(VTC News) - Trong môi trường đại học, giảng đường là nơi các sinh viên gặp gỡ thường xuyên nhất. Thế nhưng trên thực tế, ở đâu đó trên các giảng đường vẫn còn những “người lạ”.
Những sinh viên “tự kỉ”
Tự kỉ được biết đến như là căn bệnh tự tách rời với thực tế và môi trường xung quanh. Và ở trên giảng đường, có không ít sinh viên biểu hiện như thế.
Thắm - Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã là sinh viên năm thứ 3 rồi nhưng trong lớp học gần 70 sinh viên của cô, cô chỉ nhớ mặt biết tên những bạn là cán sự lớp. Đến giảng đường, cô chọn một góc ít được thầy cô và các bạn chú ý đến và ngồi một mình như thế cho đến khi ra về. Không tiếp xúc với ai, thờ ơ với mọi hoạt động, phong trào của lớp. Các buổi đi chơi, liên hoan các bạn trong lớp cũng chưa bao giờ thấy mặt Thắm. Hoạt động tập thể duy nhất của cô với cả lớp gói gọn lại chỉ là những hôm đi thực tế bắt buộc. Lầm lũi đi về một mình, không cười nói gì cả nên các bạn nam trong lớp đã đặt cho cô cái biệt danh là “Xe tăng”.
(Ảnh minh họa) |
Biến mình thành sinh viên “tự kỉ” nên Thắm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập và nghiên cứu. Đặc biệt là khi làm bài tập nhóm hay thảo luận tập thể. Các bạn trong lớp hầu như không ai muốn ở cùng nhóm với Thắm cả. Từ lâu mọi người cũng đã không để ý, quan tâm gì đến Thắm nữa. Cũng chính vì thế mà xảy ra câu chuyện khá nực cười. Hôm đi thực tế ở Thanh Hóa với lớp, khi các bạn đã lên ô tô đi về được một đoạn, cả lớp mới hoảng hồn khi nhớ ra là không thấy Thắm ở trên xe. Lớp phải cho xe quay lại là tổ chức đi tìm cô cả giờ đồng hồ.
Không hiểu với cách tiếp xúc đó, Thắm sẽ làm thế nào để hòa nhập với môi trường công việc sau khi ra trường. Nhất là với nghành luật cô đang theo học vốn yêu cầu cao ở vốn sống và sự tiếp xúc ở xã hội.
Những thành viên ít thấy mặt
Vào được Đại học không phải là chuyện dễ. Cũng chính vì thế mà không ít sinh viên đã tỏ ra tự mãn khi đã bước chân vào giảng đường đại học. Điều đó dẫn đến việc học tập ngày 1 chểnh mang và số tiết đến lớp hàng tháng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhất là với những sinh viên nam.
Đã học cùng lớp gần 4 năm rồi nhưng bạn bè trong lớp chưa ai được tiếp xúc nhiều với Hoàng. Đơn giản bởi cậu rất ít khi tới giảng đường. Thời gian trên giảng đường từ lâu đã được Hoàng nhường chỗ cho việc ngủ sau những cuộc đi chơi thâu đêm suốt sáng hay những trò chơi như bi-a, điện tử. Lớp học của Hoàng cũng khá đông sinh viên nên dần dần việc Hoàng có tới giảng đường hay không cũng không được để ý nhiều nữa. Và cũng chính vì thế cậu trở thành một người xa lạ.
Trong khi nhiều sinh viên chăm chỉ thì không ít những SV cả năm chả thấy mặt bạn cùng lớp. |
Hậu quả của việc ít lên giảng đường của Hoàng là việc cậu hầu như không bao giờ nắm được các kế hoạch của trường, lớp. Hơn nữa cũng vì nghỉ học quá nhiều nên cậu thường xuyên bị mất điểm danh. Kiến thức trên lớp cũng không nắm được là bao. Chuyện thi lại học lại với cậu diễn ra như cơm bữa. Số môn còn nợ lại của Hoàng cũng đủ để giữ cậu lại trường dài dài.
Tự ti và tự kiêu
Là một sinh viên ở một miền quê nghèo ở tỉnh Nghệ An. Nhờ học chịu khó học tập nên Vân cũng đậu được vào học viện Ngoại Giao. Thế nhưng việc được xếp cùng lớp với rất nhiều sinh viên gia đình thuộc dạng có điều kiện nên đã gây ra cho Vân không ít khó khăn.
Lần đầu tiên lên Hà Nội, choáng ngợp trước phong cách, lối sống của các bạn trong lớp nên Vân dần cảm thấy tự ti. Cũng chính vì thế mà dần dần, cô càng ít tiếp xúc với các bạn trong lớp. Những cuộc liên hoan, đi chơi cùng cả lớp Vân rất ít khi tham gia. Rồi các thành viên còn lại cũng không còn để ý nhiều đến cô nữa. Và cô trở thành “người lạ” từ lúc nào không hay.
Sinh ra trong 1 gia đình khá giả. Lại có được ngoại hình rất bắt mắt. Thế nhưng tình cảnh của Liên – ĐH Xây dựng lại không khác Vân là bao. Học trong một lớp với rất nhiều bạn nam. Trong số các bạn nữ ít ỏi trong lớp, Liên nổi bật hơn cả. Cũng chính vì thế Liên nhận được rất nhiều sự để ý của các bạn trong lớp. Từ đó Liên sinh ra thói tự kiêu, nhiều khi “không thèm” tiếp xúc với các bạn trong lớp. Dần dần cô bị tẩy chay và trở thành người “xa lạ”.
Giải pháp từ người cán bộ lớp
Với những sinh viên xa lạ này, việc giúp họ có thể hòa nhập với giảng đường không dễ. Nhưng cũng không phải là quá khó. Trong những trường hợp đó vai trò của người cán bộ lớp phải được phát huy triệt để. Nhưng bây giờ, nhìn chung người cán bộ lớp ở các giảng đường bây giờ không có việc gì hơn là thông báo lịch học, lịch thi; thông báo các tin của đoàn trường đến cả lớp và tổ chức các buổi liên hoan.
Hãy cùng hòa nhập vào thế giới tươi đẹp quanh mình bạn nhé! |
Cũng vì sự thờ ơ của ban cán sự như thế mà “bệnh tự kỉ” của Thắm vẫn tồn tại suốt 3 năm. Hoàng nghỉ học rất nhiều nhưng không hề nhận được sự nhắc nhở. Các thành viên tự ti với hoàn cảnh như Vân không được một lời động viên để hòa nhập. Một lời khuyên cho Liên để cô thay đổi cách cư xử và tiếp tục hòa nhập với cộng đồng lớp là một điều “xa xỉ”.
Là nơi sinh viên đến thường xuyên nhất cho nên giảng đường không chỉ có không khí học tập mà còn phải có không khí đoàn kết của cả lớp, cả khoa. Và lúc đó, cần nhất là vai trò của người cán bộ lớp. Đời sinh viên không dài. Hãy làm sao để chia tay khoảng thời gian đẹp đẽ này, các bạn không còn gì phải luyến tiếc.
Đức Nhã