Vào những năm cuối thế kỷ 20, những người khổng lồ của Nhật như Sony, Panasonic, Nissan hay Honda vẫn đang làm mưa làm gió trên thế giới ở hầu hết các phân khúc sản phẩm mà họ tham gia sản xuất. Nhưng tại sao khi bước sang thế kỷ 21 chừng khoảng 3 năm đầu thì xuất hiện tình trạng dậm chân trong kinh doanh, đến khi xuất hiện khủng hoảng tài chính năm 2008 thì gần như mọi hãng công nghiệp lớn hay nhỏ của Nhật lâm vào tình trạng thua lỗ liên tục? Nhất là các hãng điện tử có quy mô lớn, họ gần như không thể phát triển ra một công nghệ hay sản phẩm đột phá gì mà phải dựa vào các hãng phần mềm của Mỹ để sản xuất. Kinh doanh thì hầu hết bại dưới tay hai gã khổng lồ của nước láng giềng là Samsung và LG, ngay cả những cái tên lạ hoắc mới nổi của Trung Quốc hay Đài Loan cũng đang ngấp nghé thị phần của họ! Câu trả lời xin gói gọn trong ba nguyên nhân: nguy cơ tiềm ẩn khi Nhật bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài; thói quen dùng đồ điện tử của mọi người trên thế giới đã thay đổi; cuối cùng là nền kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhật gây ảnh hưởng nặng, trực tiếp tới những gã khổng lồ này.
1. Nguy cơ tiềm ẩn khi Nhật bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài:
Đầu thập niên 80, gần 90% các sản phẩm điện tử của Nhật đều sản xuất trong nước. Nếu nhà ai còn giữ lại các sản phẩm sản xuất vào thời điểm này gần như rất khó tìm ra chữ Made in Malaysia, Thailand, Korea hay China từ các sản phẩm của Sony, Sanyo, JVC, National của Nhật. Nhưng khi các tên tuổi này đã quá bành trướng, tình trạng cung không theo kịp cầu do họ không thể liên tục mở thêm các công xưởng lắp ráp tại Nhật bởi vấn đề liên quan đến diện tích và địa lý tại đây, cũng như tình trạng giá thành nhân công trong nước tăng chóng mặt khi Nhật gần bước vào giai đoạn bong bóng kinh tế châu Á vào năm 1986, đã khiến các hãng công nghiệp này tìm đến các nước Đông Nam Á và Trung Quốc xây dựng các nhà máy lắp ráp, thuê luôn nhân công bản địa với giá tiền rẻ hơn vài chục lần so với tại Nhật. Vậy là vấn đề cung cầu cùng với giá thành nhân công của họ gần như giải quyết triệt để.
Ban đầu các nhà máy bên ngoài Nhật Bản vẫn do các hãng này nắm quyền lực chi phối, họ chỉ chuyển các bộ phận không quan trọng của một sản phẩm hay một vài linh kiện nào đó cho các nhà máy này sản xuất, hay các sản phẩm rẻ tiền dành cho tầng lớp lao động sử dụng. Đến khi Nhật chính thức bước vào giai đoạn bong bóng kinh tế châu Á nữa cuối thập niên 80, thì các công ty này bắt đầu đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhiều nhà máy lắp ráp bên ngoài Nhật Bản, họ cũng chú ý nâng cao tay nghề cho công nhân bản địa trong các nhà máy của mình. Từ đó các thành phần quan trọng hơn, các kỹ thuật tiên tiến dần dần được các công ty này chuyển ra nước ngoài để sản xuất và lắp ráp. Nguy cơ tiềm ẩn về việc các kỹ thuật và công nghệ sản xuất đồ điện tử của Nhật bị đánh cắp bắt đầu dần xuất hiện.
Bạn cần phân biệt rằng tại sao Nhật cũng nhờ công nghệ của phương Tây đem vào nhưng lại không bao giờ có người Mỹ hay người châu Âu nào nói "Nhật lấy cắp công nghệ của chúng tôi"? Bởi những kỹ thuật công nghệ người Mỹ hay phương Tây đem vào Nhật giai đoạn nước này mở cửa là dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh. Tàu hỏa, xe điện, ô tô, máy bay, tivi, radio… đều là sản phẩm sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh bên ngoài Nhật Bản. Vì vậy các sản phẩm "đầu tiên của Nhật hay châu Á" trong hai phần đầu của loạt bài này đều do tự người Nhật làm ra từ các mẫu sản phẩm đã có sản xuất hoàn chỉnh của nước ngoài. Bởi Mỹ hay phương Tây chỉ muốn xuất khẩu sản phẩm của họ để thu tiền, chứ họ không dại gì mà xuất khẩu cả kỹ thuật công nghệ của mình cho Nhật. Nhưng họ không thể ngờ người Nhật có thể chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh tương tự như vậy với kỹ thuật còn vượt trội hơn.
