Dự án hiện do các nhà thầu Posco E&C, nhà thầu Doosan, nhà thầu Keangnam Enterprise của Hàn Quốc và nhà thầu công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đảm nhiệm. Được khởi công từ tháng 9-2009, theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào năm 2013, nhưng đến nay ( 6-2012), trừ gói thầu A7, các gói thầu đều chậm tiến độ.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, nhà thầu thi công yếu kém về năng lực, phương tiện huy động ra hiện trường không đầy đủ theo yêu cầu. “Máy móc, thiết bị cũng như nguyên vật liệu chỉ đáp ứng được 50%. Lực lượng quản lý hiện trường cũng thiếu. Gói thầu A1 và A3 đã phải thay giám đốc dự án. VEC đã họp với các nhà thầu tháo gỡ nhiều lần, nhưng thời gian đã gần hết mà khối lượng công việc còn nhiều”. Ngoài ra, gói thầu A5 hiện mới đạt 5% khối lượng công việc, tại gói thầu này đã thay đến 3 lần giám đốc dự án. Do vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, sẽ kiến nghị Bộ GTVT cùng nhà tài trợ thay thế nhà thầu Keangnam do sự yếu kém trong năng lực.
Đáng chú ý, một thực tế khiến tiến độ thi công chậm là do năng lực tài chính của các nhà thầu tại ba dự án trên đều không như công bố. Mới đây khi kiểm tra trực tiếp trên công trường Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: “Sẽ kiên quyết không điều chỉnh tiến độ. Nếu các nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ, các nhà thầu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký”.
Các nhà thầu xây dựng nước ngoài sau khi bằng mọi giá để trúng thầu xây dựng tại Việt Nam, làm ăn bê bối, nhiều khi bỏ của chạy lấy người, để lại hậu quả nặng nề cho các chủ dự án, chủ đầu tư, đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này vân không khắc phục được.
Nhà thầu bê bối
Dự án thủy điện Dakr’tih có tổng công suất 144 MW, gồm 4 tổ máy, sản lượng điện dự kiến hơn 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 4.400 tỉ đồng. Để thực hiện DA, năm 2007, Tổng Công ty xây dựng số 1 (CC1) đã tổ chức đấu thầu quốc tế và IWHR (Trung Quốc) trúng thầu gói “cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính” với tổng giá trị hợp đồng (HĐ) là 15,24 triệu USD và 2,64 tỉ đồng. Hợp đồng yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành 4 tổ máy trước ngày 20-7-2011. Tuy nhiên, tiến độ trên thực tế rất chậm trễ, và đến thời hạn cuối, ngày 20-7, sau khi mới hoàn thành một phần chương trình vận hành thử nghiệm của 2/4 tổ máy, IWHR đã đơn phương rút các chuyên gia kỹ thuật quan trọng khỏi công trường; đồng thời, không có kế hoạch cung cấp vật tư còn thiếu, không đệ trình quy trình và chương trình thử nghiệm, tiến độ và kế hoạch thực hiện các công việc tiếp theo…
Không dừng ở đó, IWHR còn liên tục đưa yêu sách đòi CC1 phải thanh toán ngay 10% giá trị hợp đồng. Hiện tại, CC1 đã thanh toán cho nhà thầu đến 85% giá trị thiết bị theo đúng HĐ. Trong 15% giá trị còn lại, nhà thầu sẽ được thanh toán 10% sau khi hoàn thành công trình phù hợp với quy định của hợp đồng và nhận được chứng chỉ bàn giao công trình từ CC1. Còn lại 5% sẽ được thanh toán sau khi hết thời hạn bảo hành (2 năm kể từ ngày nghiệm thu). Tuy nhiên, dù công việc còn dở dang, IWHR lại ra “tối hậu thư” cho rằng nếu không thanh toán 10% giá trị thì họ không chấp nhận đàm phán để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Và tháng 7-2011 Tổng công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV (CC1, thuộc Bộ Xây dựng) vừa chính thức cắt (HĐ) với nhà thầu Trung Quốc (TQ) Beijing IWHR Corporation (viết tắt IWHR) thi công (DA) thủy điện Dakr’tih (TX Gia Nghĩa, Đắk Nông). Đây được xem là động thái quyết liệt đầu tiên của một trong số các chủ đầu tư (CĐT) VN trước những hậu quả do một số nhà thầu TQ gây ra đối với các dự án thủy điện, nhiệt điện, hóa chất, thủy lợi và hạ tầng của VN thời gian qua.
