Đêm mưa rả rích hòa với tiếng côn trùng khiến lòng người càng thêm ảm đạm. Tôi hé mắt nhìn qua song cửa sổ, xuyên qua những tán lá đen trong vườn, căn nhà gỗ mới dựng của chị Hoan vẫn còn sáng đèn, nằm lọt thỏm dưới bóng đêm. Mấy bận, nếu mẹ Hoan không dọa sống dọa chết, có lẽ cha chị đã đuổi chị ra khỏi nhà giữa lúc chị đang bụng mang dạ chửa.
Tôi vẫn còn nhớ như in, cách đây non một tháng, chị Hoan rụt rè tìm đến tôi, bàn tay run run lấy từ trong túi áo ra nửa tờ giấy ô li được gấp cẩn thận làm tư: “Nhờ cô giáo đọc giúp trên đây viết gì”. Tôi nhìn ba hàng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, áng chừng người viết để lại lúc sắp sửa ra đi vội vã, đánh vần hơn nửa ngày trời: “Nguyễn Thắng. Quê: Thôn… Xã… Huyện… Tỉnh… Số điện thoại:…”.
Tôi hỏi: “Chị muốn xuống xuôi tìm cha đứa nhỏ?”. Chị Hoan ngượng nghịu gật đầu. Tôi định bảo: chị tính đi thế nào đây? Một người nửa chữ bẻ đôi không biết, cả đời còn chưa đi hết cái làng mình ở? Mà giả như chị có thể tìm đến nơi thì biết đâu cái địa chỉ ghi trên mẩu giấy này cùng người đàn ông tên Thắng đã từng xuất hiện trong đời chị tất cả chỉ là đồ giả mạo. Nhưng lời đến lưng chừng lại nuốt ngược trở vào. Ở cái vùng quê heo hút này, đàn bà thường nhẹ dạ đến đáng thương.
***
Thắng là một trong số nhiều công nhân về bản N khi công trình thủy điện X khởi công. Con gái trong bản không riêng gì chị Hoan, mỗi lần nhìn thấy Thắng cùng với đám trai dưới xuôi, hai má đều ửng hồng. Đêm đêm, sau một ngày lao động mệt nhoài, cánh công nhân thường mời trai gái trong bản, quây lại trước lán nghỉ chơi nhóm lửa trại. Họ trút bỏ lớp quần áo bảo hộ lấm lem, đốt màn đêm yên tĩnh và nỗi buồn cằn cỗi nơi miền sơn cước trong men say. Họ nhìn các cô sơn nữ vây quanh mình với đôi mắt ướt át, buông những lời tình tứ ngọt tựa mật ong rừng.
Ảnh minh họa.
Những người đàn bà khờ khạo không hề hay biết rằng, trước khi bình minh ló rạng, những người đàn ông miền xuôi chỉ muốn tìm kiếm chút hơi ấm từ họ để xua tan nỗi buồn chán, tẻ nhạt khi phải rời xa phố phường náo nhiệt. Chị Hoan quen Thắng cũng trong một đêm lửa trại bập bùng như thế. Từ ngày đó, chị thường hỏi tôi về miền xuôi với một vẻ bẽn lẽn thẹn thùng: “Mình muốn làm dâu miền xuôi. Thắng nói khi về sẽ dắt mình theo”.
Nhưng rồi một ngày kia, chẳng ai hay biết, những lán trại được đoàn người lặng lẽ dỡ bỏ trong đêm, sáng ra chỉ còn trơ trọi một khoảng đất trống trơn. Chị Hoan và biết bao người đàn bà trong bản lao mình về phía những ô cửa sổ xe khách, nhưng chẳng thấy bất cứ chỗ trống nào dành cho họ. Có lẽ mảnh giấy cùng mấy hàng chữ xiêu vẹo này đã được giúi vào tay chị Hoan trong giờ khắc cuống quýt cuối cùng này? Chẳng hay người viết ra chúng đã quên hay cố tình quên, đàn bà ở mảnh đất này đều không biết chữ.
***
Chị Hoan không biết mình có chửa, mãi cho đến khi cái bụng đội áo lùm lùm lớn lên, và những trận đòn roi của cha chị càng ngày càng tới tấp. Bấy giờ chị mới đủ dũng cảm để đi tìm cha đứa trẻ. Tôi không đành dập tắt hi vọng của chị. Chúng tôi đi bộ hơn chục cây số lên bưu điện huyện. Tôi nhập dãy số được ghi trên mẩu giấy, đầu dây bên kia vọng lại âm báo quen thuộc: “Số máy quý khách vừa gọi không đúng…”.
Tôi nhớ đến lần tiên gặp chị Hoan, lúc ấy vẫn là cô thiếu nữ ngây thơ, cất tiếng cười trong trẻo giữa núi rừng. Không biết con đường chị cùng đứa con chưa chào đời sẽ theo hướng nào..
.