Có người sẽ cho rằng việc nhìn vào một sản phẩm hoàn chỉnh rồi chế tạo ra một sản phẩm tương tự sẽ dễ dàng hơn thay vì học hỏi hay đánh cắp kỹ thuật khi sản xuất từng bộ phận rời của một sản phẩm nào đó. Nhưng tôi cho rằng hoàn toàn ngược lại! Bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian ban đầu trong việc tiếp xúc kỹ thuật công nghệ của nước ngoài khi sản xuất các bộ phận rời rạc mà chẳng chế tạo được gì, nhưng đó lại là thời gian quý báu nâng cao trình độ cùng kinh nghiệm của bạn trong một thời gian dài tiếp xúc với các kỹ thuật này, thời gian sau sẽ dễ dàng có được nền tảng nhất định thì việc tự chế tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh không còn là vấn đề. Từ đó bạn sẽ bắt kịp rất nhanh với các công nghệ tiên tiến khác do nền tảng lúc này đã khá vững. Còn nếu không có được giai đoạn học hỏi hay đánh cắp mà tự nhìn theo đó chế tạo ra, bạn vẫn có thể làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng chất lượng cùng sự sáng tạo sẽ muôn đời không thể phát triển được.
Nhưng do đâu người Nhật lại có nền tảng kỹ thuật mạnh mẽ như vậy cho dù phương Tây không dạy họ? Nguyên nhân cũng chỉ có hai: bản chất của người Nhật từ thời xa xưa đã rất giỏi về thủ công kỹ thuật cùng sự tinh xảo ngay từ thời kỳ Sengoku và Edo. Bạn sẽ giật mình khi nhìn vào các kỹ thuật đồ đồng, gốm, nghề mộc của họ tỉ mĩ và sắc sảo ra sao từ thế kỷ 15, 16 trong các viện bảo tàng quốc gia của Nhật. Tất nhiên đây là thời kỳ mà các nước châu Á chịu sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa cổ đại và trung đại, người Nhật cũng không hề phủ nhận vấn đề này. Nhưng những gì người Nhật tiếp thu từ văn minh của nước ngoài, họ đều có thể làm tốt hơn nhiều các thứ trước đó, đây có lẽ do trời phú. Nguyên nhân thứ hai chính là thời điểm Nhật mở cửa thì người dân họ được tiếp xúc với văn hóa cùng đồ đạc lạ lẫm của phương Tây, do dòng máu có từ thời xa xưa là không chịu thua ai, nên có rất nhiều nhà tri thức của họ sang phương Tây tìm hiểu văn hóa cùng học hỏi văn minh, rồi về nước truyền bá lại.
Quay lại vấn đề các nhà máy bên ngoài Nhật Bản. Do Trung Quốc giai đoạn giữa cuối thập niên 80 vẫn còn tình trạng bế tắc về kinh tế cùng chính trị so với Malaysia, Thái Lan, nên họ chưa thật sự là mầm mống nguy hiểm đối với các hãng điện tử Nhật Bản. Đông Nam Á cũng không là vấn đề với Nhật do trình độ phát triển về khoa học kỹ thuật tại đây thuộc loại thấp nhất châu Á. Nhưng Hàn Quốc thì hoàn toàn là câu chuyện khác, họ mở cửa đón nhận văn hóa kỹ thuật của phương Tây ngay trước khi giành lại độc lập từ tay Nhật Bản năm 1945, được Mỹ ủng hộ hết mình trong quá trình nội chiến với Bắc Triều Tiên nên ngay từ thời điểm đó Hàn Quốc đã là một nước tư bản thực thụ. Họ cũng có những nhân tài như Hyundai không thua kém gì người Nhật trong giai đoạn hình thành nước công nghiệp. Ngoài ra do khi người Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, họ đã mở các nhà máy, xưởng chế tạo do các tập đoàn hình thành trước năm 1945 như Mitsubishi, Hitachi, Toshiba nhằm sản xuất các sản phẩm cần thiết cho quân lính Nhật đồn trú tại đây. Vì vậy khoa học kỹ thuật công nghiệp của Hàn Quốc đã được hình thành sớm từ giai đoạn này.
Các công ty điện tử của Nhật trong thập niên 80 khi đẩy mạnh xây dựng nhà máy lắp ráp tại đây đã quá tự tin cho rằng công nghệ của họ sẽ không dễ dàng gì bị bắt chước hay đánh cắp như tại Trung Quốc hay Đông Nam Á. Nhưng phải chăng do nhân công của Hàn Quốc lúc này vẫn còn chênh lệch rất lớn so với Nhật, mà trình độ kỹ thuật lại khá hơn nhiều so với các nước kia, giúp họ tiết kiệm chi phí nâng cao tay nghề như tại các nước khác, nên các công ty này đã tự tin đem dây chuyền sản xuất sang đây? Vậy là theo thời gian dần dần các sản phẩm của Sony, Panasonic, Hitachi… càng ngày càng xuất hiện chữ China, Korea, Thailand, Malaysia thay cho chữ Japan. Mà theo luật quốc tế về việc ghi nơi xuất xứ sản phẩm xuất khẩu, bắt buộc trên 70-75% linh kiện được sản xuất tại đâu thì phải ghi nơi đó. Vì vậy dễ dàng nhận ra các hãng này đã gần như đem dây chuyền sản xuất ra khỏi Nhật Bản, song song với việc công nghệ của họ bị người bản địa học hỏi hay đánh cắp là chuyện dễ dàng trong thời kỳ hiện đại này. [Bên lề một chút: đây là nguyên nhân vì sao hầu hết các sản phẩm của Apple kể từ năm 1997 trở lại đây đều không ghi chữ Made in China mà là Assembled in China, bởi không có nước nào chiếm trên 70% linh kiện trong các sản phẩm đó. Bạn cũng sẽ bắt gặp một vài sản phẩm điện tử (không nhiều) chỉ ghi Assembled in China mà không hề ghi Made in …].
