Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đóng giày cho Quốc vương Sihanouk
Cách đây 2 năm, tôi được một người quen giới thiệu về ông và cho biết ông từng đóng giày cho Quốc vương Norodom Sihanouk (Campuchia), một số vị lãnh đạo cao cấp của VN và các lãnh sự quán nước ngoài tại VN, hay các ca sĩ nổi tiếng và cả những người khuyết tật. Tôi muốn gặp ông để tìm hiểu và viết bài từ lâu, nhưng ông không thích nói về mình. Vả lại tuổi đã cao, sức khỏe không tốt nên ông hạn chế tiếp xúc người ngoài.
Mãi đến bây giờ, vào những ngày cuối năm, sau khi đóng xong giày cho khách du xuân, ông về chăm sóc vườn hoa tết ở P.An Phú Đông, Q.12 tôi mới có cơ hội được nghe về các câu chuyện thú vị của ông.
Qua lời kể của ông Ngọc, tôi được biết thêm, ngoài Quốc vương Sihanouk, ông còn đóng giày cho các hoàng thân thuộc hai hoàng tộc là Norodom và Sisowath, các hoàng tử, các công chúa, thủ tướng và các bộ trưởng dưới thời Quốc vương Sihanouk. Ông Ngọc nhớ lại: "Quốc vương là người rất chú trọng đến trang phục, thời trang nên mỗi dịp đi nước ngoài thường mua sắm những đôi giày thương hiệu nổi tiếng của Pháp, Ý. Cứ đôi nào không vừa chân thì ông mang kiểu về Phnom Penh, rồi cho xe tới rước tôi vào hoàng cung để đặt làm những đôi giày đó theo ni chân của ông. Ông rất kỹ tính và sành điệu. Trong các dịp quốc lễ như lễ Tôn vương, tiếp đón các nguyên thủ nước ngoài, tôi cũng được mời vào làm những đôi giày đặc biệt cho quốc vuơng và hoàng hậu theo kiểu truyền thống cho phù hợp với sắc phục của vương triều Khmer. Có những đôi giày tôi phải tham khảo và vẽ lại kiểu giày thời xưa trong viện bảo tàng mới thực hiện được. Đối với veston thì quốc vương thường thay đổi người may, khi thì Adam, lúc thì Tân Việt… Còn về giày thì chỉ hiệu Đức Phát".
Cửa hàng giày của gia đình ông Ngọc mang tên Đức Phát đối diện với cửa hàng của hãng "Jean Compte-Peugeot" của Pháp, thời đó nổi tiếng khắp thủ đô Phnom Penh. Các giáo sư, bác sĩ Pháp làm việc tại Phnom Penh cũng thường tìm đến đặt giày. Nhưng rồi do thời cuộc thay đổi, Campuchia xảy ra chính biến, năm 1970, gia đình ông Ngọc đã phải bỏ tất cả để hồi hương về VN làm lại từ đầu.
Tại VN, xác định phải đánh vào thị trường giày cao cấp, ông làm hàng ký gửi vào thương xá Tax, Cristal Palace và một vài shop bán hàng ngoại cao cấp ở Q.1. Qua thời gian, các khách hành tinh ý biết được giá những nơi này bán ra cao gấp 3 lần giá gốc mà ông bán tại nhà ở 115/1 đường Phát Diệm (nay là đường Trần Đình Xu) nên dần dần khách tìm đến tận nhà để đặt hàng. Trong đó, có các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thời đó cũng tìm đến. Đặc biệt, "vua hippy" Trường Kỳ - Nam Lộc cũng tìm đến ông Ngọc để đặt giày. Ông Ngọc bảo, "Đất Sài Gòn thật ngộ, mặc dù nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, nhưng khi nổi tiếng, khách hàng chịu khó tìm đến rất đông, có lúc bên ngoài không còn chỗ cho xe đậu, trong nhà thì không có đủ ghế cho khách ngồi".
Tại sao đi đến đâu ông Ngọc cũng thành công với nghề của mình nhanh chóng như thế? Bí quyết là ở chỗ: Bên cạnh giỏi nghề còn nhờ vào quan niệm "luôn đi trước thời đại" của ông. Nhờ có môi trường tiếp xúc trực tiếp với nhiều khách hàng sành điệu trong nước lẫn ngoài nước nên ông nắm bắt kịp thời các kiểu giày, loại da, màu sắc… đang được thị trường ưa chuộng. Thời còn ở Phnom Penh, ông kết hợp với ông chủ nhà máy thuộc da nổi tiếng Junly, đến lúc về Sài Gòn ông kết hợp với ông V.H.M - chủ nhà máy thuộc da nổi tiếng Vinada với phương châm "hợp tác đôi bên đều có lợi": phần ông cung cấp mẫu da các loại, phần nhà máy thuộc và trau chuốt da đến hoàn chỉnh. Ông được ưu tiên sử dụng mẫu da trước 6 tháng, sau đó nhà máy da mới tung ra thị trường.
Những đôi giày đặc biệt
Ngoài đóng giày cho những nhân vật nổi tiếng, ông Ngọc còn dùng tài đóng giày của mình để "hóa phép" cho những người gặp khiếm khuyết về bàn chân có thể mang được giày Tây như người bình thường khác.
