Tin tức - pháp luật 2011-10-03 11:21:12

Nguyễn Đức Nghĩa làm thơ chém nó đi bà con


Gần 8 tháng sau khi nhận mức án tử hình, chúng tôi gặp Nguyễn Đức Nghĩa trong trại giam một ngày cuối tháng 9, nghe Nghĩa tâm sự thì mọi người mới ngã ngửa người biết “sát thủ máu lạnh” này trong quãng thời gian chờ chết đã bất ngờ trở thành thi sĩ. Không những thế, theo lời tự sự, Nghĩa còn là “thi sĩ có hạng”.

Hối hận bằng thơ

Nguyễn Đức Nghĩa

Cánh cửa nhà giam mở ra, Nguyễn Đức Nghĩa – sát thủ có bộ mặt của một gã thư sinh đã từng dấy lên bao hồi phẫn nộ khi tàn nhẫn cướp đi mạng sống của người mình yêu líu ríu bước đến ngồi trước mặt tôi. Đôi mắt quầng đỏ, bàn tay cứ đan vào nhau…

Suốt buổi trò chuyện ngày hôm đó, đã bao lần Nghĩa khóc khi nhắc đến những người thân của mình, khi đọc cho chúng tôi những vần thơ mà hắn viết ra bằng móng tay mình trên những mẩu giấy nhỏ xin được từ cán bộ trại giam…

Trước khi gặp Nghĩa, chúng tôi không thể hình dung được một sát thủ máu lạnh như hắn, một người có thể dửng dưng chấm dứt sự sống của người mình yêu bằng những mũi dao oan nghiệt lại có một thú tiêu khiển đầy thi vị như thế trong trại giam: Làm thơ. Mà theo như những gì Nghĩa kể thì chẳng phải khi tấm thân đã bị giam cầm sau song sắt, khi sự dằn vặt về tội ác của mình cứ mỗi đêm lại tìm về… thì tài năng thơ ca trong y mới tự dưng bột phát mà từ khi còn là một cậu học sinh với khuôn mặt thư sinh, được điểm xuyết thêm chiếc kính cận đầy vẻ học thức thì Nghĩa đã là một “thi sĩ” có hạng trong trường.

Nghĩa cũng không ngần ngại tiết lộ “chính tài năng thơ ca đó đã nhiều lần được tôi sử dụng như một thứ vũ khí đầy hữu hiệu bên cạnh vẻ ngoài của mình để chinh phục các cô gái mà tôi để ý”.

Nghĩa tâm sự, nhưng rồi khi vào Đại học, phải đối mặt với cuộc sống xa nhà đầy những toan tính, vụ lợi khác, cái năng khiếu thi sĩ “trời cho” ấy tự dưng lặn sâu vào trong tâm hồn. Nghĩa không nhớ bài thơ cuối cùng mình đã làm có nội dung gì nữa. Nghĩa phân bua: “Để rồi đến khi trong thời gian đếm ngược sự sống này, thơ ca như một điểm tựa mới mà tôi có thể bấu víu vào để cân bằng cho những gì mình phải đối mặt”.

Rồi như bao nhà thơ đích thực khác, luôn muốn được chia sẻ “đứa con tinh thần” của mình cho mọi người, Nghĩa bắt đầu đọc những bài thơ mà theo y là “tôi tâm đắc nhất”. Bài thơ mà như Nghĩa tự nhận là “chất chứa bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu dằn vặt”.

Trong bài thơ, nghĩ đến mùa đông sắp sửa đến, Nghĩa chột dạ: “Mùa đông sắp đến rồi/Mùa đông này anh sẽ phải ra đi… Nắng tắt, lá rơi và anh cũng chết rồi”. Tiên lượng được số phận của mình nhưng tự thân Nghĩa đã dọn đường cho tâm lý đón nhận cái chết như một hình phạt mà như có lần y đã nói “không gì có thể thay thế được”, bởi thế nên Nghĩa lại tự nhìn lại mình, một cái nhìn đầy oán hận bản thân: “Anh chỉ là một kẻ lang thang, hư hỏng/Lang thang trên cuộc đời chưa tròn 30 năm”. Tiếng thơ phát ra từ miệng Nghĩa đứt quãng, chầm chậm… kèm theo đó là những giọt nước mắt lặng lẽ đọng lại sau cặp kính.

