hói lòng cảnh mẹ già bán rau muống nuôi 4 người điên
Trừ người mẹ, cả nhà đều mang phải chứng bệnh tâm thần. Mỗi ngày, người mẹ tấm áo sờn vai một mình bươn chải ở chợ để bán rau muống, quét chợ kiếm ngày hai ba mươi ngàn để nuôi 3 người con và một người chồng đều bị mang bệnh tâm thần.
Ngôi nhà nghèo vất vưởng người điên
Chúng tôi ghé về chợ Mai (phường Thủy Dương, TX Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) tìm gặp bà Lê Thị Lựu, người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương nói trên vào chừng giữa trưa.
Nghe hỏi bà Lựu, tiểu thương khắp chợ ai cũng xúm lại chỉ trỏ về phía hàng rau nhỏ nằm ở một góc. “Tội lắm chú nờ, bà Lựu cả nhà bị tâm thần, chú làm sao giúp cho bà ấy với”.
Tiếp chuyện chúng tôi là một người phụ nữ thấp bé, làn da nhăn nhó và đen xạm lại vì dầm nắng mưa nhiều. Khắp cả khu chợ đều xúm lại nghe chúng tôi hỏi chuyện và tranh nhau kể về hoàn cảnh đáng thương của bà. Cạnh đó, người con gái thứ ba của bà là Phùng Thị Lê (23 tuổi), bị tâm thần bẩm sinh đang ngồi một góc chợ xin tiền cũng được mọi người gọi tới.
Đã hơn 20 năm, anh Phùng Hữu Chánh phải sống quanh sợi dây xích và trong căn phòng giam chật chội, hôi hám
Bỏ dở hàng rau cho chị em trong chợ trông, bà Lựu dẫn chúng tôi về ngôi nhà tuềnh toàng của mình, nơi người con trai thứ hai đang bị xích gần 20 năm nay.
Vừa bước vào nhà, một cảm giác u ám đập vào mắt chúng tôi. Căn nhà rách nát và xơ xác đến không tưởng nổi. Trong lúc bà Lựu lên tiếng tìm chồng thì bất giác trong chỏm tối ngôi nhà có tiếng gào thét vọng ra, tiếng nghiến răng kèn kẹt rất đáng sợ.
Gạt vội mồ hôi bà cho biết: “Thằng Chánh đó, hắn đang bị xích ở trong nhà”, rồi bà tất tả vào tháo xích cho con.
Tong căn buồng tối tăm, đứng ngay bục cửa, anh Phùng Hữu Chánh (28 tuổi) đang bị xích chân bỗng vùng vẫy khi thấy người lạ tới. Rồi trong những tiếng la hét, nghiến răng, anh ta tè ngay dưới chân một cách vô thức.
Vừa dọn dẹp cho con, bà Lựu kể trong nước mắt, năm 23 tuổi, bà xa mẹ về theo ông Phùng Hữu Toàn làm vợ. Dù biết ông bị bệnh tâm thần nhưng bà vẫn nhất quyết lấy vì chữ tình quá nặng.
Một năm sau, hai vợ chồng sinh hạ người con gái đầu đến nay đã được 32 tuổi. Vì tâm trí không bình thường nên cô chịu lấy người chồng đã bị tai nạn, yếu tay chân không làm gì được.
Người mẹ đáng thương dường như đã chai sạn với mọi đau khổ tột cùng.
Người con thứ hai là Chánh bị nặng nhất. Bà nhớ lại, lúc anh mới sinh ra được vài tháng, trong một lần giận vợ, ông Toàn đã vớ lấy con mà xoay trên tay khiến con rơi xuống nhà. Có lẽ vì vậy, anh Chánh bị thương nặng, không thể nói được, chỉ biết ú ớ tiếng gọi chó và huýt sáo.
Trong 4 người con, chỉ có người con thứ tư là bình thường hơn anh chị trong nhà nhưng vẫn bất hạnh hơn so với người bình thường, hiện đang được nuôi dạy tại Trung tâm đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật tỉnh. Người con gái thứ ba là Phùng Thị Lê (23 tuổi) ngày ngày theo mẹ ra chợ ngồi lê xin tiền người qua đường.
Hàng rau xếp ở chợ Mai không lúc nào vắng bóng bà.
Trong ngôi nhà này, trừ mình bà Lựu, còn lại ai cũng vướng bệnh không làm gì được. Nhưng rồi “chạy vạy, nuôi con, nuôi chồng thế này rồi tui cũng thành bệnh mất”, bà Lựu nghẹn giọng khi đang lau chùi cho người con trai tội nghiệp.
Trọn kiếp lận đận vì chồng con
Bữa cơm trưa của anh Chánh chỉ là cơm với cá kho. Vừa bón cơm cho con, bà Lựu vừa ghì giữ kẻo con quậy. Cạnh đó, ông Toàn chỉ ngồi vẩn vơ nhìn vô thức mà không giúp gì được. Một ngày của bà Lựu chỉ loanh quanh từ chợ rồi về nhà, chăm bẵm cho chồng con, tìm một phút mà ngồi ngẫm lại cuộc đời để rơi giọt nước mắt tủi phận cũng không thể được nữa.
Bà cho biết, nhà có 7 sào ruộng nhưng rồi không có ai làm nên đành cho người khác thuê làm. Xích con ở nhà, từ sáng sớm bà đã mò mẫm ra đồng thu mua rau, bí rồi mang ra chợ Mai bán. Một bó rau muống ở chợ quê bán ra không thấm tháp gì so với tiền công chứ chưa nói đến lãi để thuốc men, rau cháo cho chồng con.
Nhiều người thương tình mua rau giúp bà
Buổi trưa, chợ đã vãn người nhưng lúc nào bà cũng nán lại chờ người mua. “Được cái người dân quanh vùng ai cũng thương, chị em cùng buôn bán trong chợ lúc thì cho dăm ba ngàn nên tui có thêm tiền mua thức ăn cho con chứ bán rau muống ngày lãi hơn 10 ngàn thì đành nhịn đói cả nhà”, bà Lựu cảm động.
Tuổi đã già, cả ngày chật vật kiếm tiền chăm con nhiều khi không ăn nổi nhưng cứ đến tối là bà lại ra chợ nhận chân quét rác. Chị Hòa, một tiểu thương bán cá ở chợ thương cảm: “Tội cho mệ Lựu lắm, suốt ngày lăn lộn kiếm tiền, nhà thì toàn người điên. Nhà mình có người đau ốm đã cực rồi huống hồ mệ cả đời chăm lo cho những người vô hồn!”.
Vừa bán rau, bà vừa trông nom người con gái thứ ba vẫn ngồi lê trong một góc chợ
Có người mách cho bà làm hồ sơ để gửi anh Chánh vào trại tâm thần. Mấy ngày vừa rồi, bà một mình chạy vạy làm hồ sơ đã lên đến gần triệu bạc, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. Người thân quanh bà người thì ở xa, người thì nghèo nên rốt cục cũng chỉ cắn răng tự xoay xở một mình.
Clip: Gia cảnh của ngôi nhà có 4 người điện và đứa con 25 năm bị xích
“Đời gia đình tui coi như gần hết, giờ tui chỉ mong sao làm được thủ tục để gửi con lên trại”, giấu giọt nước mắt hiếm hoi trên gương mặt đã khô khốc, bà ao ước.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về: Bà Lê Thị Lựu, khu vực 2, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
[size=2]
[/size]
[size=2][/size]