Nghe có vẻ lạ nhưng nhiều nữ sinh đang sống - sống một cách sung túc bằng nghề nhậu thuê. Họ được trả tiền để tham gia buổi ăn uống, nhậu nhẹt của cánh đàn ông những lúc tụ tập, gặp gỡ hoặc trao đổi công việc và cả ký kết hợp đồng. Uống được rượu bia, nói chuyện hay thì sau một buổi nhậu họ có thể bỏ túi vài trăm nghìn đồng.
Không phải cuộc nhậu nào của nữ sinh cũng là những bữa nhậu "đơn thuần". (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Chỉ sau một năm đi làm thêm, Hà, sinh viên năm thứ 2 ĐH M đã tự mua sắm được xe máy, laptop, đổi điện thoại xịn… Cô cũng không nhận tiền trợ cấp từ gia đình. Không ai biết rằng, tất cả đều nhờ… rượu mà ra. Công việc làm thêm của Hà là góp vui cho các bữa nhậu.
Hà cũng chưa bao giờ nghĩ đây cũng làm một việc làm thêm. Lần đó, đi sinh anh trai cô bạn cùng phòng , quá vui nên Hà uống một cách thả phanh mà vẫn không say trước sự ngưỡng mộ của mọi người. Thật ra là do hồi nhỏ ở quê Hà nấu rượu, thử nhiều thành quen. Nhiều anh trong buổi sinh nhật xin số điện thoại của Hà. Sau hôm đó thì Hà được các anh rủ đi nhậu. Trước khi về thì được họ “dắt túi” vài trăm nghìn. Từ đó, Hà vào nghề luôn.
“Trung bình mỗi lần nhậu em được trả 200 nghìn nhưng có hôm lên đến tiền triệu vì anh này trả, anh khác còn trả thêm. Nhiều hôm gặp lúc họ “trúng mánh” làm ăn gì đó thì còn được trả bằng tiền đô” - Hà nói.
Hỏi về tần suất công việc, Hà cho biết: “Trung bình một tuần một hai lần, mùa nóng này thì còn nhiều hơn, gần như chiều nào cũng có người “đặt hàng”, thậm chí mấy cuộc gọi cùng một lúc”.
Thủy, sinh viên trường ĐH Văn hóa cũng đã làm thêm bằng nghề nhậu thuê được một thời gian khá dài. Nhờ công việc này, Thủy không những một mình thuê được căn hộ độc lập, có tiền sắm sanh mà cô còn gửi về cho gia đình.
Thủy nói: “Hồi trước em đi gia sư, mỗi buổi dạy 2 tiếng đồng hồ được 25.000 đồng, dạy cả tháng chỉ bằng hai buổi đi nhậu của em bây giờ”.
Theo lời Thủy, cô uống không khá so với nhiều người nhưng bù lại bằng có khả năng ăn nói hóm hỉnh, hài hước. “Không phải cứ cầm chén uống là xong, như thế chỉ vài lần sẽ chẳng ai gọi nữa. Mình phải hiểu câu chuyện trong bữa nhậu của mọi người để “góp vui”. Cũng nhờ mình có khả năng hài hước, lâu lâu chêm một câu làm mọi người đều phải cười nên cũng khá đắt sô” - Thủy khoe.
Đằng sau “ánh hào quang”
Công việc khá đơn giản, thu nhập cao, nữ sinh nào đã có cơ hội làm nghề nhậu thuê, đời chẳng khác nào “một bước lên tiên”. Ăn mặc đẹp, biết nhiều hàng quán, lại quen biết nhiều, thu nhập tiền triệu quả là điều ai cũng mong muốn. Như Thủy trong những lần đi nhậu cô đã nhận được không ít lời hứa hẹn giới thiệu việc làm khi cô ra trường. Thế nhưng, gạt “ánh hào quang” đó sang một bên thì những “diễn viên” này cũng có những nỗi niềm phải giấu kín.
Theo nghề một thời gian dài, Hà vẫn giấu về công việc của mình vì không thể giải thích việc đi nhậu của mình cho mọi người. Cô luôn phải tìm “bình phong” để “qua mặt” nhưng vẫn không tránh được sự nghi ngờ, soi mói của bạn bè.
Hà kể: “Nghe điện thoại lén lút, nghe xong vội vàng thay quần áo trang điểm là chạy đi. Nhiều hôm các anh tiện đường lại đón tận nơi, tối về lại say… Chẳng nói ra thì em cũng biết bạn bè nghĩ em đang làm gì. Nhiều hôm em vừa đi đằng sau đã có tiếng thì thầm: “Khách gọi đấy!”.
Chính vì không chịu được sự gièm pha của bạn bè, Hà đã chuyển khỏi ký túc xá chuyển ra ngoài thuê trọ. Vậy nhưng, cũng chỉ một thời gian, khi thấy sự bất thường trong công việc của Hà, mọi người trong xóm trọ cũng tìm cách né tránh cô. “Có bạn trai nào trong xóm sang phòng em chơi, sau đó sẽ bị mấy bạn gái phòng bên cạnh nhắc nhở ngay: “Cẩn thận, người ta ế khách cho luôn cậu vào tròng đấy”. Hà nói không kìm được những giọt nước mắt: “Thật ra việc này chẳng có gì xấu, mình còn học hỏi được nhiều thứ. Nhưng tai tiếng thì không tránh khỏi, trước sau gì em cũng nghỉ”.
Chỉ nói với cô bạn cùng phòng về công việc đi nhậu thuê của mình nhưng chỉ vài hôm sau, Ng, CĐ L đã phải choáng váng khi nghe bạn bè trong lớp bàn tán ầm ĩ là cô đang làm cave. Chưa kịp trách cô bạn cùng phòng thì mẹ của cô ta từ quê lên, đưa con đi tìm chỗ trọ khác vì: “Con tao không thể ở chung với gái gọi”.
Sống một mình nên dường như Thủy khá tự do làm công việc của mình mà không bị bạn bè gièm pha. Cho đến một hôm, Thủy đang nhậu cùng các anh, các chú ở bên một công ty sản xuất mỹ nghệ ở một nhà hàng trên đường Trường Chinh thì mấy cậu bạn trong lớp đang nhậu ngay bàn bên cạnh. Hôm sau đến lớp, cánh con trai ai cũng nhìn Thủy đầy… e dè, ái ngại.
Thủy thật thà: “Không e dè mới lạ. Nhìn thấy mình ăn mặc đẹp, lại lởi xởi giữa một đám đàn ông ai mà không thấy ái ngại. Ngay đến những người trong cuộc nhậu không biết mình còn nghĩ là… "hàng họ". Những người khác, kể cả những người khách nhậu vẫn không xem mình như một bạn nhậu bình thường”.
“Nhiều bạn gái cũng từ công việc này mà trượt ngã…”- Thủy nói.