lo toan, cáng đáng.
Đã 68 tuổi nhưng chưa một ngày bà Tâm được nghỉ ngơi
Thấy bố mẹ vất vả, hai người con út Trần Thị Hưởng (sinh năm 1977) và Trần Thị Thảo (sinh năm 1987) xin gia đình vào Nam làm công nhân. Thời gian đầu thấy con vẫn gửi tiền về cho bố mẹ mua thuốc chữa bệnh cho anh chị, lâu lâu lại viết thư về động viên bố mẹ, ông bà cũng thầm mừng. Bẵng đi mấy tháng không nhận được tin tức gì của con, ông bà lo lắng nhờ người thân tìm hỏi. Mãi sau, ông bà nhận được hung tin của một người cùng quê, cả hai người con đã bị phát điên và đang sống lang thang. Nuốt từng dòng nước mắt nghẹn đắng vào trong, ông bà đành bỏ hết mọi công việc, nhờ hàng xóm trông nom, cơm nước cho hai người con tâm thần ở nhà để vào Nam đón hai người con đang điên dại về quê.
Mùa mưa, căn nhà dột nát, ẩm ướt, mọi người trong xóm thương cảm đã gom góp chút tiền và góp sức giúp ông bà sửa sang lại căn nhà. Nhiều người khuyên ông bà đưa các con đi điều trị tại bệnh viện tâm thần Cao Đà (Hà Nam) nhưng do chi phí quá tốn kém, ông bà đành để các con ở nhà tự chăm sóc, thuốc thang.
Chị Hưởng và chị Thảo bị bệnh tâm thần nặng, tâm trạng lúc nào cũng hoang mang, lo sợ, cứ hễ ra đường là chửi bới mọi người, sau bữa ăn, ông bà phải cho con uống thuốc ngủ để các con ở nhà. Bà Tâm kể: “Có hôm, vừa ăn cơm xong đang rửa bát chưa kịp cho con uống thuốc thì chúng phát cơn bệnh bỏ đi, lại có đêm đã khuya tự dưng chúng hét toáng lên rồi ôm mặt khóc, mãi đến khi mệt quá ngất đi mới thôi…”.
Bà Tâm cùng 4 người con bị bệnh tâm thần của mình
Bản thân ông bà tuổi đã cao, lại thường xuyên đau ốm, để có tiền nuôi các con, ông bà vẫn làm hơn mẫu ruộng để có gạo ăn và thỉnh thoảng bán lấy tiền mua thuốc bệnh cho các con. Thường thì mỗi tuần ông bà phải đưa các con đi bệnh viện khám và lấy thuốc định kỳ một lần. Những lần quá túng thiếu, không thể vay mượn được tiền chạy thuốc thang cho con, cứ mỗi lúc chúng lên cơn là lại la hét đập phá mọi đồ đạc trong nhà, lúc ông bà cho ăn cơm thì còn đánh cả bố mẹ.
Lẽ ra ở cái tuổi già, ông bà được con cái chăm sóc, thế nhưng với ông bà đó là những tháng ngày chìm trong bóng tối. Từ khi các con lần lượt lâm bệnh, ông bà chỉ biết thay nhau đi làm và chăm sóc các con. Thời tiết những ngày ra xuân thêm giá rét, ông bà già lại nhìn nhau khóc rồi ước ao ngày nào cũng có việc làm hay ít ra kiếm được vài đồng mua thuốc bệnh và lo bữa ăn đạm bạc qua ngày cho các người con vô nhận thức.