Để đóng giày cho những trường hợp này, phải bỏ công bỏ sức, lao tâm lao lực rất nhiều mới có được đôi giày như ý, vừa phù hợp với khiếm khuyết của bàn chân, vừa mang tính thẩm mỹ cao theo đúng phương châm "tốt khoe, xấu che". Hơn thế, dù cực nhọc nhưng ông Ngọc không nề hà chuyện tiền nong. Ông cho rằng đó là những người cần được giúp đỡ và mình phải giúp đỡ họ. Đã có không ít người xem ông Ngọc như ân nhân, vì nhờ ông nên họ đã tự tin hơn trong việc hòa mình với cộng đồng và xã hội, đã tìm được việc làm ổn định, có cuộc sống hạnh phúc như những người bình thường khác.
Chẳng hạn như trường hợp anh Nam, do bị tai nạn giao thông nên một chân bị dị tật, biến dạng không co duỗi được và thấp hơn chân kia đến cả tấc, nhưng với đôi giày đặc biệt có 2 mũi giày, ông Ngọc đã giúp anh đi đứng được như người bình thường. Khi được hỏi về ông, anh Nam không giấu được xúc động: "Tôi đã gõ cửa rất nhiều công ty, tiệm giày nổi tiếng Sài Gòn nhưng tất cả đều từ chối, hoặc nhận đóng nhưng sản phẩm làm ra không thể mang vừa cho đôi chân tôi. Khi gần hết hi vọng, một người bạn giới thiệu tôi gặp ông, kết quả của cuộc gặp ấy tôi như người sắp chết đuối vớ được phao. Tôi đã có đôi giày mang như người bình thường, không chỉ giúp tôi tìm được việc làm dễ dàng, hòa nhập cộng đồng mà còn giúp đôi chân tôi khỏe hơn. Cả đời tôi mang ơn ông".
Là nghệ nhân chứ không là nhà kinh doanh
Không ít người bảo Trịnh Ngọc là người "có vấn đề" bởi ông đã từ chối không ít hợp đồng kinh tế lớn mời hợp tác đầu tư. Ông Ngọc kể, một công ty ở Đài Loan đến mời hợp tác mở hãng sản xuất giày, "Công ty này muốn bỏ ra 5 triệu USD mở xưởng giày tại VN đế xuất khẩu. Họ lo cả về vốn, đầu vào và cả đầu ra sản phẩm. Còn tôi lo đào tạo nghề cho công nhân được đãi ngộ với mức lương cao ngất, đồng thời được tặng thêm cổ phần hơn 80 nghìn USD trong công ty nhưng tôi đã từ chối".
Rồi sau đó, không ít đại gia, công ty trong và ngoài nước khác đến đặt vấn đề hợp tác kinh doanh. "Nếu gật đầu có thể giờ tôi đã giàu sụ nhưng như thế tôi mất cả niềm vui bởi không được tiếp xúc với khách hàng, không tận mắt thấy khách mỉm cười ưng ý khi thử giày nên không chịu nổi. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao mà cho dù có nhiều tiền cũng chưa chắc có được. Nên tôi có thể là một nghệ nhân đóng giày chứ không phải là nhà kinh doanh giày" - ông tâm sự.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kết quả của quá trình "học lóm"
Khó ai tin được khi những thành tích trên của nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc có được từ quá trình "học lóm". Khi ông Ngọc lên 13-14 tuổi, gia đình cần làm một nghề gì đó để mưu sinh trên đất khách nên đã cho ông theo học nghề may vali. Sau thời gian ngắn, gia đình lại chuyển qua làm giày do hai nghề này cũng "bà con" với nhau. Lúc đó phải thuê thợ đóng giày về nhà làm. Ông Ngọc khi ấy mới 15 tuổi đã để ý học lóm từ các bác thợ vào ban ngày, ban đêm tự thực hành lại và sáng tạo, cải tiến theo ý mình. Cứ thế, với lòng kiên trì và sự sáng tạo, khoảng 6 năm sau ông Ngọc đứng ra quản lý cơ sở với tay nghề tương đối vững chắc làm nhiều người ngỡ ngàng. Trong nghề giày, thường người thợ chỉ chuyên về một khâu trong quá trình đóng giày như khâu làm forme (khuôn), khâu làm mũi, khâu thiết kế kiểu dáng, đế gót… Tuy nhiên, Trịnh Ngọc đều am tường tất cả các công đoạn đó. Theo ông một người thợ đóng giày giỏi, làm đúng yêu cầu khách phải am hiểu cả từng công đoạn vì nó liên quan mật thiết với nhau để tạo nên thành phẩm cuối cùng.
Ông cũng luôn quan sát những đôi giày mới của các vị khách nước ngoài mang đến sửa hoặc đặt thêm những đôi giày mới để học hỏi, cải tiến tạo ra những đôi giày mới lạ. Nhưng nhận thấy cách làm như thế là mày mò, mất nhiều thời gian, nên ông theo học nghề giày của một trường học do Pháp đào tạo. Sau 4 năm, ông có một kiến thức vững chắc về làm giày như những đường nét, những thông số của chiếc forme; học giải phẫu về bàn chân để hiểu rõ cấu trúc của bàn chân, qua đó nắm vững những điểm nhạy cảm dễ gây đau đớn khi mang giày.
Qua bao thăng trầm của nghề, ông rút ra được kết luận: một người thợ đóng giày hoặc bất cứ một người thợ nào khác nếu muốn được xã hội công nhận tài năng của mình, nhất định phải đạt được 5 yếu tố: trái tim nóng (yêu nghề), khối óc (sáng tạo), đôi mắt (quan sát), đôi bàn tay vàng (khéo léo) và lòng kiên nhẫn thì sẽ thành công.
Những đôi giày của ông giờ đây không chỉ là những sản phẩm thông thường nữa, mà đối với ông đó là những "tác phẩm" nghệ thuật, được ông trân trọng, nâng niu, gìn giữ.
Cẩm Nhi (Theo Thanh nien)