Người Trung Quốc thời gian này do đang trong giai đoạn lưỡng lự giữa kinh tế đi theo XHCN hay TBCN nên chưa chú trọng đến vấn đề học hỏi nghiêm túc công nghệ nước ngoài, mà họ chỉ thấy gì bắt chước làm theo vô tội vạ theo "thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình. Đông Nam Á tuy có Thái Lan, Singapore, Malaysia tương đối bắt đầu phát triển, nhưng họ chú trọng nhiều hơn vào kinh tế và các ngành nghề khác của xã hội, còn nghiên cứu tìm hiểu khoa học kỹ thuật điện tử của Nhật thì không nhiều. Chỉ Thái Lan là thành công trong việc lấy được kỹ thuật sản xuất xe gắn máy từ hãng Honda, hiện tại Honda Thailand gần như độc lập với Honda Nhật Bản khi từ thiết kế tới sản xuất đều do người Thái làm. Còn người Hàn Quốc thì rõ ràng thấy được tiềm năng to lớn của thế giới đồ điện tử, vì vậy họ rất hoan nghênh việc các hãng điện tử của Nhật đầu tư hay liên doanh với các hãng trong nước. Khi Hàn Quốc đã có tay nghề cùng kinh nghiệm khá tốt, chỉ cần liên doanh với bất kỳ hãng điện tử nào của Nhật hay phương Tây thì việc học lén trong khi sản xuất là việc không quá khó. Một anh kỹ sư bình thường chỉ cần nhìn vào công nghệ cao cấp của đối thủ cũng dễ dàng tìm ra mấu chốt của công nghệ đó hơn so với một anh công nhân có tay nghề cao. Vậy là từ ô tô, máy móc, tivi, đồ gia dụng… đều được người Hàn Quốc tiếp thu theo đường chính quy và không chính quy. Từ thập niên 60 đến cuối thập niên 80 các hãng sản xuất semiconductor của Nhật đã lấy hết thị phần của người Mỹ và họ luôn là nhà sản xuất lớn nhất, nhưng sang đến thập niên 90 gió liền đổi chiều khi lần lượt Samsung, LG của Hàn Quốc hay một số hãng của Đài Loan lại là người đứng đầu.
Một dẫn chứng khác chính là tấm nền công nghệ IPS của Hitachi. Họ là hãng phát minh ra công nghệ này, sau đó LG đã liên doanh với Hitachi nhằm mở rộng thị trường cho IPS. Kết quả thì hiện tại ai cũng chỉ biết IPS là do LG làm, còn cái tên Hitachi gần như chỉ ai hiểu rõ về thời điểm IPS được phát minh ra mới biết được. Hiện tại Hitachi "ôm đầu máu" tuyên bố sẽ không tham gia sản xuất tấm nền cho LCD nữa do sự thua lỗ của họ. Còn LG thì là ông vua sản xuất IPS LCD cho mọi mặt hàng điện tử. Tương tự với IPS chính là Oled, trước khi Samsung tham gia vào sản xuất Oled thì Sony, Pioneer của Nhật là hai hãng chính sản xuất ra sản phẩm thương mại sử dụng màn hình này. Nếu bạn còn nhớ những năm cuối thập niên 90, những dàn âm thanh trên xe ô tô đều có một màn hình điện tử chói mắt sáng rực, đó đều là màn hình Oled thế hệ đầu, hầu hết đều do Pioneer và Sony sản xuất ra. Do Pioneer đồng thời nghiên cứu màn hình Plasma với Panasonic nên họ đã bán lại công nghệ này cho các nhà sản xuất màn hình của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc (Samsung và LG). Sony một lần nữa lại hợp tác (không phải liên doanh) với Samsung cùng một vài hãng sản xuất màn hình của Đài Loan nhằm đưa Oled vào màn hình tivi. Năm 2007 họ đã thành công khi là hãng đầu tiên chế tạo được tivi Oled thương mại, còn Samsung và LG chỉ có sản phẩm mẫu ở phòng trưng bày và thông báo trên báo chí là họ làm ra tv Oled, chứ chưa hề có tivi Oled nào của họ bán ra thời điểm đó cho tới hiện tại. Nhưng Sony lại dâng toàn bộ thành quả công nghệ Oled của họ cho các hãng này. Chúng ta chỉ có thể nói các hãng điện tử Nhật thời điểm cuối năm 90 đến hiện tại đã "sai lầm không thể chữa" trong các vấn đề về hợp tác kinh doanh.
Các quan chức cao cấp của Sony và Samsung trong buổi lễ ra mắt liên doanh S-LCD vào 9 năm trước. Ảnh: Chosun Ilbo.
