Nghệ thuật - blog 2010-05-27 02:28:04

Người vợ thầm lặng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch


Qua những lần kể chuyện, bà Marie Louise bị cuốn hút vào con người và quê hương BS.Phạm Ngọc Thạch.


[justify]Qua những lần trò chuyện, nghe BS Phạm Ngọc Thạch kể về quê hương, Marie Louise vừa ngỡ ngàng, vừa bắt đầu hiểu ra còn có những vấn đề rất nặng nề, phức tạp giữa những người nắm quyền ở nước Pháp và thuộc địa. Lòng nhiệt thành, tài năng và sự tận tụy của BS Thạch đã thuyết phục cô. Tự bao giờ, trái tim cô đã dành cho người đàn ông Việt Nam hiếm hoi hành nghề bác sĩ trên nước Pháp…


Bà Marie Louise - Phu nhân bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thời trẻ (ảnh do GĐ cung cấp).

Một ngày đầu tháng 12/2008, Bác sĩ, Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế gọi điện cho tôi, báo tin: “Tháng 5/2009 là 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch. Alain Phạm Ngọc Định từ Pháp mới vừa về nước. Lần này, Định ở lại Việt Nam khá lâu, bàn kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch…”.

Ngừng một lúc, bà nói thêm: “Định muốn kể về mẹ, bà Marie Louise - vợ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch…”. Sau đó, bà Đoàn Thúy Ba nhiệt tình trao cho tôi số liên lạc của anh Định.

Ngôi nhà gắn liền với lịch sử


Sống giữa Sài Gòn, nhiều lần đi qua lại con đường trung tâm, vậy mà mãi đến giờ tôi mới biết đến tòa nhà mang đậm tính lịch sử, gắn liền với tên tuổi BS Phạm Ngọc Thạch. Sau khi du học từ Pháp trở về Việt Nam, BS Phạm Ngọc Thạch thuê căn biệt thự này làm phòng mạch 202 đường Stratégique (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Tại đây, ông đã khám và chữa căn bệnh hiểm nghèo cho I-đa; tên trùm mật vụ Nhật Bản.

Năm xưa, cũng chính nơi này, ông đã khám, chữa bệnh, nuôi giấu, che chở cho những cán bộ lãnh đạo cao cấp của cách mạng. Và cũng chính tại đây, BS Phạm Ngọc Thạch đã trải qua bao đêm trắng suy nghĩ về thế cuộc. Ông bị giằng xé bởi những câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, liệu nước Đức Hitler có đánh bại Liên Xô? Một ách Pháp ta bẻ không gãy, giờ hai ách Pháp - Nhật chồng lên cổ, ta còn hy vọng gì?!

Chính tại căn biệt thự này, ông đã đi đến một quyết định quan trọng. Sau khi đảo chính Pháp, Nhật muốn thiết lập và củng cố bộ máy cai trị bằng cách nắm lấy lực lượng thanh niên. Nhật cử I-đa đến gặp BS Thạch, ngỏ lời mời ông đứng ra thành lập tổ chức thanh niên. Ông đã cho liên lạc với Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu báo cáo tình hình I-đa đề nghị ông đứng ra làm thủ lĩnh thanh niên Sài Gòn.

Nhận định đây là một cơ hội tốt, cần lợi dụng thế hợp pháp của Nhật để xây dựng lực lượng, ông Trần Văn Giàu khuyên ông nhận lời. Chỉ trong vòng hai tuần, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng kỹ sư Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung và Huỳnh Văn Tiểng đã phân công chạy cùng khắp các tỉnh Nam Bộ, tổ chức xong hệ thống Thanh niên Tiền Phong có các “thủ lĩnh” ở mỗi cấp và tập hợp thanh niên biểu dương lực lượng, luyện tập quân sự, mít tinh tuyên thệ, biểu tình, tổ chức biểu diễn ở tỉnh (Long Xuyên, Cần Thơ) rồi ở Sài Gòn…


Bà Marie Louise cùng hai con Colette Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định
trước ngôi nhà 202 đường Stratégique -
Nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai (ảnh do GĐ cung cấp)


Đêm 24 rạng ngày 25/8/1945, Việt Minh nhanh chóng giành được chính quyền, Ủy ban Hành chính lâm thời được thành lập, cử BS Phạm Ngọc Thạch làm Ủy viên phụ trách ngoại giao. Và khi thực dân Pháp núp bóng quân Đồng minh quay trở lại chiếm lại tòa nhà Phủ toàn quyền, Trần Văn Giàu viết lời hiệu triệu đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống lại quân Pháp, BS Phạm Ngọc Thạch từ biệt phòng mạch từng gắn bó với ông suốt nhiều năm vào chiến khu. Từ đó, ông dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.

