Đừng sính mác “Việt kiều”, tội người ta.
Hơn chục năm trước, nhà nào có Việt kiều là oách lắm. Mỗi khi sắm cái tivi mới, chiếc honda mới hay thậm chí chỉ đồ đôi dép nhựa mới thì chòm xóm cũng xúm lại bàn luận: “Mèn đéc ơi, nhà có Ziệt kiều sướng thiệt heng! Có tiền sắm đồ suốt.” Một phần vì tiền đô la vốn có giá, một phần khác vì qua phim ảnh thấy cuộc sống bên Tây màu mỡ quá, sang trọng quá, cái gì cũng tốt cũng hay hơn bên mình. Đâm ra mác Việt kiều cũng là cái gì đó rất “kiêu hãnh”. Thiệt tình là bên Tây người Việt qua làm ăn kinh doanh thành đạt rất nhiều. Nhưng ở đâu cũng thế thôi, đồng tiền làm ra cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tiền đô la hay là tiền Việt Nam đồng thì để có được cũng đều phải khổ tứ lao tâm như nhau cả chứ không phải sung trên cây mà rụng độp độp chỉ đợi hứng là có. Mình sống trên xứ mình, nói tiếng mẹ đẻ, ăn hột cơm quê mình mà nhiều khi sinh nhai còn khó huống gì họ đi qua xứ người, ăn bơ sữa xứ người ta, phải học tiếng nói của người ta thì làm sao mà dễ dàng?
Nhiều Việt kiều ở bên đó cũng làm những ngành nghề phổ thông, lương có cao so với mức sống và mệnh giá tiền Việt nhưng với bên đó thì cũng chỉ đủ sống, đủ trả các hoá đơn, tiền nhà băng hàng tháng. Chuyện nhiều người phải làm cùng lúc nhiều việc mà người ta thường hay gọi là “đánh nhiều job” ở quê nhà chắc cũng không phải là không hay. Qua những cánh thơ tay, những lần quánh dây thép về hỏi thăm tía má phải ráng nói sao cho tía má không lo, nói bên này sống sung sướng lắm cho tía má an lòng.
Mỗi lần về thăm quê hương, gánh cái mác “Việt kiều” đến oằn cả đôi vai. Người dư dả thì không nói làm gì, người nào thiếu thốn một chút là bạc tóc sau một đêm. Quà cáp cho họ hàng từ xa đến gần, láng giềng từ làng trên đến xóm dưới không thiếu một ai. Cái áo cái quần cho con Thắm con Lựu, chai nước hoa cho má, cây thuốc lá cho ba, cả thùng kẹo socola Mỹ cho sắp nhỏ. Về thăm quê mà không vali lớn vali bé xách đùm xách đề thì không phải là Việt Kiều. Người này người kia nghe nhà ông Bảy, chú Tám có Việt kiều ở bển về chơi thì xúm xít lại nhà, người nào cũng trầm trồ: “Mèn ơi Việt kiều đúng là khác người, sáng láng và thơm mùi nước ngoài ghê bây ơi.”
Ít ai biết được mỗi chặng về quê như vậy qua lại xứ người, Việt kiều cũng phải cày thấy thương.
Bây giờ, thông tin đại chúng phát triển, cuộc sống của những người con xa xứ ở bên kia như thế nào ở quê nhà bắt đầu thấu hiểu dần dần. Nhưng mà tất nhiên là cũng còn không ít người vẫn mang tư tưởng xưa cũ, thấy Việt kiều về nước xài kỹ từng đồng thì biểu môi chê: “Việt kiều mà keo!” Không keo sao được, đồng tiền làm ra càng khó khăn thì sẽ càng phải tính toán chi li. Nhiều người nghe bạn bè, người thân về nước chơi là lân la hỏi thăm, vòi quà, xin tiền, gợi ý mua cái nọ cái kia. Không cho thì lại xí xó sau lưng là Việt kiều mà về nước không có quà, hay quà gì mà chỉ có mỗi thỏi socola chút xíu.
Ai xa quê cũng khát khao được trở về, được ăn canh chua cá kho, cà pháo mắm tôm, được hít hà mùi rơm mùi rạ hay thậm chí là cái mùi khói xe ở xứ mình, tiếng còi bin bin, xe máy chạy đầy đường đi xa sao mà nhớ. Họ trở về với cái tình, cái nhớ thì mình cũng hãy đáp lại với mong cái chờ, mong chờ tình thân, tình bạn, tình nghĩa chứ không phải trông chờ những chai nước hoa xách tay, những món quà Mỹ, quà Tây.
Đừng làm những chuyến hồi hương của những người con xa quê thêm nặng gánh ưu phiền, hãy để hành lý trở về của họ chỉ nặng mỗi nỗi nhớ và niềm thương.