Hậu quả nặng nề nhất là Sony, khi họ liên doanh hợp tác với Samsung mở nhà máy S-LCD năm 2004 khi Sony bắt đầu gấp rút chạy đua với Sharp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sai lầm chết người của Sony có lẽ do việc họ cho rằng giá nhân công tại Hàn Quốc vẫn rất rẻ so với Nhật Bản, nên đã gật đầu với đề nghị của Samsung là đặt toàn bộ nhà máy sản xuất tấm nền LCD của liên doanh S-LCD này tại Tangjeong, đồng thời Samsung nắm 50%+ và Sony là 50%-. Thời điểm này tivi của Samsung đã được ưa chuộng tại một số thị trường (do đâu nằm ở nguyên nhân thứ hai), việc liên doanh S-LCD ra đời là cơ hội không thể tốt hơn cho họ đánh bại mọi đối thủ kể cả đối tác Sony trong bối cảnh các gã khổng lồ này đột nhiên trì trệ đến khó hiểu. Chỉ hai năm sau Samsung đã chiễm chệ đứng đầu thị phần LCD toàn cầu, kể cả tivi lẫn tấm nền màn hình.
Tại sao cùng dùng chung một nơi cung cấp tấm nền nhưng Samsung ăn nên làm ra còn Sony hay nhiều hãng khác của Nhật sử dụng tấm nền từ lò S-LCD này lại kinh doanh bế tắt? Nguyên nhân thứ hai sẽ trả lời bạn.
2. Thói quen dùng đồ điện tử của mọi người trên thế giới đã thay đổi:
Trong nguyên nhân này xin lấy thị phần tivi làm ví dụ chính.
Thập niên 60, 70, 80, hầu như từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ đều có một loại thói quen dùng đồ điện tử: tốt, bền, mắc một chút cũng không sao. Do đó sản phẩm "Made in Japan" được khắp nơi nhiệt liệt hoan nghênh, lý do đơn giản bởi giá sản phẩm so với "Made in USA" hay "Made in Germany" rẻ hơn một chút nhưng tốt và tối tân hơn, cùng điều kiện cốt lõi là độ bền vô địch. Bạn muốn biết bền ra sao ư? Rất dễ dàng: bất kỳ sản phẩm đồ công nghiệp Made in Japan nào của Nhật sau một đoạn thời gian sử dụng qua, rồi bạn ngưng không dùng tới nữa, vài năm hay thậm chí trên mười năm sau bạn lấy ra cắm điện hay battery vào thì ngay tức thì sử dụng bình thường như lúc mới dùng. Còn Made in USA thì không được vậy, không đến nỗi không hoạt động, nhưng sẽ bị một chút trục trặc ban đầu khi dòng điện trong các bản mạch chưa chạy ổn định do một thời gian dài không dùng qua, nhưng chỉ cần vài tiếng sau là máy sẽ chạy lại bình thường như lúc đầu. Made in Korea cũng không được như USA và có phần tệ hại hơn. Còn Made in China thì khỏi phải nói, cho dù đó là của Sony hay Panasonic thì kết quả chỉ có một: máy sẽ không hoạt động, hoặc sẽ "man man" không sử dụng bình thường được. Dễ dàng nhận ra điều này trong các remote của tivi, dàn âm thanh hay các máy CD, DVD. Chỉ cần bạn không rớ tới khoảng hai năm thì các remote (đa số Made in China, Korea và Malaysia) này đều "dở chứng" ngay, trong khi cái máy chính (Made in Japan) vẫn hoàn hảo.
Văn hóa đồ công nghiệp của Nhật đã quá in sâu sau một thời gian dài, dẫn đến việc dần dần giá sản phẩm của họ được xếp ngang hàng với châu Âu và Mỹ. Ngoài ra ở nhiều quốc gia trong thời gian này, phải gia đình khá giả một chút hay giàu có mới dám sở hữu đồ điện từ Nhật hay châu Âu. Nhưng bước sang nữa cuối thập niên 90 thì tình hình bắt đầu thay đổi, tầng lớp người nghèo tại các nước bắt đầu khá lên, họ cũng muốn sở hữu tivi, tủ lạnh, máy giặt… như những người khá giả và giàu có khác. Samsung và LG nổi lên như là người hùng đối với tầng lớp này bởi giá bán quá tốt so với đồ của Nhật (Made in China, Malaysia). Sản phẩm của Nhật bắt đầu gặp hai vấn đề: những khách hàng trung thành của họ vẫn đang sở hữu mọi thiết bị do họ làm ra mà vẫn không muốn đổi cái mới do hoàn toàn không bị hư hại gì, tầng lớp khá giả chiếm số đông nhất; sản phẩm Nhật Bản cho dù lắp ráp ở đâu cũng phải không quá chênh lệch về chất lượng so với lắp ráp trong nước, nên giá thành vẫn rất cao nếu so với Samsung, LG hay của Đài Loan dành cho người nghèo.
Vấn đề phát sinh từ đây: người nghèo không mua đồ của họ do quá mắt so với Samsung hay LG; một lượng lớn người khá giả không mua đồ của họ do các sản phẩm trong nhà vẫn còn hoạt động tốt; người giàu có thì vẫn chiếm số ít trong xã hội, ngoài ra Nhật còn phải cạnh tranh với châu Âu ở thị trường cho người giàu. Vậy là có một đoạn thời gian khoảng 5-7 năm trong giai đoạn trước và sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật xuất khẩu rất nhiều nhưng bán không bao nhiêu so với năm năm trước đó, cũng may những ngành công nghiệp khác như ô tô, semiconductor hay công nghiệp nặng vẫn phát triển mạnh nên sự trì trệ này cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Nhật.
