Tin tức - pháp luật 2008-10-04 06:13:52

Người đẹp tâm thần lang thang và lũ quỷ râu xanh :|


Trong "bộ phim dài tập" về tình trạng nữ bệnh nhân tâm thần “phơi da thịt một cách vô thức”, bị hiếp dâm, lạm dụng tình dục, có lẽ, lỗi chính là thuộc về… "Cuộc sống". Người đã sinh ra những kẻ mất trí là phái nữ đi vô định trong cõi người. Người lại để cho “nàng” vẫn là trái táo ngọt ngào hương vị Eva trước mắt những con đực bị nhuộm đen bởi dục tính đớn hèn.

Song, lỗi lớn nhất mà người tỉnh táo, người tử tế chúng ta đang mắc phải trong bối cảnh này lại là: chúng ta đã hoặc là vô cảm hoặc là chưa làm tròn trách nhiệm trong việc cưu mang, gom nhặt, chữa trị cho người bệnh tâm thần. Chúng ta chưa giám sát, quản lý và trừng trị hiệu quả những gã đàn ông súc vật sẵn sàng hiếp dâm và hiếp dâm tập thể một bệnh nhân tâm thần không có khả năng nhận thức và kháng cự.

Hậu quả là xã hội phải gánh chịu tất cả. Với người ngoài cuộc, nhìn những cảnh như thế này, người ta thấy lòng tự bị tổn thương, thấy nghi ngờ về hai chữ nhân ái trong Cuộc Đời…

“Người đẹp tắm Hồ Gươm” bị hiếp dâm tập thể. Và có nàng bị lây nhiễm HIV

Bác sĩ Tô Thanh Phương là tiến sĩ y khoa chuyên ngành trầm cảm đầu tiên của Việt Nam, hiện công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã bị ám ảnh đến thắt lòng bởi sự hồn nhiên của nữ bệnh nhân đẹp rực rỡ ấy. “Nàng” tên là Lù Thanh T., người Thái ở Mường La, tỉnh Sơn La. Trong sổ theo dõi của tiến sĩ Phương, T. nhập viện ngày 07/03/2007, ra viện mấy tháng sau đó, ngày 18/07/2007.

Theo thông tin từ người đi thu gom: T. có cái thú vui là… xé quần áo, lang thang ở trạng thái “nuy”. Cái điều độc nhất vô nhị mà chỉ có T. mới sáng tạo ra được: ấy là nuy rồi tắm ở hồ Lục Thủy, Hồ Gươm ngàn năm văn hiến. Tắm, bị thu gom, trốn trại, lại tắm… Hồ Gươm, nhiều người xót xa, nhưng cũng có đám thanh niên nhảy múa vì được “rửa mắt” no nê. Riêng các chàng công an, y tế, bác sĩ tâm thần đi thu gom “người cá” Lù Thanh T. đẹp nõn nường thì cứ là… mắt ngó Tháp Rùa, tay thò xuống nước hồ trả gươm… bắt nàng.


Lúc đầu vào thì thấy T. cao ráo, các đường cong khá gợi cảm, gương mặt hiền lành, trong sáng ngơ ngác, hoảng loạn, ai cũng xót xa. Nghe kể, cô cứ đi lang thang hết địa phương nọ đến địa phương kia, rồi hành tẩu về nơi đông người nhất là thủ đô.

Sức xuân ngùn ngụt những khi không lên cơn điên loạn, lảm nhảm của T. đã khiến những kẻ tồi tàn để mắt. Và cô đã bị 5 thằng khốn nạn liên tục hiếp dâm. Người thu gom đến tận hiện trường kể vậy, và tiến sĩ Phương - Trưởng Khoa Nữ bệnh nhân - thu gom về. Đem T. ra khám thì cũng thấy đúng như vậy. T. nằm sốt li bì, tâm trí hoảng loạn sau cơn địa chấn của tình dục ma quỷ kia.


