Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Trong buổi họp báo hưởng ứng Ngày Dân số thế giới mới đây, ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2012, nước ta đang phải đối mặt với tỷ số sinh tăng vọt trong năm Rồng, rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh trong năm nay”. Theo đó, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, tổng số trẻ em sinh ra là 516.169 trẻ, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số trẻ sinh ra tăng đồng đều và phân bố hầu hết các địa phương, vùng miền. Chỉ có ba tỉnh là Đồng Tháp, Gia Lai và Tây Ninh có số trẻ sinh ra giảm so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, trong ba năm gần đây, các chỉ tiêu về dân số của Việt Nam đều đạt và vượt, có thể kiểm soát được mức sinh. Thế nhưng, những mong đợi đó đã không thể thực hiện được trong năm 2012. Đáng báo động hơn nữa, số trẻ sinh là con thứ ba tăng đột biến trong năm nay. Song hành với gia tăng dân số, sự chênh lệch nghiêm trọng tỷ lệ giới tính của trẻ khi sinh là vấn đề không mới nhưng rất khó giải quyết. Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 274.171 bé trai/241.998 bé gái, tương đương với tỷ lệ 113/100 (bé trai/bé gái). Đây là con số đáng lo ngại về mặt gánh nặng xã hội trong cả y tế lẫn kinh tế, cũng như sự mất cân bằng giới tính trần trọng gây nhiều hậu quả khó lường lâu dài.
Nếu như khu vực Đồng bằng Sông Hồng, tỷ số giới tính khi sinh là 115,4 thì ở Tây Nguyên tỷ lệ này chỉ là 105,6. Cũng theo thống kê, 45 tỉnh trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức bình thường là 104-106/100. Đặc biệt, những tỉnh thành có tỷ số cao báo động là Bắc Ninh 125/100, Vĩnh Phúc 116/100. Ngoài ra, một số tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh… cũng nằm trong “top” dẫn đầu về tình trạng lệch chuẩn cán cân giới tính. Ở nước ta, mỗi năm tỷ số này lại gia tăng thêm. Năm 2012 (âm lịch là năm Nhâm Thìn) được xem là năm đẹp nên con số này lại có cơ hội tăng đột biến.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội) cảnh báo: Nếu Việt Nam cứ tiếp tục duy trì tỷ lệ chênh lệch giới tính như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ nam thanh niên được sinh sau năm 2005. Sau 20 năm nữa, khi nhóm thanh niên này bước vào độ tuổi lập gia đình thì số người này sẽ dư thừa so với nhóm phụ nữ cùng lứa tuổi. Đến năm 2025, mức dư thừa nam giới trưởng thành có thể nhiều hơn số phụ nữ tối thiểu là 10% và thậm chí còn cao hơn. Theo đó, TS.Khuất Thu Hồng dự báo, sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam không thể lấy vợ sau 20 năm nữa. Nếu không có những giải pháp hiệu quả, thực trạng mất cân bằng giới tính sẽ còn ngày càng nghiêm trọng hơn.
Năm Nhâm Thìn 2012 được nhiều cặp vợ chồng chọn để sinh con "rồng vàng" |
Theo nhiều chuyên gia nguyên cứu văn hóa Việt Nam, quan niệm “Trai Nhâm, gái Quý”, hoặc các năm có hàng can là Dần, Mão, Thìn được xem là năm tốt là nguyên nhân chính để năm 2012 là năm Nhâm Thìn được các cặp vợ chồng chọn để sinh con. Thế nên, mới có chuyện, nhiều gia đình đã có hai con nhưng vẫn “vỡ kế hoạch” vì cần tìm một quý tử như ý. Ở thời buổi khoa học kỹ thuật, trang thiết bị y tế hiện đại và chuẩn xác, việc cha mẹ lựa chọn giới tính con cái không còn là may rủi. Nhiều gia đình chỉ đợi đủ tuần để đi siêu âm để biết giới tính của con hay tính ngày tháng, cách thức để sinh con trai.