Khủng hoảng tài chính xảy ra khiến mọi người tại các nước châu Á giàu có bao gồm cả Nhật bắt đầu giảm chi tiêu, người Nhật bắt đầu có thói quen mua đồ rẻ tiền. Không chỉ châu Á, không khí u ám này cũng ảnh hưởng tới Mỹ và châu Âu do kinh tế Nhật suy yếu. Người người bắt đầu bỏ thói quen mua đồ tốt, bền có giá khá mắc của Nhật, họ quay sang các nhãn hiệu của Hàn Quốc nổi tiếng với chất lượng chấp nhận được mà kiểu dáng khá bắt mắt cùng giá thành rẻ hơn so với Sony hay Panasonic. Bởi thời đại dùng đồ đạc lúc này không còn chú trọng đến "bền bỉ", mọi người chấp nhận một món đồ chỉ sử dụng trong hai, ba năm mà không cần phải trên mười năm như xưa, đổi lại họ có thể hưởng được các công nghệ mới trong thời gian ngắn hơn. Đến lúc các hãng điện tử lớn của Nhật nhận ra thói quen dùng đồ của mọi người đã thay đổi thì họ cũng không kịp chuyển hướng kinh doanh của mình cho phù hợp tình hình này, mặc dù họ đã cố gắng đem hầu hết dây chuyền sản xuất ra nước ngoài nhằm giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành. Trong lúc loay hoay không tìm được hướng đi mới, thì các đối thủ nước láng giềng Hàn Quốc bắt đầu tăng tốc tấn công mọi thị trường của Nhật. Họ không ảnh hưởng gì so với các hãng nước láng giềng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính do được chính phủ bảo trợ phía sau. Họ đánh đúng vào tâm lý của tầng lớp nghèo với các sản phẩm rẻ tương đương Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn nhiều; các dịch vụ khuyến mãi cùng mẫu mã chất lượng được nâng cao mà lại rẻ hơn của Nhật đã đánh đúng tâm lý của tầng lớp khá giả. Ngoài ra sự khác biệt chính là Samsung và LG không quá chăm chú vào một sản phẩm bất kỳ, họ đoán đúng thời điểm thói quen thích thay đổi công nghệ mới trong thời gian ngắn của mọi người, cùng lợi thế giá thành nhân công và giá thành linh kiện không hãng Nhật nào cạnh tranh lại, họ sản xuất ra sản phẩm mới liên tục trong thời gian ngắn nhất mỗi khi trên thế giới có một công nghệ gì mới ra. Đài Loan và sau này là Trung Quốc đã thành công khi áp dụng theo Hàn Quốc.
Quả thật các hãng điện tử Nhật Bản đã không thích ứng kịp tình trạng thay đổi của người tiêu dùng trong thế kỷ 21 này. Họ bắt buộc phải chuyển hướng hợp tác liên doanh với người láng giềng Hàn Quốc hay Đài Loan, Trung Quốc nhằm có được giá thành sản phẩm tương đương với đối thủ trong cạnh tranh. Đây là cơ hội trời cho đối với Hàn Quốc, điển hình là Samsung với việc liên doanh S-LCD cùng Sony. Hiện tại nhìn lại liên doanh này, chỉ có thể nói là "thất bại ê chề" dành cho Sony, còn Samsung thì "thành công rực rỡ". Trước khi có liên doanh này, Samsung vẫn là một hãng lớn về LCD, nhưng chất lượng hình ảnh chưa được đặt ngang hàng với Sony, Toshiba, Panasonic. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, chất lượng của Samsung đã cải tiến triệt để cùng việc kinh doanh thuận lợi của họ đã giúp Samsung đứng đầu về thị phần từ 2006 đến nay. Hiện nay chất lượng tivi của cả Samsung lẫn LG đều 8.5 -10 đối với Sony hay Panasonic. Không ai phủ nhận những nổ lực cải tiến chất lượng của Samsung hay LG trong lĩnh vực này, nhưng nếu không có sự "ẩu thả" trong kinh doanh cùng các vấn đề liên doanh của các hãng điện tử Nhật, thì hai người khổng lồ Hàn Quốc không thể nhanh chóng qua mặt họ như vậy.
Đến đây xin trả lời câu hỏi bên trên về việc do đâu cùng lấy tấm nền LCD chung một nguồn là S-LCD, nhưng Sony và Panasonic lại không bán được như Samsung. Do hai nguyên nhân:
Sony hay Panasonic lấy tấm nền do S-LCD tại Hàn Quốc gởi qua vô tình họ mất một khoảng chi phí vận chuyển. Công nghệ LCD trên đó vẫn là công nghệ thô, Sony, Panasonic phải đem vào công xưởng nghiên cứu của mình để thêm bớt vào đó tùy theo công nghệ riêng của họ mới ra thành phẩm. Một số sẽ được lắp ráp tại Nhật cho các tivi cao cấp, còn lại sẽ chuyển ra các công ty gia công lắp ráp khác như Foxconn tại Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia hay Thái Lan. Samsung cũng phải tự nghiên cứu ra công nghệ riêng trên LCD, nhưng họ không tốn một xu vận chuyển mà trực tiếp nghiên cứu, lắp ráp và đóng gói ngay tại chỗ. Mà việc nghiên cứu R&D tại Nhật luôn mắc hơn Hàn Quốc, kỹ sư Nhật tại R&D của các hãng lớn trung bình lương giờ tệ nhất cũng 15-20$ trong các khâu bình thường, các khâu quan trọng lương gần gấp đôi hay gấp ba con số trên. Vì vậy các hãng này vẫn không thể tìm ra đáp án làm cách nào có thể bán ra sản phẩm chất lượng hơn đối thủ mà giá thành tương đương.
