Ông Páo bấm huyệt chữa bệnh |
Sùng A Páo (dân tộc Mông) quê ở xã Lả Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) nay đang trú tại khu 4, thị trấn Sìn Hồ. Năm 1961, Páo lên 2 tuổi, cha ông đột ngột qua đời bởi một cơn đau bụng dữ dội (mãi sau này khi cứu được nhiều người, trong đó có cả chính mình ông mới nghiệm ra đó chính là bệnh ruột thừa). Mẹ Páo không thể ở vậy nuôi con nên đi thêm bước nữa.
Có lẽ ông trời đã sắp đặt từ trước cho ông bén duyên với nghề y. Người cha của ông bố dượng Páo là một thầy lang cực kỳ mát tay, mẹ Páo cũng thuộc hàng trăm bài thuốc, bà còn biết cách bấm huyệt trị bệnh cho dân bản nên lên 4 tuổi đã được mẹ đưa đi hái thuốc, dạy nghề nhưng chỉ là bài thuốc chữa những bệnh thông thường.
Chắc có lẽ trời sinh ra Páo để cứu người, mỗi khi người dượng bắt mạch, bấm huyệt, bốc thuốc cho người bệnh, Páo đều tò mò xem rồi học hỏi cách làm. Thấy Páo chăm học (cả học phổ thông lẫn học thuốc) lại có tư chất thông minh nên một ngày ông dượng gọi Páo mà bảo: "Cháu không phải là cháu ruột của ta, cháu cũng chẳng có ngày nào bái sư học đạo nhưng ta thấy cháu thông minh, ham học hỏi lại nhẫn nại, chịu khó nên ta sẽ truyền nghề của ta lại cho cháu, chứ ngay cả cháu ruột của ta, ta cũng không dạy!". Thế là sở học, kinh nghiệm cả đời của người ông dượng đã tìm được truyền nhân.
Vậy là hàng ngày khi đi trăn trâu, ngoài quyển sách học chữ quốc ngữ, Páo còn mang thêm một thân cây chuối để tập, bạn bè thấy thế còn bảo Páo bị ma cây chuối đày!
Học hết lớp 5, Páo được lãnh đạo xã cho đi học lớp đào tạo sơ cấp cán bộ y tế của huyện, được tiếp cận với y học hiện đại, Páo vỡ ra nhiều điều. Vào bộ đội biên phòng, được phân công nhiệm vụ ở đội trinh sát, sở học của Páo chẳng được phát huy nhưng mỗi khi anh em đau ốm hay những buổi đi điều tra luồn rừng anh em ngã bệnh, một tay Páo cứu chữa nhưng không hề có chút khái niệm nào là làm thầy thuốc cả.
Khi truyền nghề, mẹ ông nói: "Nếu con học tốt thì chính tay con sẽ cứu cho con đấy". Lời của bà thật thiêng, có một lần ông bị bục ruột thừa, chỉ còn vài giờ nữa là nguy kịch, đưa đến bệnh viện huyện, cán bộ còn thủ tục "hành chính" chán chê rồi mới khám mà vẫn không biết ông bị làm sao, ông nói tôi bị bục ruột thừa rồi, phải mổ thôi, liền bị cán bộ ở đây mắng: "Thằng này mày biết cái gì?". May mà người vợ sau của ông (khi đó chưa cưới) biết tài của ông nên thuyết phục cán bộ, bác sỹ mổ cho ông nếu không giờ đã… hỏng!
Từ mẫu chốn đại ngàn
Chẳng khoa trương, chẳng quảng cáo nhưng tin ông Páo có đôi "bàn tay thần" lan khắp nơi. Những người ở tận Hà Nội, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Phước đều tìm đến nhờ ông bấm huyệt trị bệnh. Đang nói chuyện ông bật đứng dậy lục tìm một hồi lôi ra cuốn sổ úa vàng, gián cắn thủng hết cả bìa trong đó có ghi tên và địa chỉ những người ông đã cứu chữa thành công.
Chỉ tên từng người, ông kể: "Ông này là Sáu Diện từng làm giám đốc công an tỉnh Bình Dương, cổ bị liệt, chạy chữa đủ kiểu mà không khỏi, tôi chỉ mất một tuần bấm huyệt là khỏi; còn bà này bị liệt nửa người 3 năm rồi, bà ta vẫn còn đòi tôi viết giấy cam đoan không khỏi sẽ không trả tiền, còn nếu khỏi sẽ tặng cả gia tài; ông này là người Hà Nội… nhiều người sau khi điều trị khỏi bệnh, ngạc nhiên: "Ơ bệnh như đùa ấy, anh làm phép cho tôi đấy à?".
Cứu người là vậy nhưng ông chẳng mảy may tính toán đến chuyện tiền nong, có người trả ông cả bạc tỷ mà ông không nhận, có người mang tiền đến ông chỉ lấy phần nhỏ rồi gửi lại để họ mang về, có người, ông chỉ giúp không lấy công. Ông thường nhủ: "Làm thuốc là để cứu người, chứ không phải để lấy tiền".
"Bùa" hộ thân
Cái số Sùng A Páo khổ, người ta bảo rằng nếu ai đó mà cướp đi thần dân của Địa phủ, thì Diêm vương sẽ trách phạt người đó, hình như điều đó linh ứng đến nghiệt ngã với ông. Yêu một cô gái, đã hẹn biển thề non nhưng cô em dì chẳng biết chơi bời thế nào để mang bầu đến vượt mặt, gia đình người yêu dọa nếu không lấy sẽ đuổi ra khỏi nhà.
Thương người yêu, thương em, Páo đành làm vật thế thân lấy đại cho qua chuyện. Khi Páo đi bộ đội thì người vợ chỉ có danh lấy ấy lại "léng phéng" với người khác, thậm chí để gã tình nhân làm nhiều chuyện bỉ ổi với Páo. Người Mông vốn nổi tiếng nóng tính, chịu chẳng đặng Páo đã đánh nhau với hắn, rồi bị hắn ta hại phải chịu án phạt tù 18 tháng.
Bây giờ người dân vẫn kể: "Hắn (Sùng A Páo) vào tù mà chẳng phải ở tù mấy". Ông trưởng Công an huyện Sìn Hồ ngày đó bị bệnh thận, lại bị chèn dây chằng vai gần như bị liệt. Biết Páo có tài bấm huyệt, bốc thuốc mát tay, nên ông ta thường chiếu cố cho Páo đi lại tự do để vừa bấm huyệt điều trị vừa lên núi, ra chợ tìm thuốc chữa cho ông. Gặp thầy, gặp thuốc, bệnh của ông ta khỏi nhanh trông thấy, nên từ ấy Páo được sủng ái đặc biệt, rồi khi Páo ra tù, chính ông này đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho Páo với người bạn đời mới.
Có một vị bác sỹ ở Hà Nội lên tăng cường cho Lai Châu, gặp ông ồ lên thán phục: "Không ngờ ở giữa chốn mù sương này lại có người tài thế"! Cái tên Páo của ông dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là Ngọc, quê ông ở Lản Nhì Thàng có 99 ngọn núi, theo truyền thuyết nếu có đủ 100 ngọn sẽ là đất thiêng, còn nếu chưa đủ sẽ là đất bùn, nhưng có lẽ truyền thuyết cũng có lúc sai, bởi thực tế "ngọc" vẫn được sinh ra từ "đất bùn" đấy thôi.