Ông được Đảng và Chính phủ giao thêm nhiều trọng trách, trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế khi ra miền Bắc… Rồi ông lại đi ngược vào phương Nam, bị thôi thúc mãnh liệt được “sống” trực tiếp tại chiến trường nóng bỏng…

Ngày 8/11/1968, BS Phạm Ngọc Thạch trút hơi thở cuối cùng bởi chứng bệnh sốt rét ác tính nghiệt ngã. Ông được đồng đội đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại cánh rừng bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, dưới cơn mưa lâm râm… Bên cạnh ông lúc cuối đời chỉ có đồng chí, đồng đội. Ông hy sinh không có một người thân bên cạnh. Vợ và hai con của ông ở xa tít phía trời Tây…

Mối tình không biên giới

Anh Alain Phạm Ngọc Định - con trai út của BS Phạm Ngọc Thạch không ngăn được những dòng nước mắt khi nói về cha mình: “Cha tôi là một người anh hùng. Đó là một sự thật. Chúng tôi tự hào về người cha anh hùng của mình. Nhưng chúng tôi là những đứa con thiệt thòi, chịu nhiều mất mát. Đó cũng là một thực tế. Song hành trong niềm tự hào về người cha anh hùng là nỗi buồn sâu thẳm khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ không hề có cha bên cạnh…”.

Tôi không ngờ người đàn ông ở tuổi gần 70, từng là một giáo sư toán học của một trường đại học danh tiếng ở Pháp lại đa cảm như thế khi nhắc về cha mẹ. Cùng với những giọt nước mắt, ký ức về cha mẹ tuôn trào trong anh…

Những giọt nước mắt của Alain Phạm Ngọc Định giúp tôi hiểu được cội nguồn sâu thẳm của dòng họ Phạm Ngọc. Dù sống ở Pháp nhưng vị giáo sư toán học Trường Orleaus vẫn đau đáu tìm về cội nguồn. Để giải mã những bí ẩn về cuộc đời của một người con mẹ Pháp lai Việt, anh đã gõ nhiều cánh cửa, đã “xâm phạm” cả những bí mật riêng tư của mẹ, thậm chí đã từng chất vấn mẹ, đã thốt lên những câu mang tính “phản biện” để mẹ anh mở lòng… Nhờ vậy, nhiều câu hỏi anh thắc mắc, đeo mang được sáng tỏ…


Bs Phạm Ngọc Thạch lúc sang Pháp du học (ảnh do GĐ cung cấp)

Anh kể về cơ duyên mối hôn nhân giữa một bác sĩ Việt Nam và một người phụ nữ Pháp. Tôi thực sự bất ngờ khi anh lý giải cơ duyên ấy có một nguồn gốc xa xưa, sâu thẳm. Nhờ những giọt nước mắt đa cảm của anh mà tôi được biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mồ côi mẹ khi mới lên 2. Rồi không bao lâu cha ông qua đời.

Bà Phạm Thị Ngọc Diệp - chị gái của Phạm Ngọc Thạch may mắn lấy được người chồng giàu có, vốn là một dược sĩ thời Pháp thuộc. Nhờ vậy, bà Diệp có điều kiện nuôi nấng, giúp đỡ em trai học lên bác sĩ.

Sau thời gian học Đại học Y khoa ở Hà Nội, Phạm Ngọc Thạch quyết sang Pháp du học, chuyên sâu về bệnh lao phổi. Sau 2 năm miệt mài học tập, ông được thăng chức làm giám đốc bệnh viện lao vùng núi phía đông nước Pháp, vừa là bác sĩ chuyên khoa tại Viện Điều dưỡng Haute Ville.

Tại Bệnh viện Lao, ông gặp gỡ Marie Louise, một cô gái Pháp xinh đẹp, tận tụy, gương mẫu trong vai trò một nữ y tá. Qua những lần trò chuyện, nghe BS Phạm Ngọc Thạch kể về quê hương, cô vừa ngỡ ngàng, vừa bắt đầu hiểu ra còn có những vấn đề rất nặng nề, phức tạp giữa những người nắm quyền ở nước Pháp và thuộc địa.