Hiện tại năm 2013 này, bạn thấy tivi Sony hay Samsung có giá như không chênh lệch mấy nhưng sao Sony vẫn lỗ khi họ vẫn là hãng chiếm thị phần thứ ba? Panasonic cũng tương tự? Do vấn đề về tỷ giá xuất khẩu mà các hãng này phải chịu lỗ nhằm cạnh tranh thị phần hoặc thu vô không đủ lời trong khi tiền marketing lại quá lớn. Và để có thể trung hòa các yếu tố này, họ phải hy sinh vấn đề marketing. Thời đại thế kỷ 21 này, nếu marketing không tốt thì bạn sẽ không thể bán được nhiều sản phẩm. Trong khi các hãng Nhật Bản càng thu hẹp khoảng marketing thì Samsung và LG bành trướng rộng lớn hơn trong các khoảng chi về marketing. Tại Mỹ từ hơn ba, bốn năm nay các quảng cáo lớn hay poster của Samsung và LG treo mọi nơi, quảng cáo trên báo hay tivi cũng nhiều hơn hẳn so với Sony hay Panasonic. Còn Sharp và Hitachi gần như "lặn mất tiêu".
Vậy là đối với một khách hàng bình thường không quá khắc khe về chất lượng sản phẩm, họ sẽ chọn Samsung hay LG do giá cả rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt hơn mà chất lượng không hề thua sút các hãng của Nhật như đồ của Trung Quốc. Xin nêu ví dụ cho bạn dễ hiểu: anh A sẵn sàng bỏ ra $800 mua LCD của Samsung hay LG tại thời điểm năm 2009, anh A cũng chấp nhận LCD đó sẽ gặp vấn đề về chất lượng hình ảnh sau hai, ba năm sử dụng, bởi anh A dự tính sẽ mua một LCD công nghệ mới hơn sau hai, ba năm đó cũng với giá tiền tương đương hay thậm chí rẻ hơn, chỉ có Samsung hay LG mới đáp ứng được yêu cầu này. Còn Sony hay bất kỳ hãng nào của Nhật đều không làm được. Cùng thời điểm năm 2009 để có được một LCD như Samsung hay LG của Sony, anh A phải bỏ thêm $100-250 mới mua được, dễ dàng nhận ra được tâm lý của anh A sẽ dao động mạnh với số tiền bỏ ra để mua tivi Sony này. Anh A cũng rất "ngại" việc hai, ba năm sau phải đổi cái tivi Sony hoàn toàn còn hoạt động tốt để mua tivi công nghệ mới khác. Thời điểm nước Mỹ và châu Âu rơi vào khủng hoảng tín dụng năm 2008, tình hình kinh tế khó khăn càng khiến những người cùng suy nghĩ như anh A chọn mua Samsung và LG hơn là các hãng điện tử Nhật Bản.
Bạn đừng thấy ở thị trường Mỹ, người tiêu dùng đều là người Mỹ chính thống. Còn rất nhiều thành phần khác như dân tị nạn, ở bất hợp pháp, người mới di dân từ các nước nghèo khác sang… Thành phần những người tiêu dùng này không hề ít, những hãng điện tử Nhật Bản không thể cạnh tranh được với các hãng đến từ Đài Loan, Trung Quốc, cũng như các sản phẩm giá rẻ của Samsung và LG. Nếu Sony, Panasonic hay Sharp chỉ cần đẩy mạnh vào thị trường giá rẻ này sẽ càng chết sớm hơn, bởi thương hiệu của các hãng này trong bao năm qua đều dành cho khách hàng khá giả tới giàu có, họ sẽ quay mặt với các hãng Nhật Bản khi cho rằng các thương hiệu này cũng chỉ nganh hàng với Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Trên đây chỉ là lấy tivi ra làm dẫn chứng. Ngoài tivi, một loạt các sản phẩm khác trong ngành điện tử của Nhật đều chịu tình trạng tương tự.
Samsung, LG hay một vài hãng của Trung Quốc, Đài Loan đều có sự trợ giúp từ chính phủ mỗi khi có chuyện gì xảy ra. Còn Sony, Panasonic, Sharp? Tại sao chính phủ Nhật không nhúng tay vào vấn đề này, bởi xuất khẩu điện tử chiếm gần 15% (2011) tổng thu nhập kim ngạch xuất khẩu của Nhật đang giảm xuống không phanh kể từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước? Câu trả lời là có, nhưng vướng phải tình trạng "lực bất tòng tâm". Nguyên nhân cuối sẽ giải đáp cho bạn.