Là một bệnh viện trung ương, tiếp nhận hàng trăm hàng nghìn người lang thang với những số phận chả giống ai (nhưng đều đau đớn) đến từ mọi miền Tổ quốc, nhưng các bác sĩ ở khoa vẫn không thôi thảng thốt bởi cảnh “liễu dập hoa vùi” đang đến với T.. T. đẹp đến nỗi, như nữ bác sĩ Hồng của bệnh viện “tiếc xót” chép miệng: nhiều đứa bệnh nhân nó đẹp, nó lại chỉ thích xé quần xé áo ra nó “nuy”, bọn chị là đàn bà nhìn còn thấy quá đẹp nữa là cái bọn mất dạy… ngoài đầu đường xó chợ.



Đến lúc tỉnh lại thật sự, T. khóc như mưa như gió, kể về cái vụ gần nhất, khi em bị 5 thằng thay nhau hãm hiếp. Lúc ấy em hầu như không còn cảm giác, nhưng vẫn đủ để nhớ những hình ảnh ma quỷ lặp đi lặp lại nhiều lần của bọn chúng. Em đẹp, nên được người địa phương tuyển làm diễn viên múa xoè của tỉnh. Khăn piêu, áo cóm, cúc bướm eo ót đến ngày phát bệnh và liên tục bị lạm dụng. Trước khi rời Bệnh viện Tâm thần Trung ương, T. cảm ơn Tiến sĩ Phương và các bác sĩ, y tá, hộ lý bằng một điệu múa xoè. Áo cóm, khăn piêu, em lại rờ rỡ với những đường cong bay lượn ở bệnh viện tâm thần. Cả bác sĩ, cả bệnh nhân mấy khoa lân cận cũng sang xem.

Mặc nhiên, người ta đành chấp nhận “sóng gió mặt đường” đến với T. và những người “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” như T.. Chàng nhân viên đã 10 năm làm nghề thu gom bệnh nhân tâm thần của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - Nguyễn Tuyên Dương - cũng kể về những nạn nhân đã có thai “vô thức” mà anh đưa về bệnh viện. Rước “nàng” về bệnh viện xong, lại quần quật đi thu gom người khác, Dương chả biết rõ rồi số phận nàng sẽ ra sao, cho đến khi lại chợt gặp lại nàng tiếp tục lang thang đầu đường xó chợ lần nữa.



Tiến sĩ Phương dè dặt: đau nhất là những cô gái lang thang bị hiếp dâm đến mức mang bệnh HIV. Cô gái ấy không biết suy nghĩ để đắn đo rằng mình có sẵn sàng cho cuộc “giao hoan” với người lạ mặt bệnh hoạn ở góc tối lề đường hay không. Dĩ nhiên, cô càng không được trời phú cho cái “may mắn” biết yêu cầu con đực bị HIV/AIDS kia phải “đeo” bao cao su.

“Chúng tôi khám, chữa bệnh rồi đành trả họ về Bệnh viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai). Tất nhiên, cũng chẳng biết rồi đời “nàng” sẽ ra sao” – Tiến sĩ Phương buồn bã. Vị bác sĩ đầy tâm huyết này càng không thể biết được rằng, đã có bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu bận các nữ bệnh nhân lang thang của anh bị lạm dụng và cưỡng hiếp.

Anh và đồng nghiệp chỉ biết khi họ mang thai, bị HIV hoặc từ từ hết “điên rồ” sau quá trình chữa trị và kể lại chuyện “dọc đường bôn tẩu”. Nhưng có một điều chắc chắn: “Chúng tôi từng đưa không ít bệnh nhân nữ mang thai ra bệnh viện huyện Thường Tín sinh nở. Tìm cách khai thác địa chỉ, báo cho người nhà đến nhận cháu bé sơ sinh về nuôi, biết làm sao. Có lần, người nhà nạn nhân từ Hà Nội xuống nhận… cháu ngoại, rất là bi thảm”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với một nhóm bác sĩ mấy chục năm trong nghề, và điều dưỡng viên trẻ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở bệnh viện nọ (có ghi âm) cho thấy: nữ bệnh nhân bị lạm dụng tình dục chiếm con số không nhỏ tí nào. Xé quần xé áo là hành động tương đối phổ biến của người điên. “Lúc bệnh viện chúng tôi chưa xây tường cao (trước đây), bệnh nhân nữ nằm ngồn ngộn xác thịt, mà rất đẹp nữa. Thế là bọn thanh niên “bố láo” toàn uống rượu rồi nhảy tường vào lạm dụng tình dục (hiếp dâm) nữ bệnh nhân. Hình như có mấy cô chửa sau những phi vụ như thế, đành trả về quê cho… đẻ thôi. Vì thật ra, nhiều trường hợp cũng chả ai xác minh được, bệnh nhân có thai từ trước khi được gom về bệnh viện hay là vào bệnh viện rồi mới bị kẻ xấu vượt tường… quan hệ tình dục”.