Lòng nhiệt thành, tài năng và sự tận tụy của BS Thạch đã thuyết phục cô. Tự bao giờ, trái tim cô đã dành cho người đàn ông Việt Nam hiếm hoi hành nghề bác sĩ trên nước Pháp. Đem lòng yêu BS Thạch, cô cũng bắt đầu tìm hiểu và dành cho đất nước Việt Nam một tình cảm đặc biệt.

Đầu năm 1936, BS Phạm Ngọc Thạch quyết định trở về Việt Nam. Đọc được trong mắt Marie Louise một nỗi buồn sâu thẳm, ông thẳng thắn nói với cô: “Chúng mình có thể tạo nên một cuộc sống bên nhau. Nhưng trước khi em quyết định, em phải biết là cuộc đời tôi ưu tiên cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc tôi. Nếu em chấp nhận tôi ở ý nghĩa này thì em có thể gặp lại tôi ở Sài Gòn, sau vài tháng”.

Trong đáy lòng, ông không nghĩ Marie Louise đi đến quyết định rời Pháp đến Việt Nam. Thật ra, với Marie Louise, một cô gái được sinh ra trong một gia đình truyền thống ở Pháp, đó không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng trái tim cô luôn bị thôi thúc được gặp lại ông, dù phía trước với cô là một đất nước xa xôi, bất ổn với các khuynh hướng chính trị.


Tiến sĩ toán học Alain Phạm Ngọc Định và vợ
bên chiếc xe đạp quen thuộc khi về Việt Nam, năm 2008


Anh Định nói: “Khi xách vali xuống tàu là mẹ tôi đã can đảm “bước một bước lớn” hơn 10.000 cây số từ Pháp đến Việt Nam. Vì vậy, khi nhận được điện của mẹ tôi báo tin sẽ đến Việt Nam, cha tôi cũng không tin đó là sự thật. Ông vừa ngỡ ngàng, vừa thấy tràn ngập hạnh phúc đón mẹ tôi. Papa tôi vô cùng xúc động khi nhận ra mẹ tôi chỉ mua vé lượt đi mà không có khứ hồi. Phải có một tình yêu mãnh liệt, bà mới dám “phiêu lưu” như vậy. Lúc đó, bà chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là tin vào sự thôi thúc của trái tim mình.

Papa tôi đưa bà đến Tòa Thị chính làm giấy hôn thú. Mẹ tôi thoáng buồn vì không thuyết phục được ông làm đám cưới ở nhà thờ theo lễ nghi đạo Công giáo. Bù lại, ông dành cho mẹ tôi một tình yêu sôi nổi, chân thành.

Thời gian đầu cha mẹ tôi thuê một căn biệt thự ở đường Sương Nguyệt Ánh. Sau đó ông thuê biệt thự số 202 đường Stratégique (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) mở rộng phòng mạch. Tôi đã từng có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với tòa nhà này…”.

Tại ngôi biệt thự này, từ năm 1936 cho đến trước khi cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra ở Sài Gòn, Marie Louise đã trải qua những năm tháng tràn ngập hạnh phúc. BS Thạch nhanh chóng giàu có nhờ chuyên sâu nghiên cứu bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y đang hoành hành ở Việt Nam những năm trước 1930.

Nhờ những mối quan hệ rộng, ông cũng biết đầu tư sinh lời. Ông dành tiền mua hàng ngàn mẫu đất ở miền Tây, mua nhiều biệt thự ở Đà Lạt, liên tục đổi xe hơi. Vào ngày nghỉ, ông tự tay lái xe đưa vợ con đi Đà Lạt, Vũng Tàu “đổi gió”. Chính tại ngôi nhà này, bà đã biết được mối quan hệ của chồng với những người bạn thân thiết của ông như luật sư Thái Văn Lung, kỹ sư Kha Vạn Cân, BS Nguyễn Văn Thủ…

Bà biết được mối quan hệ của ông với những người làm “quốc sự” lật đổ chính quyền thực dân. Bà biết được cả mối quan hệ phức tạp giữa BS Thạch và tên trùm mật vụ I-đa với “người giấu mặt” là những cán bộ cao cấp của Cộng sản. Bà biết tất cả nhưng lặng lẽ quan sát, lặng lẽ ủng hộ chồng.
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)