Chuyện shock 2011-12-08 04:28:42

Những anh hùng được cả thế giới ngưõng mộ năm 2011


Không thể không nhắc đến và tôn vinh Fukushima 50, nhóm kỹ sư đã tình nguyện ở lại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 để xử lý tình trạng rò rỉ phóng xạ sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản hồi đầu năm.

Năm 2011 xuất hiện những vị anh hùng được cả thế giới ngưỡng mộ. Họ có thể là những nhóm người thầm lặng như Fukushima 50, những người cuối cùng tình nguyện ở lại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, hay Biệt đội số 6, những nhân vật dũng cảm đã trực tiếp tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Đó cũng có thể là những lính cứu hỏa tình nguyện trong hỏa hoạn ở bang Texas, hay chàng thanh niên người Tunisia tự thiêu để trở thành chất xúc tác cho các cuộc biểu tình chính trị ở đất nước mình.



Biệt đội SEAL số 6





Đó là những người góp chiến công thầm lặng vào cuộc chiến tiêu diệt Bin Laden - trùm khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới kể từ sau vụ tấn công vào New York và Washington ngày 11/9/2001.

Ngày 1/5 vừa rồi, Biệt đội số 6, những nhân vật xuất sắc nhất, tinh nhuệ nhất đã tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden tại một tòa nhà ở Abbottabad, Pakistan, mang lại niềm hân hoan và bình yên cho người dân ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt cho những người Mỹ với nỗi ám ảnh khủng bố đè nặng trong tâm trí của họ suốt 10 năm qua.

Biệt đội số 6 là một đội siêu biệt kích của Mỹ được giao phó nhiệm vụ bất khả thi tại những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất của trái đất. Với thành tích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào đầu tháng 5, họ được coi như những người anh hùng, nhưng họ vẫn thầm lặng và giữ kín danh tính vì những lý do an ninh.




Fukushima 50





Người dân Nhật Bản vinh danh những anh hùng thầm lặng được gọi với cái tên Fukushima 50, tức là 50 người tình nguyện ở lại trong cuộc chiến chống rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Động đất, sóng thần kinh hoàng ngày 11/3 không chỉ tàn phá đất nước và con người Nhật Bản, mà nó còn đẩy đất nước này vào cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng. Rò rỉ phóng xạ sẽ có những tác động vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Trong cuộc chiến với những lõi lò phản ứng đang dần tan chảy ấy, Fukushima 50 đã ở lại nhà máy điện nguyên tử, nỗ lực hết mình vì tổ quốc, vì người dân, vì chính người thân của họ, mặc dù họ biết ở lại vào thời điểm đó đồng nghĩa với việc ký đơn vào án tử hình.

Họ là những nhân viên nhà máy, lính cứu hỏa, chuyên gia… Tuy công việc của họ được vinh danh nhưng rất ít những thông tin về họ được tiết lộ, có chăng chỉ là một số thông tin từ những người thân trong gia đình. Fukushima 50 chính là những người lính cảm tử, những anh hùng thời bình trong lòng người dân Nhật Bản.

Mohamed Bouazizi








Mohamed Bouazizi là nhân vật được coi như chất xúc tác cho các cuộc biểu tình mang tên Mùa xuân Ả-rập. Bouazizi sinh năm 1984, là người bán rau rong trên đường phố của đất nước Tunisia. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 17/12/2010, anh đang đi bán rau trên đường phố như mọi ngày thì bị nhân viên công lực trong thành phố cấm bán hàng rong. Sau đó, họ vứt những mớ rau của anh xuống đường. Tệ hơn nữa, họ đã sỉ nhục người cha đã quá cố của anh, khiến anh cảm thấy bị xúc phạm. Để phản đối những hành động này, Bouazizi đã tẩm xăng tự thiêu mình.

Hành động của Bouazizi giống như một chất xúc tác mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh, biểu tình chính trị ở đất nước Tunisia. Trước áp lực của dư luận và biểu tình ngày 14/1/2011, Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali đã phải từ chức. Biểu tình còn lan rộng trên một số nước khác như Libya, Syria, Ai Cập…

Hành động của Bouazizi được một số nhà bình luận Ả-rập coi là "anh hùng liệt sĩ của một cuộc cách mạng mới ở Trung Đông".




Đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản





Hơn 4 tháng sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản, những nữ cầu thủ của đất nước hoa anh đào đã tạo nên một chiến công ngoạn mục, vẻ vang. Đó là giành chiến thắng trước đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ với tỉ số 4-2 vào rạng sáng ngày 18/7 và trở thành nhà vô địch thế giới 2011.

Bước vào trận đấu với tuyển Mỹ, đội bóng đã từng 2 lần vô địch thế giới vào năm 1993 và 1999, tuyển nữ Nhật Bản ở thế “dưới cơ”. Tuy nhiên, với tinh thần Nhật Bản kiên cường, các nữ cầu thủ đã tạo nên một chiến thắng ngoạn mục đến khó tin. Sau những phút thi đấu căng thẳng, cuối cùng tuyển nữ Nhật Bản đã chiến thắng trong loạt đá penalty cân não và giành chiến thắng chung cuộc trước đội tuyển Mỹ với tỉ số 4-2.




Hội chữ thập đỏ Mỹ





Năm 2011 sắp qua đi, và là một năm nhiều thiên tai xảy ra trên đất nước Mỹ như lũ lụt, bão lốc…. Trong suốt năm qua, Hội chữ thập đỏ của Mỹ luôn bận rộn với công tác cứu hộ thiên tai giúp người dân vùng thiệt hại. Hội chữ thập đỏ đã cung cấp khoảng hơn 1.000 khu tị nạn, 130.000 chỗ ngủ qua đêm cho các nạn nhân thiên tai với 2,6 triệu chăn, áo khoác cho người dân; cung cấp 6,7 triệu bữa ăn và khám sức khỏe miễn phí cho khoảng 133.000 người.