Theo Tuệ Nghi
Hơn chục năm trước, nhà nào có Việt kiều là oách lắm. Mỗi khi sắm cái tivi mới, chiếc honda mới hay thậm chí chỉ đồ đôi dép nhựa mới thì chòm xóm cũng xúm lại bàn luận: “Mèn đéc ơi, nhà có Ziệt kiều sướng thiệt heng! Có tiền sắm đồ suốt.” Một phần vì tiền đô la vốn có giá, một phần khác vì qua phim ảnh thấy cuộc sống bên Tây màu mỡ quá, sang trọng quá, cái gì cũng tốt cũng hay hơn bên mình. Đâm ra mác Việt kiều cũng là cái gì đó rất “kiêu hãnh”. Thiệt tình là bên Tây người Việt qua làm ăn kinh doanh thành đạt rất nhiều. Nhưng ở đâu cũng thế thôi, đồng tiền làm ra cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tiền đô la hay là tiền Việt Nam đồng thì để có được cũng đều phải khổ tứ lao tâm như nhau cả chứ không phải sung trên cây mà rụng độp độp chỉ đợi hứng là có. Mình sống trên xứ mình, nói tiếng mẹ đẻ, ăn hột cơm quê mình mà nhiều khi sinh nhai còn khó huống gì họ đi qua xứ người, ăn bơ sữa xứ người ta, phải học tiếng nói của người ta thì làm sao mà dễ dàng?
Nhiều Việt kiều ở bên đó cũng làm những ngành nghề phổ thông, lương có cao so với mức sống và mệnh giá tiền Việt nhưng với bên đó thì cũng chỉ đủ sống, đủ trả các hoá đơn, tiền nhà băng hàng tháng. Chuyện nhiều người phải làm cùng lúc nhiều việc mà người ta thường hay gọi là “đánh nhiều job” ở quê nhà chắc cũng không phải là không hay. Qua những cánh thơ tay, những lần quánh dây thép về hỏi thăm tía má phải ráng nói sao cho tía má không lo, nói bên này sống sung sướng lắm cho tía má an lòng.
Mỗi lần về thăm quê hương, gánh cái mác “Việt kiều” đến oằn cả đôi vai. Người dư dả thì không nói làm gì, người nào thiếu thốn một chút là bạc tóc sau một đêm. Quà cáp cho họ hàng từ xa đến gần, láng giềng từ làng trên đến xóm dưới không thiếu một ai. Cái áo cái quần cho con Thắm con Lựu, chai nước hoa cho má, cây thuốc lá cho ba, cả thùng kẹo socola Mỹ cho sắp nhỏ. Về thăm quê mà không vali lớn vali bé xách đùm xách đề thì không phải là Việt Kiều. Người này người kia nghe nhà ông Bảy, chú Tám có Việt kiều ở bển về chơi thì xúm xít lại nhà, người nào cũng trầm trồ: “Mèn ơi Việt kiều đúng là khác người, sáng láng và thơm mùi nước ngoài ghê bây ơi.”
Ít ai biết được mỗi chặng về quê như vậy qua lại xứ người, Việt kiều cũng phải cày thấy thương.
Bây giờ, thông tin đại chúng phát triển, cuộc sống của những người con xa xứ ở bên kia như thế nào ở quê nhà bắt đầu thấu hiểu dần dần. Nhưng mà tất nhiên là cũng còn không ít người vẫn mang tư tưởng xưa cũ, thấy Việt kiều về nước xài kỹ từng đồng thì biểu môi chê: “Việt kiều mà keo!” Không keo sao được, đồng tiền làm ra càng khó khăn thì sẽ càng phải tính toán chi li. Nhiều người nghe bạn bè, người thân về nước chơi là lân la hỏi thăm, vòi quà, xin tiền, gợi ý mua cái nọ cái kia. Không cho thì lại xí xó sau lưng là Việt kiều mà về nước không có quà, hay quà gì mà chỉ có mỗi thỏi socola chút xíu.
Ai xa quê cũng khát khao được trở về, được ăn canh chua cá kho, cà pháo mắm tôm, được hít hà mùi rơm mùi rạ hay thậm chí là cái mùi khói xe ở xứ mình, tiếng còi bin bin, xe máy chạy đầy đường đi xa sao mà nhớ. Họ trở về với cái tình, cái nhớ thì mình cũng hãy đáp lại với mong cái chờ, mong chờ tình thân, tình bạn, tình nghĩa chứ không phải trông chờ những chai nước hoa xách tay, những món quà Mỹ, quà Tây.
Đừng làm những chuyến hồi hương của những người con xa quê thêm nặng gánh ưu phiền, hãy để hành lý trở về của họ chỉ nặng mỗi nỗi nhớ và niềm thương.
Theo Tuệ Nghi