3. Nền kinh tế, chính trị và xã hội hiện tại của Nhật gây ảnh hưởng trực tiếp tới những gã khổng lồ này.
Nhật sẽ chẳng u ám như ngày nay nếu năm 1997 khủng hoảng tài chính tại châu Á không xảy ra. Tuy không trực tiếp ảnh hưởng, nhưng nó như là một giọt nước làm tràn ly, khiến cách sinh hoạt của người Nhật thay đổi hoàn toàn so với trước thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 80. Người Nhật đã bắt đầu “biết cách” hạn chế trong tiêu xài cùng việc mua đồ giá rẻ. Trước khi xảy ra cơn bão tín dụng năm 2008, một thời gian rất dài chính phủ Nhật không tìm ra được biện pháp nào để cải thiện tình hình “ăn xài” của người Nhật như xưa.
“Thời điểm tiết kiệm” này cũng là lúc tôi đang học tại Tokyo. Sau hai, ba năm hòa nhập và quen với cách xài của họ, tôi đã từng hỏi ông thầy trong trường: người Nhật hiện tại thấy xài sang và chịu chi quá, sao báo chí lại nói rằng họ đang tiết kiệm? Câu trả lời tôi nhận được là thời điểm cuối thập niên 70 đến đầu những năm 90, người Nhật thời đó xài tiền gấp ba lần hiện tại! Những nhà hàng đắt tiền như là các bữa ăn bình dân, thời trang cao cấp như là món đồ chơi, thích là cứ mua mà chẳng quan tâm tới túi tiền ra sao. Nhưng giữa thập niên 90, kinh tế Nhật bắt đâu có chiều hướng trở xấu do xuất khẩu không được như xưa, sau khủng hoảng năm 1997 đến tận khi Thủ Tướng Koizumi lên nắm quyền tình hình ngày càng tồi tệ. Chính phủ Nhật không thể kiếm được nguồn thu đầy đủ từ thúê tiêu dùng, trong khi ngân hàng tiết kiệm Japan Post lại trữ lượng tiền khổng lồ càng ngày càng tăng từ người dân mà chính phủ không thể sử dụng. Ngân hàng này là quốc hữu hóa nên tiền tiết kiệm của người dân chính phủ không được phép rớ tới. Trái phiếu của Nhật đã không còn hấp dẫn đối với dân Nhật, bởi ai cũng nghĩ có chuyện gì thì không kịp xoay sở, tiền mặt trong tay là thích hợp nhất thời điểm khó khăn này. Những ông lão trong bộ tài chính chỉ còn đề xuất là tăng tỷ lệ trái phiếu bán ra nước ngoài nhằm thu nguồn tiền cho chính phủ.
Nước Nhật bắt đầu dần lún sâu vào nợ nần khi họ tăng số lượng trái phiếu bán cho Mỹ, châu Âu và anh chàng Trung Quốc mới bắt đầu giàu có sau khi thu được mỏ vàng là Hong Kong về tay mình năm 1997. Việc bạn muốn bán trái phiếu cho nước ngoài phải hội tụ một trong hai điều kiện chính: đồng tiền của bạn phải ổn định và có tiếng trên thế giới ($, ¥ và € là ba loại chính trong giao dịch quốc tế); phải khiến người mua thấy được cái lợi trong giao dịch, đầu tư tương lai. Tuy kinh tế Nhật có dấu hiệu bất ổn nhưng đồng ¥ hoàn toàn ổn định, vì vậy ngân hàng cùng bộ tài chính làm mọi cách để giữ cho đồng yên không bị biến động về tỷ giá so với các đồng tiền khác.
Khi ông Koizumi lên nắm quyền, ông đã thay đổi cách làm truyền thống của đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ (Jimintō – LDP), giúp Nhật bắt đầu quay lại quỹ đạo ngày xưa, nhưng chỉ một phần nhỏ. Bởi một số cải cách trong thời gian trước khi ông Koizumi làm thủ tướng và sau khi hết nhiệm kỳ của LDP đã ảnh hưởng xấu rất lớn tới chính phủ sau này khi tình hình toàn cầu bị điêu đứng năm 2008. Hệ quả là chính phủ mới đã cắt giảm những khoảng chi tiêu lãng phí trước đó, nhưng tiền từ người dân lại một lần nữa không chạy vào tay chính phủ. Vậy là bộ tài chính và ngân hàng trung ương lại “bổn cũ soạn lại“, tiếp tục bán trái phiếu, giữ giá tiền ¥ ổn định.
Nhiều người cho rằng đồng ¥ tăng giá so với $ hay € là sai lầm. Chính xác là ¥ dậm chân tại chỗ so với trước và sau năm 2008, còn $, € hay các đồng tiền khác đều đồng loạt sụt giảm. Đến đây thì mới biết chính phủ Nhật “lực bất tòng tâm” ra sao. Khi $, € giảm giá so với ¥, việc xuất khẩu của Nhật gặp khó khăn lớn trong khi đồ nhập khẩu của nước ngoài lại ồ ạt vào Nhật và dễ dàng bán được do giá quá rẻ. Người dân lại thích du lịch ra nước ngoài, họ xài tiền thoải mái do ¥ cao hơn $ hay €, nhưng tiền đó là tiền đóng thúê cho chính phủ bản địa, còn chính phủ Nhật không thu được một xu nữa. Do phải giữ giá ¥ ổn định so với các loại tiền khác để trái phiếu có thể dễ dàng bán ra, ngân hàng trung ương không thể làm gì hơn ngoài việc “không đá động tới tỷ giá ¥, không thể hạ tỷ giá ¥ xuống“, vì nếu bây giờ hạ tỷ giá ¥ xuống sẽ khiến Mỹ và châu Âu cùng Trung Quốc gây áp lực ngay, do kinh tế Nhật không bị khủng hoảng như Mỹ hay châu Âu, mà chỉ bị trì trệ, tăng chậm.