Cái tên nhà thầu CSCEC - Tổng Công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc - không còn xa lạ gì ở Việt Nam khi nhà thầu này gây ra hàng loạt vụ bê bối trong thi công các công trình.
Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dự án lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Trong dự án này, nhà thầu CSCEC nhận thi công gói thầu số 10, gói thầu quan trọng nhất, “xương sống” của toàn dự án, tiến hành nạo vét 1 triệu m3 bùn, gia cố đất và lắp đặt cừ bản ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nhằm làm sạch lòng kênh, phục vụ nhu cầu thoát nước và môi trường của hàng triệu người dân tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Tại gói thầu này nhà thầu liên tục bị nhắc nhở khi thi công vô cùng ì ạch, bê bối. Đến ngày 2-3-2011, Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu xây dựng CSCEC. Nhà thầu này còn “dính” tiếp vụ thi công gói thầu xâu dựng 16 cây cầu trên QL1 Cần Thơ về Cà Mau. Trong gói thầu này, CSCEC đã trúng thầu xây dựng 9 cây cầu (gói thầu 2A). Dù khởi công rầm rộ từ năm 2007, nhưng sau 3 năm thi công đơn vị này chỉ hoàn thành được 3 cây cầu còn lại 6 cây cầu rơi vào tình trạng … im thin thít . Để nhanh chóng hoàn thành dự án, Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã buộc phải cho CSCEC thanh lý hợp đồng trước hạn và chuyển 6 cây cầu còn lại cho nhà thầu mới là Công ty Cổ phần Đạt Phương và Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới thi công.
Nhà thầu CSCEC cũng để xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cho công nhân, điển hình là vụ tai nạn tại công trường Melberry Lane thuộc khu đô thị Mỗ Lao, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 21/2/2012.
Các thủ đoạn để tranh dành hợp đồng thầu chính, sau đó bắt ép chủ đầu tư tăng chi phí của các nhà thầu Trung Quốc rất nhiều. Ông Lê Hữu Việt Đức - Phó tổng giám đốc CC1 cho biết, “ Với hầu hết DA do nhà thầu TQ thi công, họ gần như bỏ phần bảo hành hoặc dây dưa không thực hiện trách nhiệm bảo hành. Thậm chí, nhà thầu TQ còn kéo dài cả những công việc đương nhiên phải hoàn thành theo đúng HĐ. Mặt khác, các nhà thầu TQ thường cung cấp các phần mềm điều khiển thiết bị công nghệ mà trong đó thời gian sử dụng chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bàn giao công trình. Điều này nhằm gây áp lực với CĐT để đòi thêm chi phí bản quyền phần mềm. Trong khi theo đúng nguyên tắc HĐ, nhà thầu phải bàn giao toàn bộ công nghệ, kể cả bản quyền các phần mềm điều khiển cho suốt tuổi thọ của DA. Vì vậy, đã có CĐT rơi vào trường hợp chỉ sau một thời gian vận hành, nhà máy ngưng hoạt động và lại phải tốn chi phí mời nhà thầu TQ sang sửa phần mềm”.
Còn nhiều nữa. Trong quá trình dự thầu, nhà thầu TQ thường dùng cách bỏ giá rẻ. Tuy vậy, thực tế bao giờ họ cũng có sự toan tính phân bổ giá trị trong từng hạng mục gói thầu sao cho có lợi nhất và lách được quy định của VN. Chẳng hạn, theo quy định, những phần việc VN làm được thì phải giao cho nhà thầu VN. Nhưng cách của nhà thầu TQ là những phần việc họ làm được (cung ứng thiết bị) thì họ bỏ giá rất cao, phần việc sẽ đàm phán với nhà thầu VN (lắp đặt, gia công) thì bỏ giá rất thấp, thấp đến mức nhà thầu VN không thể chấp nhận được. Khi đó, với lý do không tìm được nhà thầu VN, họ bắt đầu ồ ạt đưa nhân công từ TQ qua. Vì giá nhân công của họ rất rẻ nên tổng giá gói thầu thấp.