Bản án lương tâm

Ngoài việc làm thơ, thú tiêu khiển tiếp theo mà Nghĩa rất thích đó là đọc báo. Những tờ báo, cuốn sách hiếm hoi được cán bộ trại giam đưa vào được Nghĩa coi như “báu vật”. Quả thật, chỉ khi được tận hưởng một sự thừa mứa về thời gian, dù đó là thời gian tù ngục đi chăng nữa thì lúc đó Nghĩa mới đọc kỹ, đọc sâu và nghĩ ngợi hơn những gì mình đọc được từ những dòng chữ hiện lên. Qua đó, Nghĩa biết được dư luận đang căm phẫn như thế nào về hành động của y. Chính bản thân Nghĩa nhiều khi nghĩ lại vẫn rùng mình khi tự phán xét những tội lỗi mình đã gây ra. “Ở đây, tôi suy nghĩ nhiều lắm, nên tối nào cũng sau 12h đêm mới ngủ”. Nghĩa nói, đôi tay để hờ lên cặp kính đã bắt đầu mờ đi vì nước mắt.

Hỏi Nghĩa, trong trại giam ăn nghỉ thế nào, Nghĩa bảo, cán bộ trại giam cũng đối đãi với Nghĩa tốt lắm. Nghĩa cũng ăn được, chỉ có giấc ngủ là chập chờn vì mỗi lần nhắm mắt, những ám ảnh tội lỗi cứ lần mò về vảng vất bên hắn. Nhưng dù được ăn ngon đến bao nhiêu đi nữa thì nỗi khao khát được ăn một bữa cơm mẹ nấu như ngày xưa và được ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình với Nghĩa giờ quả thật là một giấc mơ xa xỉ, “còn xa xỉ hơn cả việc được ân lượng cho một lần được sống”. Bởi đơn giản, bố Nghĩa giờ không còn nữa, ông đã chết vì tai nạn giao thông trong một lần trên đường từ nhà đến thăm con trong trại giam. Cúi đầu xuống bàn, Nghĩa ân hận: “Tôi đã gián tiếp gây nên cái chết của bố tôi. Đó không chỉ là mất mát đối với gia đình mà còn là bản án lương tâm dành cho tôi. Tôi là đứa con tội lỗi đã phá tan tất cả, cả sự thanh thản tuổi già của cha mẹ”.

Điều an ủi và mong chờ duy nhất của Nghĩa bây giờ có lẽ là ngày thứ 6 mỗi tháng khi bà Chuân (mẹ Nghĩa) được phép lên thăm con. Lần nào cũng thế, bà đều nói những câu giống nhau, những câu mà bà lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần với đứa con tội đồ của mình.

Nghĩa nhớ như in những lời mẹ dặn: “Dù còn sống một ngày hay một phút cũng phải sống cho tử tế, phải giữ gìn sức khỏe, không suy nghĩ tiêu cực và biết hy vọng”. Hơn ai hết, Nghĩa hiểu được rằng hy vọng đó ngày càng mỏng đi, tựa như chút ánh nắng hiếm hoi lọt qua khe cửa nhà giam mỗi sáng sớm nhưng Nghĩa vẫn gật gù, vẫn hứa với mẹ sẽ sống tốt và hy vọng. Đó có lẽ là điều duy nhất mà Nghĩa có thể làm để tỏ lòng hiếu nghĩa với đấng sinh thành còn lại trên cõi nhân gian.

Nước mắt kẻ tội lỗi

Để ra một khoảng lặng sau khi nói về mẹ, Nghĩa lại kể về tuổi thơ của mình, tuổi thơ được sống trong sự yêu thương và dạy bảo nghiêm cẩn của cha mẹ, tuổi thơ đã vun đắp cho hắn một tương lai có phần sáng láng khi bước chân vào giảng đường ĐH Ngoại thương, một ngôi trường danh tiếng của cả nước.

Bố Nghĩa cũng là một người nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái, chính mẹ Nghĩa cũng xác thực điều này với chúng tôi. Ông căn cơ từng thời gian chơi và học tập của con cái, những hôm Nghĩa về muộn ông vẫn để cửa chờ con về rồi mới đi ngủ. Nghĩa đã lớn lên như thế, trong tình yêu thương, sự dạy dỗ và một môi trường tốt để lớn lên và làm người tử tế.

Nhưng chính trong những giờ phút cuồng dại nhất đời mình, Nghĩa đã dập bỏ tất cả tuổi thơ của mình và những hào quang trong suốt thời gian trước đó. Bởi bây giờ, nhắc đến cái tên Nguyễn Đức Nghĩa, người ta sẽ nhớ ngay đến một tên sát thủ máu lạnh mà thôi.