So với năm 2010, rõ ràng Hội chữ thập đỏ của Mỹ năm 2011 đã có nhiều nỗ lực và thành tích hơn. Năm 2010, tổ chức này đã xây dựng 37 trại tị nạn, 8.600 chỗ ngủ qua đêm; phục vụ 349.000 bữa ăn và khám sức khỏe cho 14.000 người dân.




Nữ phóng viên Mỹ bị quấy rối tình dục ở Ai Cập



Đầu năm nay, một nữ phóng viên của kênh CBS (Mỹ) đã bị đánh đập, cưỡng hiếp khi đang tác nghiệp đưa tin về các cuộc biểu tình ở Ai Cập. Đó là nữ phóng viên Lara Logan (39 tuổi). Nữ nhà báo xinh đẹp này bị đánh đập và cưỡng hiếp hôm 11/2 trong đám đông đang reo hò hỗn loạn khi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vừa tuyên bố từ chức. May mắn là sau đó, cô được một nhóm phụ nữ và khoảng 20 binh sĩ cứu sống. Nữ phóng viên này từng đưa tin về chiến sự tại Iraq và Afghanistan. Nhiều nhà báo và người dân Mỹ ca ngợi cô là người dũng cảm, hết lòng vì công việc, dám xông pha vào những nơi hiểm nguy để tác nghiệp.

Dakota Meyer





Dakota Meyer là một cựu hạ sĩ Thủy quân lục chiến của Mỹ. Chàng thanh niên 23 tuổi này hồi tháng 9 vừa rồi đã được đích thân Tổng thống Mỹ Obama trao tặng Huân chương danh dự vì hành động dũng cảm và kiên cường trong chiến đấu.

Cựu hạ sĩ Meyer đã phục vụ tại Afghanistan cùng đội huấn luyện của Thủy quân lục chiến ngày 8/9/2009. Hôm đó, đội này gặp phải hỏa lực mạnh của Taliban tại ngôi làng Ganjgal ở Pakistan. Trong lúc đang xảy ra cuộc tấn công, Meyer đã dũng cảm xông vào giữa hỏa lực để cứu 13 người trong Thủy quân lục chiến và 23 binh sĩ Afghanistan. Anh cũng liều mình quay trở lại nơi nước sôi lửa bỏng để thu hồi xác của 4 binh sĩ Mỹ.

Hành động dũng cảm của Meyer đã được Tổng thống Mỹ vinh danh và trao tặng Huân chương danh dự. Đây là lần đầu tiên một chiến sĩ Thủy quân lục chiến trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan được tặng thưởng huân chương cao quý này. Đây là huân chương cao quý nhất của quân đội Mỹ.




Lính cứu hỏa ở bang Texas (Mỹ)



Trận hỏa hoạn kinh hoàng nhất trong 40 năm qua ở bang Texas vào hồi đầu tháng 9 năm nay đã tàn phá bang này, khiến ít nhất 500 ngôi nhà bị cháy rụi, hơn 25.000 hecta rừng bị đốt cháy, buộc hàng trăm nghìn người phải sơ tán vì lý do sức khỏe. Những người anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến với lửa tại bang Texas chính là những người lính cứu hỏa tình nguyện, những người đã không quản ngại hi sinh để dập tắt lửa và giúp người dân sơ tán tới nơi an toàn.

John Feal





John Feal là một công nhân xây dựng bị thương trong vụ khủng bố vào New York và Washington ngày 11/9/2001. Năm 2003, trong một lần ngồi ăn, anh nhìn thấy một người cha cùng 2 cô con gái đi ngoài đường. Điều khiến ông chú ý là một trong 2 người con gái đó, có một cô bị thần kinh. Anh thấy thương cho cô bé và tự nhủ: “Cô bé rất yêu cuộc sống và không hề biết gì. Cô bé được sinh ra như vậy và không có quyền lựa chọn”.

Sự đồng cảm đã là động lực thôi thúc anh John Feal cùng những nạn nhân khác còn sống trong vụ khủng bố ngày 11/9 tìm luật sư và thẩm phán đòi quyền lợi cho những nạn nhân và những người lính cứu hỏa đã dũng cảm cứu người trong vụ khủng bố. Sức khỏe của rất nhiều người trong số họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả cho sự nỗ lực của anh là ngày 2/1, Tổng thống Mỹ đã ký quyết định chi khoảng 4,3 tỉ USD để bồi thường cho những nạn nhân, những người lính cứu hỏa anh hùng trong vụ khủng bố 11/9.




Gabrielle Giffords





Gabrielle Giffords sinh năm 1970, là một chính trị gia người Mỹ. Bà là thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ, đại diện cho bang Arizona. Bà là một trong những người bị thương trong vụ nổ súng ở Tucson, bang Arizona, khiến 6 người chết.

Bà Giffords bị bắn vào đầu ở cự ly gần và ngay lập tức được đưa tới bệnh viện để phẫu thuật cấp cứu. Khi bà Giffords bị bắn, bà đang chủ trì một sự kiện nhằm đem lại cho các cử tri cơ hội phát biểu trực tiếp với bà. Người ta cho rằng, bà Giffords đã tổ chức khoảng 20 buổi như vậy trước đó để hiểu và được nghe tận tai những ý kiến của cử tri.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)