Hơn nữa, qua nhiều tình huống thực tế xảy ra trên công trường cũng cho thấy sự thiếu hợp tác và năng lực hạn chế của nhà thầu TQ. “Trong quá trình làm việc, nhà thầu TQ luôn chậm trễ trong việc cung cấp vật tư kéo theo việc lắp đặt các tổ máy bị chậm trễ. Ngoài ra, một số chuyên gia TQ không có trình độ cao, khi xảy ra sự cố gì về kỹ thuật họ đều phải gửi về TQ xin ý kiến. Thậm chí có những việc rất nhỏ cũng phải chờ đợi rất mất thời gian. Có những vướng mắc tại hiện trường, chuyên gia TQ xin phép bay về nước để xin ý kiến mất 5 - 7 ngày, thậm chí đã có trường hợp mất vài tuần nhưng vẫn không xử lý được. “Đến nỗi chúng tôi sốt ruột quá phải đứng ra tự xử lý và chấp nhận không bảo hành phần việc đó, mà khi mình tự làm chỉ mất 15 phút”, ông Đức nói.
Rẻ nhất là thắng?
Theo luật đấu thầu, đơn vị nào trả giá thầu rẻ nhất sẽ là đơn vị thắng thầu. Trong quy định về đấu thầu không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị thi công nên dĩ nhiên đơn vị có giá rẻ sẽ giành phần thắng. Các chủ thầu Trung Quốc thường có lợi thế lớn. Họ trả giá thầu rẻ, có dự án giá họ trả chỉ bằng một nửa các đơn vị khác. Tuy theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, khi lập hồ sơ mời thầu phải đưa ra yêu cầu tối thiểu điểm kỹ thuật tuy nhiên ở vòng sơ tuyển này, các nhà thầu dù kém về chuyên môn, kinh nghiệm đều dễ dàng vượt qua nếu thuê tư vấn giỏi hoặc liên danh với các nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm.
Hiện nay, Trung Quốc là nhà thầu nước ngoài lớn nhất ở nước ta. Các gói thầu, dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, ODA của các nước, cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam là rất nhỏ. Ngay cả một số dự án sử dụng vốn trong nước, thậm chí là ngân sách Nhà nước thì các nhà thầu Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Trong 10 năm qua, đối với gói thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhà thầu Việt thắng thầu ở 67% số lượng gói thầu, nhưng trị giá gọi thầu chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ này đối với nhà thầu Trung Quốc là 48%.
Đặc biệt, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Việc các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến các nhà thầu Việt Nam đứng "ngoài rìa" và mất hết việc.
Về hiện tượng nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều dự án, gói thầu với chiêu thức trả giá rẻ, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu lý giải: “Sở dĩ có hiện tượng này vì một số chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất xứ của vật tư, thiết bị. Cũng vì lý do này, nhiều nhà thầu EU, Nhật Bản không thể cạnh tranh được với nhà thầu Trung Quốc”. Trong khi đó rất nhiều gói thầu các doanh nghiệp trong nước có thừa điều kiện để thi công nhưng vẫn phải chờ nhà thầu ngoại “nhả” mới đến lượt. Gói thầu số 7 là gói thầu đặc biệt quan trọng đối với dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (Lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Tuy nhiên, trong quá trình thi công gói thầu số 7 khi nhà thầu Liên danh TMEC & CHEC3 tiến hành kích ống băng sông Sài Gòn được khoảng 183/410m thì gặp sự cố, đầu khoan bị hỏng nước tràn vào đường ống và nhà thầu đã ngừng thi công vào tháng 2-008 và đồng thời xác nhận từ chối thi công đoạn kích ống băng sông còn lại. Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Ban QLDA Vệ sinh môi trường TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố chỉ định thầu cho nhà thầu Italian-Thai-Maxwell (Thái Lan) và được UBND thành phố chấp thuận vào tháng 9-2009. Tuy nhiên nhà thầu Italian-Thai-Maxwell nhận thấy mức độ rủi ro của công việc lớn, nguy cơ thất bại cao nên đã từ chối thực hiện công việc này.