Cơ sở vật chất giờ tốt hơn, quy củ hơn, chuyện buồn kia không còn nữa. Nhưng, nước ta mới chỉ có non nửa số tỉnh thành có cơ sở y tế chuyên trách (như bệnh viện) điều trị cho người tâm thần. Các cơ sở này cũng tiếp nhận bệnh nhân rất hạn chế, điều trị không mấy hiệu quả vì thiếu kinh phí và nhân lực. Cho nên, người tâm thần lang thang, “mình trần truồng đi giữa nhân gian” là không phải ít. Chúng ta vẫn thường gặp họ ở đâu đó, khi màn đêm buông xuống, có thể họ sẽ phải đối mặt với thứ tình dục bẩn thỉu, bất nhân của những “con quỷ”.

Lúng túng + vô cảm = tàn nhẫn !

Cái vòng xoáy chẳng ai muốn dành cho bệnh nhân tâm thần ở nhiều địa phương, bao giờ cũng là: vào bệnh viện, thậm chí vào trung tâm “nuôi nhốt” để làm an toàn và “sạch sẽ”; rồi thả ra, lang thang vật vạ, bị “bắt” vào “trại”. Rồi thả ra. Cứ thế, năm qua tháng lại những chàng, nàng “rồ” đã trở nên quen mặt, quen nết với toàn bộ vùng dân cư rộng lớn. Họ là “người của công chúng” theo đúng nghĩa, bởi người tâm thần lang thang bao giờ cũng thích ở nơi đông người, đông xe cộ như chợ búa, trước các trụ sở hành chính, quán xá hay ven quốc lộ.

Cái vòng xoáy kia thể hiện hai điều: sự lúng túng trong thi hành chế độ, chính sách với bệnh nhân tâm thần lang thang. Thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, thiếu điều kiện chăm nuôi tại gia đình, không thu gom, chữa trị và quản lý họ một cách có hiệu quả. Cái thiếu lớn hơn là một chính sách đủ ràng buộc trách nhiệm các ngành công an, y tế, lao động thương binh xã hội, chính quyền cơ sở (nơi người tâm thần lang thang đang hiện diện) khi chuyện đau lòng xảy đến. Nên mới có chuyện, xã nọ, phường nọ, tỉnh nọ đẩy sang “phía bạn” để đá quả bóng trách nhiệm sang “phe chúng nó”.

Khi hành xử vô cảm như vậy, chúng ta quên mất bài toán về tình nhân ái! Hãy coi họ là đồng bào mình, là người thân, là bà, là mẹ, là em, là vợ, là đồng nghiệp của mình và với nhận thức như thế, có nên đẩy họ ra đường cho những thứ ma quỷ “hành hạ” không? Một ngày xấu trời nào đó, những yếu tố bẩm sinh, xung đột sinh học trong cơ thể hoặc những sang chấn tâm lý xã hội tốc độ này làm bạn “chập” đi, làm bạn nhảng một bước lọt vào thế giới lang thang vô định của bệnh nhân tâm thần, thì sao?

Nhân nói về cái vòng xoáy vô cảm, đầy hệ lụy do lúng túng, thiếu ràng buộc trách nhiệm kể trên, chúng tôi xin trích một ám ảnh của Tiến sĩ Y khoa chuyên ngành Tâm thần - Thần kinh Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội). Ông Hồi có gần 20 năm nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần, từng chắp bút viết Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khoẻ tâm thần, từng làm việc với tư cách chuyên viên về sức khoẻ tâm thần của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ông kể:

“Bấy giờ ở bệnh viện B., nơi tôi công tác, thấy xe của lực lượng chức năng chở đến một cô gái trẻ không một mảnh vải che thân “ném” ở sân viện. Sắp đón một đoàn chuyên gia nước ngoài rồi, thật tai họa, ai đó nói. Cô gái thản nhiên đi lại, thậm chí leo tót lên cây đại giữa viện ngồi dạng háng tênh hênh. Cô khỏa thân trọn vẹn! Tôi bảo mấy cô sinh viên Đại học Y đang thực tập ở bệnh viện cầm quần áo bệnh nhân ra mặc cho cô ta. Cô phản ứng dữ dội, nhưng “nịnh” mãi rồi cô cũng mặc. Đưa bánh cho ăn, cô ném giả với lời nguyền: trong bánh có thuốc độc. Cô lại leo tót lên cây nằm phơi thân thể mơn mởn trong nắng. Gay quá. Ông Hồi làm văn bản xin ô tô của hậu cần bệnh viện, đem cô gái xuống bệnh viện Tâm thần. Ai ngờ, dọc đường, cô đòi đi tiểu và chạy ngược đường tàu trốn mất. Sợ cô bị tàu hoả chẹt, các bác sĩ phải báo cáo công an, y tế và các địa phương cảnh giới. Nín thở chờ thông tin. Ai dè, sáng hôm sau, chuẩn bị giờ long trọng tiếp chuyên gia nước ngoài thì các bác sĩ bệnh viện B. lại giật mình thấy cô gái điên nằm khoả thân tênh hênh trên cành cây cổ thụ trước cửa phòng khách”.

Ai nấy tái mặt cho người thuê xe lam chở cô gái đi. Tiến sĩ Hồi thở dài, xin xe của hậu cần rất cách rách, tôi bỏ tiền trực đêm của tôi ra để “cứu độ” cô gái trẻ vậy. Dưới bệnh viện Tâm thần ấy họ đã tiếp nhận, ký cót đàng hoàng với Bệnh viện B. rồi. Không ngờ, vài ngày sau, trước cửa đồn công an của bệnh viện B. lại thấy cô nàng hôm trước ngồi nuy hí hửng “tay nhặt lá, chân đá ống bơ”. Điều làm ông Hồi ám ảnh hơn cả là sự bất lực của ông và anh chị em trong bệnh viện.

Ông đã cố công giúp cô gái về nơi được điều trị, quản lý để tránh bị hiếp đáp, lạm dụng tình dục. Nhưng cô tìm cách trốn đi bằng mọi giá. Rồi cô trần như nhộng bị lực lượng chức năng thuê xích lô bế lên đem… ném khắp các địa bàn. Có khi phường ở cổng chính bệnh viện thuê người ném sang phường gần cổng phụ bệnh viện. Rồi cô lại bật đi đâu đó, rồi lại về, như một bóng ma làm tổn thương lòng nhân ái của Tiến sĩ Hồi và các lương y ở bệnh viện B. “Cô ấy bị hiếp, bị lạm dụng tình dục là dĩ nhiên” - bằng con mắt một tiến sĩ Y khoa, ông Hồi nhận định. Cũng vì lý do đó, “nữ nhân vật” ấy mới ám ảnh ông nhiều đến vậy.

Câu chuyện trên diễn ra ở Hà Nội, có thể, với chủ trương không để người tâm thần “bôn tẩu” ở thủ đô văn hiến quá 2 ngày sau mỗi lần “ghé thăm” hoặc “tái xuất giang hồ”, vì vậy, có thể câu chuyện trên sẽ không còn diễn ra phổ biến ở Hà Nội nữa. Nhưng, ở rất rất nhiều tỉnh của chúng ta, thì tình trạng này vẫn vẹn nguyên. Nhiều tỉnh có khả năng lập trung tâm chữa trị, nuôi dưỡng người tâm thần, nhưng họ sợ tỉnh khác “đẩy đuổi” người lang thang dồn tụ cả lại nên không dám… khai trương. Tình trạng nam nữ bệnh nhân tâm thần bị vứt ra lề đường theo đúng nghĩa đen, tiếc thay, vẫn diễn ra như một tâm điểm nóng rất thời sự, trước mũi chúng ta, trong những ngày tưởng như không thể có chuyện nhẫn tâm đến như vậy nữa. Phải làm sao

Trịnh Thị Thanh Thanh (VieTimes)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)