Lớp học tiếng Pali ban đêm của các chú tiểu (ảnh chụp ở tỉnh Ubon Ratchathani) - Ảnh: Tanasak |
Khi sương mù vừa tan, trên đường ra chợ ở tỉnh Phrae tôi thấy một chú tiểu có gương mặt bầu bĩnh chừng 12, 13 tuổi tay ôm bát vừa đi vừa chạy theo các nhà sư. Đây là một chú tiểu mới xuất gia nên ngủ dậy trễ. Bộ y của chú mới toanh, quá khổ. Chú chưa biết cách khoác y cho gọn gàng vừa với dáng người.
Luyện mình
Buổi tối, đợi hết giờ học tôi đến chùa Pak Nam để trò chuyện với các chú tiểu. Sau một hồi đùn đẩy nhau, cuối cùng chú tiểu Wuttichai Rianthorng đã rủ lòng từ bi xuất hiện. Người chú tròn trịa, mũm mĩm, đôi mắt khi không cười cũng híp lại như đang cười. Chú bí mật nói tôi phải đãi chú ăn “khao tôm” (một loại cơm trộn với nước xúp) sau khi phỏng vấn xong để trả công. Hai chúng tôi cùng cười vì như vậy là… phạm giới.
Wuttichai nhớ lại: “Năm 12 tuổi em nói ý định vào chùa thì bố mẹ mừng quá, lật đật dắt em qua nhà ngoại để báo cho bà biết. Sau đó bà dắt em đến chùa để xin phép sư thầy. Chỉ năm ngày sau là em vào chùa sống!”.
Theo hệ thống giáo dục Thái Lan, hiện Wuttichai đã học trường cấp II Phật giáo hết năm thứ nhất. Hai năm nữa chú sẽ học hết cấp II và dự định rời chùa về đời. Chú giải thích: “Nếu không xin xuất gia, em sợ sẽ không học hết được cấp II. Nhiều bạn bè thường rủ em hút thuốc và làm nhiều chuyện mà ba mẹ không muốn”.
Cuộc sống dưới mái chùa giúp các chú tiểu giữ tâm được bình an. Các chú áp dụng tâm pháp của thiền trong đi đứng nằm ngồi và nhờ đó tập trung tốt hơn vào việc học.
Trong thế giới của mình, các chú tiểu cũng có chuyện vui riêng và thường chia sẻ với nhau về những điều nếu làm sẽ… phá giới mà các chú cho là ngồ ngộ như không được hát, không được chơi đá banh, không được kể chuyện cười, không được xài hóa mỹ phẩm có mùi thơm và không được mặc… quần lót. Khi phạm những giới quy này, các chú không thấy tội lỗi mà chỉ cảm thấy tức cười vì phạm giới tập thể, nhất là cùng nhau… ăn vụng ban đêm. Về việc không mặc quần… bé, chú cười đến đỏ cả mặt và cho biết rất thoải mái.
Ở Thái Lan, trên 21 tuổi mới được coi là sư và phải tuân thủ 227 giới. Dưới 21 tuổi được coi là tiểu tăng và chỉ phải giữ mười giới chính. Trong đó, năm giới đầu là áp dụng cho mọi người, dù không xuất gia mặc áo cà sa cũng phải giữ giới trong sạch. Đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu và dùng các chất gây nghiện. Các giới từ thứ 6-10 gồm: không được ngủ giường cao nệm dày, không ăn sau 12 giờ, không trau chuốt ngoại hình, không giải trí và không được xài tiền.
Với các chú tiểu, việc xuất gia đơn giản chỉ là xin phép sư trụ trì và xuống tóc trước khi vào chùa, không phải là một sự kiện linh đình như đối với những người trên 21 tuổi.
Một ngày bình thường của các chú tiểu bắt đầu từ 4g sáng và kết thúc khoảng 9-10 giờ đêm. Buổi sáng các chú thức dậy từ 4g, đánh chuông, tụng kinh và tham thiền. Sau đó là đi bát để có thực phẩm cho buổi sáng và trưa cùng các nhà sư khác. Khi đi bát, các chú tiểu phải đi sau các nhà sư, ở phía cuối hàng. Các sư ở thành phố lớn sẽ đi bát trễ hơn do người dân đô thị không quen dậy sớm như người dân nông thôn. Khoảng 7 giờ, họ về chùa, quét dọn sân chùa và chuẩn bị cho bữa sáng. Các công việc dọn bàn ăn, rửa chén bát hai bữa mỗi ngày thuộc về các chú tiểu.