Nhìn ra bên ngoài khung cửa, dường như đã nhận thấy những bước chuyển của thời gian, Nghĩa hỏi: “Qua Trung thu rồi chị nhỉ?”. Đợi cái gật đầu xác nhận của chúng tôi, Nghĩa nói tiếp: “Em yêu trẻ con lắm, khi còn ở nhà em vẫn thường chơi trốn tìm, chơi ú òa với cháu em. Ngày em bị bắt, cháu cũng mới được 9 tháng tuổi”. Nói đến đây, Nghĩa chợt dừng lại, dường như cái nỗi đau xót và tủi hận bản thân lại trào lên và nghẹn đắng trong y.

Kể từ khi bị bắt, Nghĩa không còn được gặp cháu nữa, Nghĩa chỉ hình dung về đứa cháu gọi mình bằng cậu qua những lời chị kể, thế mà Nghĩa khoe với chúng tôi như đã được tự tay bế cháu vào lòng, được chơi với cháu: “Cháu bây giờ biết nói rồi, bi bô cả ngày, rồi còn tập hát, tập múa cho mẹ xem nữa. Mỗi khi học được bài múa mới lại hứng chí lộn vòng vòng rồi ngã quay ra”.

Nói xong, nước mắt Nghĩa lại ứa ra trên đôi mắt đỏ ngầu. Đây là lần thứ 3 trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với chúng tôi, Nghĩa khóc. Chúng tôi nghiệm lại mỗi khi nhắc đến người thân và hoài nhớ những gì trong trẻo, tươi đẹp của cuộc sống trước kia, Nghĩa đều khóc. Nước mắt của một chàng trai, dù là kẻ sát nhân máu lạnh đến chừng nào đi nữa cũng khiến cho khách tiếp chuyện cám cảnh.

Nỗi lòng người mẹ

“Con dại cái mang” trong dân gian vẫn thường có câu tục ngữ như thế để nói về trách nhiệm của những đấng sinh thành trong những việc làm sai trái của con cái mình. Lại cũng có câu “Dưỡng bất giáo phụ chi quả”, có nghĩa là: nuôi dưỡng mà không giáo dục thành người hữu dụng thì đó là lỗi của cha mẹ.

Bà Chuân và cả người cha xấu số đoản mệnh của Nghĩa ắt hẳn hiểu được những ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong những câu nói xưa. Bởi thế nên, khi biết được sự thật kinh hoàng mà con cái mình đã gây ra, bố mẹ Nghĩa đã tự khắc nhận về mình một phần tội lỗi và tìm đủ mọi cách bù đắp cho những đớn đau mà gia đình người bị nạn gặp phải.

Sau cuộc gặp gỡ với Nghĩa, chúng tôi gọi điện cho bà Chuân. Người mẹ của sát thủ dường như không còn đủ sức gượng dậy sau những nỗi đau liên hồi giáng xuống tổ ấm nhỏ của bà. Con trai trở thành tử tù, chồng đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông… từng ấy là quá đủ cho một sự chịu đựng của một người phụ nữ.

Bà Chuân tâm sự, khi nghe tin chồng chết, bà đã từng có ý định đi theo chồng… Nhưng rồi khi nghĩ đến con mình, trái tim người mẹ lại níu kéo bà lại với cõi nhân gian đầy đau khổ. Người đời không ai quá cay nghiệt với bà, nhưng bà sợ mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, sợ ánh mắt của những người xung quanh nhìn về phía mình, sợ những lời bàn tán, những cái chỉ tay dù rằng đó là những lời thương cảm đi chăng nữa.

Ngôi nhà của bà ở quận Kiến An (Hải Phòng) giờ đã im ỉm cửa đóng then cài. Sau cái chết của chồng, bà Chuân cũng chuyển hẳn lên Hà Nội sống cùng con gái mình, vừa đỡ phần cô quạnh, vừa không phải gợi nhớ về ký ức gia đình trong ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm ấy.

Với một người mẹ, con cái mình dù hư hỏng thế nào đi chăng nữa thì đó vẫn là máu thịt của mình, không thể từ bỏ, không thể “hắt” đi. Bà Chuân cũng thế, hàng ngày bà vẫn cầu nguyện cho con mình được ân xá để sống mà chuộc lại lỗi lầm của mình. Dù bà biết rằng, ngoài kia dư luận sẽ lại dấy lên những hồi căm phẫn, bà cũng biết rằng Nghĩa có chết mấy lần đi chăng nữa thì cũng chẳng thể rửa sạch tội lỗi của mình gây ra, nhưng nếu ai đó trách cứ bà thì như bà nói “là người mẹ tôi không thể nghĩ khác”.