Tháng 9-2010 Sở GTVT đã chỉ định thầu cho Công ty TNHH Một Thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM thực hiện kích 227m cống bao còn lại băng sông Sài Gòn với giá trị hợp đồng hơn 74 tỷ đồng. Sau hơn 300 ngày thi công, gói thầu 7B “Kích đoạn cống bao còn lại vượt sông Sài Gòn” đã hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hàng năm, có khoảng 100 nhà thầu tư vấn, xây dựng nước ngoài vào nhận thầu tại Việt Nam. Nhìn chung, nhà thầu nước ngoài có thế mạnh hơn nhà thầu nội về khả năng tài chính, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế và đặc biệt họ đã từng thực hiện nhiều công trình tương tự hoặc lớn hơn so với các gói thầu thực hiện tại Việt Nam. Thêm vào đó, họ đã quá quen với thị trường quốc tế về cung cấp vật tư, thiết bị, cũng như hợp tác, liên kết dự thầu dưới hình thức thành lập các tổ hợp nên dễ dàng "qua mặt" nhà thầu trong nước. Trong khi các công trình thực hiện theo hình thức EPC sử dụng vốn Nhà nước chủ yếu là công trình công nghiệp, điện, xi măng, DN trong nước chưa đảm nhận được khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, nên thường yếu thế khi dự thầu. Qua báo cáo của các bộ, nhà thầu nước ngoài đang thực hiện 33% gói thầu EPC, riêng lĩnh vực nhiệt điện, họ thực hiện 12/17 gói thầu EPC. Phần lớn nhà thầu nước ngoài được chỉ định thực hiện công trình có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn vay nước ngoài, vốn đầu tư không thuộc vốn Nhà nước hoặc thắng thầu dự án có quy mô lớn, công nghệ mới đấu thầu quốc tế.
Đây cũng là dòng tiền chạy ra nước ngoài
Trong báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã có cảnh báo về gian lận tài chính của các nhà đầu tư và các nhà thầu nước ngoài. Báo cáo do phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn quản lý thuế cho thấy, quy định về điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư tại điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP đã tạo cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua việc trả lãi vốn vay (số vốn vay chủ yếu là vay của các công ty mẹ ở nước ngoài, Nhà nước Việt Nam chỉ thu được thuế nhà thầu đối với bên cho vay)”.
Một nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bị thất thu nữa là qua việc gửi giá trong hợp đồng với nhà thầu. Báo cáo chỉ rõ “phần lớn các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các dự án về khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đều giao thầu lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong cùng tập đoàn, hoặc các nhà thầu có cùng “quốc tịch”. Do các nhà thầu này không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam nên việc thu thuế TNDN đối với các đối tác nhà thầu này được tính theo tỷ lệ (%) tính trên doanh thu theo quy định tại Thông tư số 134/2008 của Bộ Tài chính. “Tuy nhiên, việc thu thuế TNDN theo tỷ lệ tính trên doanh thu chưa điều tiết được phần lợi nhuận trước thuế của nhà đầu tư chuyển ra nước ngoài thông qua việc “gửi giá” trong hợp đồng với nhà thầu”.
Một điểm đáng chú ý nữa là tại báo cáo này Hà Nội cũng cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp chỉ cung cấp được số liệu lợi nhuận và nộp ngân sách của các năm 2008, 2009 và năm 2010, nhất là các dự án có thời gian hoạt động trên 10 năm, tập trung vào nhóm đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 60% tổng số dự án và 47% tổng vốn đầu tư đã thực hiện.
Báo cáo đã không công bố những con số cụ thể, tuy nhiên với những kẽ hở về thuế chỉ ra, với số thuế TNDN thu được chỉ trong ba năm 2008-2010 tại Hà Nội, có thể dự đoán về con số thuế khổng lồ đã thất thoát .