Dưới đây là một số thống kê về kinh tế Nhật Bản
Đến đây bạn đã có thể nhận ra tại sao ¥ lại mạnh hơn nhiều so với $ và €. đây là tác động rất lớn, ảnh hưởng sâu nặng tới xuất khẩu của Nhật. Các công ty điện tử Nhật khi xuất khẩu qua Mỹ hay EU, họ phải chịu mức lỗ rất lớn so với trước năm 2008 do tỷ giá xuất khẩu xuống quá thấp. Ví dụ: thời điểm $1=¥108~115 thì tỷ giá xuất khẩu của Sony là khoảng $1=¥90~93; Toyota thấp hơn, khoảng $1=¥86~89. Trong khi từ năm 2009 đến nay, $1 chỉ còn ¥77~89, các hãng phải điều chỉnh tỷ giá xuống thấp hơn mức này, trong khi giá bán ra tại Mỹ hay EU không thể quá cao so với Samsung hay LG, vì vậy từ năm 2008 tới nay “bài ca lỗ vốn” luôn được các công ty điện tử Nhật hát lên mỗi khi có báo cáo tài chính. Trừ khi đồng $ hay € tăng giá trở lại, nếu không thì trong vòng hai, ba năm tới chúng ta sẽ còn nghe câu chuyện lỗ vốn dài dài của các hãng điện tử Nhật Bản.
Một vấn đề nữa mà có lẽ rất ít người biết tới, đó là vấn đề thuế nhập khẩu đồ điện tử của Nhật và Hàn Quốc khác nhau. Trước khi vấn đề tín dụng năm 2008 xảy ra, Samsung, LG và tất cả các hãng xe ô tô Hàn Quốc khi bán hàng qua bên Mỹ thì thuế của họ là 2% (1980~2000) và 0%(2012-?) theo điều khoản FTA (Free Trade Agreement-hiệp định thương mại tự do) ký kết giữa Mỹ-Hàn Quốc, đổi lại Hàn Quốc bắt buộc phải nhập khẩu xe ô tô và thịt bò của Mỹ dài hạn. FTA giữa hai nước này chỉ mới có hiệu lưc về thuế mới bắt đầu từ năm nay. Còn Nhật Bản thì bất kỳ hàng hóa nào xuất khẩu qua Mỹ đầu bị đánh thuế cao tương đương các nước EU, do quốc gia này thuộc dạng giàu thứ hai trên thế giới. Điều này dẫn đến việc một sản phẩm của Sony nếu cùng công nghệ, cùng giá tiền sản xuất như Samsung thì giá bán qua bên Mỹ cũng không thể bằng giá với Samsung được, nếu Sony không muốn bán lỗ trong tất cả mọi mặt hàng.
=> Đối với những ai yêu thích sự đơn giản không màu mè nhưng tuyệt đối chất lượng của các sản phẩm điện tử Nhật Bản, quả thật đang thất vọng với các hãng này trong vấn đề cạnh tranh, phát minh ra những công nghệ mới so với các hãng của Mỹ, Hàn Quốc và cả Đài Loan. Thế hệ những người đứng đầu hiện tại của các hãng này đều là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Do đó có thể họ không có được những động lực cần thiết như những thế hệ đầu tiên của Sony, Panasonic, Honda, Toyota… Tầm nhìn trước mắt của họ quá hạn hẹp do những cái lợi trước mắt làm lu mờ. Tình yêu của họ dành cho công ty nơi họ đang nắm quyền không bằng một gốc so với thế hệ đầu tiên. Ngoài ra những người đứng đầu, những cổ đông hiện tại của các công ty công nghệ Nhật Bản đã quá lạm quyền trong các dự án sản phẩm mới, họ can thiệp quá nhiều vào quy trình sản xuất và thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa lượng tiền bỏ vào R&D, thay vào đó lượng tiền này sẽ chảy vào túi họ. Một phần nguyên nhân khác cũng bởi sự chênh lệch về công nghệ giữa các quốc gia hiện nay không còn quá cao so với hai, ba mươi năm trước.
Hy vọng khi nền kinh tế thế giới ổn định trở lại, người Nhật lại cho chúng ta những sản phẩm công nghệ mới trong đời sống hằng ngày như cái cách Sony đã từng làm khi xưa.
-END-
Lưu ý: nội dung của phần này là do ý kiến cá nhân tôi, đã tham khảo sách báo, ý kiến của bạn bè và một thầy người Nhật, cùng kinh nghiệm từng sống bên đó mà viết ra. Nội dung chỉ mang tính tham khảo, không chắc chắn đúng 100%. Vì vậy rất hoan nghênh các ý kiến khác của người đọc.