Người phụ nữ từ chối tình cảm của Đinh Tiên Hoàng có tên Nguyễn Thị Hoa Nương, quê ở trang An Lạc, đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Tương truyền rằng, cha mẹ cô là ông Nguyễn Nhân và bà Hoàng thị, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ham làm việc thiện.
Họ lấy việc cấy cày làm nghề nghiệp, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng rất an hòa, hạnh phúc, chỉ hiềm một nỗi mãi không sinh được mụn con nào.
Một hôm, giữa tháng 6 oi bức, bà Hoàng thị ra ngồi hóng mát trên một cái gò đất nhỏ có hình con rùa (gò Kim Quy) được một lát thì bỗng thấy trong người bàng hoàng, bụng đau ngâm ngẩm.
Từ đó, bà có mang. Đủ 9 tháng 10 ngày, đúng giờ Ngọ ngày 12 tháng 2 năm Canh Tuất (950), bà Hoàng thị sinh hạ một người con gái.
Bấy giờ, hương thơm ngào ngạt bỗng lan tỏa khắp nhà, ai ai cũng cho đó là điềm lạ, phúc lành.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Nhân đều rất vui mừng bèn đặt tên con là Hoa Nương và nâng niu, chăm sóc cô bé chu đáo, cẩn thận.
Hoa Nương là một thôn nữ xinh đẹp (Ảnh minh họa)
Thời gian dần trôi qua, cô bé Hoa Nương ngày nào càng lớn càng xinh đẹp lạ thường, tóc dài đen nhánh, mắt phượng mày ngài, môi đỏ như son, miệng cười tươi như hoa chúm chím nở.
Dân làng ai cũng yêu quý nàng. Nhớ đến chuyện lạ về mùi hương thơm khi Hoa Nương sinh ra, họ đồn rằng, có lẽ, cô là một nàng tiên nữ giáng xuống trần gian.
Chuyện kể rằng, vào năm Hoa Nương tròn 16 tuổi, một hôm, vào giữa trưa nắng gắt, khi cô gái đang chăn trâu ở bãi ven sông thì bỗng đâu xuất hiện một người đàn ông mặc quan phục tiến đến nói rằng:
'Ta với nàng có nhân duyên tiền định, chẳng bao lâu sẽ được gặp nhau'.
Nói xong thì người đó biến mất, Hoa Nương cho là điềm quái gở, lấy làm lo sợ bèn về kể lại cho cha mẹ biết rồi làm lễ cúng giải hạn.
Hai năm sau, khi bước vào tuổi 18, nhan sắc của Hoa Nương lại càng lộng lẫy, kiêu sa.
Biết bao chàng trai xa gần nghe tiếng đồn về cô gái xinh đẹp, tài giỏi đã tìm đến làm quen, xin cầu hôn nhưng nàng không nhận lời ai cả.
Vẻ đẹp của Hoa Nương còn đồn đến tận kinh đô Hoa Lư.
Vua Đinh Tiên Hoàng lúc đó dù đã lập 5 hoàng hậu, chưa kể các phi tần khác nhưng nghe tiếng nàng cũng đem lòng say mê và mong muốn có thêm một mỹ nhân trong chốn hậu cung.
Nhà vua bèn cho người mang lễ vật đến tận trang An Lạc mời vợ chồng ông Nguyễn Nhân về triều, ngỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi.
Được hoàng đế để mắt đến khác nào nhận được vinh dự lớn lao, vợ chồng ông Nguyễn Nhân mừng rỡ trở lại quê nhà thuyết phục, rồi cố gò ép Hoa Nương nhưng nàng nhất quyết từ chối.
Nàng nói rằng: 'Con quen vui sống cảnh thôn quê, khó mà chịu được những gò bó, lễ nghi trong cung đình.
Sống như thế khác nào cảnh chim lồng, con nguyện ở vậy để chăm sóc, phụng dưỡng song thân cho đến tuổi trời, chứ không vì phú quý mà đem thân mình vào chốn nhung lụa lắm thị phi'.
Chẳng còn cách nào khác để con gái thay đổi chủ ý, cha mẹ Hoa Nương đành viết đơn gửi về triều xin nhận tội.
Nhưng vua Đinh có lẽ hiểu được tâm sự của cô gái nên không nhắc đến chuyện đó nữa.
Còn Hoa Nương thì sợ rằng vì mình mà cha mẹ bị vua trừng phạt nên đã tìm đến cái chết để kết thúc sự khúc mắc, khó xử khi ấy.
Một đêm, nàng ra sau nhà ngửa mặt than trời rồi tự vẫn. Sáng hôm sau, cha mẹ và hàng xóm đi tìm thì thấy Hoa Nương vẫn ngồi như lúc còn sống.
Mọi người ai cũng lấy làm xót thương, liền đưa thi hài cô gái hồng nhan mà mệnh bạc về táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng.
Đúng 3 tháng sau, dân làng thường nghe văng vẳng tiếng Hoa Nương ca hát, vui cười trên không, biết là nàng hiển linh, mọi người mới bàn nhau lập miếu thờ phụng gọi là miếu bà Chúa tối linh.