Liên quan đến nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án, TP Hà Nội kiến nghị, để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư sử dụng nhà thầu ngoại, Bộ Xây dựng cần bổ sung quy định chỉ được phép giao thầu cho nhà đầu tư nước ngoài theo một tỷ lệ nhất định không lớn hơn 50% trên tổng giá trị dự án, còn lại phải sử dụng nhà thầu trong nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần có quy định điều kiện về thực hiện chế độ kế toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài để cơ quan thuế có căn cứ tính toán thu thuế TNDN một cách chính xác đối với lợi nhuận thu được của các nhà đầu tư và nhà thầu.
Cần xem lại luật đấu thầu
Một thực tế nữa được đặt ra là khi nhà thầu trúng thầu với giá rẻ, nhưng có trường hợp khi thi công, đơn vị trúng thầu là chủ thầu nước ngoài không trực tiếp thi công đã đành, mà họ lại thuê chính những công nhân trong nước làm với lực lượng kỹ thuật rất mỏng.
Trong lần kiểm tra dự án thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đầu tháng 6-2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thốt lên: “Không thể để hiện tượng làm đường cao tốc mà đưa nông dân vào làm. Có hiện tượng này cũng bởi một phần giá đấu thầu quá thấp. Các nhà thầu bằng mọi giá để trúng thầu, nhưng khi được rồi, giá thấp quá không làm được lại bỏ bê, hoặc thuê các nhà thầu phụ năng lực yếu kém”.
Một thủ đoạn nữa là chia nhỏ gói thầu thành những dự án nhỏ sau đó thuê doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Tư vấn trưởng Frahcisco Favier de Bonifaz- Tư vấn giám sát Gentisa- Tây Ban Nha giám sát thi công dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho rằng, có sự chậm trễ ở các gói thầu do nhà thầu Posco và Keangnam thực hiện là do nhà thầu ký hợp đồng với quá nhiều nhà thầu phụ, như Doosan ký với 20 nhà thầu phụ. Điều này dẫn đến việc chất lượng không được đơn vị thi công quan tâm làm cho các dự án thi công với chất lượng kém, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình, nhiều bê bối xảy ra. Có nhiều công trình, dự án kéo dài nhiều năm, phải qua nhiều chủ thầu dự án mới hoàn thành và nhiều dự án do các chủ đầu tư nước ngoài thực hiện không hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng không đảm bảo.
Có nhiều kiến nghị cần xem lại luật đấu thầu hiện nay. Vì với luật như hiện nay, giá rẻ được đặt lên hàng đầu và các chủ thầu Trung Quốc thường có lợi thế nhưng tiến độ, chất lượng công trình thì không được đảm bảo. Có ý kiến cho rằng nên bỏ tiêu chí chọn thầu giá rẻ, đã có giá sàn, cần có thêm giá trần dưới trong luật đấu thầu. Và các nhà thầu bê bối cần phải lập danh sách đen, rút kinh nghiệm trong việc chọn nhà thầu vì thực tế hiện nay, nhà thầu CSCEC nổi tiếng bê bối nhưng vẫn tiếp tục nhiều dự án trong nhiều năm là câu hỏi nghi vấn cần phải được đặt ra.
Cần có những biện pháp mạnh hơn trong khâu giám sát của chủ đầu tư trong các công trình đặc biệt là các công trình của chủ thầu nước ngoài, cần có những biện pháp kiểm tra, xử lý mạnh tay hơn đối với những vi phạm về pháp luật Việt Nam. Và cần có biện pháp giải quyết “công nghệ” đấu thầu, việc chạy thầu, xin thầu… Cấm việc chia nhỏ gói thầu cho các nhà thầu phụ và các nhà thầu phụ cũng được đăng ký với nhà đầu tư lớn.
Tiến sĩ Vũ Gia Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng: Hiện nay Luật đấu thầu không được coi trọng, luật mới cần quan tâm đến việc xác định tư cách dự án, tư cách chủ đầu tư.
Theo Dân trí.