TTCK Việt Nam đang trải qua những tháng đầu năm khá tích cực với sự bứt phá mạnh cả về điểm số và thanh khoản.
Diễn biến tích cực của thị trường trong những tháng qua có vai trò không nhỏ từ các nhà đầu tư mới, hay gọi là nhà đầu tư "F0". Số liệu từ VSD cho biết trong quý 1/2021 có tới gần 257.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 65% cả năm 2020.
Việc nhà đầu tư đổ mạnh vào thị trường chứng khoán năm qua có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang đầu tư chứng khoán. Sự "đổ bộ" của lớp nhà đầu tư mới đã khiến thị trường thiết lập hàng loạt kỷ lục mới, thậm chí gây ra nghẽn lệnh cục bộ trên sàn HoSE.
Sự tham gia của nhà đầu tư nội đã giúp "cân" lại áp lực bán ròng của khối ngoại. Chỉ tính riêng quý 1/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE, gần bằng lượng bán ròng cả năm 2020 nhưng thị trường vẫn tăng điểm tích cực nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước.
Dù thị trường thiếu vắng dòng tiền ngoại, tuy nhiên dòng tiền từ các nhà đầu tư "F0" đã bù đắp, đẩy thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới. Trong quý 1/2021, giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE đạt 14.083 tỷ đồng/phiên, tăng 62% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020, qua đó xác lập kỷ lục mới về thanh khoản thị trường.
Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng đẩy dư nợ margin tại các CTCK lên cao kỷ lục. Số liệu cuối quý 1/2021 cho biết dư nợ cho vay tại các CTCK lên tới 110.000 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ margin), tăng khoảng 20.000 tỷ so với cuối năm 2020. Không ít CTCK thậm chí đã rơi vào tình trạng hết nguồn cho vay vào một vài thời điểm trong quý 1.
Trong lịch sử TTCK Việt Nam, không ít lần thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh mỗi khi margin tại các CTCK "căng". Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, dòng tiền từ nhà đầu tư mới liên tục nhập cuộc giúp thị trường trở nên khá vững vàng. (giờ giao dịch chứng khoán)
Số liệu từ các CTCK cho biết vào cuối quý 1/2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/3/2021.
VPS hiện là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, lên tới gần 11.000 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Thời gian gần đây, VPS đã bứt phá ngoạn mục vươn lên trở thành CTCK có thị phần môi giới lớn thứ nhất trên HoSE, HNX, UPCom và cả thị trường phái sinh. Do đó việc có lượng lớn tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản cũng là điều không quá bất ngờ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi vấn đề nghẽn lệnh HoSE được xử lý dứt điểm sẽ giúp xu hướng dòng tiền nhà đầu tư "F0" vào thị trường mạnh mẽ hơn nữa. Những con số về dư nợ margin, số dư tiền gửi được dự báo sẽ còn lập những đỉnh cao mới trong thời gian tới.