Các chú tiểu đến trường lúc 8g sáng để học và trở về lúc 11g trưa. Cùng với các nhà sư, họ ăn trưa xong trước 12g. Buổi chiều từ 12g30-16g, các chú học các môn phổ thông như toán, lý, lịch sử… Sau giờ học, các chú tiếp tục làm vệ sinh chùa như quét rác, lau chùi tượng Phật, dọn cỏ và chuẩn bị cho buổi tụng kinh buổi chiều lúc 18 giờ. Buổi tối họ phải học tiếng Pali đến tận 21g cho tới khi đạt đến bậc ba của ngôn ngữ này. Sau 21g là thời gian tự do để làm bài tập về nhà. Mỗi chú tiểu còn có một sư phụ luôn theo sát mỗi khi cần giúp đỡ.
Đi tu cầu học
Nhiều người Thái trong độ tuổi 20, 30 hiện nay cho biết họ đã sống ở chùa 3, 4 hay thậm chí là mười năm khi còn rất nhỏ. Hi sinh lớn nhất là phải chấp nhận không được quấn quýt bên mẹ như những thiếu niên khác.
Chuyện này có từ 20 năm trước, khi việc học là một gánh nặng tài chính với nhiều gia đình nông thôn. Lúc ấy, nếu trở thành chú tiểu họ không phải đóng học phí, được ăn ngày hai bữa miễn phí từ thực phẩm cúng dường và không phải mua đồng phục hay tập sách. Khi bệnh các chú tiểu cũng không phải trả tiền thuốc men và viện phí. Bằng cách này, nhiều thanh niên đã trưởng thành và học xong đại học.
Ngày nay, giáo dục ở Thái Lan được miễn phí đến hết lớp 12. Các học sinh được phát đồng phục, sách vở, giày dép và được ăn bữa trưa miễn phí ở trường. Việc đi tu ở lứa tuổi thiếu niên tưởng đã giảm nhưng thực tế vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều bậc cha mẹ.
Với những gia đình rất nghèo, lý do chính vẫn là để đỡ tiền ăn hằng ngày. Với các gia đình khá giả, các bậc cha mẹ gửi quý tử vào chùa để cậu ấm không bị game online, bia rượu, chất kích thích hay bạn bè xấu lôi kéo…
Chú tiểu Kittipit Singsorn, 13 tuổi, ở tỉnh Si Sa Ket, vùng đất đang diễn ra tranh chấp liên quan đến ngôi đền cổ với Campuchia, cho biết: “Ở quê em thường bị các anh lớn hơn ăn hiếp. Họ đưa tiền sai đi mua rượu và sau đó ép em cùng uống. Em rất sợ”.
Với Kittipit, cuộc sống ở chùa tất cả đều tốt hơn ở nhà. Kể đến đoạn cha dượng mất năm ngoái và mẹ phải bỏ ba anh em lên Bangkok làm việc trong nhà máy dệt, nước mắt em không ngừng rơi, liên tục đưa cà sa lau nước mắt: “Em nghĩ vì ba anh em mà mẹ phải đi làm xa cực khổ hơn, nên em và em trai em, khi đó 11 và 12 tuổi, xin được đến chùa tu để mẹ bớt khổ. Chúng em sẽ sống ở chùa cho đến khi học xong đại học”.
Với các chú tiểu tuổi 18, 20, việc tu tâm khó khăn hơn do liên quan đến chuyện… nhi nữ. Tiểu sư phụ Khamphing Phimmakong, người Lào đang tu học ở Thái Lan, cho biết: “Tôi có nhắn với bạn bè đừng liên lạc để không bị xao nhãng việc tu hành”.
Ở Thái sẽ là rất sai trái nếu một người nữ rủ rê một thầy tu trở về đời. Dù vậy, các sư và các tiểu sư phụ kể rằng: có cô gái lặng lẽ dâng cơm đều đặn mỗi sáng khi nhà sư đi bát, như một tín hiệu nếu có ngày thầy về đời chúng ta thành đôi lứa. Sư Utara kể có người còn đặt cả hoa hồng vào bát của nhà sư.