Nói về Nghĩa, giọng bà Chuân chùng xuống. Bà kể, khi còn ở nhà, Nghĩa vốn là đứa con hay mủi lòng, mau nước mắt. Mỗi lần gia đình, họ hàng có việc tang gia, Nghĩa là người khóc sụt sùi nhất. Khi vào Đại học, Nghĩa vẫn là một cậu bé sống tình cảm, vẫn đòi ngủ chung với bố, vẫn muốn tựa đầu lên đùi mẹ để xem tivi. “Nó còn không dám cắt tiết một con gà… thế mà…” - bà Chuân kết thúc hồi tưởng về cậu con trai của mình như thế.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bà luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng nghẹn ngào xen lẫn nước mắt. Cuối buổi, bà lại dặn chúng tôi: “Nếu lần sau gặp lại Nghĩa, nhớ bảo em nó, dù sống thêm được 1 ngày, 1 phút cũng phải sống cho tốt và biết hy vọng”, câu nói mà chúng tôi tin rằng bà sẽ nhắc lại trong cuộc gặp gỡ gần nhất với cậu con trai tội lỗi của mình.

Không đề

Những cơn gió cuối thu

Mùa đông sắp đến rồi

Mùa đông này anh sẽ phải ra đi

Buồn làm chi, có gì đâu em nhỉ

Ồ cuộc đời kết thúc có gì đâu

Một năm bao giờ chẳng thế

Một cuộc tình cũng chỉ đến mùa đông

Có gì đâu mà khóc

Em biết đấy, anh rất tin vào số phận

Mỗi cuộc đời rồi cũng đến nơi yên nghỉ

Anh chỉ là kẻ bỏ đi, hư hỏng

Lang thang trong cuộc đời này chưa trọn 30 năm

Anh chỉ như chiếc lá vàng rơi rớt ngoài song sắt

Những chiếc lá vàng thiếu nữ xé thành đôi

Rồi đêm nay khi gió mùa đông đến

Nắng tắt, lá rơi và anh cũng chết rồi

Có gì đâu mà tiếc

Anh biết mình sẽ đến một giấc ngủ

Bình minh có lẽ cũng vậy thôi

Em là tia sáng soi suốt cuộc đời anh

Là đốm lửa trong đêm băng giá

Chẳng có ai được hạnh phúc như thế

Vậy mà anh lại để mất em rồi

Mất tất cả sau một đêm cuồng loạn

Vòng tay ôm cái chết, phủ kín vùng lửa đen

Bàng hoàng, đau đớn, ân hận, xót xa

Nhưng tất cả đã quá muộn rồi

Đã tăm tối như một bờ vực

Tan biến như làn mây mù mịt

Đường xuống địa ngục coi như chính là đây

Có gì đâu mà buồn em hỡi

Thời gian, không gian không ngừng biến đổi

Rồi tất cả cũng hóa thành Xương

Nguyễn Đức Nghĩa


Nhà thơ Lương Văn Chi (Hội Văn học – Nghệ thuật TP Hải Phòng): “Bài thơ chỉ là những lời sám hối lảm nhảm”

Cũng khó có thể nói “tác phẩm" này của Nghĩa Đức Nghĩa lại là một “bài thơ”. “Tác phẩm” không bố cục, không ý tứ, không có sự rung động thật lòng mà chỉ là những lời tự sự với đầy những động từ mạnh, những từ ngữ “đao to búa lớn” ủy mị, không gây xúc động lòng người. Nhìn chung, theo quan điểm của tôi thì đây là những lời sám hối lảm nhảm.

Nhận xét như vậy không phải vì tôi có ác cảm với tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa. Vẫn có điều đáng trân trọng ở tử tù này, đó là sự sám hối, sự phục thiện, sự ân hận còn sót lại trong con người Nghĩa. Bởi đâu có mấy tên tội phạm dã man như Nghĩa, những ngày chờ chết lại bấu víu vào thơ làm điều vui sống? Chắc phải yêu thơ lắm nên Nghĩa mới có đủ tâm huyết đến mức chép thơ bằng móng tay. Chỉ tiếc là giá như ngày trước, phần thiện của Nghĩa thức dậy sớm hơn, tâm hồn yêu thơ mạnh mẽ hơn, thì có lẽ Nghĩa đã không phạm phải những tội ác tày đình như thế, để giờ không phải sám hối bằng thơ.

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)