Việc chủ động chọn giới tính cho con đa phần rơi vào nhóm có trình độ dân trí cao, hiểu biết rộng, thường là khu vực thành thị, có nền kinh tế phát triển. Đa phần, người dân chọn sinh con trai đầu lòng cho chắc, sau đó mới tính chuyện có nếp có tẻ; số ít, sẵn có điều kiện kinh tế nên không ngại sinh nhiều con và khi chọn được năm đẹp thì mới sinh một bé trai thừa tự. Ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, việc lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi mang lợi ích cá nhân nhưng chính điều này lại gây tác động tiêu cực đến xã hội với nhiều hậu quả khó lường.
Ông Dương Quốc Trong phân tích thêm: Nhà nước ta đã có nhiều đường lối đúng đắn để thực hiện chế độ bình đẳng giới tính nhưng không thể phủ nhận lối suy nghĩ cổ hủ phong kiến đã ăn sâu vào tư tưởng người Việt nên khó lòng thay đổi trong một sớm một chiều. Tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên đã thành nếp nghĩ của hàng triệu người dân. Đây là nguyên nhân căn bản và khó giải quyết thấu đáo nhất mà chúng ta đang gặp phải. Thay đổi một nếp nghĩ, một quan niệm của cả một nhóm người rộng lớn thì không chỉ một hai cán bộ xã hội, y tế tuyên truyền mà cần cả một cộng đồng chung tay và góp tiếng nói. Làm thế nào để người dân hiểu hành vi lựa chọn giới tính là sai trái và mang lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội phụ thuộc rất nhiều công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin với công chúng. Đây là biện pháp duy nhất nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.
Bà Huỳnh Mỹ, Cục Kế hoạch hóa gia đình tại TP.HCM, cho biết việc chạy đua sinh con tuổi Rồng gây áp lực lớn cho xã hội. Ngành y tế là nơi chịu sức ép nặng nề nhất. Nhiều sản phụ thường xuyên đến khám và đến sinh, số trẻ sơ sinh chào đời cần chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, thuốc men… ngày một gia tăng, trong khi đầu tư cho cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ thì có giới hạn. Từ đây, việc cố gắng nâng cao chất lượng dân số chắc chắn gặp phải nhiều thách thức mới.
Chỉ mới 5 tháng đầu năm mà số trẻ sinh ra đã hơn nửa triệu, ở thời điểm cuối năm, khi thật sự “vào mùa sinh sản”, số lượng “Rồng con” ra đời còn đáng báo động hơn nữa. Có lẽ lúc đó, tất cả các giải pháp không còn tác dụng khi không được áp dụng ngay từ đầu, đến lúc các sản phụ đến bệnh viện để sinh con thì đã quá muộn màng. Thực tế, nhiều năm trước, tình trạng sinh con theo “năm vàng” không xa lạ với người dân và các cơ quan chức năng, ngành dân số cũng không hẳn là không dự đoán được. Thế nhưng, tình trạng vỡ kế hoạch, không đạt chỉ tiêu ban đầu vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ngán ngẩm cho biết: “Công tác tuyên truyền vận động dường như còn rất thụ động, các cán bộ tuyên truyền vẫn chờ người dân tự tìm đến, chưa thật sự sâu sát và nắm vững cơ cấu dân số địa bàn quản lý, cũng như những giải pháp cụ thể cho từng địa phương có đặc thù riêng.
Trên thế giới, hai quốc gia điển hình về sự chênh lệch giới tính của trẻ là Trung Quốc (120,5 nam/100 nữ năm 2004) và Ấn Độ (109 nam/100 nữ năm 2006). Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực việc gia tăng dân số và mất cân bằng giới tính bất thường và đột biến. Thực tế chứng minh, đàn ông Trung Quốc đã phải ra nước ngoài để tìm vợ vì khó lấy được vợ trong nước. Xu hướng này có thể sẽ hiện hữu ở Việt Nam sau khoảng 20 năm nữa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có sự khác biệt khá mới mẻ và khó ngờ trong bài toán bù trừ sự mất cân bằng giới tính của trẻ. Theo đó, sự mất cân bằng nghiêm trọng thường rơi vào khu vực thành thị, nơi có tiềm lực kinh tế vững mạnh và có nền dân trí cao, khác hoàn toàn lối suy luận, “trọng nam khinh nữ” chỉ có ở vùng miền có nền dân trí thấp.