[justify]Những ngày ở quê ngoại, sau mỗi đợt mưa rào, cậu tôi lại mang vó, mang lờ ra đồng. Chỉ non nửa tiếng đồng hồ sau cậu đã xách về cả giỏ cá toàn những chú rô đồng béo vàng, con nào con nấy to mẫm, nhảy tanh tách. Ngoại tôi mang mớ cá ra bờ sông sau nhà, đánh vẩy, bỏ mang, bỏ ruột, chặt bỏ vây vây rồi xát muối rửa thật sạch. Ngoại bảo: “Cá rô cứ có mưa rào là rạch lên bờ nên rất dễ bắt. Cá rô mùa gặt là ngon và béo nhất nhưng khi bắt phải cẩn thận! Vì vây và mang cá rất sắc có thể làm mình bị đứt tay”.[/justify]
[justify][/justify]
Cá rô mùa gặt là ngon và béo nhất
[justify]Ngoại chỉ tôi ra vườn lấy sào chọc vài ba quả khế chua, rồi ngoại lấy ở trong bếp ra chiếc nồi đất và lọ tương mà ngoại mới chắt ra từ vài hôm trước. Ngoại lấy nắm rơm cọ trong ngoài chiếc nồi đất cho thật sạch, rồi lót vào đáy nồi một lớp gừng tươi đập dập. Ngoại nói: “Gừng để kho cá nên để cả vỏ mới giữ được mùi thơm”. Sau đó ngoại xếp cá rô đã được làm sạch lên, cứ một lớp cá lại xếp vài lát khế, lần lượt cho đến hết cá. Cuối cùng ngoại cho vào nồi thêm một chút muối, 2 trái ớt, một bát tương, một viên kẹp đắng (mà ngoại tôi đã dùng mật mía đun chảy ra cùng với chút nước để làm kẹo đắng dùng kho cá, kho thịt dần) rồi đổ nước ngập cá, đậy vung chặt lại.[/justify]
[justify]Nồi cá đã chuẩn bị xong, ngoại bắc lên bếp, chất thật nhiều rơm rạ xung quanh, đun to lửa, chỉ vài phút sau nồi cá kho đã sôi, reo lục bục trên bếp nghe thật vui tai. Mùi tương mùi gừng quyện vào với nhau tỏa ra thơm ngào ngạt. Ngoại đốt thêm chút rơm nữa rồi vùi cả nồi cá vào đống tro còn đỏ rực.[/justify]
[justify][/justify]
[justify]
Miếng thịt cá mềm, dai, quánh lại màu hổ phách, xương cá cũng mềm tơi nên chẳng sợ bị hóc xương
[/justify]Chiều đến, nồi cơm gạo mới vừa nấu xong, cả nhà trải chiếu, dọn mâm bát ra giữa sân, nồi cá kho cũng được ngoại tôi gạt tro, kéo ra khỏi bếp và đặt ngay ngắn lên chiếc rế. Vừa mới chỉ mở nồi ra thôi, mùi cá đã tỏa ra thơm lừng làm cho bọn trẻ chúng tôi dạ dầy cứ réo lên ùng ục, thi nhau đưa bát cho ngoại xới cơm. Miếng thịt cá mềm, dai, quánh lại màu hổ phách, xương cá cũng mềm tơi nên chẳng sợ bị hóc xương. Lũ trẻ con chúng tôi cả ngày chạy rong ngoài đồng cưỡi trâu, thả diều, bắt châu chấu mà cũng chén tới ba, bốn bát chơm. Ngoại cười móm mém nhìn chúng tôi với ánh mắt vô cùng trìu mến.
Rồi những ngày hè ở bên ngoại cũng hết, chị em tôi lại lên thành phố để kịp nhập trường. Ngoại không quên gói cho chị em tôi mang theo một bọc cá rô kho được bọc trong những tàu lá chuối. Ngoại bảo: “Cá rô đồng ngoài Hà Nội bây giờ cũng sẵn, nhưng ngoại chẳng có gì làm quà cho các con, chỉ có chút quà quê, để các con nhớ về với ngoại”.
Giờ đây, khi lớn lên, tôi đã có thể tự ra chợ mua cá rô đồng về kho tương, nhưng món cá kho bằng bếp điện, bếp gas, sao có thể ngon bằng món quà quê của ngoại. Bởi tôi hiểu, đó không chỉ là tấm lòng thơm thảo yêu thương của người bà đối với các cháu, mà còn là những giọt mồ hôi của những người nông dân như bà tôi, các cậu, các dì tôi đang ngày đêm đổ xuống ruộng đồng.
Nhớ lắm, ngoại ơi!
Thịt cá cá rô đồng kho tương mềm, dai